Hành trình “phượt” Sài Gòn – Hà Nội chỉ với vẻn vẹn 40 tiếng của hai cô nàng 9x đã thu sự quan tâm đặc biệt của những người mê du lịch và đặc biệt cộng đồng phượt.
Hành trình gây "sốc" của hai cô nàng 9x đến từ Đồng Tháp
Trên nhiều diễn đàn phượt và du lịch mới đây, các phượt thủ đặc biệt quan tâm đến hành trình từ Sài Gòn – Hà Nội trong vòng 40 tiếng của Võ Huyền Thiên Thư và em gái. Đi từ tối mồng 4 tết Đinh Dậu, hai cô gái trẻ có mặt taị Hà Nội tối mồng 6 Tết sau khi vượt qua quãng đường dài hơn 1800 km.
Theo lời chia sẻ của cô gái đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, sau 2 ngày chạy xe liên tục, hai cô gái quay ngược hành trình trở lại từ Hà Nội vào Sài Gòn trong vòng hơn 1 tuần. Tổng chi phí cho cả chuyến đi là 8 triệu/9 ngày.
Chia sẻ về hành trình đi từ Sài Gòn ra Hà Nội trong 40 tiếng, Thiên Thư còn cho biết họ đã bất chấp chạy xe trong mưa bão, vận tốc trung bình khoảng 80km/h.
Khi được biết hai cô gái đã đi xuyên Việt với vận tốc khoảng 80km/giờ, nhiều bình luận tỏ ra hoài nghi lời giải thích trên. Có ý kiến tỏ ra bức xúc vì nếu những gì Thư nói là sự thật thì hai cô gái đã vi phạm luật giao thông nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Đây là vận tốc rất nhanh và nguy hiểm, đặt trong điều kiện đường xá ở Việt Nam cũng khó có thể duy trì được tốc độ này.
Phượt thủ Mai Chí Trung đến từ thành phố Hồ Chí Minh, người vừa có chuyến đi kéo dài 10 ngày từ Sài Gòn ra Huế chia sẻ: "Hành trình của mình chỉ bằng một nửa 2 bạn này, nhưng kéo dài đến 10 ngày nên mình thấy 40 tiếng là con số quá khủng khiếp và khó tin.
Đối với bản thân mình, nếu đi 900 km 1 ngày chắc chắn không thể, cho dù mình là nam giới. Đi như thế cực kì hại sức khỏe.
Chưa kể hai bạn ấy ăn uống ngủ nghỉ, đổ xăng rồi thậm chí cả vào WC lúc nào?Rồi cũng chẳng có cả thời gian ngắm cảnh bên đường hay chụp hình nữa".
Cô nàng Thiên Thư cũng tỏ ra khá bức xúc và phản đối nhận định tiêu cực từ cộng đồng mạng.
Hành trình nặng về tốc độ và thành tích hơn là trải nghiệm những điều đẹp đẽ
Mặc dù nhân vật chính đã lên tiếng giải thích và tự chứng minh được việc đi 1800km trong vòng 40 tiếng đồng hồ là có thật. Nhưng lí lẽ mà họ đưa ra đã không thể thuyết phục các phượt thủ dày dạn kinh nghiệm về một hành trình "đáng để đi".
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Mai Hương, cô gái sinh năm 1991 đến từ Hòa Bình, người từng đặt chân đến nhiều vùng đất xa xôi như Mông Cổ, Nepal, chinh phục dãy Himalaya.
Chia sẻ về hành trình xuyên Việt 40 giờ đang gây xôn xao cộng đồng mạng, cô nói: "Tôi sẽ không bàn về tính xác thực của câu chuyện. Vì thực tế thế nào chỉ có người trong cuộc mới biết rõ.
Tôi cũng sẽ không phán xét cách đi của 2 cô gái vì mỗi người có quyền lựa chọn cho mình một cách trải nghiệm riêng.
Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn của bản thân mình thì tôi không thực sự đánh giá cao cách đi du lịch như vậy. Nó mang nặng tính tốc độ và thành tích hơn là trải nghiệm những điều đẹp đẽ trên hành trình.
