Đời sống

Nghe câu chuyện cô gái đi du lịch 193 nước bị ném đá, nghĩ về những lựa chọn sống cho tuổi thanh xuân

Có người coi đó là một chuyến nghỉ dưỡng, có người coi việc chinh phục các đường biên giới là minh chứng cho một thế giới đại đồng. Và có những người lên đường với một tấm vé một chiều, và đơn giản coi đó là một lựa chọn sống cho một đoạn đời thanh xuân.

Cassie De Pecol, cô gái Mỹ 27 tuổi vừa lập kỷ lục thế giới là người phụ nữ đầu tiên đi qua tất cả các quốc gia trên thế giới (193 nước và các vùng lãnh thổ: Đài Loan, Kosovo và Palestine) trong thời gian ngắn nhất (18 tháng 26 ngày). Nhưng trái với mục tiêu ban đầu của Cassie là giúp truyền cảm hứng cho những người đam mê du lịch, trang cá nhân của Cassie ngập trong những lời chỉ trích và rỉa rói mà theo Cassie, chủ yếu xoay quanh việc trông cô tệ thế nào và nghi ngờ độ chân thật của Cassie về cuộc hành trình.

Câu chuyện này có "mùi" thật quen, giống như cuộc tranh cãi của cộng đồng mạng trong nước quanh một bạn nam đi qua 5 nước Đông Nam Á chỉ với 6,5 triệu đồng hay trường hợp Huyền Chip.

Dường như sự hoài nghi đã khiến mọi người bỏ qua lẽ tự nhiên rằng: Ước mơ, mục tiêu sống và quan niệm hạnh phúc của mỗi người đâu có giống nhau. Những chuyến đi cũng vậy, chẳng có một tiêu chuẩn nào cho một chuyến lên đường. Có người coi đó là một chuyến nghỉ dưỡng, có người coi việc chinh phục các đường biên giới là minh chứng cho một thế giới đại đồng. Và có những người lên đường với một tấm vé một chiều, và đơn giản coi đó là một lựa chọn sống cho một đoạn đời thanh xuân.

Nghe câu chuyện cô gái đi du lịch 193 nước bị ném đá, nghĩ về những lựa chọn sống cho tuổi thanh xuân - Ảnh 1.

Rỗng túi nhưng hạnh phúc

Vài năm trước, một cuộc gặp tình cờ ở khu cho dân backpackpers Khaosan, Bangkok với một chàng trai đã thay đổi hoàn toàn quan niệm sống của tôi. Cậu ấy chủ động lựa chọn cuộc sống lang thang khắp thế giới, chỉ với một chiếc tay nải đúng nghĩa. Cậu rỗng ví nhưng hạnh phúc. Rời xa người thân nhưng bè bạn ở khắp nơi. Hầu như không lên kế hoạch trước nhưng luôn sẵn sàng cho bất cứ điều gì đến cùng bình minh. Cuộc sống của cậu ấy có thể khiến nhiều người phải nhăn mặt vì quá... ngẫu hứng, thế nhưng, cậu ấy luôn nở nụ cười rất tươi và rõ ràng là đang sống từng phút giây với những lựa chọn mà mình thấy đúng nhất.

Nghe câu chuyện cô gái đi du lịch 193 nước bị ném đá, nghĩ về những lựa chọn sống cho tuổi thanh xuân - Ảnh 2.

Đây là Kevi.

Kevi 23 tuổi, bắt đầu du lịch từ năm 17 tuổi. Cậu ta mang khuôn mặt châu Á điển hình với mắt một mí nhưng làn da thì đen giòn và tóc tết dreadlocks kiểu châu Phi, áo quần lấm lem bụi bẩn.Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Kevi đã đặt chân đến hầu hết các xứ sở châu Á, ngoại trừ Trung Đông - cậu nói cậu quá "hippie" để an toàn ở đó. Bố là người Nhật Bản, mẹ là người Hàn Quốc, sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, ngoài quốc tịch Ấn, Kevi nhận thêm quốc tịch Nhật Bản - đơn giản bởi nó giúp cậu "có thể xin visa đến hầu hết các quốc gia trên thế giới dễ dàng".

Nghe câu chuyện cô gái đi du lịch 193 nước bị ném đá, nghĩ về những lựa chọn sống cho tuổi thanh xuân - Ảnh 3.

Cậu thường du lịch bằng đường bộ. Kevi từng ở với một gia đình du mục Mông Cổ, lùa đàn gia súc đi lang thang suốt 6 tháng trời, hàng ngày phải độc thoại trước gương để không quên ngôn ngữ.

