Tháng Chạp gió mùa, tìm đến hàng bánh đúc nóng cuối đường Minh Khai, chắc chắn ai cũng sẽ hài lòng khi được thưởng thức món quà chiều ngon tuyệt, mà có khi ở Hà Nội lâu năm cũng chưa hề biết đến.
Chắc nhiều người hiểu cảm giác thức dậy tự nhiên nghe thấy một bài hát nào đó từ nhà hàng xóm vọng sang, dù là bài mình ghét hay thích thì kiểu gì cả ngày hôm đó cũng luẩn quẩn trong đầu mỗi ca từ của bài ấy thôi. Những ngày giá rét tôi cũng bị ám ảnh như vậy, nhưng không phải là hát hò, mà là một món ăn tôi dám chắc rất nhiều người thèm. Cứ khi nào mùa đông rét đến là tôi chỉ nghĩ đến chuyện ăn món ấy.
Đầu ngõ 296 Minh Khai, có một hàng bánh đúc lâu đời rất ngon, quen thuộc với người dân nơi đây
Tôi cất công đi hẳn nửa vòng thành phố, chỉ để tranh một cái ghế ngồi bên gánh hàng rong bé tí tẹo cuối phố Minh Khai, và được hít hà, thưởng thức bát bánh đúc thịt nóng hổi thơm lừng, to đùng, mà giá chỉ có 7 ngàn. Vâng, không cần phải dụi mắt đâu ạ. Chuẩn 7.000 đồng luôn. Nếu bạn ăn ít thì xin bát 5000 đồng cô chủ cũng vui vẻ bán. Đấy là vì giá cả leo thang, cô chủ quán tốt bụng lấy thêm có chút xíu, chứ hồi trước, cô chỉ bán có 5.000/ bát thôi. Mặc kệ nơi khác người ta bán bánh đúc 10 ngàn, 15 ngàn... thì cái góc đường cũ kỹ, đầu ngõ 296 Minh Khai, vẫn tồn tại gánh hàng có tuổi đời hơn 2 thập kỷ, giá rẻ giật mình mà ngon không gì tả nổi.
Quán nhỏ ngõ nhỏ, chỉ bán từ 4h chiều đến tầm 6h là dọn. Nếu không kịp tới ăn thì đành ngậm ngùi chờ mai quay lại, nhưng có khi quay lại cũng không có bánh đúc để ăn, vì khách tới quán rất đông, chỉ một loáng là không còn gì để bán. Chủ gánh bánh đúc huyền thoại ấy là cô Hạnh, 53 tuổi, một người phụ nữ khéo tay chính gốc làng Mai Động. Gánh bánh đúc nóng của cô khá gọn, một bên là nồi bột bánh dẻo thơm bằng gang to đùng, trên phủ bao lót vải để ủ ấm, một bên đựng các loại nguyên liệu, nước mắm, rau thơm, bánh nếp, bát, thìa, giấy ăn... Lủng lẳng bên cạnh là mấy chồng ghế con cho khách ngồi.
Bữa nào hàng phở bên cạnh nghỉ thì hàng cô Hạnh có chỗ ngồi rộng rãi, còn không thì đứng bê bát ăn
Tôi đến ăn đúng hôm hàng phở cạnh nồi bánh đúc của cô Hạnh nghỉ bán, nên có chỗ ngồi rộng rãi thoải mái, chứ mọi khi, chỉ đủ 3 người ngồi, xe để ngoài lề đường, có khi đông quá còn chẳng có chỗ đứng chờ mua mang về. Người ta gọi đồ, trả tiền, trả bát liên tục, một mình cô Hạnh cứ xoay đi xoay lại, chẳng mấy chốc mà hết sạch hàng.
Vừa thoăn thoắt múc bánh nóng cho khách, cô Hạnh vừa xởi lởi trò chuyện với tôi. "Nay mang 4 cân bột gạo đi, vừa dọn hàng mà đã sắp hết rồi. Tôi bán bánh đúc ở đây đã hơn 22 năm rồi, cái nồi bánh bằng tuổi con trai út luôn, sinh nó xong tôi chẳng nghỉ được, phải xoay sở đi kiếm tiền. Giờ anh em nó lớn cả, đi làm hết rồi nhưng ngồi không cũng buồn, mình còn khoẻ mạnh thì cứ đi làm thôi. Bao nhiêu năm ngồi bán ở đây quen rồi, không bỏ được, nắng mưa cũng vẫn bán, cả năm chỉ nghỉ mỗi mấy ngày tết thôi".
