Cụt cả đôi tay và chịu thương tật đôi chân trong một tai nạn bom mìn, nhưng hàng ngày cậu bé Phan Trọng Hiếu (14 tuổi) vẫn quyết tâm đến lớp cùng chiếc ống nhựa để thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ.
Cây bút đặc biệt của người cha…
Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi tìm về khu 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam để gặp cậu học trò được người dân nơi đây thường gọi với cái tên dễ thương "chim cánh cụt". Khi chúng tôi đến, đúng lúc ông Phan Nhì (cha của Hiếu) vừa đi làm đồng về. Mồ hôi nhễ nhại, bỏ chiếc cuốc xuống sân, ông Nhì vội vã chạy đến trường THCS Nguyễn Trãi để đón con trai. Vẫn như thường lệ, khi trống trường vừa vang lên là ông Nhì chạy đến cổng bế con trai bé bỏng của mình đặt lên phía trước xe vì đôi tay của em không thể ôm bố từ đằng sau được.
Dù bị cụt 2 tay nhưng cậu bé "chim cánh cụt" Phan Trọng Hiếu chưa bao giờ chịu đầu hàng số phận
Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, khi nghe người lạ hỏi về con trai mình, bà Nguyễn Thị Ngọc Đào (51 tuổi, mẹ của Hiếu) lại nghẹn ngào hồi tưởng lại vụ tai nạn kinh hoàng cách đây 3 năm.
"Lúc đó là một buổi chiều đầu tháng 11/2013, sau giờ tan học, Hiếu cùng 2 đứa trẻ hàng xóm đi chăn bò trên núi và phát hiện một kíp mìn còn sót lại thời chiến tranh. Tò mò nên nó và các bạn lấy đá đập phá thì một tiếng nổ lớn vang lên, cả 3 ngã vật ra. Trong đó, con trai tôi bị thương nặng nhất, cụt cả đôi tay, còn hai chân thì bị tật đi lại rất khó khăn…", bà Đào xót xa kể.
Thấy con tật nguyền nhưng ham học, ông Nhì đã quyết định giúp con đến trường bằng cả tấm lòng của người cha
Nghe vợ mình nói, ông Nhì vừa véo vạt áo nâu lau dòng nước mắt, vừa tiếp lời: "Vợ chồng tôi có tất cả 5 người con, Hiếu là con út, đồng thời cũng là đứa con trai duy nhất của gia đình. Sinh mãi mới được đứa con trai, từ nhỏ nó đã thông minh, lanh lợi nên gia đình rất tự hào và kỳ vọng vào nó, ngờ đâu tai họa lại ập xuống bất ngờ như vậy…".
Hiếu viết bài bằng cách cắm ống nhựa vào mỏm tay cụt của mình…
Cây bút của cha đã giúp Hiếu viết được chữ, làm toán và vẽ trở lại…
Thời gian con nằm viện, vợ chồng ông Nhì đã cầm bán mọi tài sản có giá trị trong nhà và chạy vạy vay mượn khắp nơi. Đến bây giờ, họ cũng không nhớ rõ phải dùng hết bao nhiêu tiền để cứu sống con trai, chỉ biết, hiện mỗi tháng đôi vợ chồng già này phải còng lưng trả lãi hàng triệu đồng…
Dù với đôi tay bị cụt, nhưng Hiếu lại rất thích vẽ và ước mơ sau này sẽ trở thành họa sĩ…
Sau gần 1 năm ròng rã chiến đấu với tử thần, trải qua nhiều ca phẫu thuật cùng sự chăm sóc của gia đình, cuối cùng Hiếu cũng vượt qua cơn nguy kịch và được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, đôi bàn tay của em đã mãi mãi không còn, đôi chân cũng không thể làm tròn nhiệm vụ của mình. Cứ thế, hàng ngày, Hiếu chỉ biết ngồi một chỗ, rồi nhìn bạn bè cắp sách tới trường, Hiếu cũng nằng nặc đòi cha đưa đi học.
Đôi tay bị cụt, đôi chân không thể đi lại bình thường, thế nhưng Hiếu chưa bao giờ có ý định từ bỏ ước mơ vào đại học và trở thành họa sĩ...
