Từ vùng quê nghèo ở tỉnh Sông Bé, 3 đứa trẻ nhỏ cùng bố mẹ khăn gói lên Sài Gòn mưu sinh. Bố chạy xe ôm, mẹ bán bánh snack, còn bọn trẻ hàng ngày phơi nắng phơi mưa trên chiếc xe đẩy của mẹ...
Khoảng 3 tháng nay, hình ảnh những đứa trẻ ngủ trên chiếc xe đẩy của người phụ nữ bán bánh snack đã trở nên quen thuộc với người dân Sài Gòn. 3 anh em có gương mặt khá giống nhau, lúc nào cũng lấm lem bùn đất, bé trai nhỏ nhất vẫn còn mang bỉm tã, nằm co tròn trong chiếc xe đẩy và uống sữa.
Chiếc xe đẩy này chị Trần Thanh Úy (26 tuổi, quê Sông Bé) và chồng đã dành dụm khá lâu để mua được. Nhưng không dư dả tiền vốn lấy trái cây hay các món quà vặt đắt tiền khác để bán nên ban đầu chiếc xe chỉ để cho chị tiện... giữ con và mót ve chai. Về sau, chị Úy nghĩ ra việc mua lại các gói bánh snack cho con trai lớn đi bán, mỗi gói như vậy cũng lời được 5, 7 ngàn, đủ tiền cho bọn trẻ có bữa ăn qua ngày.
Chị Úy cùng các con đi dọc đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận để lượm ve chai và bán bánh snack.
Bé trai nhỏ nhất của chị chỉ mới 2 tuổi, tên Trần Đạt, vẫn còn bú sữa và mang bỉm tã.
Vì chồng chạy xe ôm cả ngày, lại không có người thân thích nên chị Úy phải vừa đi bán vừa chăm sóc con trên chiếc xe đẩy hàng này.
Chị Úy cho biết, gia đình mình thuê trọ ở quận 8 nhưng vợ chồng chị đều đi làm từ sáng sớm. Phải đến gần 12h khuya, chị và các con mới về đến nhà. "Thật ra lâu nay, tụi nhỏ cũng xem chiếc xe đẩy này là nhà của nó rồi, cứ ngồi thế rồi tôi đạp xe chở bọn nó đi thôi. Những lúc đi mót ve chai thì đẩy bộ, để thằng bé lớn đi moi ve chai ở các đống rác mà người dân vứt ra đường", chị tâm sự.
Con trai lớn của chị là Trần Sơn, dù đã 9 tuổi nhưng em vẫn chưa biết được mặt chữ. Hỏi Sơn có thích đi học không, em đáp gọn lửng: "Dạ có chớ!". Nhưng thích là thích vậy thôi, chứ Sơn biết rằng đường đến trường của mình và của 2 đứa em bé nhỏ vẫn còn xa lắm.
Sơn luôn xách theo những gói bánh snack để chào mời người mua.
Thỉnh thoảng thấy mấy mẹ con dầm mưa dãi nắng đáng thương quá, người dân bên đường lúc thì cho thêm tiền, lúc tặng bánh kẹo cho các em.
Chị Úy kể, đi bán ở Sài Gòn gặp nhiều người tốt, mấy lần đi ngang tiệm thuốc Tây để mua thuốc cho đứa con út, người bán thường tặng phần thuốc cho chị luôn chứ không lấy tiền. "Thằng út còn nhỏ nên bán được nhiêu tiền cũng phải dành lo cho nó, tiền sữa, tiền tã, rồi mua thuốc cho nó uống vì bé hay bị tiêu chảy lắm, nên nó khóc hoài", chị nói.
Chiếc giường của bé Đạt chính là một góc trên xe đẩy. Ngày qua ngày bé ăn ngủ tại đây, cùng mẹ rong ruổi khắp nẻo đường Sài Gòn.
3 anh em đều có gương mặt hao hao nhau. Lúc bình thuờng thì các bé chơi đùa vui vẻ, nhưng những lúc đói khát thì lại khóc ré lên đòi mẹ.
Sơn đứng trước một xe bán trà sữa và nói nhỏ: "Chú cho con "ăn" một tí trà sữa được không...?".
Và thế là cu cậu được tặng ngay một ly trà sữa ngon ngọt giải tỏa cơn khát.
Theo lời chị Úy thì ban ngày chị và các con thường neo xe ở gần Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh để nghỉ ngơi, chăm cho các con ăn uống trước khi đạp xe đi bán. Những lúc không có khách hoặc tiện đường, chồng của chị cũng ghé thăm vợ và các con rồi lại chạy đi kiếm khách.
Chị kể, nhiều lúc lực lượng chức năng nghi chị là dân chăn dắt, ăn xin, nên cũng yêu cầu chị xuất trình giấy tờ rồi mới cho đi. "Cho nên lúc nào tôi cũng đem theo giấy khai sinh của mấy đứa con và chứng minh của mình đầy đủ bên người. Bỏ tụi nhỏ ở nhà thì không yên tâm vì thằng lớn còn ham chơi lắm, không trông em được. Dẫn tụi nó theo vừa được người ta thuơng tình mua bánh ủng hộ hoặc cho thêm tiền tụi nó", chị Úy thành thật chia sẻ.
Dù đã sớm bươn chải nhưng Sơn vẫn rất ngoan ngoãn và nghe lời mẹ, em cũng lễ phép với những người xung quanh.
Những đứa trẻ vẫn còn quá nhỏ để ý thức về hoàn cảnh hiện tại của mình.
Em Trần Uy, 3 tuổi, rất hay cười nhưng lại là đứa nhõng nhẽo với mẹ nhiều nhất.
Trong lúc mẹ đẩy xe bán bánh, Sơn nhận "nhiệm vụ" tìm kiếm các vỏ lon, chai nhựa ở những đống rác vỉa hè để bán ve chai.
Uy đứng trên xe đẩy nhìn theo khi mẹ chạy vào một tiệm thuốc để mua thuốc cho con.
Tương lai của những thiên thần nhỏ này không biết rồi sẽ về đâu.
Cứ thế mỗi ngày, mấy mẹ con lại nương vào nhau trên chiếc xe hàng rong. Cậu bé Sơn thì lon ton chạy theo sau. Với cậu bé, nơi đâu có mẹ và các em, nơi đó chính là nhà.
sài gòn, mưu sinh, con trai