Người xưa dạy hiếu nghĩa làm đầu thì cũng có dạy "đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Bạn không phải người khát nước, nên đâu hiểu được nỗi đau của người sống trong đống muối do chính mẹ mình tạo ra.
Câu chuyện Đàm Vĩnh Hưng quay clip trực tiếp chia sẻ "chuyện xấu" của mẹ làm cư dân mạng dậy sóng mấy ngày qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chứng kiến lời kể chi tiết và những giọt nước mắt của "ông hoàng nhạc Việt" về hành động nhục nhã, không thể chấp nhận của thân mẫu, người ta lại tranh cãi nhau...
Có người đồng cảm, xót thương cho phận "con tằm nhả tơ" của chàng ca sĩ, khi phải căng sức gồng mình gánh khoản nợ khổng lồ (được chia sẻ là 20 tỉ) của mẹ đến sức tàn lực kiệt. Một số khác lại phản đối chàng ca sĩ, cho rằng anh dại dột "vạch áo cho người xem lưng", khi "tố giác" chính là người mang nặng đẻ đau, dứt ruột sinh ra mình. Chung quy lại, người ta quẩn quanh, đấu đá, cãi vã nhau cũng chỉ vì một chữ Hiếu.
Đàm Vĩnh Hưng không nén được cảm xúc khi phải chia sẻ "chuyện xấu" của mẹ.
Hiếu kính cha mẹ vốn là truyền thống cao đẹp của người Á Đông nói riêng và cả nhân loại nói chung. Vì chữ Hiếu, mà người ta bất bình với Mr. Đàm khi anh dù sụt sùi khóc lóc, tỏ thái độ rất đau đớn trước màn hình điện thoại nhưng vẫn nhất quyết "vạch tội" mẹ. Người ta trách Hưng tuyệt tình với thân mẫu, khi hình hài mà anh có do bà tạo ra, anh lớn lên nhờ dòng sữa của bà, và sẽ chẳng bao giờ thành đạt như hôm nay nếu không có những ngày vất vả hy sinh của mẹ.
Cái công lao ấy đã đủ sánh tựa biển trời, thì 20 tỷ kia có đáng gì mà phải đa đoan tính toán, khi trong tay anh có hàng tá thứ hàng hiệu sang trọng, những biệt thự khang trang và cả giọng hát, cả cái tên đáng giá ngàn vàng... Vân vân và vân vân. Cứ thế, người ta đẩy chàng ca sĩ ấy vào chỗ "đại nghịch bất đạo" mà chẳng cần biết lý do để anh hành động "bất dung" (về mặt lý thuyết) là gì. Đơn giản với họ, cứ bêu xấu mẹ là đồng nghĩa với việc đem mẹ ra pháp trường. Thế là bất hiếu, là không trọn đạo làm con...
Không chấp nhận kiểu suy nghĩ truyền thống này, rất nhiều người lên tiếng phản đối. Một trong số ý kiến được nhiều người quan tâm, đón nhận là của chị Thu Hà (một nhà báo đang sống tại TP.HCM).
Trích đoạn ý kiến của chị Thu Hà.
Quan điểm của chị Thu Hà thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Dẫn ra thứ mà nhiều thế hệ học sinh đã mài đũng quần trên bục giảng để đưa vào đầu, chị Hà thắc mắc:
"Có phải chăng suốt bao năm ngồi trên ghế nhà trường, học sinh chúng ta bị ám ảnh bởi nàng Kiều bán mình chuộc cha như một tấm gương sáng ngời chữ Hiếu?".
Câu hỏi đau đáu ấy đánh thẳng vào tâm lý ngại thay đổi của người Á Đông. Một thứ tồn tại đã lâu, trở thành thói quen và nếp nghĩ thì mặc nhiên được người ta coi là đúng, là chân lý. Và dĩ nhiên, khi đi lạc ra ngoài khuôn khổ ấy, họ sẵn sàng cào cấu, xâu xé cái kẻ đã dám to gan thoát ly đám đông, coi kẻ ấy như thành phần lạc loài, lập dị. Và trường hợp của Mr. Đàm lại càng đáng tội ngàn lần khi thứ mà anh thoát ly lại là cái chữ Hiếu được định nghĩa sẵn, bất di bất dịch là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó; cha mẹ có xấu xa, hèn hạ thế nào thì vẫn là cha mẹ, phải bao che, phải bảo vệ bằng mọi cách, không được làm trái ý, lại càng không đươc tố giác, đẩy cha mẹ vào đường cùng dù có sai trái đến đâu.
Nhiều người ủng hộ quan điểm của chị Thu Hà.
