Đời sống

Lượng việc không lương của phụ nữ trị giá 10.000 tỷ USD

Khối lượng các công việc như nội trợ, chăm sóc gia đình do phụ nữ toàn cầu đảm nhận có trị giá 10.000 tỷ USD mỗi năm, tước đi của họ thời gian, cơ hội phát triển sự nghiệp.

Theo báo cáo "Một nền kinh tế mang lại lợi ích cho phụ nữ" của Oxfam, tình trạng bất bình đẳng giới đã dẫn đến việc phụ nữ mặc định phải gánh vác khối lượng việc nhà gấp 2-10 lần đàn ông.

Tổng khối lượng các công việc nội trợ không lương của phụ nữ được định giá lên tới 10.000 tỷ USD, lớn hơn tổng GDP của ba nước Ấn Độ, Nhật Bản và Brazil cộng lại.

Lượng việc không lương của phụ nữ trị giá 10.000 tỷ USD - Ảnh 1.

Phụ nữ toàn cầu đang phải gánh vác phần việc nội trợ không lương trị giá 10.000 tỷ USD mỗi năm. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Báo cáo cho rằng các công việc nội trợ mà phụ nữ gánh vác đang bị xem nhẹ do không tạo ra thu nhập thực tế, tuy nhiên giá trị của chúng lại không hề nhỏ. Ngoài việc không được đánh giá đúng mức, các công việc nội trợ còn khiến phụ nữ không có đủ thời gian để phát triển sự nghiệp, học tập.

Ví dụ như phụ nữ mặc định phải giúp đỡ gia đình trong việc nấu nướng, dọn dẹp thay vì có thêm thời gian học tập, phát triển bản thân như con trai.

Những định kiến xã hội đã hạ thấp giá trị của phụ nữ và hạn chế công việc của họ. Nghiên cứu tại 67 quốc gia đang phát triển chỉ ra trung bình cứ 5 nam giới lại có một người không đồng tình với việc phụ nữ đảm đương những công việc khác ngoài công việc nội trợ, thậm chí ngay cả khi họ có đủ năng lực để đảm nhiệm.

Không chỉ gánh vác các công việc không lương, phụ nữ còn hưởng lương ít hơn nam giới ở gần như tất cả các lĩnh vực. Ở cấp độ toàn cầu, khoảng cách thu nhập trung bình giữa hai giới ở mức 23 và trong các công việc được trả lương, số lượng lao động nữ hiện thấp hơn 700 triệu người so với nam giới.

Theo khảo sát của Oxfam, những lao động nữ làm việc tại các công ty dệt may ở Việt Nam và Myanmar đã cho biết họ phải làm việc trong thời gian dài, đôi khi tới 18 tiếng một ngày, hoặc phải làm việc cả ban đêm. Tuy nhiên, khoản tiền công họ được trả không đủ để họ trang trải cho cuộc sống của bản thân và gia đình.

Thực trạng này đang xảy ra ngay tại những công xưởng của những thương hiệu nổi tiếng và có lợi nhuận lớn Zara. Ông chủ của thương hiệu này là Amancio Ortega, hiện là một trong 8 người đàn ông giàu nhất thế giới hay H&M, do Stefan Persson sở hữu, hiện đứng thứ 32 trong top những người giàu nhất theo bình chọn của tạp chí Forbes.

Ở khu vực châu Á, thu nhập phụ nữ kiếm được chỉ bằng khoảng 70-90% so với nam giới. Một trong những nguyên nhân lý giải thực tế này là do phụ nữ chủ yếu đảm nhận những công việc được trả lương thấp nhất và chủ yếu làm việc trong những khu vực không chính thức.

Có khoảng 75% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực không chính thức, trong đó họ không được hưởng các chế độ như nghỉ ốm hay nghỉ thai sản được hưởng lương.

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam cho biết tổ chức này khuyến nghị chính phủ và doanh nghiệp ở các quốc gia đảm bảo các cơ hội kinh tế cho phụ nữ.

Trước hết, phụ nữ cần được đảm bảo có công việc thích đáng, bao gồm thu nhập bình đẳng, hợp đồng lao động ổn định và điều kiện lao động an toàn.

Thứ hai, công việc chăm sóc không lương cần được ghi nhận, giảm thiểu và tái phân bổ.

Sau cùng, theo lãnh đạo Oxfam, tiếng nói của phụ nữ trong các phong trào lao động, bình quyền, sự tham gia và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trên chính trường cần được ủng hộ.

aFamily

chăm sóc gia đình, bất bình đẳng giới, việc nội trợ, Phát triển bản thân, định kiến xã hội, lao động nữ


      © 2021 FAP
        3,781,990       988