"Điều em thích nhất trong ngày Tết đó là gia đình sum họp. Càng lớn em càng thấy quý khoảng thời gian sống cùng gia đình, khi mà năm tháng trôi đi bố mẹ ngày một già, em đâu biết mình còn được ở bên bố mẹ bao nhiêu cái Tết nữa đâu."
Tết đến Xuân về, trong khi gia đình, người thân, bạn bè ở Việt Nam đang nô nức vui Xuân đón Tết thì những người con xa xứ lại đang vất vả lo toan công việc thường ngày… Có người còn có chút thời gian góp vui vào những chương trình Tết của người Việt xa quê hương… Nhưng cũng có người bận rộn đến mức sau một ngày làm việc, rỗi rãi được xíu nhấc máy gọi về quê nhà mới ngỡ ngàng "Tết đã đến đầu ngõ" mất rồi…
Vũ Ngọc Yến Thanh (Bellevue, Washington, Mỹ) cho biết: "Thật ra em sang đây cũng 7 năm rồi, cái cảm giác nhớ Tết và nhớ nhà nó không còn quá bồi hồi như ngày trước nữa, giống như là bị bỏ rơi miết thì thấy cũng quen. Nhưng gần đến Tết, nhất là khi thấy bạn bè về Việt Nam chơi Tết em thấy rất chạnh lòng. Em cũng muốn về Tết lắm nhưng em vừa đi học vừa đi làm nên không thể nghỉ giữa khóa để về như các bạn.
Chỗ em ở được cái người Việt mình sinh sống cũng nhiều nên Tết đến anh chị em bạn bè cũng tập trung lại làm một cái chương trình Tết. Tụi em gói bánh bằng là chuối chứ ở đây không có lá dong, nhưng ăn thì cũng rất ngon và thấy có hương vị Tết.
Tết với người Việt xa xứ tụi em chỉ vậy thôi chứ không có đi chúc Tết, không có mặc quần áo mới, không được nghỉ lễ dài thênh thang cả tuần, không có cảm giác sáng mồng 1 ngủ dậy phơi phới trong lòng vì tụi em vẫn đi làm như thường chị ạ. Càng ít nghĩ về Tết thì càng tốt với em vì càng nghĩ, càng mong thì em sẽ thấy càng buồn mà thôi.
Em nhớ Tết của ngày xưa, cái cỡ 10 năm về trước, lúc ông bà em còn sống và các thành viên trong nhà còn đông, chứ Tết bây giờ em thấy không còn rộn ràng mấy nữa. Điều em thích nhất trong ngày Tết đó là gia đình sum họp. Càng lớn em càng thấy quý khoảng thời gian sống cùng gia đình, khi mà năm tháng trôi đi bố mẹ ngày một già, em đâu biết mình còn được ở bên bố mẹ bao nhiêu cái Tết nữa đâu.
Đến khi học xong, có thể về Việt Nam ăn Tết em muốn mình có thể đưa bố mẹ đi thăm các tỉnh thành khác của nước mình, ngày xưa trước khi đi học em chưa đi được nhiều nên giờ muốn đi, muốn đưa bố mẹ em đi lắm. Có thể biết thêm được các phong tục tập quán ngày Tết của các vùng miền khác trên đất nước mình là một điều tuyệt cú mèo với em."
Tiếng là xa Việt Nam 7 năm nhưng trong 7 năm đó Yến Thanh vẫn có đôi ba lần về thăm nhà, còn anh Tuân Lê (California, Mỹ) thì xa quê hương đến 10 năm nhưng chỉ về thăm nhà được 1 lần duy nhất vào dịp Giáng Sinh năm 2015.
Anh chia sẻ "Anh thì đã có đến 10 cái Tết ở bên đây rồi, nhưng chưa năm nào Tết rơi vào ngày nghỉ nên anh cứ gọi là đi làm túi bụi, công việc của anh bận rộn lắm, ngày đi từ 7h sáng đến 10h tối, có khi thứ 7, Chủ Nhật cũng đi làm, nên Tết cũng mất dần ý nghĩa với anh, anh cố gắng bình thường hóa cảm xúc của mình, bởi anh có cố gắng làm thì mới có chút gì đó cho ba mẹ anh hưởng Tết.
Tâm trạng nhất là khi nghe bài "Tết này con ko về" trong những ngày đó em ạ. Anh vẫn biết điều ba mẹ anh mong nhất là anh có thể nhà về ngày Tết nhưng hoàn cảnh không cho phép nên anh đành thua. Tết đến anh chỉ cố gắng để mùng 1 mùng 2 có thể gác công việc qua một bên điện thoại về hỏi thăm ba mẹ và gia đình.
