"Đó là đêm đầu tiên mình thấy sân khấu đông khán giả, được ủng hộ, hò reo và cảm giác giọng hát của mình thực sự đem lại niềm vui cho mọi người chứ không chỉ là dùng tiếng hát xin rủ lòng thường nữa".
Giữa đêm Giáng sinh 24/12, câu chuyện ca sĩ Mỹ Tâm quay đầu xe, tiến về sân khấu sáng ánh đèn nhưng không một khán giả đứng xem, lên bục cao hát cùng người khuyết tật đã làm lay động biết bao trái tim.
Nhưng hình như người ta chú ý nhiều đến Mỹ Tâm và ít ai biết rằng, chàng trai hát cùng nữ ca sĩ - Nguyễn Đức Mạnh (SN 1988, Đông Anh, Hà Nội) có một số phận đáng buồn. Những kỉ niệm, câu chuyện mà anh xem đó như điều bình thường trong cuộc sống nhưng khi kể ra, lại đủ khiến bao người phải rơi lệ, xót xa.
Tôi hiểu chuyện ca sĩ Mỹ Tâm hát cùng tôi là một sự hy sinh
Nhắc lại kỉ niệm đáng nhớ được hát cùng ca sĩ Mỹ Tâm, nét mặt anh Mạnh trở nên vui tươi và giọng kể có vẻ rất hào hứng: "Đó là một kỉ niệm tuyệt vời. Đây là lần đầu tiên trong đời mình được hát cùng ca sĩ nổi tiếng như thế".
Anh Mạnh - chàng trai khuyết tật hát cùng ca sĩ Mỹ Tâm.
Anh Mạnh tâm sự, đêm 24/12, anh đứng trên sân khấu ngoài trời của đoàn Nghệ thuật Nhân đạo Thăng Long, biểu diễn các tiết mục quen thuộc của mình. Trời tối và sân khấu dựng ngay gần hồ Hoàng Cầu nên cảm thấy khá lạnh. Dù bị khiếm thị nhưng bằng cảm nhận của đôi tai, anh Mạnh hiểu rằng phía dưới, không có một khán giả nào đứng xem, cổ vũ.
Giữa đêm Giáng sinh, khi mà đường phố khắp ngả Hà Nội đều đông vui, nhộn nhịp, chỉ riêng có sân khấu này dù sáng ánh đèn, vẫn như bị lướt qua, bỏ mặc trong sự trống trải. Sự quạnh quẽ đó thoáng làm anh chạnh lòng.
"Nhưng rồi mình thấy có một vị khách nữ nói giọng miền Nam bước lên sân khấu hỏi thăm, tặng hoa cho mình. Cô ấy còn mời mình song ca bài "Sầu tím thiệp hồng", đúng dòng nhạc thế mạnh mình hay hát, vậy là mình hát cùng", anh Mạnh kể.
Ngày nào, anh Mạnh cũng đứng hát trên sân khấu không một bóng khán giả đứng xem.
Anh cứ say sưa hát và phía dưới, dòng người cứ hối hả lướt qua.
Khi hát xong, lúc ca sĩ Mỹ Tâm bước xuống dưới sân khấu, anh Mạnh vẫn nghĩ đó có lẽ chỉ là người khách qua đường, dừng lại hát để giải khuây. Dù vậy nhưng anh Mạnh đã cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc hơn rất nhiều. "Vì thường ngày, mình chỉ hát với những anh chị em có hoàn cảnh giống như mình. Số lần được song ca với người bình thường đối với mình cũng không nhiều nhặn gì".
Cả 2 mắt của anh Mạnh từ nhỏ đã không nhìn thấy gì. Vì quá buồn và mặc cảm, anh Mạnh thường dụi, đấm vào mắt phải khiến nó bị lõm sâu xuống.
Phải đợi đến lúc anh chị em trong đoàn nói với anh Mạnh rằng người hát cùng anh là ca sĩ Mỹ Tâm, anh mới sững người, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. "Nhưng chị Mỹ Tâm vẫn giữ thái độ cũ, tỏ ra thân thiện, hỏi han, động viên mình làm mình rất cảm phục. Mình chưa từng nghĩ khi nổi tiếng rồi, người ta vẫn cư xử dân dã như thế. Với lại mình đi hát nên hiểu rằng hệ thống âm thanh ở đây rất kém, làm xấu giọng ca sĩ nên chuyện chị ấy hát cùng mình, đúng là sự hy sinh".
