"Chúng ta đã từng bị ép toàn diện, chúng ta bị ép khéo léo, bị ép "thùy mị, nết na, thủy chung, hi sinh", bị ép "nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "thiên chức của phụ nữ là làm mẹ", bị ép "giỏi việc nước, đảm việc nhà", bị ép "đàn bà xây tổ ấm"... Chúng ta bị ép vác nhiều cây thánh giá trên lưng quá...".
Tối qua, một người bạn của tôi vừa bức xúc vừa tha thiết nhắn qua inbox: "Hà ơi, đừng kể về những việc của nhà mình nữa, đừng vạch áo cho người xem lưng! Tôi yêu quý hình ảnh Hà ngày xưa, áo dài, tóc dài, ngoan hiền thùy mỵ, Hà à!".
21 năm đầu đời tôi ráng làm con ngoan. Ra trường, tôi ráng làm giáo viên 4 năm đầu khuôn phép, mẫu mực. 16 năm sau làm báo, nhưng thật ra tôi chỉ làm phóng viên có vài tháng, rồi gần như ngay lập tức thành người ngồi sau máy tính, làm biên tập viên, rồi làm thư ký tòa soạn. Tôi thậm chí hầu như không xuất hiện tên sau mỗi bài viết trên báo. Tôi chỉ tổ chức bài, tổ chức nhân sự, sửa bài và "lên mâm", tôi gần như mất tên, ngoại trừ dòng chữ nhỏ xíu cuối tờ báo.
Tôi giấu mình kín bưng trong cái kén, gói kín những suy nghĩ, những tâm tư trước đồng nghiệp, và người thân và người lạ. Ai cũng tưởng là tôi ổn.
Gia đình tôi gặp sự cố, tôi mất ngủ triền miên, tôi cũng giấu. Tới khi nhìn thấy một người bạn rất thân mất vì trầm cảm ngay bên cạnh mà không kịp can thiệp, không kịp giúp gì, tôi hiểu mới hiểu cảm giác bất hạnh, cảm giác đơn độc nó kinh khủng thế nào, kinh khủng hơn cả cái chết. Tôi nhận ra rằng cảm xúc có thể giết người nhanh hơn ung thư nữa.
Những ngày tháng đó, lội ngụp trong mục Tâm sự của một diễn đàn dành cho phụ nữ, tôi đọc những thất vọng, những đau đớn tan nát khi chồng có bồ, khi ra tòa ly hôn, khi đấu tranh với trùng điệp những oan nghiệt từ mẹ chồng em chồng, họ hàng nhà chồng, rồi chuyện sếp, chuyện người thứ 3...
Trong những topic về Giáo dục thì ai nấy comment thoải mái, công khai, còn vào mục Tâm sự thì nhiều mẹ khai rằng em đã phải lập nick mới, rồi em mới dám comment. Tôi cũng thế, bước vào mục tâm sự tôi chỉ bí mật "lượn tàu ngầm".
Nhưng ở đó cứ như một khu rừng nhiệt đới, từ mối dây này tôi lần ra mối dây kia, từ một dây leo tôi tìm ra một cây cổ thụ. Tôi tìm thấy những thông tin về các khóa học kỹ năng làm cha mẹ, những khóa học về tâm lý, về giá trị sống. Tôi nhìn thấy một tập thể thầm lặng và bền bỉ chống lại bất hạnh. Có thể chỉ bằng nước mắt, bằng than thở, có người phải ẩn danh, có người không dám dùng nick thật, nhưng thực sự là họ vô cùng can trường.
Tôi cảm giác được cứu sống.
Thế rồi tôi thay đổi. Tôi kể chuyện, tôi chia sẻ. Tôi kể về những thất bại của mình, những sai lầm, những nỗi đau của mình.
