Đời sống

Tâm thư của cô gái lấy chồng muộn gửi bố mẹ

“Con biết bố mẹ chịu nhiều áp lực từ anh em, bạn bè, hàng xóm khi họ hỏi chuyện con gái lớn cưới muộn. Nhưng bố mẹ hãy cho con được sống cuộc đời mình mơ ước", Chu Thị Hà viết.

Những cô gái cập kê tuổi 30 thường ám ảnh về việc “hôn nhân đại sự”. Ở nhà, họ bị gia đình thúc giục, ra đường thì bạn bè, đồng nghiệp hỏi thăm. "Bao giờ em mới lấy chồng?" là câu hỏi khiến không ít bạn gái áp lực.

Câu chuyện của Chu Thị Hà (sinh năm 1988, quê Phú Thọ) chia sẻ trên mạng cũng là chủ đề được nhiều chị em quan tâm.

Ám ảnh "Bao giờ lấy chồng?"

Chu Thị Hà viết trên Facebook: “Con sẽ kết hôn khi thấy điều đó thực sự đã đến. Bố mẹ hãy cho con tự lựa chọn cuộc sống của mình và chịu trách nhiệm về những điều đó".

8X tâm sự cô phải chịu không ít “lời qua tiếng lại” từ những người xung quanh về việc muộn chồng.

Hiện tại, Hà có công việc ổn định, cuộc sống tự do và tạm hài lòng về điều đó. Tuy nhiên, cô gái sinh năm 1988 phiền lòng vì ngày nào cũng bị gia đình, bạn bè thúc giục, hỏi han về chuyện hôn nhân.

Cô bảo cái duyên chưa đến nên chưa tìm được người phù hợp, chứ bản thân không kén chọn.

“Chuyện chồng con đã trở thành nỗi ám ảnh của mình trong thời gian dài. Hiện tại, mình quen rồi nên cũng đỡ nghĩ hơn. Mọi người hỏi nhiều cũng vì lo lắng, yêu thương, nhưng những câu đó lặp lại nhiều lần luôn khiến mình sốt ruột và ngại trả lời".

Tam thu cua co gai lay chong muon gui bo me hinh anh 1

Tự chủ trong cuộc sống là điều Hà luôn hướng tới hơn là chuyện chồng con. Ảnh: FBNV.

Thanh Mai (28 tuổi, Hà Nam) cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự. Cô ít về quê hơn chỉ vì bố mẹ, họ hàng giục cưới quá nhiều.

“Mình rất ngại mỗi lần về quê vì đi đâu mọi người cũng đùa là gái ế. Việc không có người yêu đôi khi cũng khiến mình chạnh lòng nhưng không đến mức lo lắng. Thấy mọi người xung quanh quan tâm thái quá, mình cũng thấy không vui và áp lực”, Mai nói.

Đồng cảm với tâm trạng của Hà và Mai, nickname Phương Thảo cho hay cô rất mệt mỏi với những câu hỏi "Bao giờ lấy chồng?" mỗi khi về nhà hay gặp họ hàng, bạn bè.

"Yêu muộn, cưới trễ còn hơn lấy nhầm người. Bạn đừng bị áp lực phải lấy chồng mà yêu nhanh cưới vội rồi hối hận cả đời", Phương Thảo nêu quan điểm.

Ế không sợ bằng vội vã lấy nhầm chồng

Hiện nay, nhiều bạn trẻ lập gia đình muộn một phần do muốn tính chuyện công danh, lo việc làm có thu nhập ổn định. Nhất là ở thành phố lớn, những cô gái ngoài 30 vẫn "bình tĩnh, tự tin" với cuộc sống tự do, bay nhảy. Nhưng cũng không ít người lo lắng chuyện hôn nhân trước sức ép gia đình, họ hàng.

Thực tế, nhiều cô nàng tới tuổi 26-27 đã “xoắn quẩy” khi liên tục bị bạn bè, gia đình giục có người yêu để lấy chồng. Không ít người bị tác động đã yêu nhanh, sống thử mong có đám cưới sớm nhưng cái kết lại dở dang.

"Mình có em sinh năm 1997 mới chia tay người yêu vì bị đánh. Em ấy thấy bạn bè có đôi nên cũng yêu luôn một anh gần nhà, dù không có tình cảm. Họ yêu chưa đầy hai tháng thì nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến đánh nhau và chia tay. Đó cũng là bài học lớn cho những cô nàng yêu vội vì sợ ế", thành viên Hoài Thương chia sẻ trên Facebook.

Phương Hoa (30 tuổi, Hải Dương) cũng kể người bạn cùng tuổi với cô lấy chồng chỉ vì bố mẹ gây sức ép.

"Hôn nhân của cô ấy đổ vỡ sau chưa đầy nửa năm vì vợ chồng không hiểu nhau. Bây giờ, cô ấy hối hận lắm vì mang tiếng một đời chồng", Hoa kể.

Không ai khẳng định được mọi chuyện trong hôn nhân đều tốt đẹp, nhưng những quyết định vội vàng dễ dẫn đến sai lầm đáng tiếc. Có người lỡ dở cả đời, có người thậm chí chịu tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần vì yêu nhầm, lấy sai người.

Việc muộn yêu, cưới chậm sẽ không quá nghiêm trọng nếu mỗi cô gái có cuộc sống độc lập và tự nhận ra giá trị của bản thân.

Đó cũng là quan điểm của Chu Thị Hà khi cô chia sẻ trên mạng: “Các bạn đừng bao giờ vì áp lực mà ‘nhắm mắt đưa chân’, cưới nhầm người không thuộc về mình”.

Bạn đã đến tuổi kết hôn nhưng vẫn còn độc thân, hãy thoải mái, mở lòng và chờ đợi một ai đó làm con tim mình thực sự thổn thức.

aFamily

tâm thư, tâm thư gửi con gái, lấy chồng, ế chồng


      © 2021 FAP
        4,070,635       727