Chị Mỹ Tâm đã giúp tôi thoát ra mặc cảm hát chỉ để xin tiền
Sinh ra trong một gia đình đông con, bố mẹ đều làm nông nghiệp nên cuộc sống của Mạnh từ nhỏ đã rất vất vả. "Nhà có 5 anh chị em nhưng chỉ có mình mình bị di chứng của chất độc màu da cam, từ nhỏ đã không biết đến màu của ánh sáng".
Vì bị mù bẩm sinh nên lúc còn nhỏ, anh Mạnh cứ nghĩ các bạn đều giống mình. "Mình hay chạy nhảy, nô đùa và vấp ngã. Mỗi lần như thế, bạn bè đều chỉ mặt, cười vang và gọi mình là thằng mù. Lúc ấy mình mới dần hiểu ra là mình khác biệt. Rồi mình bị xua đuổi, bị khinh ghét, điều ấy làm cuộc sống của mình dần khép chặt trong 4 bức tưởng, hạn chế ra ngoài và tiếp xúc với người lạ".
Khi còn nhỏ, anh Mạnh chỉ ước một ngày mắt sẽ sáng lại còn bây giờ, điều ước của anh giản dị hơn rất nhiều, đó là có thể tự kiếm sống bằng đôi tay của mình.
Năm 20 tuổi, anh Mạnh lần đầu tiên ra Hà Nội. Ước muốn lúc đó chỉ là làm sao tìm được một công việc mưu sinh qua ngày, hạn chế việc phải phụ thuộc vào cha mẹ già yếu và các anh chị em trong gia đình.
Trải qua nhiều ngày tháng lăn lội ở Hà Nội, cho đến một hôm anh Mạnh tình cờ thấy đoàn nghệ thuật Nhân đạo Thăng long đi biểu diễn. "Vừa nhìn thấy đoàn, mình đã nghĩ rằng nó hợp với mình. Vậy là mình lập tức xin đăng kí tham gia và gắn bó với nó đã gần 2 năm".
Thường ngày, anh Mạnh chỉ được song ca với anh chị em trong đoàn.
2 năm hát rong ngoài phố, anh Mạnh nếm đủ vui buồn, cay đắng. Chuyện sân khấu sáng đèn từ lâu nhưng cả đêm diễn không một vị khách đứng xem, với anh Mạnh là chuyện bình thường. "Nhưng mình vẫn hát vì được đem tiếng hát đến cho mọi người, mình đã vui rồi".
Anh Mạnh kể, có những ngày cả đoàn đi hát ở các quán ăn hoặc xuyên qua các khu chợ lớn cũng không được mấy người hưởng ứng. "Tiền thu về không nhiều nhưng nếu có ai đó vỗ tay, chào đón là chúng mình đã thấy rất vui".
Dù bị hiểu lầm nhưng đôi tay anh cầm mic của anh Mạnh vẫn luôn vững vàng.
Lần hát với Mỹ Tâm là lần đầu tiên anh Mạnh cảm thấy mình không còn ở trong tâm thế một kẻ hát rong xin tiền.
Điều khiến anh Mạnh buồn nhất là nhiều người thường nghi ngờ đoàn anh chỉ là những người lừa đảo. Họ không những không nghe hát, không ủng hộ còn chê bai, khinh miệt ra mặt. "Có nhiều người không tin một chàng trai chưa được học thanh nhạc như mình lại hát được như vậy, họ lên giằng mic, tắt loa để kiểm tra, có người xăm soi tận mặt nhìn mắt mình xem có phải mù thật không. Điều ấy làm mình rất tủi thân".
Nhưng ngoài những điều đó, nhóm của anh Mạnh cũng nhận được nhiều sựu ủng hộ và sự kiện ca sĩ Mỹ Tâm lên hát cùng anh sẽ là kỉ niệm suốt đời anh không thể quên. "Đó là đêm đầu tiên mình thấy sân khấu đông khán giả, được ủng hộ, hò reo và cảm giác giọng hát của mình thực sự đem lại niềm vui cho moi người chứ không chỉ là dùng tiếng hát xin rủ lòng thường nữa".
khiếm thị, ca sĩ mù, Mỹ Tâm