Ở môi trường lịch sự và mang tính nghiêm túc như văn phòng, ai cũng nghĩ là mọi thứ đều chỉn chu, nhưng sự thật thì không hẳn là vậy. Đâu chỉ riêng mỗi WC, đằng sau những chiếc bàn giấy ẩn chứa nhiều thứ xấu xí mà chị em ghét, sợ hãi, ám ảnh.
"Xin phép cho em mắng đứa nào đó phát!
Bình thường thì em không vào nhà vệ sinh ở cơ quan đâu. Vì nó thực sự khiến em kinh hãi sau vài lần vào: giấy vứt tùm lum - có hôm mở cửa thấy nguyên một dải giấy treo lủng lẳng dài ngoằng ở móc cửa, đồ ăn thừa đổ tòe loe ở bồn rửa tay, mùi kinh dị, vài lần bị các chị gái hồn nhiên vẩy nước vào mặt rồi coi như không... (kể ra chắc nhiều người muốn ói). Hôm nay trót uống nhiều nước, để tận qua giờ trưa mới rón rén vào. Ấy thế mà... Phải nói 1 cụm là: Kinh dị! Có vẻ như các chị cho rằng: nhà vệ sinh công cộng, không phải dọn nên các chị bày thế nào cũng được. 'Đi nặng' xong, các chị rửa nước xả lênh láng ra sàn. "Sản phẩm" của các chị lây nhây từ phòng vệ sinh ra tận bồn rửa... Là con gái mà chả hiểu ý thức với não để ở đâu. Trông ai cũng lịch sự, sang chảnh, môi son, má phấn ấy thế mà thiếu văn minh từ trong cái toilet thiếu ra!!!".
1001 nỗi ám ảnh bên trong những tòa nhà công sở đẹp đẽ.
Vâng, trên đây không hẳn là lời chửi khéo, xúc phạm hay gì đó đại loại thế, mà đó là lời bức xúc vô cùng đại diện cho nỗi lòng của rất nhiều chị em công sở khi nghĩ đến nỗi khổ mang tên "nhà vệ sinh cơ quan", do một cô gái tên là Thu Hà "biên soạn". Suốt bao năm đi làm, chị Hà thường không dám dùng WC chung của công ty vì đã vài lần chạy mất dép với những cảnh tượng "đáng sợ" chính mắt chị trông thấy như trên.
Ở một môi trường lịch sự và mang tính nghiêm túc như văn phòng, ai cũng nghĩ là mọi thứ đều chỉn chu, nhưng sự thật thì không hẳn là vậy. "Dạo quanh" một vòng các công ty, văn phòng làm việc tại một số khu vực như Thanh Xuân, Cầu Giấy... dễ thấy một điểm chung là nhà vệ sinh chung luôn có người dọn dẹp, song cứ nhắc đến là phái đẹp đều nhăn mặt, bởi có quá nhiều thứ bất tiện, khó chịu từ đó mà ra. Song, đâu chỉ riêng mỗi WC, đằng sau những chiếc bàn giấy cũng ẩn chứa nhiều thứ xấu xí mà chị em ghét, sợ hãi, ám ảnh. Và rất buồn là nhiều khi cái "xấu xí" ấy lại do... chính phái đẹp mắc phải, đến từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày khó bỏ. Ví dụ như chuyện ăn trưa, cánh đàn ông thường rủ nhau ra ngoài ăn hàng, vừa tiện bia bọt chém gió, vừa đỡ lích kích bày bừa ra văn phòng. Trái lại, rất nhiều phụ nữ từ trẻ tuổi đến trung niên lại có thói quen mang cơm hộp tới chỗ làm, vừa tiết kiệm chi phí lại đảm bảo vệ sinh an toàn.
Bánh mì, đồ ăn vặt... và nhiều thứ "rau mùi" khác vô tư trên bàn để "tra tấn" đồng nghiệp.
