"Ăn trộm mà còn diễn kịch như thật", clip cậu bé trộm cam được người ta share rồi cười hô hố. Còn tôi xem xong chỉ thấy xót xa cho đứa bé
Đứa trẻ trộm cam thành trò vui
Mấy ngày qua, người ta xót xa trước những câu chuyện về hành vi ấu dâm bệnh hoạn, về những bé gái đáng thương bị xâm hại ngay trong phạm vi chung cư hay cả ở trường học. Rồi người ta cũng ra sức kêu gọi quyền trẻ em và kêu gọi luật pháp bảo vệ trẻ con.
Vậy mà đến hôm nay, tôi lại thấy một đoạn clip khác, không phải ấu dâm, cũng chả phải đánh đập trẻ em, nhưng cũng đớn đau không kém. Trong đoạn clip dài vài phút, một cậu bé khoảng 7, 8 tuổi nhỏ thó bị bắt tận tay đang ăn trộm cam trong cửa hàng nên bị người chủ giữ lại. Sau một hồi xin lỗi không thành, cậu bé bắt đầu giở trò giả vờ bảo rằng bố mẹ đã mất để mong được thông cảm tha thứ nhưng thực chất lúc sau cậu nhóc lại bảo mẹ đi uống rượu rồi. Thậm chí bé còn giả bộ tự đấm vào chân để xin lỗi, quỳ mọp xuống ra vẻ đau đớn xong xin ông chủ cửa hàng thả cho về để mà đi bác sỹ,...
Thế là những hành động ngô nghê của cậu bé khiến biết bao nhiêu người phá lên cười và liên tục like share. Những tiếng cười giải trí… nhẫn tâm.
Cậu bé trộm cam, giả vờ té, giả vờ kể về hoàn cảnh gia đình hòng chối tội (Ảnh cắt từ clip)
Tôi biết, khi tôi dùng hai từ "nhẫn tâm" có thể khiến nhiều người không hài lòng. Nhưng có lẽ sâu trong những hành vi của đứa bé ăn cắp kia, tôi thấy nó thật đáng thương, tội nghiệp, nên những ai like, share rồi cười cợt vào sự đáng thương đó thì tôi đều cho là nhẫn tâm.
Không nhẫn tâm sao được khi những tiếng cười kia có khác nào, "giỏi lắm con, diễn hay lắm con, xuất sắc lắm, con làm đi", "hay quá nhóc ơi, thông minh quá",… kèm theo đó là những lời chỉ trích: còn bé thế mà dối trá, diễn kịch hài y như người lớn... Rõ ràng, hành vi trộm cắp là một hành vi sai trái. Một đứa nhỏ đang "được ủng hộ" bằng những cái vỗ tay, bằng những tiếng cười? Cha mẹ em đâu, ai dạy em quỳ xuống nói dối để thoát tội, thay đổi "lời khai" từ cha mẹ chết sang mẹ còn sống, rồi tự đánh mình, giả vờ đau dể không bị mách lên cô giáo...
Và không đáng thương, tội nghiệp sao được khi mà, có thể ông bà, cha mẹ hay anh chị em nào đó của đứa nhỏ kia xúi nó phải làm như vậy hoặc chính họ cũng đã từng làm như vậy để che đậy hành vi xấu của mình để rồi đứa bé làm theo. Tôi tin rằng không tự dưng một đứa trẻ con nào đó biết cách "diễn xuất" để hòng thoát tội đâu, tôi cũng không tin là những hành vi nói dối "chuyên nghiệp" kia xuất phát từ bản năng, sanh ra đã có đâu.
Những bình luận khoái chí và vô tình của dân mạng khi xem đoạn clip cậu bé trộm cam (Ảnh: Facebook)
Trẻ em là hình ảnh phản chiếu của người dưỡng dục nó. Một đứa trẻ còn nhỏ, như một tờ giấy trắng đang từng ngày, từng giờ học cách làm người từ các bậc phụ huynh. Và chính hành vi và lời nói của người lớn sẽ là những bài học đầu đời quan trọng nhất của bất kỳ đứa bé nào. Trẻ con sẽ học và sẽ làm theo những gì mà trẻ con thấy, trẻ con nghe. Vậy một đứa bé ăn cắp, bị bắt gặp thì ngô nghê chối bỏ bằng cách giả vờ té, giả vờ đau, giả vờ làu làu nói những thứ xót thương về gia đình như được học thuộc lòng từ trước đó thì có chăng, tất cả cũng tại gia đình mà ra.