Nghị lực của Hiếu khiến nhiều bạn bè cùng trang lứa và thầy cô khâm phục
Thương con đứt ruột, đêm nằm trằn trọc mãi, ông Nhì đã nghĩ ra cách sáng tạo cho con một cây bút đặc biệt. Sáng hôm ấy, ông dậy sớm hơn mọi khi, đi mua một đoạn ống nhựa vừa với mõm tay của con mình, sau đó khoét 2 lỗ trên ống nhựa và cố định cây viết vào để Hiếu có thể xỏ tay cụt vào ống nhựa, đưa đẩy ống để viết chữ. Lúc đầu, việc điều khiển ống nhựa với Hiếu gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, với quyết tâm của mình, Hiếu đã dần làm chủ được và bây giờ em đã có thể vẽ tranh bằng chính "cây bút thần kỳ" ấy.
Vẽ ước mơ bằng… đôi tay cụt
"Hồi mới tập viết, em thấy rất khó điều khiển ống nhựa viết chữ theo ý mình được. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau thì em đã có thể sử dụng nó một cách thành thạo. Đến nay em có thể chép bài kịp các bạn cùng lớp và dùng cây bút này để vẽ được rồi", Hiếu hào hứng nói.
Chính "cây bút thần kỳ" của người cha cùng sự tần tảo, động viên của mẹ đã giúp Hiếu vượt qua được sự trớ trêu của số phận
"Tôi tự hào về con trai mình lắm!", mẹ em Hiếu chia sẻ.
Đặc biệt, đáng khâm phục hơn khi biết, chỉ sau vài tháng kể từ ngày gặp tai nạn, Hiếu lại tiếp tục bị ngã gãy chân 2 lần. Lúc này, đôi chân trở nên vô dụng, không còn hoạt động được nữa. Từ đó, mọi hoạt động của Hiếu đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của cha cùng chiếc xe lăn. Thế nhưng, thấy cha vất vả khi suốt ngày cứ phải bế mình di chuyển, Hiếu đã quyết tâm tập đi trên đôi chân tật nguyền của mình và kết quả đạt được ngoài sự mong đợi. Bây giờ, Hiếu không chỉ tự đi lại được mà em còn có thể đạp xe đạp đi chợ mua đồ giúp mẹ hoặc đến nhà bạn để học nhóm…
Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, Hiếu đã tự mình tập đi xe đạp dù em đã mất đôi tay, còn đôi chân cũng không được lành lặn...
"Tội nghiệp, thằng bé ham học lắm, những ngày chuyển trời, vết thương lại hành hạ, nhưng nó vẫn bắt bố phải cõng tới trường bằng được. Suốt mấy năm nay, nó cứ đau ốm và nằm viện liên miên nhưng cứ mỗi lần được xuất viện về nhà là nó lại đòi đến lớp học ngay", bà Đào vừa xoa xoa đôi bàn tay cụt của con vừa sụt sùi nói.
Đằng sau mỗi nét vẽ của Hiếu là cả một sự cố gắng đầy kiên cường...
Chia sẻ về dự định cho tương lai, Hiếu quay sang nhìn cha, rồi lại cúi xuống nhìn đôi bàn tay của mình và cười tươi nói: "Từ nhỏ em đã có ước mơ trở thành họa sĩ, nhưng không may sau vụ tai nạn em bị cụt mất đôi tay. Tưởng chừng ước mơ đó của em sẽ mãi không thành hiện thực, nhưng từ ngày được cha làm cho cây bút này, em đã quyết tâm sẽ cố gắng học thật giỏi và tập vẽ thật đẹp để sau này trở thành một họa sĩ…".
Không đầu hàng số phận, Hiếu đã cố gắng để sống thành người có ích!
Nói về cậu học trò đặc biệt nhất của mình, thầy Trần Hữu Nghị, giáo viên Tổng phụ trách trường THCS Nguyễn Trãi tự hào chia sẻ: "Hiếu là một học trò chăm ngoan và hiếu học nhất mà tôi từng gặp. Mặc dù bị mất hai bàn tay nhưng em rất nỗ lực để không thua kém bạn bè. Thời gian qua, nhà trường cũng tạo điều kiện, giúp đỡ động viên và tiếp sức để em tiếp tục đến lớp thực hiện ước mơ của mình. Hiếu xứng đáng là một tấm gương sáng để bạn bè cùng trang lứa học hỏi, noi theo...".
học trò, con trai, cụt tay, gắn ống nhựa vào tay cụt