Sếp chứ có phải phường chèo mua vui cho các em đâu. Em thích sếp phải như Tây còn bản thân mình thì cứ như... ta. Chẳng bao giờ tự hỏi mình đã làm đúng, làm đủ chưa, chỉ thích mộng mơ và hờn dỗi.
"Em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp!" 99/100 em đi phỏng vấn xin việc đều nói câu đó. Nghe thì hay, nhưng khi đi vào thực tế nó lại trở thành điều vô cùng khôi hài, nó phản ánh tính hài hước không giới hạn của các em", Vũ Nguyễn Thùy Vân - "nữ tướng" quản lý bộ phận marketing của một công ty phần mềm đã mở đầu status nghìn like của mình một cách đầy hài hước như thế. Chỉ trong vài trăm từ ngắn gọn, chị đã vạch ra "tội" điển hình mà các ứng viên khi đi xin việc thường mắc phải, đặc biệt là người trẻ.
Quả thực, bất cứ người trẻ nào khi bước chân vào đời cũng mang theo khát vọng được làm việc trong một môi trường tốt, đãi ngộ cao, đồng nghiệp thân thiện và công việc thuận lợi. Tuy nhiên, không ít trong số những người trẻ, theo chị Thùy Vân bóc mẽ, đang tưởng tượng "môi trường chuyên nghiệp" như thế này:
"- Công ty lớn, văn phòng đẹp.
- Lương cao, thưởng đều, nghỉ mát đầy đủ.
- Nhân viên ăn mặc đẹp, thơm tho.
- Sếp hiền như bà tiên, ông bụt.
- Không quản lý về thời gian, nhưng cũng đừng quản lý cả hiệu suất.
- Làm việc bất đắc kỳ tử, hứng lên: làm như trâu, hết hứng: không làm.
Kiểu kiểu thế" bởi "Các em xem nhiều phim, đọc nhiều tiểu thuyết, theo dõi nhiều show truyền hình thực tế nên chắc bị lậm".
Ứng viên nào đến phỏng vấn xin việc cũng mong gặp môi trường chuyên nghiệp (ảnh minh họa)
Bằng kinh nghiệm "chinh chiến" nhiều năm trong lĩnh vực marketing, chị Vân thẳng thắn cho rằng: "Thực tế "môi trường làm việc chuyên nghiệp" nó như này:
1. Quy trình chuyên nghiệp: Nghĩa là em biết công việc cần làm bắt đầu từ đâu, kết thúc thế nào, phối hợp với ai, trong bao lâu phải hoàn thành. Em là một mắt xích trong cái quy trình đó, em làm việc đúng, làm việc đủ để đảm bảo quy trình vận hành trơn tru, vì ngoài em, những em khác cũng tham gia vào quy trình này, một người phá thối, cả quy trình sẽ rối loạn. Như cái chợ ấy, sẽ không còn chuyên nghiệp nữa.
2. Chính sách minh bạch: Nghĩa là thưởng phạt phân minh, em biết em làm tốt được gì, làm tồi sẽ mất gì.
3. Con người chuyên nghiệp: Chính là em, là tôi, là các bạn đồng nghiệp khác. Con người chuyên nghiệp là việc đã giao thì phải hoàn thành. Em có hứng thú hay không hứng thú, sức khỏe tâm sinh lý có ổn định hay không em vẫn phải hoàn thành công việc. Cái đó còn được gọi là thái độ chuyên nghiệp.
Em hình dung như mình đang ở trong nhà máy sản xuất gà chiên, em phụ trách công đoạn vặt lông gà, bạn tiếp theo làm công đoạn chặt gà v.v... Hôm nay trái gió trở giời, mặt trời không đủ sáng để em quang hợp tạo ra hứng, em không làm việc vặt lông gà, hoặc em làm như mèo mửa. Dây chuyền vẫn phải chạy, vậy hoặc là không có gà để chiên, hoặc sẽ có món gà chiên cả lông, khách không mua, công ty không có doanh thu, nhưng em vẫn đòi hưởng lương bình thường.
