"Xong lần truyền hóa chất đầu tiên, về đến phòng mình, đi ngang qua phòng thờ - nơi có di ảnh bố và anh trai, tôi đã tự hỏi: ảnh của mình sẽ được đặt ở góc nào".
Ung thư, hai tiếng như bóng ma kinh hoàng từng ám ảnh chúng ta trong những bộ phim lãng mạn Hàn Quốc thuở ấy, ngỡ như chuyện xa xôi ở phương trời nào, giờ đột nhiên hiện hữu kề bên. Nó ập đến với những người xung quanh ta, hàng xóm, bạn bè, những cụ già, cả những em bé ngây thơ chưa kịp tròn tuổi... "Bóng ma" ấy khiến ta hãi sợ, tưởng tượng nếu một này, nó đến thăm người nhà của ta, thế giới sẽ như sụp đổ, bao phủ toàn bộ một màu ảm đạm của tuyệt vọng và tiếc nuối những tháng ngày dang dở.
Nhưng với Nguyễn Phạm Thanh Hằng, ở tuổi 28, ở cái ngưỡng mà một phụ nữ chuẩn bị đạt đến ngưỡng sung mãn về nhan sắc, tình yêu và sự nghiệp, là lúc cô biết tin mình ung thư giai đoạn cuối. "Ừ thì ung thư, ừ thì giai đoạn cuối, nhưng đâu có nghĩa tôi chết ngay ngày mai? Tôi chẳng được tặng cho cuộc sống màu hồng, vậy thì tôi tô hồng nó mỗi ngày, như tô đôi môi của mình vậy thôi!" - cười, Hằng bảo thế.
Một ngày của Hằng, 2 tháng sau khi phát hiện và chiến đấu với ung thư, vì thế, vẫn ngọt ngào và tươi tắn như nhan sắc của cô. Sợ xấu, nên dù có khách, bạn bè hẹn đến thăm, lên viện hay ở nhà nghỉ ngơi sau đợt truyền hóa chất, ngày nào Hằng cũng dậy sớm, trang điểm một chút, đội tóc giả và mặc đồ đẹp.
Hằng không muốn là một bệnh nhân ung thư ảo não, đẫm nước mắt và ngồi đếm thời gian còn sống.
Hằng muốn mình luôn thật xinh đẹp, ngay cả trong những bức ảnh selfie ở nhà.
Cô đang thử son môi được một người bạn vừa quen trên Facebook gửi tặng kèm lời hẹn: "mau khỏe lại để còn vào Nam gặp nhau, nhé!"
Phòng của cô gái tuổi 28 ngập tràn màu hồng đủ tone, đúng theo tinh thần tự "nhuộm hồng" cuộc sống của Hằng.
Thi thoảng, Hằng có bạn đến thăm nhà. Câu cửa miệng của cô trong những ngày này, kể từ hôm biết bệnh, là: "Này, em đang bị ung thư giai đoạn cuối, đó là sự thật, nhưng em chưa chết đâu nhé! Ai đến mà khóc lóc là em không tiếp đâu đấy. Đến chơi với Hằng là phải tươi, phải kể chuyện vui cho Hằng nghe, mỗi người làm một liveshow hát 10 bài rồi về!". Những khi không có ai, Hằng cũng tự hát, tự quay và livestream trên Facebook, để những người quan tâm biết Hằng vẫn khỏe, vẫn rộn ràng hát ca.
Hằng không cho phép mình, và cả những người xung quanh mình ủ dột, chỉ vì tin cô bị ung thư.
Hằng "khoe" buồng truyền hóa chất trên vai, thứ "trang sức" mới của cô thời gian gần đây.
Phác đồ điều trị của Hằng là 12 lần truyền hóa chất, và cô đã vượt qua 1/3 chặng đường. Hằng khoe, cô cảm thấy khỏe hơn rất nhiều, không rõ do tinh thần thoải mái, dừng mọi việc để tập trung chữa bệnh, được mẹ chăm sóc tốt hay do hợp thuốc nữa. "Xong lần truyền hóa chất đầu tiên, về đến phòng mình, đi ngang qua phòng thờ - nơi có di ảnh bố và anh trai (một người anh trai của Hằng cũng ra đi vì ung thư, ở tuổi 29 - PV), tôi đã tự hỏi: ảnh của mình sẽ được đặt ở góc nào. Và lần nào đi về qua khu chợ, lắng nghe tiếng bán buôn ồn ào, mùi ngai ngái của đất, của rác rến, của rau củ..., tôi cũng bật khóc, vì biết mình vẫn còn ngày hôm ấy để sống".
Đây là những lá cây mã đề mẹ chồng (cũ) của Hằng trồng đang được hong nắng trên ban công để đun nước uống.
Còn đây là cốc nước đậu đen, mẹ ruột Hằng ninh từ sớm, vừa đưa cho con gái dùng thay nước lọc.
