Đời sống

Cô bán bún bò tốt bụng cưu mang anh vé số không tay: “Tôi xem nó như con ruột của mình”

Chiều đầu tuần, xấp vé số đến chợ Bàn Cờ (Q.3) thì hết nhẵn. Như thường lệ, anh bán vé số tật nguyền lại mon men đến sạp bún bò cạnh bãi giữ xe. Và khoảnh khắc xúc động mà cư dân mạng chia sẻ mấy ngày nay lại một lần nữa xuất hiện: Cô chủ quán mái đầu bạc trắng cẩn thận đút từng miếng thức ăn cho chàng thanh niên.

Anh bán vé số tên Nguyễn Đức Thanh (32 tuổi, quê Bình Định), còn người đàn bà tốt bụng tên Lê Thị Cúc, người đã có 17 năm bán bún ở chợ Bàn Cờ. Hơn một năm nay dù nắng hay mưa, cứ đều đặn mỗi tuần, chàng thanh niên tật nguyền ấy lại một mình lầm lũi bắt xe buýt từ bến xe miền Đông sang để thưởng thức tô bún bò ngon nhất trần đời. Không chỉ vì tô bún ấy miễn phí, nó ngọt ngào bởi được nấu bằng đôi bàn tay ấm nóng tình người, thứ mà anh đã vĩnh viễn mất đi.

5
Mỗi lần anh Thanh đến quán, cô Cúc lại cho anh Thanh ăn bằng chính đôi tay của mình.

12
Đôi bàn tay người dưng chăm sóc anh bán vé số tật nguyền.

Số phận nghiệt ngã

Gia đình nghèo với 4 anh chị em, đường học vấn của Nguyễn Đức Thanh sớm dang dở. Anh lao vào cuộc đời bằng đôi cơ thể rắn rỏi cùng trách nhiệm gách vác gia đình của người con cả. Thế nhưng năm 2006, trong lúc đang làm phụ hồ tại một công trình xây dựng, tai ương bất ngờ ập xuống.

Thanh vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Khi đang vận chuyển thanh xà gồ dài lên tầng cao, anh vô tình để thanh sắt chạm trúng mạch điện công trình. Một tiếng nổ lớn vang lên, luồng điện cực mạnh nhanh chóng len vào, xé phăng cơ thể bé nhỏ. Anh chỉ kịp nghe tứ chi đau đớn tột cùng trước khi ngã quỵ bất tỉnh.

1

Anh Thanh bồi hồi kể về cuộc đời mình.

Dù nhanh chóng được đưa vào bệnh viện Quy Nhơn cấp cứu, đôi cánh tay của Thanh bị hoại tử nặng, phải cắt bỏ để bảo toàn tính mạng. Ngày biết được tay chỉ còn trơ trọi cùi chỏ, chàng trai như ngất lịm thêm lần nữa, nhìn người thân chung quanh, thét lên trong tức tưởi. Lúc bước được xuống giường, Thanh lại lần nữa nhói đau khi nhìn thấy chi chít vết sẹo nơi bàn chân. Kể từ đây, anh nhận ra mình đã không còn là chàng trai khoẻ mạnh, đã chẳng còn là chỗ dựa vững chãi, ngược lại trở thành gánh nặng cho gia đình. Cũng vì tật nguyền, mối tình thanh mai trúc mã mười mấy năm trời của anh cũng tan vỡ.

7

Tai nạn bất ngờ khiến đôi tay anh hại tử phải cắt bỏ, chân cũng từ đó yếu đi.

8 năm trời gặm nhấm nỗi thống khổ của một người không tự chủ được bản thân, mỗi lần đến giờ ăn, thấy mẹ già đã nai lưng ngoài ruộng cả ngày lại phải vất vả chăm sóc cho mình, thìa cơm mới lên đến cổ họng đã ngẹn đắng, mắt Thanh ừng ực nước. Không còn chịu được cảnh sống oái ăm ấy, một ngày của năm 2014, Thanh quyết định phải lên Sài Gòn kiếm sống, mặc cho cha mẹ hết mực ngăn cản. Sợ anh trai chịu khổ nơi đất khách quê người, cô em gái út khăn gói cùng Thanh vào Nam.

Tình người của cô bán bún bò chợ Bàn Cờ với anh bán vé số tật nguyền. (Clip: Mộc Cát - Lê Khanh).

Xấp vé số chẳng bao giờ có vé dò

 “Vào đến Sài Gòn, tôi mướn một căn trọ nhỏ dưới chân cầu Bình Lợi, rồi ra bến xe miền Đông lấy vé số bán. Mấy ngày đầu thiệt khổ không thể tả, khi chẳng biết làm sao cầm được tờ vé số lên. Tập tành mãi không được, tôi quyết định kẹp chúng vô nách, rồi cứ thế đi bán. Ai mua tôi chìa ra để họ tự rút, họ lấy xong lại tự bỏ tiền vào túi cho mình”.

Cũng chính vì khó khăn trong việc cầm nắm, anh Thanh không bao giờ lấy vé dò. Nhiều lần khách thắc mắc, anh cười, bảo vé số cũng giống như người, trôi nổi lênh đênh để tự tìm cho mình hai chữ tương lai. Vậy mà người ta thương, ngày nào anh cũng bán được trên dưới trăm tờ. Đóng tiền trọ 900.000 đồng/tháng, tằn tiện dè xẻng, anh Thanh vẫn cầm cự được giữa chốn Sài Gòn chật chội.