Tôi bắt đầu dám bóc trần mình ra, phơi những vết sẹo nhạy cảm nhất của mình trước hàng ngàn con mắt. Khi bộc lộ con người nguyên bản của mình, tôi có những rủi ro, cũng như khi bạn tung tẩy chiếc túi LV mắc tiền đi trên đường phố nhiều cướp giật ấy. Nhiều người đã ném đá không thương tiếc "Có ngày trắng mắt ra đấy mà", có người khinh miệt: "Hóa ra là chỉ có thế! Tôi thất vọng". "Tôi mà là bố mẹ bạn chắc tôi sẽ đau lòng lắm khi đẻ ra bạn". Rồi "bạn này muốn con làm đĩ à!". Ngạc nhiên là phần lớn người ném đá lại là phụ nữ.
Hôm nay một người bạn mới quen hỏi tôi: "Đọc Facebook chị nhiều khi thấy có những người vào comment vô duyên quá, chị không tức à? Em mà như thế chắc là em điên lắm!".
Tôi cũng điên chứ, cũng tức chứ. Nhưng mình đã chọn thì mình làm thôi. Thậm chí, từ một người 16 năm núp sau máy tính, giờ có lúc tôi phải đứng trước những buổi tọa đàm cả ngàn người, mặc dù lần nào nhìn thấy sân khấu, thấy khán giả tôi cũng có cảm giác muốn thoái lui.
Tôi nghĩ, nếu sự hi sinh những riêng tư của mình, chỉ cần giúp một người nào đó được an ủi, giúp môt người nào đó đứng mấp mé trên vực ở những phút giây nguy hiểm của trầm cảm, ngoái đầu lại phía sau nhìn lại con mình, nhìn lại người thân của mình, nhìn những bất hạnh mà mẹ Xu Sim đã phải chịu, để hiểu rằng mình không đơn độc.... vậy cũng đáng rồi.
Chúng ta đã từng bị ép toàn diện, chúng ta bị ép khéo léo, bị ép "thùy mị, nết na, thủy chung, hi sinh", bị ép "nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "thiên chức của phụ nữ là làm mẹ", bị ép "giỏi việc nước, đảm việc nhà", bị ép "đàn bà xây tổ ấm"... Chúng ta bị ép vác nhiều cây thánh giá trên lưng quá...
Vậy thì có tôi đây ạ, tôi nuôi con đầy sai lầm, con tôi còi cọc, suy dinh dưỡng, con tôi chậm lớn, ốm đau dầm dề. Có tôi đây, tôi thất bại trong tình yêu, tôi thất bại trong hôn nhân. Có tôi đây, tôi học nhầm trường, tôi đi nhầm nghề...
Nhưng chúng ta xứng đáng mà! Hình như chính phụ nữ đang xét nét phụ nữ nhiều quá. Phụ nữ bọc chính mình và những người khác trong cái kén phải toàn mỹ vô điều kiện. Họ không tha thứ cho ai đó nếu đi chệch đường ray, và cũng không tha thứ cho mình nếu mình lỡ làm sai, lỡ yếu mệt, lỡ bất hạnh.
Chúng ta đâu phải là những người làm vườn, cầm cái kéo, thấy bông hoa nào đẹp thì tôn vinh, bông xấu thì cắt bỏ? Chúng ta phải được quyền sai lầm, phải được quyền yếu đuối, được quyền sống như một con người bình thường. Được quyền sống trung thực với đúng nguyên bản của mình.
Tôi chẳng hô hào cho nữ quyền. Chẳng cần bạn vác đá vá trời, chỉ cần bạn là chính mình, trung thực và có ích, là bạn đã rất mạnh mẽ và dũng cảm.
*Nhà báo Thu Hà (mẹ Xu Sim) là tác giả cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết", hiện đang công tác trong lĩnh vực báo chí truyền thông, sống cùng 2 bé Xu, Sim tại Tp.HCM.
Biên tập viên, học kỹ năng, Giá trị sống, buổi tọa đàm