Đời sống

Giao thừa năm Dậu có nên kiêng cúng gà?

Năm Dậu - năm con gà, nhiều người lo sợ việc cúng gà vào đêm giao thừa như phong tục mọi năm lại mang tới điều không hay.

Giao thừa năm nay, có nhiều gia đình cho rằng không nên cúng gà mà phải thay thế bằng cúng chân giò hoặc một đồ cúng khác, vì cho rằng năm gà cần phải tránh cúng con vật này.

Việc chọn gà cúng có liên quan tới truyền thuyết từ xa xưa. Khi mặt đất mới được Ngọc Hoàng sáng tạo ra, 10 mặt trời được lệnh chiếu sáng ngày đêm để chiếu sáng và sấy khô mặt đất. Tuy nhiên sau đó vì Ngọc Hoàng quên thu các mặt trời lại khiến cho mặt đất và con người trở nên khốn đốn vì nắng hạn. Có một dũng sĩ đã dùng cung tên bắt rụng 9 mặt trời, và 1 mặt trời còn lại sợ quá nên trốn biệt đi, không chiếu sáng nữa. Con người và loài vật trên mặt đất tối tăm bèn rủ nhau đi gọi mặt trời nhưng cuối cùng chỉ mỗi con gà trống gáy vang mới khiến mặt trời tò mò hạ xuống, quên đi sợ hãi và chiếu sáng trở lại.

Giao thừa năm Dậu có nên kiêng cúng gà? - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Đêm Giao thừa được coi là đêm tối nhất bởi đó là lúc mặt trời ẩn nấp sâu nhất. Do đó dân gian bảo nhau cúng gà trống với mục đích gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng trở lại, đem tới mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ cho mọi nhà. Gà cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, chưa đạp mái với ý nghĩa khoẻ mạnh, tinh khiết, chưa "vướng bụi trần" thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm. Do vậy, con gà là biểu tượng của một nền văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nền nông nghiệp lúa nước.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh (Giám đốc Học viện Phong thủy Ngũ hành), lý giải: “Gà trống là con vật cát tường. Từ xa xưa, dân ta đã có tập tục giết gà trống ngày cuối năm và đầu năm mới mùng 1 để trấn áp, xua đuổi tà ác. Nhiều nơi còn có tục giết gà khi có người mất hay mắc bệnh nặng, với hy vọng xua đuổi điềm xấu, tai ương. Lâu dần, tập tục này phát triển thành xu hướng cầu phúc, như treo tranh gà trống, đặt hình gà trống. Tất cả các hình thức này đều hàm ý cát tường, may mắn, đón lành, tránh dữ.”

Giao thừa năm Dậu có nên kiêng cúng gà? - Ảnh 2.

Không cần kiêng cúng gà năm Dậu (Ảnh: Internet)

Ngày nay, nhiều tư duy, quan niệm về văn hóa lối sống cũng có nhiều khác biệt so với xưa, không nhiều người hiểu rõ về ý nghĩa văn hóa của việc chọn gà làm đồ cúng, nhất là đêm Giao thừa. Chính vì thế mới nảy sinh câu hỏi rằng năm Dậu cúng gà có được không. Suy diễn hơn, có người còn cho rằng năm Tỵ - năm con rắn thì không cúng gà vì rắn vồ gà… Mặc dù nhiều nơi có thể đã thay gà bằng chân giò, khổ thịt lợn hay những đồ lễ khác nhưng thói quen chọn gà làm đồ lễ cúng vẫn rất phổ biến trong dân gian.

Có thể thấy, việc dùng tranh gà, hay gà cúng là tập tục lâu đời, không liên quan đến năm con gà. Đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới cúng gà để xóa bỏ điềm xấu, trừ tà, đầu năm đón được trường khí dương tốt lành. Ngoài ra những thứ cúng thay thế gà như thịt lợn, chân giò thì chỉ đơn thuần là đồ lễ cúng chứ không mang ý nghĩa văn hóa. Do đó, trong năm Đinh Dậu 2017 này, gia đình bạn hoàn toàn có thể cúng gà mà không phải kiêng kị gì cả.

(Tổng hợp)

aFamily

năm dậu, giao thừa, tục lệ cổ truyền, cúng gà giao thừa, Biết chưa nhỉ?


      © 2021 FAP
        4,020,432       764