À, thường thì đêm 30 anh có thắp nhang cúng giao thừa, gửi lời cho ông bà tổ tiên, nhưng mâm cúng cũng đơn sơ lắm em, nhớ ngày là chính. Quận Cam chỗ anh ở cũng đông người Việt nên mấy ngày Tết ra đường mà gặp trẻ con hay người già là người Việt Nam thì anh vẫn chuẩn bị mấy phong bao mừng tuổi. Cũng có chút gọi là có không khí Tết chứ nhỉ?
Tết năm nay điều hạnh phúc nhất với anh đó là vợ anh mới qua đây, anh sẽ được ăn Tết cùng vợ. Tụi anh lấy nhau được 2 năm, Tết năm ngoái vợ anh ở Việt Nam nên lúc đó cũng buồn lắm, nhớ lắm, năm nay thì Tết ấm áp và hạnh phúc hơn nhiều rồi."
Tôi quen khá nhiều người như anh Tuân Lê, xa quê hương đã lâu, vô cùng muốn về Việt Nam ăn Tết nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên ước muốn vẫn chỉ là ước muốn mà thôi. Có người vì điều kiện tài chính của bản thân và gia đình không cho phép, có người không thu xếp được thời gian của bản thân, áp lực công việc quá lớn, có người bận vừa học vừa làm, có người học 2 ngành song song,…
Hạnh phúc hơn những người bạn tôi với những lý do tôi vừa đó chính là trường hợp của bạn Nguyễn Hoàng Vũ (Cộng Hòa Sip). Khi tôi liên hệ với Vũ để hỏi về đề tài này, Vũ báo với tôi là bạn đang trong một hành trình du lịch mà điểm cuối cùng của chuyến đi là Việt Nam chứ không phải nơi bạn đã xuất phát (CH Sip). Và bạn gọi đó là "The Journey Home - Hành trình về nhà".
Vũ nói: "Đối với mình, Tết là sợi dây vô hình liên kết mình với quê hương, nơi có ba mẹ và các em mình ở đó nên dù có đi đâu và làm gì thì mình vẫn luôn muốn quay về nhà trong những ngày này. Trong gần 4 năm sống và làm việc ở nước ngoài trước đây, mới chỉ duy nhất 1 lần mình được về ăn Tết. Năm nay mình rất muốn ăn Tết ở quê nhà nên quyết định xin nghỉ làm một thời gian, đi du lịch 2 tháng ở Iran và Ấn Độ, cuối cùng là trở về Việt Nam.
Mình muốn được cùng bố mẹ và các em tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà, mình muốn trải nghiệm và lưu giữ những ký ức Tết cùng người thân. Làm được tất cả những điều đó với mình là quá đủ hạnh phúc rồi. Ở Sip mình sẽ chẳng bao giờ có được cảm giác ấm áp như về Việt Nam đâu.
Những năm không thể về nhà ăn Tết, ở xứ người đi làm như thường lệ, ngồi nhìn màn hình máy tính mà mình ứa nước mắt, nhớ bố mẹ, nhớ các em, nhớ người thân bạn bè, nhớ quê nhà lắm lắm. Từ đó mình tự hứa với lòng mình là những năm tới sẽ cố gắng về Việt Nam ăn Tết với gia đình, dù chỉ vài ngày thôi mình cũng về. Bạn thấy đó, năm nay mình đã làm được rồi nè."
Hoàng Vũ sa mạc Thar - Jaisalmer, Ấn Độ
Dưới góc độ cá nhân mình, dẫu biết là không thể nhưng tôi vẫn mong muốn tất cả những người Việt xa xứ đều có thể có điều kiện quay về quê hương đón Tết cũng gia đình, bạn bè và người thân, bởi khi viết bài này, đặt mình vào vị trí của các bạn, vì một lý do nào đó phải xa nhà ngày Tết, tôi cảm thấy thật sự buồn và sợ hãi, tôi sẽ ra sao những ngày đó, cảm giác tủi thân và cô độc vô cùng. Tôi thật sự nể phục và đồng cảm với các bạn.
Hãy cứ tin là năm sau "bạn" sẽ về quê ăn Tết, "bạn" nhé.
người việt trẻ, tết đến xuân về, công việc thường ngày, chương trình tết