3
Nhiều lần muốn vào quán ăn nhưng không tự mình cầm nắm được, anh Thanh lại bỏ đi.

Cụt hai tay, ngoài việc nhấn công tắt đèn trong phòng trọ, những chuyện còn lại như ăn uống, tắm rửa đến giặt giũ đều do một tay cô em gái lo liệu. Thời gian đầu xấu hổ và mặc cảm, cửa phòng trọ luôn luôn đóng chặt cửa. Nhưng rồi Thanh lại nghĩ, có che giấu thì trước sau gì người ta cũng đoán ra, bởi thân thể mình đã không toàn vẹn. Vậy là anh bắt đầu cởi mở, hoà đồng hơn với mọi người. Xóm trọ nghèo nàn ai cũng yêu quý Thanh.

Chưa kịp ổn định, cô em gái đã bỏ về quê lấy chồng. Kể từ ngày ấy, chàng trai cô đơn trơ trọi nơi đất khách, lầm lũi bắt xe buýt lang bạt khắp nơi bán vé số mưu sinh. Những khi trái gió trở trời, vết thương cũ hoà lẫn vết thương lòng đau thấu thịt. Thanh lại chạnh buồn.

Bẵng đến một ngày, khi đi bán ngang chợ Bàn Cờ, nghe mùi nước lèo thơm lừng, cái bụng cả buổi sáng nhịn ăn của Thanh chợt réo lên. Rụt rè ngồi vào bàn, Thanh gọi một tô bún. Bất ngờ, tiếng bà chủ quán vang lên: “Cụt hết hai tay vậy rồi ăn làm sao”.

Chưa kịp đáp lời, người chủ quán đã bưng tô bún bò tiếng thẳng trước mặt, gắp một đũa lớn đưa đến miệng Thanh, bảo “ăn đi con”. Tiếng “con” ấy như đánh thức tất cả những nỗi niềm chất chứa của chàng trai tật nguyền xa xứ. Nuốt từng muỗng nước lèo, miệng Thanh mỉm cười mà hai cùi chỏ run lên hạnh phúc.

2

6

May mắn đã mỉm cười với anh Thanh khi gặp "người mẹ thứ hai".

“Tôi xem nó như con ruột của mình”

Kể từ ngày ấy, Thanh như tìm được chiếc vé dò của cuộc đời mình. Cô Lê Thị Cúc cười tươi, bảo thấy nó hiền lành, hài hước mà thương. Lần nào anh Thanh ghé qua, cô cũng múc một tô đầy, rồi tự tay đút cho chàng trai ăn. Sợ “mất mối”, cô chỉ lấy một tờ vé số chứ không lấy tiền. “Vậy mà cũng trúng số đầu được mấy lần. Tôi đi đổi tiền, rồi bồi dưỡng cho nó thêm mớ thịt” – Cô Cúc vui vẻ tiếp lời.

13
Cô Cúc ân cần chăm sóc anh Thanh.
14
Tự tay lau miệng cho chàng trai.

Có đôi lần cô Cúc bán đắt nên dọn hàng về sớm. Thế mà bữa sau đã nghe cả chợ rỉ tai: “Hôm qua thằng Thanh nó ra kiếm cô mà không thấy. Nó chạy qua tiệm khác thì bị chửi té tát, lủi thủi về tội nghiệp”. Vậy là nồi nước lèo lại được cơi nới thêm cho đủ sức bán đến chiều.

Hơn một năm trời, cái hình ảnh thân thương ấy đã trở nên quen thuộc. Một già – một trẻ, một lành lặn – một tật nguyền, cặp tương phản ấy tưởng đối nghịch nhau lại hoá ra cực kỳ khắn khít. Cô Cúc lại cười: “Nó lớn hơn con trai tôi một tuổi, nên tôi coi nó như con ruột”.

10
Sợ anh Thanh đến không gặp mình, cô Cúc dọn hàng rất trễ.
11
17 năm bán bún bò, cô từng âm thầm giúp đỡ rất nhiều người khó khăn.

Chiều nay bún bò lại hết sớm. Cô Cúc chừa riêng hai con tôm, mua thêm mấy cái gỏi cuốn đợi con trai cưng. Từng miếng tôm xé vụn đưa lên, anh Thanh nhai ngấu nghiến ngon lành, nuốt trọn cả tấm chân tình ngọt ngào vào lòng. Ba chữ “ngon không con” như dồn nén bao tình cảm chân thành. Ai không biết chuyện sẽ nhầm lẫn họ là ruột rà máu mủ.

Xe bún bò cô Cúc khuất xa rồi, chúng tôi mới buột miệng hỏi anh Thanh: “Hai năm ở Sài Gòn, anh đã có ý trung nhân chưa”. Khuôn mặt vốn bạo dạn, hài hước ban đầu chợt lúng túng. Cái im lặng ấy khiến chúng tôi lại thắc mắc, ai đã lo lắng chuyện sinh hoạt hằng ngày cho anh kể từ khi cô em gái về quê.

8
Nụ cười đã nở trên đôi môi đã nếm quá đủ vị đắng cuộc đời.

Anh Thanh lại cười cười, không đáp. Trong đôi mắt anh như loé lên tia sáng hạnh phúc cố kìm nén bấy lâu. À thì ra chàng bán vé số tật nguyền đã có “người đặc biệt”.


aFamily

tình người, bà bán bún bò và anh vé số tật nguyền


      © 2021 FAP
        4,043,243       897