Đã nhiều năm trôi qua, không còn cảnh chú rể rước dâu bằng xe đạp vòng quanh phố phường, cô dâu chú rể cùng tô son đánh phấn, nhận quà mừng là phích nước Rạng Đông... Bây giờ, mỗi độ thu về, nhìn những cặp uyên ương mặc áo cưới phong cách Tây Tàu đủ cả, bỗng nhớ nao nao ký ức về những lễ cưới xưa.
Chuẩn bị cho đám cưới
Những năm cuối thế kỉ trước, dù là ở nội thành hay các làng nông thôn ven đô, người dân Hà thành vẫn giữ nếp sống trong tình nghĩa xóm giềng thuần túy, việc của mỗi nhà cũng là việc chung của cả làng xã, tất cả đều có trách nhiệm và tự nguyện. Vì thế, mỗi khi nhà ai có đám hỷ, gia chủ đều thấy nhẹ tênh và mọi người đều vui như tham gia vào lễ hội chung. Nét đọng lại trong ký ức người Hà Nội xưa là tính cộng đồng sâu sắc, thể hiện trong công tác chuẩn bị, diễn ra và kết thúc.
Nhớ đám cưới xưa, một nhà báo hỷ là hàng xóm láng giềng, họ hàng gần xa đều đến góp tay góp sức.
Thời bao cấp, bố mẹ có con trai cưới vợ đều đi vay mượn phiếu thịt, tem vải, để dành mua bột mì, trứng, đường làm bánh quy gai, quy xốp, vòng vừng, xin tiêu chuẩn mua thuốc lá Điện Biên, Thủ Đô bao bạc, Sông Cầu, rượu cam, chanh, mơ, táo... về chất đầy nhà, cái gì cũng bình dân.
Đôi trẻ thì dắt tay nhau ra tiểu khu đăng ký kết hôn. Sau khi có giấy đăng ký, đem ra cửa hàng ở Tràng Tiền sẽ được mua miếng vải đủ may 1 cái chăn hoặc 1 cái màn, ra phố Bạch Đằng sẽ được mua 1 cái chiếu và 1 chiếc giường giẻ quạt với giá ưu đãi...
Cỗ bàn được nấu tại nhà, mọi người chia việc vừa làm vừa trò chuyện rất vui vẻ.
Vui nhất là trước lễ ăn hỏi, cô dì, chị em họ hàng nhà gái xúm xít đóng gói trầu cau, mứt sen, chè, cười đùa trêu chọc nhau rộn ràng cả phố. Thỉnh thoảng có vài anh thanh niên đi qua liếc trộm dàn nữ tú ngồi ríu rít bên nhau, buông lời trêu ghẹo vui vẻ, hàng xóm quen nhau thì sà vào làm cùng, lấy cớ chuyện trò đong đưa. Nhiều người mong đến đám cưới ai đó trong họ cũng chỉ vì yêu thích cái không khí chuẩn bị trước lễ kết hôn, mộc mạc đơn sơ mà đầy tình cảm như thế.
Ngày xưa không có tủ lạnh nên mọi thứ cỗ bàn phải làm sẵn từ ban đêm. Nhà ai có đám là huy động hết già trẻ gái trai, nào là thái su hào, làm nộm, làm gà, ngâm măng, đãi đỗ, đồ xôi… Mặt tiền, sân bãi không có để bày cỗ, nhà nào ở phố cổ thì càng chật chội, hầu hết phải "mượn" hiên nhà hàng xóm xung quanh, cả dãy ghép lại mới đủ 1 rạp. Các loại bếp từ mùn cưa, củi lửa, than dầu xếp đầy khoảng sân rộng, nổ lép bép xen lẫn tiếng cười nói giòn tan của mọi người. Nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa, ấm chén… tất tật đều mượn của họ hàng, bạn bè, còn phông bạt, bàn ghế, khăn trải bàn mượn của nhà trẻ, trường học, cơ quan…
Đám cưới bây giờ chỉ cần bỏ tiền ra thuê đội ngũ chuyên tổ chức sự kiện là có đầy đủ mọi thứ cần thiết từ A - Z cho sự kiện trọng đại cả đời.
