Đời sống

Hành trình Thiện Nhân và những câu chuyện rưng rưng chạm đến tận cùng trái tim người mẹ

Nếu được một lần theo chân các bác sĩ trong Hành trình Thiện Nhân đi khám và tiến hành phẫu thuật cho các em bé bị khuyết tật phần phụ bẩm sinh, chắc chắn nhiều người sẽ không cầm lòng được. Ở đó có những em bé đến chuyện đi tiểu cũng thật khó khăn...

Chắc hẳn nhiều người biết nhà báo Trần Mai Anh – người mẹ đặc biệt của “chú lính chì” Thiện Nhân. Mọi người đã quá quen thuộc với câu chuyện cổ tích của mẹ con chị, nhưng ít ai biết, Mai Anh còn có một câu chuyện khác, cảm động không kém so với Nhân, ấy là hành trình mở thêm một ngăn trong tim với cậu bé người Campuchia – Sophean. Những trang nhật ký về Sophean được chị Mai Anh lật mở trên facebook riêng cách đây cũng lâu lâu, với tựa đề “Giao thừa đến trong nước mắt”, và nó thực sự đã khiến nhiều người rơi lệ.

hành trình thiện nhân
Sophean - cậu bé con nuôi người Campuchia có hoàn cảnh khá giống Thiện Nhân

Sophean đến với chị một cách tình cờ, như định mệnh sắp đặt. Hoàn cảnh cậu bé giống Thiện Nhân đến lạ, bị mẹ đẻ bỏ lại bệnh viện đúng đêm giao thừa năm 2007 với hình hài khiếm khuyết bẩm sinh: không có bộ phận sinh dục, bàng quang lộ ra ngoài. Mai Anh xót xa lắm: “Chính vì vết thương đó mà người đẻ ra nó còn chối bỏ không nương tay, thế nên càng chẳng có ai chịu nhận nó về”. Sophean có làn da ngăm đen, đôi mắt lúc nào cũng bình thản, và nụ cười thì luôn thường trực trên môi. Người ta gọi em là “Thiện Nhân phiên bản Campuchia”. Cậu nhóc rất tự lập, không muốn làm phiền người khác, nên cả khi đau đớn quằn quại trên giường bệnh, được mẹ Mai Anh ôm trong lòng, Sophean cũng chỉ cắn răng cho dòng nước mắt lạnh lẽo trôi ra, rồi khô đi.

hành trình thiện nhân

Vì mối duyên với những đứa con trời cho ấy, mà chị Mai Anh cùng nhiều bác sĩ, nhà hảo tâm khác mở ra chương trình thiện nguyện chuyên phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật bẩm sinh, đặt tên là Hành trình Thiện Nhân. “Chú lính chì” bé bỏng đã trở thành tấm gương, ngọn lửa truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người mẹ gầy guộc nhưng giàu lòng nhân ái, thôi thúc nhiều người chung tay giúp đỡ các em bé có số phận thiệt thòi. Bé trai bị bỏ rơi trong vườn chuối 10 năm trước đã trở thành điểm tựa, kết nối hàng nghìn người trên thế giới với nhau, từ các bác sĩ nước Ý, Mỹ xa xôi đến những em bé thiếu bộ phận sinh dục như Sophean ở Đông Nam Á…

Qua thời gian, Sophean lớn dần trong vòng tay người mẹ nuôi không chung dòng máu, thậm chí còn chẳng chung dân tộc. Rồi cậu bé được nhận nuôi bởi Phanat Ouch - thầy giáo tốt bụng đến từ quê hương nơi bé được sinh ra. Người cha nuôi ấy tìm hiểu về Hành trình Thiện Nhân, rồi cố gắng gửi thư đến xin được khám và phẫu thuật cho Sophean. Món quà vô giá dành cho bé là ca phẫu thuật tái tạo con “cheem” (cách ví von dí dỏm của chị Mai Anh) vào một ngày đẹp trời, cả cha nuôi lẫn mẹ nuôi của Sophean đều biết ơn các bác sĩ và nhà hảo tâm.

hành trình thiện nhân
Bác sĩ Roberto và Emilio - những người đã và đang hi sinh hết mình để giúp đỡ các em bé bị khiếm khuyết như Thiện Nhân
hành trình thiện nhân
Họ hiểu những đứa trẻ thiếu bộ phận sinh dục là điều thiệt thòi lớn lao trong cuộc sống

Không chỉ riêng Sophean, rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp thế giới đã được Hành trình Thiện Nhân ghé thăm giúp đỡ. Mỗi em bé là một câu chuyện khác nhau, tất cả đều đẹp đẽ, xúc động, chạm đến trái tim của hàng triệu người mẹ. Chị Nguyễn Minh Hiền (quản lý tại một công ty truyền thông lớn tại Hà Nội) cũng là một bà mẹ giàu lòng yêu thương, sau lần có duyên gặp gỡ nhà báo Mai Anh và bé Thiện Nhân, chị đã luôn canh cánh trong lòng những xúc cảm đẹp đẽ dành tặng những đứa trẻ đáng thương, chịu nhiều thiệt thòi như Nhân.