Cắm cúi bán hàng cho khách liên tục, bàn tay cô Hạnh lúc nào cũng dính đầy bột bánh
Hơn 20 năm dầm sương dãi nắng nơi con ngõ nhỏ tí hon, cô chủ quán bánh đúc đã già hơn trước rất nhiều
Người phụ nữ ấy có nụ cười thật hiền hòa. Đông khách là thế, luôn tay luôn chân, mà cô không hề cáu gắt khó chịu, ngồi sau cả đống hàng hoá nồi niêu, mồ hôi đọng thành hạt, cô vẫn tươi cười chào mời khách, ai hỏi gì cũng nhiệt tình đối đáp hết lời. Bảo sao, khách đến quán từ già tới trẻ ai cũng quý cũng yêu, khắp Hà Nội có cả trăm hàng bánh đúc nóng, nhưng họ vẫn thích lặn lội qua những con phố chật hẹp ùn tắc để tới bằng được hàng cô Hạnh, ăn một bát bánh rồi về.
Bánh đúc nóng do cô Hạnh làm ra cũng có những nguyên liệu truyền thống như bột gạo tẻ xay, thịt mộc nhĩ xào hành khô, nước mắm pha được cô nấu theo bí quyết riêng. Bột bánh thì gần như ở đâu cũng giống nhau, đều dẻo ngọt, mịn như cháo, rải thêm một lớp nhân thịt vàng mỡ, cuối cùng là một lớp nước mắm chua cay mặn ngọt, rắc thêm chút rau mùi thơm phức, trộn đều lên là ta có thức quà dân dã ngon tuyệt. Bánh đúc xay nhuyễn cho vào miệng là tan ngay nơi đầu lưỡi, hòa quyện với mỡ hành hấp dẫn, thịt xào mộc nhĩ dai dai... ăn đến đâu ấm dạ đến đó, không hổ danh là món ăn tuyệt hảo cho mùa đông.
Món bánh đúc giản đơn ấy đã làm say lòng bao thế hệ người dân Hà Nội, nhất là quanh khu Minh Khai, Hai Bà Trưng, rất nhiều người biết tiếng quán cô Hạnh, chỉ thích tới đây ăn vì ngon lạ lùng, ngon đến mức phát "nghiện". Ngoài bánh đúc, cô Hạnh còn bán cả chè đỗ đen nóng và bánh nếp, tất cả đồng giá 5 ngàn, cứ như thời bao cấp vậy. 2 thập kỷ qua chẳng đổi thay tí nào.
Một buổi chiều cô Hạnh bán hết khoảng 4 kg bánh đúc nóng
Phần nhân thịt xào được nhiều thực khách khen là ngon, đậm đà vừa đủ, không quá mặn
Một lớp bánh nóng, thêm 2 thìa thịt xào, nhúm rau thơm, 2 lát ớt, rồi chan nước mắm lên
Bí quyết làm nên ấn tượng của bát bánh đúc là vị nước mắm cô Hạnh tự pha, chua dịu, ngòn ngọt, như nước chan bún chả nhưng nhạt hơn tí xíu
Và đây là món ăn vặt trứ danh, đã quyến rũ dạ dày của biết bao người dân Hà Nội suốt 22 năm qua
Thuỳ Linh (18 tuổi) nhà ở ngay trong ngõ 296, đã ăn bánh đúc ở đây từ bé, tới mức thành thói quen chẳng khác gì cơm nhà. "Không phải chỉ em, cả nhà em đều thích ăn bánh đúc ở đây. Em không biết tên cô, nhưng quen mặt hết, ra chả cần gọi, cứ ngồi là ăn thôi. Một tuần em ăn cũng phải 4-5 bữa". Kế bên Linh là một cụ ông râu tóc bạc phơ, nách ôm cái gậy, còn tay run run bưng bát bánh. Tôi khẽ hỏi cô Hạnh, cô bảo khách quen cả chục năm nay của cô đấy, dù không biết tên nhưng ăn bánh đúc nhà cô thường xuyên đến mức gần như chiều nào cũng ra ngồi.
