Đời sống

Xuân đang đẹp nhưng không thể bênh nổi, cũng không thể "nuốt trôi" cái kiểu ăn mặc cũn cỡn đi chùa

Tháng Giêng là tháng ăn chơi, nhưng ăn tùy nơi, chơi tùy chỗ, "ăn chơi" quá mà thành phản cảm thì cũng hết cả "xuân".

Cứ mỗi dịp xuân về, đúng với tinh thần tháng Giêng là tháng ăn chơi, người người nhà nhà kéo nhau đi trẩy hội, du xuân. Nam thanh nữ tú dồn đến những khu du lịch, danh lam thắng cảnh và cả những chốn linh thiêng, phần để thỏa cái thú ngao du, phần để check-in, phần nữa là bởi việc viếng chùa, thăm đền đầu năm đã thành thông lệ. Nhưng lạ kỳ nhất là nhiều cô gái, chàng trai lại có những hành động không thanh tao, không nhã tú, chẳng đẹp đẽ như tuổi thanh xuân, như cái ý đồ du ngoạn của họ. Ở ngay chốn linh, lạ kỳ là nhiều phụ nữ, đa phần còn trẻ, xuất hiện trong những trang phục hớ hênh, hở trước hở sau hoặc ngắn cũn cỡn khiến dư luận "nhức mắt".

Người trần chúng tôi còn chẳng nuốt trôi kiểu ăn mặc phản cảm này, đừng nói là Thánh thần! - Ảnh 1.

Chiếc tất lưới có thể khiến cô gái trông sexy ở đâu, chứ ở chốn linh thiêng này thì thật...

Dù những hành động này mấy năm trở lại đây bị dư luận lên án kịch liệt nhưng vào dịp đầu năm, mạng xã hội facebook lại không thiếu những hình ảnh xấu xí như vậy. Mấy ngày vừa qua, những bức ảnh chụp các cô gái mặc quần ngắn, váy ngắn đến độ trễ nải, hở hang phần nhạy cảm đang hành lễ trong những nơi linh thiêng được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt và kèm theo đó là những lời chỉ trích nặng nề. Mới đây nhất, hình ảnh một người phụ nữ dắt theo một em bé được cho là chụp vào ngày mùng 5 Tết Đinh Dậu được Facebooker Nguyên Vũ đăng tải với lời ngao ngán: "Cô ấy đi lễ ở Bà Chúa Kho, Bắc Ninh ngày mùng 5 Tết với bộ dạng như thế này. Báo chí viết mãi rồi, đền chùa, miếu mạo nào cũng ghi rất rõ: "Đề nghị quí khách đến hành lễ ăn mặc trang nghiêm, không mặc váy ngắn, áo sát nách, bỏ kính, mũ"... mà sao người ta vẫn cứ như điếc, như mù?!".

Người trần chúng tôi còn chẳng nuốt trôi kiểu ăn mặc phản cảm này, đừng nói là Thánh thần! - Ảnh 2.

Diện một chiếc quần tất hớ hênh mà còn tự tin vào đền chùa?

Trong hai bức ảnh đang gây "bão" cộng đồng mạng này, người phụ nữ có lẽ vẫn còn trẻ, dắt theo một bé trai và đang trên đường hành lễ với trang phục khá kỳ cục, trên là áo nỉ dài tay, trùm một phần mông, dưới là quần tất 3D nhưng bị mặc kéo căng ra đến độ mỏng tang, lộ vùng nhạy cảm. Không chỉ phản cảm vì hở, mỏng, cái sự "khó nuốt" trong y phục còn ở chỗ cách chọn trang phục đã làm lộ vòng ba một cách thái quá - điều vốn không đẹp trong trang phục thông thường, lại càng khó chấp nhận trước chốn tâm linh.

Xưa, các cụ vẫn dạy "y phục xứng kỳ đức", nghĩa là cách ăn mặc phải phù hợp với đạo đức, với văn hóa, hoàn cảnh, địa vị của con người và phù hợp với không gian, hoàn cảnh, môi trường. Lời khuyên ấy bây giờ nghe lại, "vỏ" âm thanh tưởng chừng cũ kỹ và lạc hậu, nhưng nội hàm ý nghĩa có lẽ vẫn tân thời lắm. Đành rằng, ăn mặc là chuyện cá nhân, thể hiện cái gu thẩm mỹ, cá tính, sở thích cá nhân của người ta, dù nó đi theo trào lưu hay khác biệt với cả xã hội. Đành rằng, chẳng mấy lịch sự khi chụp ảnh (lén) một người phụ nữ rồi đưa lên mạng xã hội để bêu riếu cách ăn mặc của họ. Đành rằng, phụ nữ, dù thế nào đi chăng nữa vẫn là một nửa xinh tươi và tuyệt vời của thế giới, dù thế nào đi nữa cũng cần được trân trọng và yêu thương, hơn là phán xét, dè bỉu. Nhưng hỡi ôi các chị em ơi, cách ăn mặc khi đi lễ chùa không đơn giản là sở thích cá nhân nữa rồi, mà nó còn thể hiện văn hóa thẩm mỹ, văn hóa tâm linh và cả giá trị đạo đức nữa.