Nếu như bây giờ chỉ cần bỏ một khoản tiền ra kèm theo yêu cầu là có ngay rạp ăn hỏi, vu quy vô cùng trang trọng, đủ kiểu phong cách Tây Tàu, Việt Nam mà không cần phải động tay nghĩ ngợi gì, với những chi tiết lộng lẫy từ cổng chào đến phông cưới, chữ in hiện đại, đẹp đẽ, thì Hà Nội ngày xưa, việc trang trí đám cưới là thú vui tự làm như cắt, dán, trổ, xé hình trang trí và đặc biệt là hình cô dâu chú rể, chữ lồng dán trên tường và trên phông cưới. Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ những cái phông vải xanh lét, dán chữ hỷ đỏ, kèm theo tên cô dâu chú rể làm thủ công, dán cả trên màn cưới, kèm theo búp bê Nga, lật đật, hoa thược dược, lay ơn xếp thành hình trái tim, bồ câu... trên ga giường.
Lối trang trí phòng tân hôn nhiều năm trước khác hẳn bây giờ.
Chụp ảnh cưới
Thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, đám cưới Hà thành cũng được coi là "sang - xịn - mịn" hơn ở nhiều vùng miền khác, nên công đoạn chụp ảnh cưới có phần chỉn chu hơn. Các tiệm ảnh quanh khu Bờ Hồ lúc nào cũng đắt hàng khi vào mùa cưới, thời ấy chưa có máy ảnh kỹ thuật số, photoshop, studio, ekip chụp hình... phức tạp như bây giờ nên lúc nào cũng chỉ có 1 bác thợ ảnh xách máy cơ to đùng, đội mũ nồi, đeo kính, còn cô dâu chú rể mặc đồ cưới đứng trước... tấm phông trắng, hoặc ra vườn hoa ngồi giữa bãi cỏ, tạo dáng đơn giản, dễ ăn hình.
Ảnh cưới cô dâu chú rể thời xưa có khi chỉ đơn giản như thế này.
Đám cưới xưa có tầm chục cái ảnh đen trắng là đầu tư hoành tráng lắm rồi, còn kết hôn thời hiện đại là có đủ loại ảnh màu phóng to phóng nhỏ, album loại bình dân khoảng 20 - 30 trang, ép gỗ từ 3 – 7 triệu đồng có kèm phụ kiện của cô dâu chú rể. Chụp ảnh ngoài trời bây giờ thường phải có 4 - 5 người phục vụ, nào bê váy, nào make up dặm phấn cô dâu, nào "culi" bưng bê đồ cả ekip... Sau cả một ngày đi lại tới mấy địa điểm, rồi lăn lê, nghiêng ngả tạo dáng theo "đạo diễn", hai nhân vật chính không tránh khỏi mệt mỏi, chả thấy sướng đâu chỉ thấy "hành xác". Nhưng bù lại là những bức ảnh long lanh như diễn viên, khác hẳn ảnh đen trắng mộc mạc thời xưa.
Những bức ảnh cưới lung linh sắc màu thời hiện đại.
Đi chụp ảnh cưới ngoài trời thì cầu kỳ gấp trăm lần ngày xưa, có khi gần chục người đi theo để phục vụ cô dâu chú rể.
Thiệp cưới
Một trong những điểm khác biệt lớn khi so sánh đám cưới xưa với nay là thiệp mời cưới. Ngày xưa, đơn giản chỉ là mời miệng, nhà nào có điều kiện thì có tờ giấy thông báo ngày giờ địa điểm. Còn bây giờ, xu hướng mới là chuyển sang đặt thiết kế cả bộ bao gồm thiếp mời, thiếp báo hỉ, thư cảm ơn, hộp quà lưu niệm, quà cảm ơn tới dự đám cưới… khá cầu kỳ. Giá cả mà chủ nhân đầu tư cho một chiếc thiệp cưới cũng không hề rẻ, bởi nó thể hiện độ sang của đám cưới cũng như gu thẩm mỹ và ý tưởng của đôi tân lang tân nương cho ngày trọng đại nhất đời mình.
Nghi thức
Đám cưới thời chiến không có những nghi lễ rình rang như ăn hỏi, đưa dâu, rước dâu, thậm chí cũng không có cả sự chứng kiến của cha mẹ, ông bà, chỉ có sự góp mặt của chỉ huy, đồng đội, bạn bè với dăm đĩa bánh kẹo, trà xanh, thuốc lá, ngô rang... gọi là chia vui cùng các đôi vợ chồng trẻ. Thiếu ăn thiếu mặc, lấy đâu ra mà bày đặt rình rang.
