Sau bức tranh ấy, lão hoạ sĩ nói sẽ tạm gác cọ nghỉ ngơi để phụ giúp vợ con dọn dẹp nhà cửa, đón cái Tết Nguyên Đán đang dí sát chái bếp.
"Sao, nhà bác Minh hoạ sĩ đường phố mấy bữa nay lên hình ào ào đó hả? Cứ đi thẳng tới cuối hẻm, rẽ trái đến căn nhà sơn vàng khè trước cửa sẽ thấy" – một bà lão nhiệt tình dẫn tôi đến tận "đại bản doanh" của lão. Tưởng phóng đại cho hấp dẫn, ai ngờ… "vàng khè" thật. Lão đánh dấu lãnh thổ bằng bông hoa hướng dương to tướng, rực rỡ ngay cạnh cửa ra vào. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Lão còn đem cái sắc màu sống động ấy lan rộng ra khắp các bức tường trong xóm.
Lão tên Nguyễn Văn Minh, năm nay đã 75 tuổi. Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" ấy, nhiều người đã ì ạch tấm thân già cỗi, ru rú trong nhà dưỡng già, thì lão lại nhào ra đường vẽ vời. Hơn 2 năm nay, con hẻm nhà lão gần như đã được bít sạch bởi những bức tranh rực rỡ sắc màu.
Lão kể, học xong trung học ở Đà Lạt, lão chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Thời gian này, lão học võ, học đàn, học khiêu vũ và dĩ nhiên - học vẽ tại trường mỹ thuật Gia Định. Trong một lần tham gia sinh hoạt văn nghệ, lão gặp và yêu cô gái có giọng hát say đắm lòng người. Đó là cô Đỗ Thị Nga (66 tuổi), người đầu ấp tay gối với lão suốt mấy chục năm trời.
Thời thế đổi thay, sau ngày đất nước thống nhất, lão vào dạy học tại một trường khuyết tật ở quận 4. Chính tại đây, lão quay lại cái nghề vẽ tưởng đã đi vào quên lãng sau hàng tá năm trời nai lưng kiếm sống.
Nhưng trớ trêu thay mới cầm cọ được ít hôm, lão phát hiện mình mắc căn bệnh nhức nửa đầu. Bệnh chồng bệnh, thời gian sau lão mắc thêm chứng mất ngủ kinh niên vì hậu quả của việc sử dụng thuốc giảm đau. Và lão bắt đầu chuỗi 10 năm dài trằn trọc thâu đêm suốt sáng. Thời gian như khiến tay lão chai sần, gân guốc và khô cứng.
Cho đến một hôm, lão dạo quanh con hẻm nhỏ, ngắm nhìn những bức tường rồi loé lên suy nghĩ: "Sao chúng nhạt nhẽo thế?". Bất ngờ, lão nghĩ sẽ biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật bằng chính đôi bàn tay đã hiện rõ dấu vết già nua. Ấy là một ngày của hơn hai năm về trước.
Bức tranh đầu tiên lão bắt đầu vẽ trên tường lúc… 4 giờ sáng. Tay run run, lão chấm cọ, rồi làm hũ sơn tự bỏ tiền túi mua loang lỗ màu xuống đất. Chấm được một bông hoa, lão hạnh phúc vô ngần. Nó như mãnh lực giúp đôi bàn tay lão dần giãn ra, linh hoạt trở lại. Lạ thay, chứng nhức đầu và mất ngủ của lão cũng dần dần thuyên giảm.
Cứ thế, liên tiếp bức tranh này đến bức tranh khác ra đời trong sự thích thú của những người hàng xóm. Tranh lão vẽ thường có những chủ đề quen thuộc: Khi thì ngợi ca đất nước, cây cỏ bốn mùa, lúc lại là nỗi nhớ quê nhà đến nao lòng của người biền biệt phương xa.
Hay đơn giản, đó chỉ là một nhành đào, đầm sen hay một câu hát Bolero tâm đắc.
Hết vẽ phong cảnh lãng mạn, lão chuyển sang vẽ những thứ thiết thực hơn như quảng cáo cho quán cà phê đầu hẻm hay tuyên truyền không xả rác bừa bãi. Kể cả việc xe chạy quá nhanh cũng được lão đưa lên tường, khi trong hẻm có quá nhiều trẻ nhỏ.
Và cho đến hiện tại, lão đã ngốn gần hết các khoảng trống tường của con hẻm gần nhà bằng trên dưới 30 bức tranh vẽ bằng sơn dầu tự mỉnh bỏ tiền túi mua. "Tội nghiệp lắm, vợ đưa bao nhiêu tiền cũng lấy mua sơn để vẽ hết, không dám ăn uống gì. Nhiều bạn bè, bà con của tôi đến nhà chơi cứ nói đùa rằng tưởng đi vào nhà trẻ", cô Cao Thị Lan (68 tuổi, hàng xóm cạnh nhà lão) cho biết.
Những ngày cuối năm là lúc hoạ lực của lão lên cao nhất. Năm nào cũng vậy, lão hay lấy con giáp tượng trưng cho năm hí hoáy hoạ lên tường. Có lão, không khí Tết dường như đã ồ ạt ập vào con hẻm bình lặng này.
Chiều nay như thường lệ, lão lại xách cọ, gom mấy hũ sơn cũ bỏ vào giỏ xe đạp, lọc cọc dẫn đi. Đám trẻ con dáo dác theo đuôi, chờ xem ông già hôm nay lại sáng tác ra thứ gì. Lão được ông hàng xóm nhờ vẽ trước nhà một cây đào nở rộ đón Tết.
Trong chớp mắt, lão đã chấm xong mấy nụ đào hồng. Lão bật mí bí quyết: "Muốn vẽ hoa nhanh thì khi mua cọ về phải lấy kéo cắt cho cái đầu tròn lại, rồi cứ thế mà vuốt thôi". Mắt lão sáng ngời, vui sướng.
Cây đào đã hoàn thành, lão bước xuống thang, hỏi hàng xóm xem đã vừa ý chưa để sửa lại còn kịp. Tết thì cận kề, lo vẽ hoài không có thời gian phụ giúp nhà cửa cho vợ con. Dường như có chút tiếc nuối, lão tiến sang mảng tường gần đó, chấm cho đuôi chú gà trống dài ra. Cái này quẹt cho vui không tính, bức tranh "đào bách niên" khi nãy mới chính thức là bức tranh cuối cùng trong năm con khỉ.
Lão xách cọ về khi nắng chiều đã nhạt. Trẻ con trong xóm đã đi học về, người lớn cũng vừa tan sở làm. Có người vừa định phóng nhanh nhưng khựng lại, có người muốn đổ rác bừa bãi rồi lại thôi. Những bức tranh của lão lại được dịp phát huy tác dụng.
Lão nói, nghĩ dăm ba bữa rồi lại tiếp tục vẽ vời. Mục tiêu của lão là lắp đầy luôn đường hẻm số 66. "Sẽ vẽ, cho đến khi nào hết sức thì thôi" – lão cam đoan.
tết, hoạ sĩ đường phố, quận 4, Bức tranh cuối cùng