Người trần chúng tôi còn chẳng nuốt trôi kiểu ăn mặc phản cảm này, đừng nói là Thánh thần! - Ảnh 3.

Hình ảnh phản cảm tương tự như thế này, rất tiếc, lại không hiếm vào buổi đầu xuân.

Ở một nơi khác, hoàn cảnh khác, có thể (ai đó) sẽ cho rằng váy ngắn, quần tất, tất lưới... mà chị em đang khoác lên người là ổn. Nhưng ở những không gian linh thiêng như đền chùa, nơi phần đông mọi người đều ăn mặc trịnh trọng, chỉnh tề, việc chị em ăn mặc hở hang, phô bày cơ thể thái quá, nói thật, đến người trần mắt thịt như chúng tôi còn chẳng "nuốt" nổi, huống hồ là Thánh thần nơi chị em đến chiêm bái.

Đừng vin vào những cái cớ tưởng chừng rất êm tai như "cá tính cần được tôn trọng", "thời nay đã khác thời xưa", "mặc như thế đi chơi và tiện đường tạt vào hành lễ", "chẳng pháp luật nào quy định đến nơi thờ tự phải ăn mặc thế nào"... Bởi lẽ, dù cố ý hay vô tình đến chốn tâm linh, bạn vẫn cần hiểu đó là chốn tôn nghiêm, là nơi thờ cúng người xưa. Chưa bàn đến chuyện ăn mặc trịnh trọng thể hiện sự tôn kính, sẽ được thần thánh phù hộ (theo quan niệm của dân gian), chỉ cần đặt ngược lại vấn đề, các cô gái ạ, bạn có dám mặc thế đến ra mắt bố mẹ, ông bà chồng tương lai, hay đi xin việc, đến lễ tốt nghiệp Đại học của bạn không?

Mà chẳng nói đến Thánh thần, giả dụ các cô gái chỉ đi chùa, đi đền cho vui, tiện chân ghé vào hoặc để check-in cho xôm tụ, thì cũng khó mà vui khi những người xung quanh nhìn họ bằng ánh mắt chòng chọc khó chịu. Ăn mặc hở hang, phản cảm là không tôn trọng những người xung quanh, và cũng là cách nhanh nhất để hạ bệ phẩm giá của mình. Những bộ y phục khác lạ kia chẳng những "hại người" xốn mắt mà còn "hại thân" để các nàng bị vơ vào ấm ức.

Người trần chúng tôi còn chẳng nuốt trôi kiểu ăn mặc phản cảm này, đừng nói là Thánh thần! - Ảnh 4.

Đừng mặc váy/quần ngắn thế này đến chốn linh thiêng!

Thôi thì cũng bởi vô tâm, và "vô tư" mà thành vô ý, vô duyên. Dầu có muốn bênh, cũng khó! Chỉ mong các chị em, từ rày đừng "ngược đãi" con mắt người trần (và của người trời đang được thờ trong cung, trong phủ, trong chùa ở khắp nơi) những thứ y phục phản cảm như thế này nữa, để nơi thanh tịnh được bình yên, để chúng tôi còn tin, còn có cớ mà vin vào để khăng khăng: phụ nữ là tạo vật tuyệt vời và đẹp đẽ của thế gian, tuyệt vời đến mức Tạo hóa từng thốt lên, nếu tạo ra phụ nữ trước, Người sẽ chẳng cần nhọc công tạo ra những loài hoa nữa! Chứ cứ thế này, muốn bênh, muốn yêu e rằng khó lắm thay!

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

aFamily

phản cảm, ăn mặc mát mẻ, ăn mặc hở hang, tháng giêng, nơi công cộng, hành vi nơi công cộng, danh lam thắng cảnh, Đi lễ chùa


      © 2021 FAP
        4,067,917       783