Xin người lớn, nhất là các bậc phụ huynh hãy cẩn trọng trong hành động, lời nói và ngay cả trong suy nghĩ của mình. Đừng để những hình ảnh phản chiếu của chính mình, trong mắt trẻ con là những hình ảnh xấu. Cũng xin đừng coi thường những câu nói, những hành vi không tốt, đừng xem nó là một thứ gì đó nhỏ nhặt, càng không nên lấy đó làm thứ để thể hiện bản thân vì hậu quả để lại trong tâm trí trẻ con là vô cùng nặng nề.
Bạn đang bạo hành đứa trẻ mà không hề biết!
Nhưng hình như, tôi cảm giác quen thuộc khi thấy người ta đăng đàn clip này lên mạng xã hội để câu like, chẳng phải nó giống như bức ảnh về cô bé bị treo tấm bảng "tôi là người ăn trộm" vào người khi cô bé ấy ăn trộm sách từ một cửa hàng hay sao? Nhắc lại là thấy đau. Trong khi cả xã hội đang ra rả hô hào bảo vệ quyền trẻ con, kêu gọi tôn trọng nhân quyền. Thì mọi người lại chuyền nhau những đoạn clip, hình ảnh về những đứa bé non dại, làm điều xấu trong vô thức để cười, để bỉ bai, để lải nhải về "trẻ con thời nay như thế này này!". Quý vị không lường trước được hậu quả hay sao? Hay thậm chí việc mình làm cũng là một hành vi bạo hành tinh thần trẻ con mà quý vị cũng không hay biết?
Bọn trẻ sẽ ra sao khi lớn lên, những hình ảnh xấu xí đó, gương mặt đó của các em sẽ tồn tại trên mạng xã hội như một vết sẹo không bao giờ được xóa?
Tôi cảm thấy thật tiếc cho những người lớn dùng trí khôn của một người trưởng thành mà áp đặt vào hành vi của một đứa trẻ. Chẳng phải đứa trẻ đó cũng chính là quá khứ mà ta đã từng hay sao? Một hành vi trộm cắp xoài nhà hàng xóm, nói dối bố mẹ đi chơi, cúp tiết trốn học theo bạn theo bè,… chúng là hành vi, là kiểu tư duy con nít mà tôi tin rằng, hồi bé ai cũng đã trải qua.
Có ai còn nhớ cô bé tội nghiệp này không? (Ảnh: Internet)
Nên khi bắt gặp những chuyện như thế hãy dạy cho con nít biết rằng điều đó là sai, sai thì không được làm lại. Cứ nhẹ nhàng và dịu dàng rồi những cô bé, cậu bé rồi cũng sẽ trở thành người tốt hơn. Chứ làm ơn, đừng đay nghiến, đừng đăng đàn mạng "ảo" để câu like, cười cợt. Tinh thần của những đứa bé, mong manh và dễ trầy xước lắm, một vết sẹo kéo dài trong tâm lý sẽ để lại những hệ lụy đau buồn mà những đứa bé sẽ là nạn nhân và chính chúng ta là những kẻ "thủ ác".
Xin hãy ngần ngừ do dự trước 1 nút like, share, khi mà khuôn mặt trẻ thơ vẫn đó, chưa được xóa mờ, hàng ngàn hàng triệu người sẽ nhìn thấy hình ảnh đó mà cười vui, mà bàn tán. Họ đều không hề biết rằng chính họ đang gián tiếp bạo hành tàn nhẫn tinh thần đứa trẻ non nớt và chưa thể tự vệ trên mạng xã hội xô bồ kia...
quyền trẻ em, hành vi trộm cắp, hình ảnh phản chiếu, câu like, tàn nhẫn, bạo hành trẻ em, tinh thần