Tuy nhiên, cái chuyện mang cơm hộp cũng nảy sinh lắm thứ bi hài: buổi sáng xách đồ ăn lên để trong túi kín mít không sao, nhưng đến trưa thì... ôi thôi, văn phòng chục người thì 8 người mở nắp cơm với thức ăn, đủ thứ mùi hòa quyện vào nhau. Đói bụng thì ai cũng thấy thơm phức, nhưng ngửi lâu thì... phát sợ bởi những mùi ấy "tra tấn" khứu giác khá đáng sợ, nhất là mùi mắm, xì dầu, nước tương, hoặc hành tỏi. Ăn xong rồi, ngồi cả chiều cứ ngửi thấy các loại mùi ấy quẩn quanh ám vào người, chẳng ai tập trung được, chưa kể đến cảm giác "kinh kinh" khi không gian làm việc chẳng khác gì cái nhà bếp công cộng, cả người ăn lẫn "nạn nhân" xung quanh đều phải chịu đựng như nhau.
Cảnh tượng này quá quen thuộc với chị em rồi nhỉ?
Lót giấy thế này còn lịch sự chán.
Nhiều người thích "trần trụi" thế này để gạt xuống sọt rác cho nhanh.
Ăn cơm bữa chính rồi, tất nhiên phải nhắc đến sở thích chung của mọi cô gái, ấy là... ăn vặt. Nào hoa quả trái cây, nào là hướng dương, bò khô, hạnh nhân, bánh kẹo... Đủ thứ trên đời chị em có thể bày ra bàn làm việc, ai lót giấy/ túi còn đỡ, không thì cứ "tương" thẳng lên một góc bàn rồi sau đó gạt một nhát xuống dưới đất, hoặc để đấy cho các cô lao công dọn. Cái bàn làm việc biến thành bàn bếp với đủ thứ linh tinh rác, túi to túi nhỏ đồ ăn trong ngăn kéo, đặt trên kệ hồ sơ... khiến đồng nghiệp nam cũng phải lắc đầu.
Ẩn giấu sau những chiếc màn hình máy tính, là vài chai tương ớt, giấu sếp để ăn cơm, chấm mực khô...
Giật mình với chiếc bàn giấy luộm thuộm như ổ chuột, lại còn cả nước sốt mayonaise???
Mặc dù nhiều công ty, văn phòng đã ra quy định không cho mang đồ ăn nặng mùi, nước chấm các loại... nhưng dường như không thể kiểm soát được hết.
Chai xì dầu này dù đã bị "cô lập" ở góc bàn nhưng mùi của nó thì bay xa khắp cả tòa nhà.
Bàn làm việc vừa lôi thôi, vừa đầy vỏ túi, hộp đồ ăn thức uống.
Rồi ăn trưa xong mọi người ôm đồ đi rửa, nào hộp nào chén, thìa dĩa lung tung... Chị em "thủ" sẵn chai nước rửa bát kèm nùi rửa để ở... bồn rửa mặt chung, biến cái chỗ soi soi ngắm ngắm hàng ngày thành bồn rửa bát. Mà đâu phải sạch sẽ gì cho cam, lắm người vô ý thức, hoặc lười, rửa qua quýt cho xong nên cứ mang vào dội qua, bao nhiêu cơm thừa canh cặn rơi rớt quanh cái bồn rửa trong nhà vệ sinh, rồi cái nùi rửa chẳng bao giờ được giặt sạch phơi khô, cứ vứt trên mặt bồn bao nhiêu người dùng qua nên... không ai cam kết được độ sạch sẽ của nó. Nơi ấy vốn dĩ đã không "thơm tho" cho lắm, thêm cái cảnh tượng khá bẩn thỉu lôi thôi khiến phái đẹp cảm thấy nhiều WC công sở thật kinh dị.