Tất cả những gì Kevi có trong chiếc tay nải đan bằng vải dù khoác trên vai là chiếc túi ngủ, bộ quần áo và một quả cầu thủy tinh nặng trịch. Kevi gọi nó là "Magical ball" - Quả cầu phép thuật - "bảo bối" giúp cậu kiếm tiền chi trả cho cuộc sống rong ruổi của mình.

Trên vỉa hè Khao San, giữa những sạp hàng cho khách du lịch, Kevi chọn một góc và bắt đầu lăn quả cầu chạy trên hai cánh tay, xoay tít trong lòng bàn tay, lượn vòng đẹp mắt theo những động tác dẻo như múa. Mọi người bắt đầu xúm lại trầm trồ và thả tiền và chiếc túi cũ kỹ của cậu. Khi ước lượng đã đủ tiền ăn và đi lại cho vài ngày, Kevi đứng dậy cất quả cầu vào tay nải. Với túi ngủ, cậu có thể qua đêm ngay trên hè phố.

Nghe câu chuyện cô gái đi du lịch 193 nước bị ném đá, nghĩ về những lựa chọn sống cho tuổi thanh xuân - Ảnh 4.

Lựa chọn sống cho một đoạn đời thanh xuân

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều bạn trẻ như Kevi, lấy trải nghiệm trên đường làm niềm vui, gác lại những tham vọng về một công việc ổn định hay sự nghiệp để khám phá thế giới. Với họ, những chuyến đi ấy không còn là một chuyến du lịch, mà là một lựa chọn sống của thời thanh xuân.

Nên họ không quan trọng mình có bao nhiêu tiền khi bắt đầu, mà là làm sao để tiếp tục. Như hành trình qua 25 nước của Huyền Chip khởi đầu với 700 đôla, rồi trải qua nhiều công việc để kiếm tiền như viết blog hay tổ chức sự kiện... Kiếm tiền để sống thì dù ở đâu cũng có gì khác nhau?

Nhiều người cho đó là những chuyến đi "hành xác", rằng du lịch mà "ăn không dám ăn, ngủ không dám ngủ" thì chẳng nên đi làm gì. Đi chỉ để lấy số lượng chứ chẳng kịp hưởng thụ, chẳng kịp ăn chơi thì chẳng xứng đáng gọi là đi du lịch, đi trải nghiệm cuộc sống.

Ơ kìa, ước mơ, mục tiêu sống và quan niệm hạnh phúc của mỗi người đâu có giống nhau. Dấn thân khám phá để tìm hiểu về thế giới là một nhu cầu, một khát khao rất đúng đắn của người trẻ. Nó là cách để ta xây dựng thế giới quan riêng của mình, từ đó định vị mình là ai trong thế giới này, mong muốn và có thể đóng góp gì thông qua cuộc đời nhỏ bé của mình.

Có người chọn những chuyến đi đầy đủ, chậm rãi và an toàn để trải nghiệm hết những vẻ đẹp tinh tuý và bình yên nhất, thì cũng có người muốn nhìn những mặt thô ráp sần sùi nhất của cuộc sống và tìm cách vượt qua giới hạn của bản thân. Tuỳ vào sở thích, điều kiện và cả quan điểm, mỗi người có một cách bước ra thế giới khác nhau. Và chúng ta cần tôn trọng điều đó, dù bạn có đứng ở bên nào đi chăng nữa.

Nghe câu chuyện cô gái đi du lịch 193 nước bị ném đá, nghĩ về những lựa chọn sống cho tuổi thanh xuân - Ảnh 5.

Lần gặp thứ hai của tôi với Kevi là ở Kolkata, quê hương của cậu. Chỉ sau một cuộc "tám chuyện" hợp cạ, Kevi quyết định đi cùng 9 người chúng tôi suốt hai tuần lễ bằng đường bộ từ Bắc tới Nam Ấn.

Nhờ cậu mà chúng tôi nếm đủ món ăn hè phố ở Kolkata, từ tách trà chai còn vẩn bụi đất nung dưới đáy chén tới những dĩa nan tỏi ăn cùng phô mai dê nấu cà ri. Nhờ cậu mà tôi thấu hiểu cuộc sống tâm linh của người Ấn bên sông Hằng ở Varanasi. Cũng nhờ cậu mà tôi biết đến"điểm ngắm" bí mật sau lưng cổng chính, ở bên kia con hào ngăn cách Taj Mahal, nơi những người nghèo không có tiền mua vé có thể thảnh thơi ngắm ngôi đền bên kia hàng rào dây thép gai với vẻ đẹp vẹn nguyên.

