Nhiều bậc cha mẹ dù tuổi cao vẫn phải đi làm để nuôi con vì nhiều người trưởng thành ở Hàn Quốc không muốn hoặc không thể sống thiếu sự hỗ trợ tài chính của gia đình.
Bà Kim Soon Ki cứ ngỡ hai đứa con sẽ toàn tâm toàn ý lo cho cuộc sống sau khi tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, bà vẫn chưa hết vất vả suốt 10 năm qua. Người phụ nữ 62 tuổi thậm chí phải gánh thêm một nghĩa vụ khác là trả học phí cho cháu trai.
Người con trai 37 tuổi đã lấy vợ từ năm 2005 nhưng vẫn ở nhà của bà. Ở tuổi ngoài 60, bà vẫn phải làm việc vì con trai không thể tự trang trải tiền học cho đứa con 10 tuổi. Bà Kim làm công việc dọn dẹp bên trong một tòa nhà văn phòng ở Seoul với mức lương 1,5 triệu won (1.300 USD) mỗi tháng.
“Tôi không thể nghỉ việc vì con trai chỉ làm việc bán thời gian, kiếm được ít tiền và không ổn định, con dâu thì cả ngày ở nhà làm nội trợ”, bà Kim nói với Yonhap.
Người phụ nữ này dành một nửa tháng lương của mình để trả tiền học thêm cho cháu và phần còn lại cho sinh hoạt cá nhân.
Bà Kim Soon Ki ở chỗ làm. Ảnh: Yonhap.
Những người như con trai bà Kim được gọi là “nhóm Kangaroo mới”, những người không kiếm được một công việc ổn định khi 20 tới 30 tuổi. Tuy nhiên, họ vẫn lập gia đình và giải quyết khó khăn bằng cách ở lại nhà cha mẹ.
Họ càng khó thay đổi công việc khi bước sang tuổi 35, 36. Các nhà kinh tế cho biết nhiều người vẫn sống dựa vào một phần thu nhập và lương hưu của cha mẹ.
Theo bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, năm 2015, tỷ lệ hộ gia đình Hàn Quốc có con cái đã kết hôn sống cùng cha mẹ chiếm 4,4% trên tổng số 19,6 triệu hộ trong cả nước. Cơ quan này dự báo tỷ lệ trên có xu hướng tăng lên trong tương lai. Giá bất động sản cao là một trong những nguyên nhân chính khiến họ không ra ở riêng.
Trong một số trường hợp khác, những người trẻ trì hoãn việc tốt nghiệp đại học, tìm kiếm việc làm hay kết hôn và chọn sống trong “túi” của cha mẹ.
Viện Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Hàn Quốc đã tiến hành khảo sát 1.013 đối tượng trong độ tuổi từ 20 đến 50 vào ngày 13/12. Trong số những người được phỏng vấn, 12% cho rằng cha mẹ nên hỗ trợ con cái cho đến khi chúng kết hôn, 3% nghĩ rằng việc hỗ trợ có thể kéo dài đến khi con có khả năng độc lập tài chính. Tỷ lệ này tăng lần lượt từ 10% và 0,6 % trong năm 2008, một dấu hiệu cho thấy điều kiện làm việc ngày càng khắc nghiệt.
Báo cáo gần đây của Ngân hàng Standard Chartered Hàn Quốc cho hay sự cạnh tranh việc làm khốc liệt, nhất là vị trí trong các công ty lớn, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên. Cơ hội việc làm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp ít hơn khiến nhóm “chuột túi” ngày càng lớn.
Tính đến tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp của người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 15 đến 29 chiếm 8,2% trong tổng dân số. Ảnh: koogle.
Con trai ông Kim Choon Gwang năm nay 38 tuổi. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 2001, anh vẫn chưa có công việc ổn định. Anh này vẫn sống với người cha gần 70 tuổi và làm nghề tư vấn mỹ phẩm ở Daegu.
“Tôi hy vọng nó tìm được công việc ổn hơn và lập gia đình riêng. Nếu không tìm được vợ tốt, nó vẫn ở với tôi”. ông Kim nói.
Dù nhận lương cao, nhiều người vẫn chọn sống với cha mẹ để tiết kiệm cho cuộc sống sau khi về hưu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và suy thoái kinh tế kéo dài.
“Tôi không có lý do gì phải sống một mình. Cha tôi vẫn làm việc còn mẹ tôi thì chăm lo mọi công việc nhà. Tôi có thể tiết kiệm tiền và lên kế hoạch cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu”, Claire Lee, 39 tuổi và tự nhận thuộc nhóm “chuột túi”, chia sẻ.
Choi Moon A, môt giảng viên tiếng Anh mới ký hợp đồng thuê một căn hộ dành cho người giàu ở Ichon dong giữa trung tâm thủ đô Seoul trong hai năm, kết thúc quãng thời gian chung sống với cha mẹ suốt 45 năm qua.
“Nếu điều kiện cho phép thì lựa chọn lý tưởng nhất là sống cùng cha mẹ cho đến khi con cái có đủ tài chính để sẵn sàng rời “túi” mẹ”, cô nói.
Điều này dẫn đến việc các bậc cha mẹ hoãn nghỉ hưu để hỗ trợ con cái, ngay cả khi chúng đã kết hôn và có việc làm.
Nhiều người ở độ tuổi 50, 60 vẫn tiếp tục làm việc bán thời gian. Tỷ lệ những người lao động trong độ tuổi 50 (75,5%) lớn hơn so với những người ở độ tuổi dưới 30 (57,65%) trong giai đoạn 2014-2015.
Theo báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered Hàn Quốc, việc các bậc phụ huynh lớn tuổi tham gia vào lực lượng lao động trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ thiếu việc làm cho lao động trẻ.
Theo Zing
thanh niên, lấy vợ, Cha mẹ