Kết hôn thời chiến tranh - "vui duyên mới không quên nhiệm vụ".
Phông cưới hồi đó không dán chữ "hỷ" mà chỉ toàn khẩu hiệu: “Tổ quốc trên hết, tiền tuyến trước hết,” “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ,” “Tất cả cho tiền tuyến”… Buồng hạnh phúc của cô dâu, chú rể là những căn lều nho nhỏ, không có giường cưới, chỉ có hai cánh võng mắc song song. Đơn sơ nghèo nàn vậy thôi, nhưng biết bao sinh linh bé bỏng đã ra đời trong thời kỳ gian khổ ấy, từ những đám cưới giản dị nơi hậu phương.
Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại năm 1975, cả nước hân hoan trong niềm vui chiến thắng, đám cưới Hà thành cũng được thổi luồng gió mát với phong cách cưới kiểu mới. Nghi thức, nghi lễ cưới ở Hà Nội cũng thay đổi phù hợp với lối sống mới, từ 6 nghi lễ giảm xuống 3 nghi lễ như hiện tại: dạm ngõ, ăn hỏi và lễ cưới. Sính lễ ăn hỏi bây giờ cũng khác, ngoài các mâm truyền thống như trầu cau, rượu thuốc, xôi gà... thì đồ lễ biến tấu đi rất nhiều, nào lợn sữa, nào trái cây toàn ngoại nhập Mỹ, Anh, Úc. Có nhà chơi trội thì làm hẳn... mâm hỏi toàn vàng biếu thẳng nhà gái. Ngoài ra, còn có rước dâu bằng siêu xe, máy bay, trực thăng... trong khi chỉ vài chục năm về trước thôi, thuê được cái xe Hải Âu đón dâu là mát mặt lắm rồi.
Rước dâu thập niên 50, nhà giàu đã có xe sang rồi...
Thế kỷ 21 thì cặp đôi nào sắp cưới chỉ việc dắt tay nhau đem chứng minh thư đi đăng ký, cầm tờ giấy đóng dấu về nhà, thế là xác nhận "tù chung thân" bên nhau trọn đời. Còn ngày xưa chưa có thủ tục đăng ký kết hôn, tờ nạp cheo coi như tờ hôn thú. Khoản tiền cheo được dùng vào việc đào giếng, đắp đường, lát gạch, xây cổng làng... Lệ này đã được bãi bỏ gần 1 thế kỷ. Nhưng, mỗi khi nhắc đến những nghi lễ, quy tắc của đám cưới xưa thì vẫn gợi lại nhiều kỷ niệm bồi hồi, chỉ thế hệ ông bà, cha mẹ mới hiểu.
Tiệc cưới, dịch vụ
Sự phát triển cực thịnh của phong trào đám cưới mới ở Hà Nội cũng khởi đầu cho việc thành lập các ban nhạc chuyên phục vụ đám cưới vào thập niên 80. Những bản nhạc được ưa chuộng như “Tình ca trên Thảo Nguyên,” “Đôi bờ,” “Chiều Matxcơva” (Nga) hay ca khúc cách mạng như “Trường Sơn đông, Trường Sơn Tây,” “Tôi người lái xe”... đám cưới nào cũng phát, hoặc có người lên hát khắp nội ngoại thành. Do ảnh hưởng của thế hệ trước từ Liên Xô về nên một số đám cưới ở Hà Nội bắt đầu có khiêu vũ. Kết thúc nghi lễ, mọi người bật nhạc và ôm nhau nhảy. Điệu nhảy chủ đạo là “Sông Hồng,” dựa trên nền nhạc của đĩa hát “Cây xương rồng”.
Các ban nhạc đám cưới phong cách Liên Xô thế kỷ trước.