Thế là người ta quên bẵng đi hơn 10 năm trời ròng rã, Đàm Vĩnh Hưng đã phải cắn răng trả món nợ to lớn từ thói bài bạc tiêu pha vô độ của mẹ, đến nỗi kiệt sức phải vào viện cũng ráng lết dậy chạy show, đến nỗi bị người ta xé áo giữa đường, rút tiền ngay dưới sân khấu cũng phải mỉm cười chịu nhục, như lời anh chia sẻ. Đã trách Đàm Vĩnh Hưng bất hiếu sao không trách mẹ anh bất nghĩa. Nếu chuyện này không bị phanh phui, chẳng biết còn bao nhiêu người dính vào cái bẫy của "mẹ ngôi sao" mà cho bà mượn tiền một cách vô tội vạ. Lúc ấy cứ nhắm mắt làm liều, cứ hi sinh bán nhà trả nợ mà không cần suy nghĩ, vì mẹ luôn đúng mới chính là hài nhi chí hiếu?
Người ta quên rằng để có được cơ ngơi ngày hôm nay, Vĩnh Hưng đã phải trả giá bằng máu và nước mắt, để đi từ một thằng bồi bàn, một anh hát dạo biến thành một ngôi sao hàng đầu Việt Nam. Vì thế hơn ai hết, anh càng trân quý sức lao động của bản thân. Nghĩ đến viễn cảnh cả đời hát ca cật lực rồi phải lết xác ra đường chầu chực níu tình thương của thiên hạ khi bản thân không còn một thứ gì, là bạn, bạn có chịu được không?
Sống tròn chữ hiếu, trọn đạo làm con, nhưng mọi thứ cũng cần những giới hạn của nó
Họ nào biết rằng Đàm Vĩnh Hưng đã quá mệt mỏi để chịu đựng thói ăn chơi sa đoạ của bà Trần Thị Thọ, như trong lời Hưng rứt ruột chia sẻ. Và nếu cứ hiếu kính kiểu "bán mình chuộc cha", chẳng biết có còn cơ hội để đời con, đời cháu Hưng có thể gồng mình trả nợ giúp bà.
"Nhưng thực ra, những cái mình hi sinh, đâu phải 100% lúc nào cũng có ích? Đâu phải 100% lúc nào cũng tốt cho người khác?
Mình biết ba mẹ nhầm đường mà mình lặng yên không làm triệt để cho dứt nọc đi, là mình cũng có tội. Đành rằng là Hiếu, nhưng mà Ngu Hiếu thì thiệt cả người cho và người nhận".
Chữ Ngu Hiếu mà chị Thu Hà gọi ở đây có lẽ để chỉ sự cố chấp, bảo thủ trong cách trả ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. Đã biết sai mà cứ đâm đầu vào, không thay đổi thì chớ, lại mơn trớn, nuôi dưỡng cái xấu. Chính lối suy nghĩ bao che, bất chấp ấy là nền móng của sự trì trệ, hỗn loạn trong xã hội. Biết bao người đàn ông nghiện ngập phải vĩnh viễn ra đi khi vợ anh không dám đẩy anh vào con đường cải tạo; biết bao người cha mang thói vũ phu hành hạ cả gia đình khi con không dám can ngăn. Và còn bao nhiêu nữa giọt nước tràn ly vì không dám vặn chiếc vòi nước lại, vì "một giọt máu đào hơn ao nước lã".
"Mỗi thứ trên đời điều chỉ cũng có cho nó riêng một giới hạn", tôi nhớ một bài hát của Đàm Vĩnh Hưng có nói thế này. Anh đã chịu đựng người mẹ hơn 10 năm, con số không dài cũng không ngắn với một kiếp người, nhưng đủ ê chề để thấm thía sự tủi nhục đến mức phải nói ra trong nước mắt. Và giới hạn dành cho Hưng đã hết, phải có một bước ngoặt khác cho cuộc đời chứ không thể ôm nỗi uẩn ức mãi chỉ vì "trót mang đạo hiếu". Anh vẫn chưa lập gia đình, thậm chí chưa có người yêu (nếu đúng như lời anh chia sẻ), vì mặc cảm. Anh cũng cần phải nghĩ đến bản thân khi đã quá sức chịu đựng. Nếu trách Đàm Vĩnh Hưng vi phạm hiếu nghĩa theo kiểu truyền thống, sao không trách bà Trần Thị Thọ khi chính bà đã không "tòng tử", gây bao mối hoạ khiến đứa con mình lao đao.
Sức chịu đựng của Đàm Vĩnh Hưng với mẹ ruột đã vượt quá giới hạn, và rồi đành phải nói ra bao lời cay đắng?
Đã là năm bao nhiêu của cái thiên niên kỷ thứ hai sau công nguyên rồi mà vẫn không chịu thay đổi những chuẩn mực vốn đã cũ xì, mốc méo và rỗng tuếch, dù biết rằng nó hoàn toàn mang đến sự tích cực và giá trị truyền thống. Người xưa dạy hiếu nghĩa làm đầu thì cũng có dạy "đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Bạn không phải người khát nước, nên đâu hiểu được nỗi đau của người sống trong đống muối do chính mẹ mình tạo ra.
Giới hạn nào cho chúng ta, Đàm Vĩnh Hưng tố giác mẹ, Đàm Vĩnh Hưng, Livestream