Đấy, chuyên nghiệp nó chỉ thế thôi. Làm đúng, làm đủ là được, không cần "làm quá". Các em đi làm việc, không phải nghệ sĩ (mà nghệ sĩ họ cũng có nguyên tắc chứ không vô tội vạ như em tưởng)".
Bài viết thú vị của chị Thùy Vân nhận được nhiều đồng cảm.
Chị cũng cực lực lên án một bộ phận các bạn trẻ khi làm việc thì tùy hứng, vô tội vạ nhưng luôn đòi hỏi những người xung quanh, đặc biệt là sếp phải chuyên nghiệp. Chị viết: "Các em đòi hỏi cái này mới quá đáng này: Sếp phải tâm lý, không được nổi cáu, mà phải khéo léo tìm cách truyền cảm hứng cho em. Đùa, sếp chứ có phải phường chèo mua vui cho các em đâu. Em thích sếp phải như Tây còn bản thân mình thì cứ như... ta. Chẳng bao giờ tự hỏi mình đã làm đúng, làm đủ chưa, chỉ thích mộng mơ và hờn dỗi".
Vị "nữ tướng" cho rằng, những nhân viên hành xử như thế trong công việc là một kiểu "lừa đảo": lừa người phỏng vấn để vào công ty, lừa đồng nghiệp vì làm họ tưởng là người có thể kề vai sát cánh, cùng làm-cùng hưởng-cùng chịu trách nhiệm, nhưng thực tế làm việc không nghiêm túc, vô trách nhiệm và để lại trên vai đồng nghiệp những gánh nặng mới.
Chốt lại bài viết có phần "đanh đá" và sắc sảo của mình, chị khuyên những người muốn xin việc: "Lần sau đi phỏng vấn, thay vì nói "em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp" em hãy tự hỏi "mình đã chuyên nghiệp đủ với môi trường đó hay chưa" em nhé".
Cách phân tích thẳng thắn, hài hước pha lẫn châm biếm của chị về vấn đề đậm chất công sở này đã nhận được sự hưởng ứng của không ít dân mạng với hơn 5.000 lượt like và gần 3.000 lượt share, chỉ tính trên Facebook cá nhân.
Chị Vũ Nguyễn Thùy Vân - quản lý bộ phận marketing của một công ty phần mềm.
Chia sẻ thêm về những lỗi thường gặp của các bạn trẻ khi giới thiệu mình với nhà tuyển dụng, theo chị Vân, đó là các bạn đến ứng tuyển mà không dành thời gian để tìm hiểu nghiêm túc về sản phẩm và công ty mà mình ứng tuyển. "Lỗi này rất cơ bản nhưng rất nhiều bạn mắc phải, nó cho thấy bạn không thực sự nghiêm túc với cơ hội công việc. Ngoài ra, với đặc thù của Marketing (phòng ban mình phụ trách), các ứng viên làm việc hơi "nghệ sĩ", các bạn cho rằng Marketer cần sáng tạo nên làm việc phụ thuộc vào "hứng" nên phong độ làm việc không ổn định, lúc rất tốt, lúc rất tồi. Tính chất công việc của các phòng Marketing các bạn đã trải qua thường không bị ràng buộc bởi KPI (chỉ số đánh giá hoạt động chính) nên khi tham gia làm việc với chúng tôi, phải gò mình theo KPI, một số bạn "chịu không nổi".
Từ quan điểm của nhà tuyển dụng, chị cũng bật mí, để gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng, ngoài kiến thức chuyên môn, ứng viên cần xác định thái độ nghiêm túc cho vị trí công việc mình ứng tuyển và sẽ làm việc trong tương lai. Điều này khác với "kỹ năng trả lời phỏng vấn", bởi nó không phải việc bạn có "đối phó" được với nhà tuyển dụng hay không, mà là bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy mình thực sự phù hợp và mong muốn gắn bó với vị trí tuyển dụng như thế nào.
công sở, dân công sở, xin việc, nộp đơn xin việc, môi trường làm việc, bạn đồng nghiệp, nhà tuyển dụng