Đời sống

Người đàn ông nghèo khiến chủ cửa hàng thời trang xúc động bởi một câu nói

Câu chuyện và hình ảnh về người đàn ông này khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng trong những ngày đông giá rét.

Giữa nhịp sống hối hả, bận rộn của những ngày cận Tết Nguyên đán, có một câu chuyện khiến nhiều người phải chững lại để đọc và để ngẫm. Đó là câu chuyện dung dị, rất đỗi đời thường về một người đàn ông nghèo, lao động chân tay đi mua quần áo mới cho vợ con.

Cả một năm vất vả kiếm tiền mưu sinh, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", ông chỉ muốn dành khoản tiền nhỏ để sắm sửa đồ mới cho vợ con diện trong những ngày Tết. Thấy nụ cười của người thân là ông đủ thấy hạnh phúc lắm rồi.

Không chỉ thế, hình ảnh ngại ngùng của ông ta khi đi mua đồ cũng là điều khiến người ta phải chú ý.

"Sáng nay bán cho chú này mà cảm động lắm. Chú nói tui nãy ghé mà không có dám vô, ăn mặc thất quá sợ không tiếp. Bộ shop mới làm cửa kính lại hả cô? Tui không dám đẩy sợ dơ cái cửa. Đứng lóng ngóng mãi nãy giờ...

Tui làm cực cả năm để dành tiền sắm đồ tốt cho vợ với con gái nên tui vô shop này mua, năm ngoái tui mua rồi mặc đến giờ còn mới, không vừa cô cho tôi đổi nghen! (Thuật lại nguyên văn chú nói). Nghe xong bán xả hàng cuối năm cho chú luôn.

Thương nhất là đàn ông lo cho vợ con. Thương chú quá! Đàn ông của năm đây ạ!", facebook Lâm Mỹ Trinh chia sẻ.

Người đàn ông nghèo khiến chủ cửa hàng thời trang xúc động bởi một câu nói - Ảnh 1.

Hình ảnh và câu chuyện về người đàn ông nghèo đi mua áo mới cho vợ hút nhiều sự chú ý của dân mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Sau khi đăng tải, câu chuyện tưởng chứng rất bình thường này lại hút một lượng lớn sự quan tâm từ người đọc. Chỉ sau thời gian ngắn, nó đã nhận được gần 20 nghìn lượt like, hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận.

Vậy mới thấy, giữa cuộc sống hối hả này, người ta chỉ mong nhận được những sự sẻ chia, sự quan tâm dù là nhỏ nhất từ những người mà mình yêu thương. Đó là điều đơn giản nhưng không phải ai cũng nhận được.

aFamily

đàn ông nghèo, cửa hàng thời trang, tết nguyên đán, quần áo mới


      © 2021 FAP
        4,031,314       784