Cụ ngoài 60 tuổi, tai hơi ngãng, phải nói to cụ mới nghe thấy, mắt cũng mờ nên phải cầm gậy dò đường. Một vị khách đặc biệt mà khi tới quán, mọi người đều tự giác nhường chỗ cho cụ, nụ cười móm mém như một lời khen vô hình rằng ở đây có món ăn ngon đến mức cụ thích không bỏ được! Dù bây giờ, cụ chỉ nuốt được phần bột gạo, không nhai nổi thịt, nếm nước dùng thôi cũng đủ thấy ngon.
Cụ ông hơn 60 tuổi - vị khách đặc biệt hầu như chiều nào cũng cầm gậy dò đường ra quán cô Hạnh
Rất nhiều bạn trẻ tới đây ăn thường xuyên, chỉ sau một lần được nếm thử
Gánh bánh đúc cô Hạnh cũng là địa điểm quen thuộc với nhiều bạn sinh viên quanh khu Bách Khoa đổ lại, vì giá cả bình dân, đồ ăn lại ngon, đầy đặn, thích ăn bao nhiêu cũng có, thậm chí hết tiền cô chủ tốt bụng vẫn sẵn sàng múc một bát 3 ngàn đủ no.
Hai cô nàng Xuân và Quyên (23 tuổi, SV ĐH Kỹ thuật công nghiệp) vô tình biết đến hàng bánh đúc nóng này, trong một lần đi học về ngang qua thấy quán đông người chen nhau nên tò mò vào ăn thử. Ngờ đâu lại... nghiện, cứ chiều chiều là canh giờ ra quán ăn sớm, đỡ hết chỗ. "Ở đây cái gì cũng ngon, ăn thích nhất là bánh đúc thịt, mặn ngọt cay cay. Bọn em toàn giới thiệu cho bạn bè ra đây ăn, chẳng đứa nào chê cả, có đứa yêu nhau từ lần hẹn ở hàng bánh đúc này đấy ạ". Kể đến đấy thôi, hai cô gái trẻ che miệng cười.
Xuân và Giang là hai cô gái trẻ rất thích món bánh đúc ở ngõ 296
Những người ghé hàng cô Hạnh ngồi đa phần là dân cư quanh ngõ, ăn một bát 5 phút là đứng dậy đi về
Có biết bao câu chuyện vui, kỉ niệm đẹp nơi góc cột điện đầu ngõ ấy, bên mấy cái thúng đựng đầy đồ ăn ngon, và nồi bánh đúc trắng tinh ngon lành đã hớp hồn bao người từng ghé qua thưởng thức.
Chỉ một món ăn giản dị mà cô Hạnh làm nức tiếng người con gái làng Mai Động, cô học nghề làm bánh đúc nóng từ mẹ chồng cách đây mấy chục năm, giờ cũng chỉ mong hai con trai sớm lấy vợ để cô truyền lại tiếp cho con dâu, giữ gìn gánh hàng cũ xưa đã gắn bó với tuổi thơ của bao bạn trẻ, cùng nếp sống của bao người dân địa phương.
Chỉ một thìa bánh đúc nhân thịt này thôi, mà bao người sẵn sàng đi xa để được nếm thử
Phố xá có đổi thay, nhà hàng quán ăn hiện đại mọc lên như nấm, thì người ta vẫn thích tìm về với hương vị truyền thống, bởi trong mỗi bát bánh, không chỉ là thức ăn ngon, nó còn là cả tâm huyết, sáng tạo, và tấm lòng của người làm ra. Giống như cô Hạnh vậy, dù tuổi đã cao, sức cũng yếu dần, nhưng cô vẫn miệt mài dậy sớm nấu bánh, xào thịt, nấu nước chan, để chiều chiều đạp gánh hàng ra chỗ ngồi quen thuộc, mòn cả tường suốt 22 năm trời. Cô chỉ sợ một ngày, mình không bán nổi nữa, khách cũng nhiều người tâm sự với cô rằng, sợ một chiều nào đấy không còn được gặp cô bánh đúc tay nhăn nheo cầm quạt thổi phành phạch với nụ cười rổn rảng, không được thưởng thức món bánh hấp dẫn ngon lành đã thành thói quen. Người ta vẫn luôn lo sợ như thế, bởi những điều cũ xưa chẳng bao giờ hứa hẹn sẽ tồn tại mãi mãi...
bánh đúc nóng Minh Khai, món ăn vặt, ẩm thực Hà Nội, hàng xưa quán cũ