Chúng tôi kết bạn với những ông cụ vấn khăn như những hiền triết ở bờ sông Hằng, với một gia đình may sari ở Agra, ngủ trong những thiền viện Phật giáo ở Sarnath.

Nghe câu chuyện cô gái đi du lịch 193 nước bị ném đá, nghĩ về những lựa chọn sống cho tuổi thanh xuân - Ảnh 6.

Chuyến đi ấy cũng giúp tôi đồng cảm, hiểu và tôn trọng những người có lựa chọn như Kevi. Thẩm thấu niềm hạnh phúc của cuộc sống lang bạt qua các miền đất, xuyên qua đường các biên giới. Rằng chỉ cần hạ xuống chiếc kính chắn ngờ vực với con người và những nền văn hóa lạ, ta thật sự có thể tìm thấy "nhà" và "người thân" ở bất kỳ đâu ta đặt chân đến.

Một cuộc sống có thể không phù hợp, mạo hiểm và thiếu tiện nghi với nhiều người trong chúng ta, nhưng không có nghĩa là những người lựa chọn cách sống ấy không cảm thấy hạnh phúc.

Nghe câu chuyện cô gái đi du lịch 193 nước bị ném đá, nghĩ về những lựa chọn sống cho tuổi thanh xuân - Ảnh 7.

"Cộng đồng mạng" bảo sống phí hoài, Stanford không nghĩ thế!

Sau 5 năm trời lang bạt, Kevi quyết định tạm dừng chân để vào đại học Kolkata, học ngành Triết học. Một này cậu mừng rỡ khoe với tôi đã lấy được tấm business visa thời hạn 10 năm để sang Mỹ tìm kiếm cơ hội. Tại vùng đất của ước mơ này, cậu đã tìm được những nhà tài trợ để thực hiện hành trình đạp xe vòng quanh thế giới.

Lựa chọn của Kevi có vẻ tương đồng với Huyền Chip. Bất ngờ trở lại Việt Nam dịp cuối năm, Huyền Chip ra mắt cuốn sách thứ ba: "Đường đến Stanford". Thì ra hai năm qua, Chip biến mất vì tập trung vào việc học ở ĐH Stanford. Những bài luận về lựa chọn sống khác biệt giúp Chip được nhận vào trường ngay trong lần nộp đơn đầu tiên. Tại đây, Chip được nghe chính thầy giáo chia sẻ hành trình "tìm đường" tương tự: "Giáo sư của mình bỏ học khi mới mười bốn tuổi để lang thang khắp thế giới, phát minh ra nhiều phương pháp dùng Toán làm ảo thuật, rồi bất ngờ quay trở lại ĐH Harvard và hoàn thành chương trình tiến sĩ trong vòng hai năm…".

Nhớ lại hồi Chip ra bộ đôi "Xách ba lô lên và đi", gạch đá ném tới tấp bảo cô gái vị kỷ, lớn rồi mà không biết nghĩ cho cha mẹ, hoài phí thời gian vào hành trình vô nghĩa… Nhưng rõ ràng, Stanford không nghĩ thế!

Lựa chọn của mỗi người không giống nhau. Mỗi người có một cách "tìm đường" của riêng mình, vậy nên không thể áp đặt việc một người trẻ thay vì vào đại học hay gây dựng sự nghiệp thì lang thang khám phá thế giới là vị kỷ, vô trách nhiệm. Miễn sao khi lên đường, họ trang bị cho mình đủ những hành trang cần thiết để sống tử tế, văn minh trên mọi nẻo đường mình đi - Cũng như chắc chắn rằng mình có khả năng để theo đuổi một chuyến du hành đầy mạo hiểm và ngẫu hứng. Hãy tôn trọng quyết định ấy của mỗi người.

Bởi đến cuối ngày, điều quan trọng nhất đọng lại không phải là chuyện đi nghỉ dưỡng hay đi du lịch bụi thì vui hơn, hay đi ít nước mà chất thì thích hơn đi nhiều nước mà phải sống khổ sở. Chỉ đơn giản là, nụ cười hạnh phúc của mỗi người khi được nhìn thấy miền đất mới, được hoà mình vào không khí ở một bầu trời xa xôi, được sống theo lựa chọn của mình và được trải nghiệm theo cách mình thấy hạnh phúc nhất. Đó mới là điều quan trọng, và là ý nghĩa của những chuyến đi tuổi thanh xuân.

aFamily

du lịch, giới trẻ, trải nghiệm, xách ba lô lên và đi


      © 2021 FAP
        4,305,629       163