Lại là chuyện "bình mới rượu cũ", nhưng chưa bao giờ hết hot trong mọi cuộc buôn dưa của chị em: những nàng dâu khóc ròng vì 1 mình "chiến đấu", rửa bát đám cỗ nhà chồng!
Những lúc rảnh rỗi, tôi thường hay rủ vợ chồng anh bạn đi ăn uống khắp các hàng quán bình dân quanh Hà Nội. Không nhà hàng sang chảnh, không tên tuổi đình đám này kia, anh bạn tôi thích ngồi ăn đồ nướng, lẩu vỉa hè, vì anh ấy là người Hàn, sau khi cưới vợ Việt thì rất thích trải nghiệm kiểu đường phố như thế, và anh ấy cũng bảo rằng đi ăn ngoài nhiều để vợ đỡ phải dọn dẹp ở nhà.
Nghĩ đến đôi vợ chồng son ấy, rồi nhìn bức ảnh núi bát đĩa đang hot rầm rĩ trên một diễn đàn mạng có cả triệu thành viên, tôi lại rùng mình sợ sợ. Bây giờ chưa lấy chồng được bố mẹ thương quý, rửa cái nồi chiếc đũa cũng nhẹ nhàng, đến lúc đi làm dâu, chẳng biết tôi có thoát khỏi "thảm cảnh" một mình giải quyết cả bãi chiến trường như thế này không?
Cô gái nào ngồi lọt giữa đống mâm bát cả nghìn cái thế này, chắc cũng không ai tìm ra...
Sau khi bức ảnh này xuất hiện trên mạng xã hội, lập tức cư dân mạng lại xôn xao hàng nghìn ý kiến trái chiều. Nào là "Tội cho cô gái ấy, cưới chồng rồi phải còng lưng bạc mặt dọn dẹp cho cả họ nhà chồng", "Ăn được miếng xôi thì rửa hết cả cánh đồng bát đĩa", "Khổ thân cho chị nào đi làm dâu nhà này, chẳng lẽ không có ai phụ giúp hay sao?"... Chưa rõ ai là người chụp bức ảnh, và "bãi chiến trường" này để dành vào tay cô gái nào, nhưng dù là ai đi chăng nữa, nếu phải 1 mình giải quyết tất cả chỗ cỗ bàn vừa bẩn vừa ngồn ngộn này, thì thật tội nghiệp.
Tôi quý anh bạn người Hàn ở trên nhất là ở điểm tâm lý với vợ. Anh thường kể với tôi là ở quê hương anh, người ta rất coi trọng văn hóa gia đình, đàn ông làm chủ và thích lấy những người phụ nữ biết chăm lo, quán xuyến mọi việc trong nhà. Tuy nhiên, bây giờ phụ nữ Hàn ngày càng có giá, do nữ ít hơn nam, và họ cũng ngày càng độc lập tự chủ, giỏi giang hơn, nên chuyện kiếm một cô vợ khéo tay hay làm, rồi "bắt" phải ở nhà mặc tạp dề bếp núc giặt giũ là chuyện hơi khó. Anh bạn tôi sang Việt Nam sống 6 năm, lấy vợ sinh con xong anh ngày càng thoải mái, tôi cứ hay trêu rằng ghen tị với vợ anh vì có ông chồng quá tuyệt vời, lúc nào cũng yêu chiều vợ con, chẳng gia trưởng tí nào. Chuyện nhà cửa, dọn dẹp, nuôi con, anh ở bên vợ sẻ chia 24/24, thậm chí bỏ cả công việc lương hàng trăm triệu 1 tháng chỉ để ở gần tổ ấm nhỏ, và nấu ăn cho vợ mỗi ngày.
Nàng dâu trưởng 20 tuổi từng gây bão vì một mình xử lý 17 mâm bát trong đám cỗ nhà chồng hồi cuối năm ngoái, khiến chị em đồng cảm vô cùng.
Hiếm có người đàn ông nào suy nghĩ chu đáo như thế. Biết rằng vợ mình sinh ra làm con gái đã thiệt thòi nhiều thứ, rồi quan niệm truyền thống bó buộc phụ nữ trong khuôn khổ phép tắc gia đình, nên anh ấy đã bù đắp cho vợ thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và được sống thoải mái trong ngôi nhà riêng của họ. Anh biết rằng sau cánh cửa nhà mình, ngoài kia vẫn có những người phụ nữ bất hạnh, những bà vợ tủi thân vì đủ thứ việc không tên khiến họ bận rộn mỗi ngày. Ngày lễ Tết, giỗ chạp họ lại càng cực khổ hơn, vừa phải nấu ăn, vừa dọn dẹp, rồi lại còng lưng ra rửa một núi bát đĩa, thay cho hàng chục con người đến vô tư bày bừa nhậu nhẹt rồi cắp mông đi về. Tại sao cứ phải mặc định chuyện rửa dọn là của phụ nữ? Đàn ông xắn tay vào làm chung thì chết hay sao? Rồi cả những cô gái lười biếng nữa, có chị em dâu trong nhà là thích đùn đẩy, mặc kệ cho họ xắn tay gạt nước mắt lầm lũi bên chậu xà phòng và núi bát đĩa ngồn ngộn như chiến trường, không dám than thở cùng ai. Bởi hé răng than vãn nửa lời thôi, lập tức họ sẽ bị mắng chửi. Cùng là phận nữ nhi, sao lại khiến nhau tủi phận đến vậy?
Nhìn thấy thương không kém những tấm ảnh trên, là cô dâu trẻ chưa kịp tháo vương miện đã vục mặt vào hàng chục chậu bát đũa sau đám cỗ mừng hạnh phúc.
Nhìn mâm bát chất đống thế này liệu có ai không nản?
Xã hội có hiện đại bao nhiêu thì người ta vẫn lấy chuẩn mực cũ để đánh giá một người con gái. Nhất là đi lấy chồng thì càng bị xem xét kỹ càng hơn. Dù bây giờ nhiều cô nàng tự hào khoe bố mẹ chồng dễ tính, khoe được ông xã cưng chiều, đi ăn cỗ không phải rửa bát... nhưng ngoài những lời ca tụng ngưỡng mộ từ phía chị em, thì đâu đó vẫn còn không ít cái bĩu môi, chê khéo rằng "vợ như thế thì vứt đi, chỉ biết hưởng thụ, vui vẻ, không biết làm lụng việc nhà". Chỉ có mỗi cái chuyện cũ rích là "đi lấy chồng thì phải rửa bát", tự giác nhảy vào làm hết tất cả để được khen là dâu đảm vợ hiền. Nghe sao mà chua xót...
rửa bát, nỗi khổ chị em, cô dâu rửa bát