Đời sống

Chuyện về "nữ vương" sống giữa 32 gã đàn ông bên bờ biển Nhật Bản

Vì một chuyến đi cùng chồng tới vùng đất mới mà người phụ nữ này đã phải sống những tháng ngày địa ngục giữa hàng chục người đàn ông.

Đảo núi lửa Anatahan nằm ở giữa quần đảo Bắc Mariana ở phía Đông Nam của Nhật Bản hiện nay không có người sinh sống và dần trở thành hoang đảo. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng cách đây hơn nửa thế kỷ, ở đó đã có nhiều điều bí ẩn diễn ra và tạo hóa đã sinh ra một nữ vương chính từ nơi đây, bà Higa Kazuko.

Chuyến đi định mệnh

Higa Kazuko sinh ra ở đảo Okinawa và đã chuyển tới đảo Anatahan năm 1942 cùng với chồng Shoichi và cấp trên của chồng là Kikuichiro cho chuyến công tác cho một công ty thương mại đã thỏa thuận từ trước. Khi đến đây, ngoài cư dân bản địa trên đảo thì chỉ có duy nhất 3 người họ là người ở thế giới bên ngoài cập bến. Nơi đây có núi lửa vẫn đang hoạt động, khắp nơi là khe đá, đầm lầy và các loại côn trùng như muỗi, kiến lửa, bọ cạp và ong bắp cày. Thêm vào đó, do thời tiết khắc nghiệt nên nguồn lương thực cũng vô cùng khan hiếm và thức ăn chủ yếu là dừa mọc trên đảo. Ngoài ra, 3 người còn trồng thêm cả dứa, chuối, đủ đủ nhưng vẫn không đủ cung cấp.

Chiến tranh bùng nổ sau đó không lâu, quân đội Mỹ dội bom liên tục xuống các đảo lớn nhỏ của Nhật Bản nhưng may mắn thay Anatahan vẫn chưa bị động đến bởi nơi đây không có quân Nhật đồn trú. Cho đến cuối năm 1943, hàng loạt tiếng nổ kinh hoàng đã vọng lại hòn đảo này do Saipan, một đảo nằm ở phía nam Anatahan bị đánh trúng. Những chiếc máy bay B-29 vẫn bay lượn hàng ngày trên không trung khiến cho nơi đây trở nên ồn ã lạ thường.

Nhật Bản
Chân dung Higa Kazuko, người đã cùng chồng đi tới miền đất lạ và điều đó đã thay đổi cả cuộc đời bà.

Nửa năm sau, tức là vào tháng 6/1944, chồng của Kazuko đã quyết định mạo hiểm đi tới khu vực đang diễn ra trận chiến ác liệt, tức là đảo Saipan vì lo lắng cho những người dân ở nơi đây. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tháng chờ đợi mà không thấy chồng quay trở lại, Kazuko dần tin rằng mình đã mất anh vĩnh viễn.

Như vậy, trên đảo chỉ còn lại Kazuko và Kikuichiro, cấp trên của chồng cô cùng với những người dân bản xứ. Nhưng những con người ấy cũng không chịu nổi tiếng súng đạn và hoảng sợ bỏ lại tất cả để chạy trốn vào rừng. Cả đảo rộng lớn lúc ấy chỉ còn lại 2 người. Từ đây, họ có thể quan sát thấy những chiếc tàu Nhật bị bom đánh chìm, rất nhiều thuyền viên may mắn đã bơi vào bờ.

Không lâu sau đó, quân Nhật đầu hàng, nhiều người bản địa đã sơ tán khỏi Anatahan, trên đảo chỉ còn lại Kazuko cùng với 32 người đàn ông Nhật, trong đó có 10 binh sĩ, 21 thủy thủ, và Kikuichiro. Lúc này, bi kịch mới thực sự bắt đầu.

Nhật Bản
Hòn đảo Anatahan ở thời điểm hiện tại.

Cuộc sống cô lập cận kề cái chết của "nữ vương" trên đảo

Bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, mấy chục con người sống trên đảo phải ăn bất cứ thứ gì để tồn tại từ dừa, khoai sọ, mía dại, cá cho đến cả thằn lằn. Họ sống trong những túp lều bằng lá cọ và sử dụng các mảnh vỡ của máy bay để làm vật dụng như dao, chậu, bình nước.

Cuộc sống cứ thế trôi qua. Con người có thể đã thỏa mãn được một phần nhu cầu bản năng là ăn uống nhưng ý thức chiếm hữu thì chưa bao giờ dừng. Đen đủi thay, người phụ nữ duy nhất trên đảo lại là mục tiêu cho hơn 30 gã đàn ông còn lại. Họ tranh giành nhau để được sở hữu Kazuko, thậm chí có kẻ đã phải đổ máu hoặc thiệt mạng vì ý đồ này.

Cho đến lúc không thể giải quyết mâu thuẫn, những người đàn ông còn lại đã bí mật lên kế hoạch giết chết Kazuko để không còn phải tranh đấu nhau nữa. Tuy nhiên, khi mọi thứ còn chưa kịp hoàn thành thì nhân vật chính đã được tiết lộ về mưu đồ đen tối đó và tìm cách ẩn nấp trong rừng sâu. Cơ hội đến với Kazuko khi cô nhìn thấy con thuyền ngoài khơi. Cô trèo lên cây cao, ra tín hiệu cầu cứu và được chấp nhận. Chính con tàu Miss Susie của Mỹ đi qua Anatahan và đã đưa Kazuko an toàn trở về nhà. Đó là một ngày tháng 6 năm 1950.

Một năm sau đó, những lá thư tay của người thân được gửi tới những gã đàn ông Nhật còn lại trên đảo. Họ nhanh chóng được hồi hương sau 6 năm chiến tranh kết thúc. Tuy vậy, những vết sẹo và ký ức đau buồn về những ngày sống trên hoang đảo chắc chắn sẽ không bao giờ bị xóa nhòa.

Nhật Bản
Chân dung những người đàn ông trên đảo Anatahan khi quyết định đầu hàng – Hình ảnh minh họa từ bộ phim “The saga of Anatahan” của đạo diễn Josef von Sternberg.

Những năm tháng cuối đời

Về Kazuko, sau khi trở về từ những biến cố kinh hoàng của cuộc đời, có người cho rằng cô đã mở một quán bar ở Tokyo và kiếm sống nhờ ngành công nghiệp tình dục, một số khác lại cho rằng Kazuko đã trở về quê nhà ở Okinawa kinh doanh một tiệm trà đạo và kết hôn lần 2. Cả hai giả thiết này được cho là tồn tại trong vòng 50 năm và sau đó thì hoàn toàn không có thêm bất cứ thông tin nào về bà nữa.

Nhật Bản
Hai cuốn sách kể về cuộc đời của người phụ nữ có tên Higa Kazuko.

Câu chuyện của bà Kazuko đã trở thành điểm nóng tại Nhật Bản trong suốt khoảng thời gian dài. Cho đến tận ngày nay, người ta vẫn nhắc lại nó như một nỗi buồn về dục vọng và tính ích kỷ của loài người, mà một phần được gây ra bởi chiến tranh. Chính điều đó đã gây ra cái không vì bom đạn cho nhiều ngườ. Và một giả thuyết được đặt ra là nếu sự chiếm hữu không tồn tại thì có lẽ hòn đảo Anatahan đã là chốn yên bình cho những con người lưu vong trong cuộc chiến.

Nguồn: Zapanzine

aFamily

nhật bản, hòn đảo lạ lùng, nữ vương


      © 2021 FAP
        4,316,029       246