“Hôm qua khi đọc bài viết trên FB, tôi thấy những ông bố bà mẹ, những đứa trẻ đến với quỹ Thiện Nhân để được mổ chữa dị tật sinh dục đều có điểm chung, rằng họ cho là con họ không bình thường, và đặc biệt một cách đầy đau khổ.

Đó là sự khác biệt.

Số phận đã ban cho Thiện Nhân một hoàn cảnh đặc biệt, biến em thành một đứa trẻ đặc biệt. Nghĩ rằng đó là bất hạnh đặc biệt hay là sự tốt lành đặc biệt – là do bạn. Mai Anh đã chọn cách thứ hai. Cũng chính vì lẽ đó, Thiện Nhân đã lớn lên vừa bình thường, vừa đặc biệt. Bình thường như bé là một đứa bé, như mọi đứa bé. Đặc biệt vì bé mang lại tình yêu và cảm hứng nghị lực sống cho nhiều người. Quỹ Thiện Nhân ra đời để giúp các trường hợp dị tật sinh dục. Đấy chẳng phải là những điều tốt lành hay sao, bắt nguồn từ cái tên Thiện Nhân.

hành trình thiện nhân
Chị Minh Hiền là một bà mẹ luôn dõi theo Thiện Nhân và các chương trình thiện nguyện mang tên em

Rất khó để thay đổi suy nghĩ của bố mẹ chúng, nhưng những đứa trẻ ấy vẫn đang như tờ giấy trắng. Làm thế nào để nói với chúng rằng các con được số phận ban cho một hoàn cảnh đặc biệt, các con vừa bình thường, vừa đặc biệt một cách tốt lành.

Như Thiện Nhân – bị mất một chân và được đặt tên là “ Chú lính chì bé nhỏ”. Các con, hãy tự đặt cho mình một cái tên thật đặc biệt, thật đẹp. Sự hiện diện của các con giúp những người khác đang sống không bằng lòng với con mình, với hoàn cảnh của mình nhận ra giá trị cái mà họ đang có.

Các con có thể được chữa trị, được mổ, có thể chưa đến lượt. Nhưng quan trọng là con luôn thấy mình đặc biệt một cách tốt lành. Sự hiện diện của con mang lại giá trị cho mọi người, để họ thấy mình thật đầy đủ, không tham lam thêm, biết chia sẻ… rất rất nhiều thứ tốt đẹp mà mỗi người có thể cảm nhận”.

Tâm sự của chị Hiền quả thực đã nói thay lời trái tim của rất nhiều bậc làm cha làm mẹ. Nếu lỡ sinh ra một thiên thần có hình hài không trọn vẹn, đừng bao giờ đổi lỗi cho ông trời, số phận, để rồi ghét bỏ đứa trẻ vô tội. Hãy tìm cách giúp đỡ chúng bằng liều thuốc yêu thương từ đáy lòng mình. Những đứa trẻ có thể thiếu tay, thiếu chân, thiếu bộ phận sinh dục, hở hàm ếch… nhưng chúng không thiếu cảm quan với thế giới xung quanh, chúng cũng biết yêu ghét hờn giận, biết đau, biết khóc, biết đón nhận yêu thương và biết gửi đi tình cảm nhỏ bé của mình. Chị Hiền bảo, lâu nay chị vẫn luôn dõi theo mẹ con Nhân, cảm phục sự kiên trì, lòng tốt của họ và các bác sĩ nước ngoài, thấy thương các em nhỏ, bố mẹ nghèo của chúng. Những gì Mai Anh và Hành trình Thiện Nhân đang làm quá tốt đẹp và ý nghĩa, tái sinh cuộc sống mới cho rất nhiều số phận lẻ loi trên cõi đời này.

Một bà mẹ khác, từng tham gia vào nhiều cuộc khám, chữa bệnh của Hành trình Thiện Nhân đã có kha khá kỉ niệm hay chia sẻ đến mọi người. Đó là nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương (Quỳnh Tun) – Tổng biên tập một tờ báo dành cho phụ nữ. Từ khi biết đến Nhân và hành trình tái tạo những “chú cheem non”, chị luôn hi vọng được đóng góp công sức nhỏ bé của mình làm đẹp cho đời. Mỗi mảnh đời bất hạnh mà chị gặp đều lắng đọng lại bao xúc cảm tuyệt vời.