Tiện thể luôn, cái sự đi vệ sinh của chị em cũng rất đáng nói, mà nhiều khi chính phái đẹp cũng phải bức xúc lẫn nhau vì có những người dùng nhà vệ sinh chung theo cái cách... hơi "thổ dân", ý thức khá kém. Đa phần phụ nữ công sở đều rất chỉn chu sạch sẽ, họ ưa thích môi trường làm việc trong lành, bản thân họ cũng rất biết giữ gìn vệ sinh, phù hợp với hình ảnh nghiêm túc của bản thân. Tuy nhiên, một số người lại hơi vô tâm, cho rằng vệ sinh chung thì sẽ có người dọn, hoặc lỡ gây ra vài chuyện xấu hổ thì không ai nhìn thấy cũng chẳng sao, nên họ thờ ơ với những cảnh tượng xấu xí do chính mình gây ra, không quan tâm đến chuyện nó trở thành "ác mộng" cho người đến sau như thế nào. Chị Phương Nga (32 tuổi) nhân viên một ngân hàng tại khu vực Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cũng từng phải đăng một status rất ngắn gọn nhưng vô cùng thống thiết, bày tỏ nỗi niềm đau khổ sau khi gặp cú sốc ở chỗ làm: "Thế quái nào lại có thể loại đi vũ trụ xong không dập nước hả cô nào đấy cùng tầng với mình ơi???". Đọc vậy thôi là dân công sở cũng hiểu luôn vấn đề rồi. Chỉ biết chép miệng thở dài và... né ra, chứ ai muốn là "thủ phạm" lẫn nạn nhân trong mấy vụ như này chứ.
Bước vào nhà vệ sinh, gặp cảnh này chị em toàn phải nhắm mắt bịt mũi cho qua để "giải quyết".
Những vệt nước vàng ố khó hiểu trên sàn nhà vệ sinh mang theo mùi amoniac khá ám ảnh.
Và minh chứng kinh dị cho chuyện thừa giấy thiếu não, mà rất nhiều người từng gặp phải.
Nói ra thì nhạy cảm, nhưng đúng là phải nhắc nhở một số chị em rằng, không nên lau chùi xong vứt giấy vệ sinh lung tung, có thùng rác hẳn hoi tại sao cứ thích vứt bừa bãi, hoặc ném toẹt vào trong bồn cầu xong rồi... không thèm dội nước? Kinh dị hơn, cô gái nào "tới tháng" phải thay trong nhà vệ sinh, đã không cuộn vào vứt đi cho cẩn thận, lại còn ném thẳng vào sọt rác nguyên miếng, khiến ai vô tình trông thấy cũng buồn nôn.
Cô H. (30 tuổi) làm nhân viên dọn vệ sinh tại một tòa nhà văn phòng lớn trên đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã được mấy năm, những cảnh "xấu xí" như trên cô là người gặp phải nhiều nhất. Ngày nào cũng quanh quẩn dọn dẹp cả chục cái nhà vệ sinh khắp các tầng, cô than thở: "Nhà vệ sinh nào bọn tôi cũng lau chùi, khử mùi rất sạch sẽ, nhưng mọi người vào đều ý thức rất kém, cả nam lẫn nữ. Dọn nhà vệ sinh vốn đã là công việc không vui vẻ gì, phải chịu đủ thứ mùi kinh khủng, mà suốt ngày phải đi đổ giấy rác hộ các chị, đồ ăn thừa cũng đổ vào đấy, xé vứt lung tung, nhắc rồi vẫn không được. Bồn cầu thường xuyên tắc vì mọi người cứ quăng đồ linh tinh xuống đấy, dù đã dán biển rất to là không vứt giấy hay bất kỳ cái gì vào bồn rồi, vẫn như kiểu không biết chữ. Thế nên thỉnh thoảng có chị kêu ầm lên, túm lấy tôi bảo là phòng vệ sinh có người "đi nặng" không dập nước, kinh tởm các thứ. Tại các chị chứ đâu? Ai cũng ý thức một chút thì tốt cho mình chứ tốt cho ai. Cứ bảo chúng tôi hay càu nhàu, thực tế nếu làm việc như tôi mới hiểu bức xúc như thế nào".
Kể ra thì cũng khá bôi bác, nhưng rất nhiều cô nàng công sở nhăn mặt rùng mình khi nghĩ đến vệ sinh chung ở cơ quan. Từ khu WC ra đến khu bàn giấy, đâu đâu cũng có những cảnh ám ảnh chị em, lên facebook kêu la biết rằng anh Mark Zuckerberg không giải quyết hộ được, dăm ba like với comment đồng cảm cũng chẳng cải thiện được gì, thôi thì tránh được là tốt, còn lại thì tự mình khắc phục, bét nhất cái chuyện mang cơm đến văn phòng và cả thói quen ăn vặt, các cô nàng nên tự ý thức gọn gàng thì hơn.
chuyện công sở, nhà vệ sinh công sở, chị em công sở, văn phòng, ý thức công sở