Nếu sau này bạn có con, bạn sẽ muốn kể cho nó nghe những câu chuyện về cảnh đẹp, về những trải nghiệm văn hoá hay ho và những con người thú vị mà bạn có trên hành trình hơn hay là nói với nó bạn đã "cắm đầu cắm cổ" chạy xe thật nhanh để hoàn thành một quãng đường dài bất chấp điều đó gây nguy hiểm cho tính mạng của những người khác và của chính mình?"
Mai Hương bày tỏ: "Tôi đánh giá cao cách du lịch "sống chậm", nhìn ngắm và gom góp trải nghiệm hơn"
Cũng đồng ý với quan điểm của Mai Hương, thầy giáo Ngô Thanh Hải, hiện đang giảng dạy bộ môn Ngữ Văn tại trường trung học phổ thông Lạng Giang số 2, Bắc Giang – một người đam mê "xê dịch" và từng có cơ hội đặt chân đến hầu hết các vùng miền trên dải đất hình chữ S chia sẻ: "Đi như các bạn ấy rất nguy hiểm, bởi nếu hai bạn ấy nói thật về thời gian đi thì sẽ chạy quá tốc độ cho phép của rất nhiều đoạn đường trên quốc lộ 1A.
Điều đó không chỉ nguy hiểm cho hai bạn ấy mà còn cho những người tham gia giao thông khác. Trên đường đi, qua nhiều vùng khí hậu, nhiều vùng dân cư và địa lý, luôn có thể xảy ra những bất trắc, rủi ro.
Với quan điểm và kinh nghiệm của mình thì mình khuyến khích các bạn có khả năng đi được thì cứ đi. Nhưng không vội vã, gấp gáp, tham lam mà xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc".
Thầy giáo 8x bình luận hóm hỉnh: "Mình nghĩ hai bạn này nên tham gia cuộc đua xe đường trường thì đúng hơn là đi "phượt" xuyên Việt"
Mỗi người một ý kiến, nhưng tựu chung lại, đa số những người có kinh nghiệm "xê dịch" đều cho rằng: ý nghĩa chung của những hành trình, nhất là hành trình kiểu xuyên Việt thường là để khám phá, tìm hiểu, có thêm những trải nghiệm mới về thiên nhiên, cuộc sống, con người ở nhiều vùng đất khác nhau.
Và nếu như vậy thì hành trình của Thiên Thư cùng em gái đã rời xa mục đích, ý nghĩa chữ "phượt". Chuyến đi của họ dường như để thoải mãn cảm giác mạnh về tốc độ trên chiếc xe phân khối lớn hơn là khám phá, trải nghiệm, nhìn, hiểu và cảm.
Thầy giáo 8x bày tỏ: "Điều đáng ngại nhất là báo chí và các diễn đàn không nên tung hô hai cô gái này. Có thể trong hoàn cảnh và điều kiện của cô ấy đi được. Nhưng vô tình sẽ có tác động không tốt đến một số bạn trẻ tò mò, ít hiểu biết và kinh nghiệm.
Nếu một số bạn liều lĩnh và đi theo kiểu hai cô gái này, trong khi đó, phương tiện hay khả năng lái xe, kinh nghiệm đi đường trường, xử lý tình huống không có thì rất nguy hiểm."
"Chúng ta không cần thiết phải đọc quá nhiều review, vì đôi khi nên lên đường với một "trái tim trần trụi", không hoài nghi, không phán xét, để những điều bất ngờ và tươi đẹp tự tìm đến và lúc đó là cơ hội để ta tự mình cảm nhận nó sẽ thú vị hơn rất nhiều!" - Mai Hương chia sẻ.
Cuối cùng, đối với những hành trình dài ngày, chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt về thể lực, tìm hiểu rõ thông tin cần thiết về quãng đường đi cũng như điểm đến.
Trên suốt hành trình, nên tránh dùng đồ uống có cồn để làm chủ bản thân và tay lái, hành trang đầy đủ để đối phó với nhiều kiểu thời tiết. Với những bạn phượt bằng xe máy, nên chọn một tốc độ an toàn, vừa đủ để làm chủ tay lái trong mọi tình huống.
phượt thủ, đi phượt