Mẹ Hằng, người đàn bà đang một mình bước qua tuổi xế chiều, "khoe" rằng mình đã phẫu thuật cắt mật, sáng nào cũng lọ mọ dậy từ tinh mơ, làm đủ các loại nước mát, nước thuốc, nước lá, nước hoa quả để đưa con gái uống. Cũng một mình bà, vừa chăm mẹ đã ngoài 90, chăm thêm cô cháu ngoại đang học lớp 3, cơm nước dọn dẹp suốt ngày. Bà vui nhất mỗi lần Hằng có khách, bởi đó là lúc căn nhà sẽ rộn ràng đàn ca, sẽ thấy Hằng ríu rít nói cười và pha trò
"Cách đây 1 tháng, ở nhà chỉ nghe tiếng Hằng ho, thấy Hằng nằm bẹp li bì, chèn gối mới có thể ngồi được, tim tôi lúc nào cũng như ai bóp. Trong Tết, hàng xóm xung quanh thì thào như thể Hằng chết đến nơi, tôi cũng không dám khóc vì sợ con buồn. Đến giờ, Hằng còn có thể đạp xe đi chơi loanh quanh, cười nói suốt ngày. Hai mẹ con dắt nhau lên viện, người ta toàn nhầm tôi là bệnh nhân thôi".
Nguồn sống của Hằng còn là cô con gái nhỏ vừa lên 9, bé Chuột. Chuột được sinh ra khi mẹ Hằng mới 19 tuổi, học mẫu giáo khi mẹ đang là sinh viên và tan vỡ hôn nhân, học lớp 3 khi mẹ đang bị ung thư. Hằng đùa bảo, Chuột và mẹ không giống mẹ con, mà như hai chị em "lớn lên" cùng nhau, tính cách hồn nhiên lí lắc như nhau.
Thi thoảng, bé Chuột lại đem ảnh cưới cũ của bố mẹ ra xem, hồn nhiên hỏi sao người này, người kia trông khác thế, và luôn thắc mắc: "Sao ngày xưa mẹ xấu thế nhỉ?" khiến mẹ Hằng cười như nắc nẻ.
Từ hồi mẫu giáo, Chuột chủ yếu sống với bà ngoại ở Cầu Giấy để bà tiện chăm sóc cả cháu nội và ngoại, còn Hằng ở nhà cũ tại Gia Lâm...
... Sau khi Hằng biết bệnh, Chuột phải chuyển trường, về ở cùng mẹ cho gần gụi.
Bé Chuột hồn nhiên, trong trẻo đúng như cái tuổi lên 9 của mình. Bé chưa hiểu ung thư là gì, cả nhà cũng giấu không cho bé biết tình trạng bệnh của mẹ, nên Chuột chỉ nghĩ đơn giản, mẹ đang bị ốm, và cần đi viện. Mỗi lần mẹ truyền hóa chất về, nằm lịm đi trên đệm, Chuột lăng xăng bên cạnh giúp bà lấy nước cho mẹ.
Tối tối, hai mẹ con cùng nhau đọc truyện, hay đúng hơn là Chuột đọc cho mẹ nghe.
Hằng đùa với bạn: "Em chưa chết ngay được, ít nhất phải đến khi bé Chuột đi lấy chồng, sinh con, thì em mới tạm "yên tâm" để chết. Mà có khi Chuột nó ế dài, ba mấy tuổi mới có người rước cơ, em tha hồ sống". Bé Chuột ngồi gần đóm thật bất ngờ, quay ra lườm mẹ: "Mẹ nói thế nào ấy, con mà ế á?" khiến mọi người vừa buồn cười, vừa xót xa.
Hằng yêu hoa hướng dương, vì nó giống cô, hướng ngoại và rực rỡ.
Nhớ trường, nhớ học sinh, Hằng lại dạo vài cung nhạc, hát dăm câu trên Facebook, mà như cô nói đùa, là "phục vụ fan hâm mộ".
Những dòng giáo án còn dang dở nhắc Hằng cần chiến đấu, và cô nhẩm tính, năm sau cô có thể quay lại công việc giáo viên âm nhạc của mình.
"Nếu cuộc sống không có màu hồng, sao ta không tìm cách tô màu cho nó nhỉ?"
"Tinh thần cũng là một liệu pháp chữa bệnh quan trọng, nên thấy Hằng tươi tỉnh, vui vẻ, sức khỏe khá lên mỗi ngày, tôi tự tin rằng con mình sẽ ổn" - mẹ Hằng tâm sự.
Hằng và bé Chuột, hai mẹ con cùng "lớn lên" và cùng nhau vượt qua những biến cố, một cách hồn nhiên. "Khi tôi nằm xuống, chỉ mong Chuột nhớ đến tôi như một người bạn đã cùng chơi, cùng xem tivi, cùng đạp xe, cùng cười nói vui vẻ... thế là đủ hạnh phúc rồi!".
Cứ thế, một ngày không hóa trị của Hằng trôi qua bình dị với những niềm vui nho nhỏ như thế, để mỗi ngày còn sống là một ngày màu hồng...
ung thư, Bệnh ung thư, ung thư trực tràng, ung thư giai đoạn cuối, giáo viên, mẹ đơn thân, single mom, Nhìn thẳng rồi vượt qua