“Ngày Chủ Nhật, tôi rời BV Việt Đức lê từng bước, hết sạch không còn một giọt hớn hở nào trong người (dù bình thường bạn Tun là một thùng hớn hở di động). Tôi bị sốc. Tôi chưa từng biết cuộc sống có thể kinh khủng như thế, bị đau thật sự là đau, bất hạnh thật sự là bất hạnh, tuyệt vọng và hy vọng trộn vào nhau bằng nước mắt như thế - dù tôi cứ leo lẻo nói (và viết) về những thứ ấy suốt.

Hôm ấy khám cho đợt mổ của Quỹ Thiện Nhân (hôm qua bắt đầu mổ rồi), tôi le ve vòng ngoài tình nguyện ghi chép vào hồ sơ. Đông quá. Đại loại qua 2 cửa sàng lọc và phỏng vấn, thì những ca nặng sẽ được ưu tiên trong hồ sơ xếp hàng của Quỹ. Thế mà vào vòng trong vẫn còn đông phát điên. Toàn những bố mẹ tuyệt vọng, những đứa trẻ mặc cảm và thất thần.

hành trình thiện nhân
Chị Quỳnh Hương cũng có một bé gái rất dễ thương nên chị hiếu tấm lòng của những người làm cha mẹ 

Có chị kia dắt theo thằng con trai, chắc bằng bé Thóc nhà tôi. Nhưng mẹ nó sụt sịt bảo: "Cháu nó là gái đấy. Mỗi tội không có buồng trứng và tử cung, lại có cả 2 tinh hoàn 1 cái lạc ở bụng 1 cái lạc ở bẹn. Xét nghiệm nhiễm sắc thể thì giới tính nữ, nhưng càng lớn cháu càng chứng tỏ tâm lý và mong muốn là con trai - gia đình hy vọng các bác sĩ của Thiện Nhân có cách thay đổi giới tính để cho cháu thành trai". Tôi theo hai mẹ con đó vào khám, bác sĩ Emilio xem rất kỹ rồi bảo: "Nó là con gái, phải để nó lớn lên như con gái và dùng hormon nội tiết tố nữ suốt đời. Tinh hoàn đang teo đi, nó chẳng có cách nào là đàn ông được". Lúc ra ngoài, chị mẹ vẫn còng gập người xuống, chị ấy thều thào hỏi (mà lúc có bác sĩ sao không nhớ để hỏi cơ chứ): "Ừ thì nó không thể có con được, nhưng liệu sau này nó có đời sống tình dục được không chứ? Chẳng lẽ còn mỗi thứ ấy cũng không được nữa???".

Đó mới chỉ là một phần trong số những ca éo le khiếm khuyết phần phụ mà chị Quỳnh Hương được tận mắt chứng kiến. Vẫn còn cơ hội, nhưng xem ra để lựa chọn cách tốt nhất cho đứa trẻ cũng chẳng dễ dàng gì. Đọc xong chắc nhiều người bật cười, nhưng khép môi lại thấy chua chát. Trong tâm can những người làm mẹ, nếu đó là con chúng ta, phải làm thế nào đây?...

“Có hai bố con dắt nhau từ Thanh Hoá ra, thằng bé béo trũn trĩn và xinh đẹp lắm. Mỗi tội nó gần như không có chim, đi tiểu là vết lõm giữa hai bìu. Vợ chồng anh kia là công nhân đóng gạch, thương con chỉ biết bù đắp là cố gắng cho nó ăn uống, bố mẹ nhịn miệng đi. Anh ấy viết thư suốt 3 năm nay cho Quỹ Thiện Nhân, và may sao lần này được gọi. Vào khám BS. Roberto, anh bố lẩy bẩy như gặp thánh sống hiện hình. BS khám xong nói: "Để phẫu thuật được, trước tiên thằng bé phải giảm cân. Vì mỡ đang "vùi" các cơ quan cần đưa ra ngoài, 1 năm nữa chúng tôi sẽ gọi anh lại và lý tưởng nhất cho ca phẫu thuật là em bé phải gầy như bố". Anh ấy bảo không dám hy vọng nó là đàn ông bình thường, vì chim thằng bé hình như cứ teo dần đi, giờ chỉ bằng đúng hột ngô, nhưng anh hy vọng việc phẫu thuật đến sớm để việc bài tiết của nó không khổ sở quá.

