Cứ đến những ngày cận Tết như thế này, là y như rằng chị em lại muốn "bùng cháy".
Sao mà Tết chị em nhiều việc đến thế, ai cũng than là công chuyện ngập đầu. Việc ở cơ quan gấp rút hoàn thành để ăn ngon ngủ yên với Tết, việc nhà cửa con cái mỗi ngày vẫn phải quán xuyến, việc cơm nước cỗ bàn cũng phải lo lắng sát sao... Chẳng biết câu chuyện giải phóng phụ nữ đã đến được "phương trời nao", chứ càng đến những ngày cận Tết, tiếng than thở kể khổ của chị em càng thống thiết.
Chẳng nói đâu xa, mới vừa qua là ngày lễ ông công ông táo, đã có ngay 1 chị lên hội "các mẹ" thở than:
"Năm hết tết đến... lại lễ lạt, thờ cúng, ăn uống...
E bị xì trétttt....đúng là phận đàn bà...mình không làm thì chả ai làm cho. (Biểu tượng khóc 1 dòng sông). Giờ e mới được nằm lên giường các mẹ ạ. Mâm cỗ cúng ông công ông táo của em đấy ạ! Lọ mọ đi chợ từ lúc trưa đi làm về... bắt đầu nấu từ 2h đến 5h mới xong. Vội quá chả buồn chụp choẹt cho đẹp đẽ nữa. Lại tiếp tục sửa soạn thắp hương rồi nấu thêm các món khác nữa để mời nội ngoại, anh em qua ăn luôn. Xong rồi lại tất bật hoá vàng, rồi ăn uống, rồi dọn dẹp, rồi thì lại tắm rửa, cái... vân vân và mây mây. Nhiều khi e nghĩ e là... siêu nhân!
Có mẹ nào ...việc nào cũng đến tay như e ko? Huhu! Đôi khi muốn....bùng cháy..."
Kèm theo những lời than thở thống thiết là mâm cơm cúng được bày biện vô cùng đẹp mắt.
Than thì than thế thôi, chứ nhìn bức ảnh kèm theo của chị, ai cũng trầm trồ thán phục. Mặc dù chỉ những món bình thường trong mâm cơm cúng như gà luộc, rau củ quả xào, canh mọc, nem rán, xôi gấc, bánh chưng... nhưng mâm cơm của chị được bày biện, cắt tỉa vô cùng đẹp mắt, đến khoanh giò bình thường cũng được tỉa hoa, và đĩa xôi gấc cũng được cho vào khuôn cá chép. Không những thế, bát đĩa đựng đều mang 1 tông xanh mát dịu, tăng độ "chuyên nghiệp" cho mâm cơm cúng. Nhìn đi nhìn lại, quả thật, chị đúng là "siêu nhân".
Hẳn là thế, nên các mẹ trong hội "chị em bạn dì" không tiếc lời khen dành cho mâm cơm tươm tất của chị: "Chà, chị khéo quá, em mà là đàn ông nhìn mâm cơm chị nấu có khi không dám lấy chị vì sợ không xứng", hay "có khi vì cầu toàn, khéo léo quá nên chị mới bị mệt". Song song với đó, cũng không ít người vào comment chia sẻ cùng chị cái "phận đàn bà vất vả đủ đường", rằng mình cũng vất vả thế này thế kia, nhưng không quá tiêu cực, có lẽ vì bởi than thì than thế, nhưng chị em cũng vẫn khá bằng lòng với "thiên chức" của mình, chỉ tóm lại một câu hài hước: "Vụng về một chút thì đỡ mệt hơn".
Tiếp đó, các chị các mẹ cũng không quên "tiết mục" khoe thành quả của mình, đó là những món ăn đã dày công chuẩn bị cho mâm cỗ cúng. Dù đẹp dù không, mâm nào cũng tinh tươm, đủ đầy:
23 tháng Chạp năm nay vào ngày thứ 6, chị em vẫn phải đi làm bình thường...
... Thế nhưng không vì thế mà họ xao nhãng công việc bếp núc của mình
Nhìn những mâm cổ cái giản dị, cái cầu kì chị em "khoe khéo", mới thấy phụ nữ quả thật là "siêu nhân": Lễ cúng 23 tháng Chạp năm nay đúng vào ngày thứ, chị em vẫn phải đi làm bình thường, nhưng vẫn tranh thủ sáng dậy sớm hơn 1, 2 tiếng để lo chợ búa, chiều tranh thủ hoàn thành công việc thật nhanh để nấu nướng, bày biện, cúng lễ... xong lại còn quần áo, giặt giũ, con cái... Vất vả quá thì "bán than" chút ít rồi lại "lao đầu" vào đống công việc có tên lẫn không tên thường ngày.
Phụ nữ khả năng hoạch định kế hoạch không tồi, có thể chu toàn mọi thứ dù "chất chồng" đến đâu. Thế nhưng, một người lo lắng, quán xuyến thì thật là tội nghiệp, quá sức. Sẽ tốt hơn nếu mọi sự trong gia đình đều được san sẻ cùng nhau, phụ nữ bây giờ cũng lo cáng đáng kinh tế, đàn ông bây giờ sao lại ngại vào bếp hỗ trợ người vợ tấm mẳn thân yêu?
Thật tốt biết bao nếu sáng sớm vợ chồng cùng đưa nhau đi chợ, rồi chiều về người nấu ăn người dọn dẹp, người lo cúng lễ người xua đám trẻ đi tắm rửa giặt giũ... Rồi khi công chuyện xong xuôi, cả nhà cùng ăn cơm, vui vẻ chuyện trò về một năm cũ đã qua, về một năm mới đang đến... Thì cũng bức ảnh kia sẽ vẫn được đăng lên, nhưng lời lẽ sẽ ngập tràn hạnh phúc, chứ không còn là mệt mỏi trách cứ nữa.
Khi ấy, cuộc sống sẽ đẹp hơn biết bao!
23 tháng chạp, ông Công ông Táo, cúng ông Công ông Táo, chị em phụ nữ, nấu nướng