Lại có hai mẹ con xuống từ Điện Biên. Cô bé sắp dậy thì, nó khóc tức tưởi vì xấu hổ khi bị banh càng ra để các BS rọi đèn pin khám và chụp ảnh chỗ kín. Mẹ nó nước mắt lã chã nắm chặt tay nó: "Con cố lên. Sẽ không sao đâu. Mẹ ở cạnh con. Các bác sĩ sẽ chữa cho con thành người bình thường". Thế nhưng con bé vẫn run từng đợt như một con vật nhỏ khiếp sợ. Tất cả chúng tôi có mặt ở đó đều không chịu đựng được, vài bạn tình nguyện viên lén quay đi lau mắt. Cô bé quắp chân lại, nó run rẩy muốn tự vệ chống lại mọi ánh mắt, kể cả những người sau đây sẽ có thể là ân nhân cứu cuộc đời nó. Vì nó đã biết tự hổ thẹn và mặc cảm về cơ thể khác thường của mình. Sau người mẹ ấy kể với chúng tôi, vợ chồng chị cưới nhau 12 năm chạy chữa mãi mới có bé gái đó. Sinh ra, con của anh chị bị chung đường sinh dục với đường tiêu hoá. Cũng đã vài lần phẫu thuật, bây giờ có 1 đường output riêng, nhưng bác sĩ đang nghi ngại là ca phẫu thuật tách và tạo hậu môn (lúc em bé được 18 tháng tuổi) đã cắt vào phần tử cung của bé. Và tất cả hy vọng còn lại, gia đình 3 người của họ đang đặt vào phép nhiệm màu đến từ Quỹ Thiện Nhân”.

hành trình thiện nhân
Những đứa trẻ bị khuyết tật sinh dục được bố mẹ đưa đến Hành trình Thiện Nhân với hi vọng mong manh

Đấy, vỏn vẹn là những mẩu chuyện lượm lặt thôi, mà đủ lấy đi nước mắt hàng ngàn người. Chỉ là 3/100 trường hợp khám của Hà Nội trong tháng 11, và còn hơn 1.000 ca chưa phẫu thuật được. Nghĩa là 1.000 nỗi tuyệt vọng, 1.000 gia cảnh bi thảm, 1.000 thương khó... Các bác sĩ mổ từ sáng đến đêm, chỉ ăn 1 bữa/ngày để tiết kiệm thời gian - lần này chắc giỏi lắm là mổ được 10 ca ở Hà Nội. Không ít đâu, 10 ca nghĩa là có 10 cuộc đời được cứu, 10 đứa trẻ được trục vớt khỏi đau đớn của mặc cảm mang cơ thể dị dạng để có cuộc đời bình thường. Quỳnh Hương cố nén nước mắt và lòng thương trong mình cứ trào dâng không dưới trăm lần: “Tôi đã hiểu, vì sao 3 người kia không thể dừng lại, vì sao 2 ông già Roberto và Emilio kiệt sức và bị sốt vẫn nhất định không rời phòng khám, 2 ông ấy cười hiền lành khi Mai Anh bắt hứa là "Các ông già quá rồi, trước khi chết nhớ tìm được bác sĩ thay các ông mổ nốt cho bọn trẻ con VN còn đợi kia...". Chỉ đơn giản là những người tốt ấy, họ không thể chịu đựng được nếu không làm gì khi đã chứng kiến từng ấy nỗi đau. Họ không thể đừng được việc chìa tay ra, khi có những đứa bé tuyệt vọng như thế, đang kêu cứu...”.

Trở về từ lần tình nguyện với cả đống chuyện ý nghĩa ấy, Quỳnh Hương cảm thấy mình may mắn biết bao. May mắn vì được sinh ra lành lặn, và may mắn vì bé Thóc nhà chị cũng vẹn nguyên, đầy đủ bộ phận. Nếu Thóc là một trong số những đứa trẻ ngơ ngác xếp hàng chờ khám trước cửa Hành trình Thiện Nhân, chị không dám nghĩ mình sẽ khóc, sẽ đau, chờ mong đến tuyệt vọng thế nào. Người ta cứ bảo, thời gian là phương thuốc chữa lành mọi vết thương, chẳng biết có đúng hoàn toàn không nhưng cái thứ vô hình ấy chẳng chờ đợi ai, chẳng níu giữ cho ai điều gì, tất cả cứ trôi về tương lai, khiến người ta buộc phải trưởng thành, buộc phải quên đi, hoặc buộc phải tự kéo vảy những tổn thương trong lòng, chôn nó vào nơi gọi là “quá khứ”. Với lũ trẻ được tái sinh nhờ Hành trình Thiện Nhân, mong các em sẽ quên được nỗi đau quá khứ và sống yên vui giữa tình nhân ái của biết bao tấm lòng thiện nguyện...

aFamily

quỹ thiện nhân, hành trình thiện nhân, khuyết tật sinh dục


      © 2021 FAP
        4,349,648       260