Rất nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp không còn được giữ lại, tinh thần tổ chức đám cưới "tình làng nghĩa xóm" dần mai một, mọi người bận rộn đi học đi làm, sát vách nhau nhưng chẳng thể chạy sang giúp đỡ từ cọng hành đến cái bát như thời xưa, nên mọi thứ chuyển hoàn toàn sang trả tiền dịch vụ: nấu cỗ, dựng rạp, thuê người bưng tráp... khiến đám cưới mang màu sắc thương mại hóa, dễ khiến người ta liên tưởng đến kiểu cưới "công nghiệp". Rất hiếm để tìm được một đám cưới tổ chức tại nhà, đa số bây giờ đều gửi gắm nhà hàng từ A đến Z. Vừa tiện vừa ưng ý.
Khoảng giữa thế kỷ 20, giới thượng lưu Hà thành đã bắt đầu chuyển xu hướng tổ chức tiệc cưới ở nhà sang các khách sạn lớn.
Không khí vui vẻ rộn ràng trong tiệc cưới thân mật ngày xưa trong những bức ảnh cũ hiếm hoi.
Tiệc cưới là khoản chi tốn kém của gia chủ nhưng lại là khoản thu lãi lớn nhất trong các dịch vụ cưới hỏi. Vì là sự kiện long trọng cả đời người nên không ít gia đình đã mạnh tay tổ chức tiệc ở những khách sạn hàng đầu Hà Nội với cung cách phục vụ chuyên nghiệp, phòng ăn sang trọng, rộng rãi và nhiều dịch vụ đi kèm. Thời bao cấp lấy đâu ra dàn phù dâu phù rể mặc đồ tông xuyệt tông, kèm đội ngũ thiên thần nhí tung hoa, trải thảm, hộ tống cô dâu chú rể đến bục nghi lễ, cắt bánh cưới, đổ rượu vang lên tháp ly, MC dẫn chương trình, ca sĩ vũ công hát múa khi khách dùng tiệc... và cả đống thứ rườm rà hoa mỹ khác nhằm mục đích tạo thêm ấn tượng cho đám cưới như bây giờ?
Cô dâu chú rể
Đôi vợ chồng trẻ Hà Nội trong đám cưới của mình cuối thế kỷ trước.
Điểm khác biệt được quan tâm nhất chính là đây, cặp nhân vật chính của mọi lễ thành hôn. Thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, gần như đám cưới nào ở Hà Nội cũng thấy chú rể dùng xe đạp, xe máy vòng quanh phố phường, chở cô dâu ôm hoa khóc thút thít về nhà chồng. Chạy theo xe là đám trẻ nghịch ngợm, tò mò xem mặt cô dâu chú rể, hát ầm ĩ bài đồng dao mà người Việt ai cũng thuộc lòng:
"Cô dâu chú rể
Đội rế lên đầu
Đi qua đầu cầu
Đánh rơi cái rế
Cô dâu ngồi khóc
Chú rể đứng cười"
Để có diện mạo tươi tắn trong đám cưới, các chú rể ngày xưa thường được trang điểm bằng chút phấn son trước khi đến nhà gái đón dâu. Mặt trắng, môi đỏ và đầu bổ luống là điểm chung thường thấy của tân lang trong các bức ảnh cũ, và có khi chính bố chúng ta cũng thế!
Trang phục cưới theo định nghĩa của thanh niên thời đó là chưng diện hơn, phẳng phiu hơn, khác hơn so với ngày thường. Cô dâu mặc áo dài, chú rể comple. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để may đo, vì giá thành may vest ngày xưa khá đắt đỏ, mọi người thường mượn của nhau, hoặc "tái chế" từ những miếng vải trắng thừa, có gì tận dụng nấy. Cô dâu mới thường ngồi trên giường với bộ váy trắng muốt, tay đeo găng dài, ôm bó hoa lay ơn, thược dược, đánh phấn như bạch tuyết, môi đỏ chót. Còn cô dâu bây giờ thì trang điểm theo đủ kiểu phong cách: Hàn Quốc, châu Âu, Thái Lan... và hoa cưới thì trăm nghìn kiểu.
Cô dâu được trang điểm cầu kỳ nhất, với váy dài, găng tay dài, và bó hoa dài đặc trưng phong cách Hà Nội cũ.
Quà cưới
Thời xưa, quà tặng của khách thường là xoong, chậu, phích nước, chậu thau, bếp dầu, lốp xe đạp, ruột phích nước, vỏ phích, bát sứ Hải Dương. Ai không có thì sang dự chia vui tinh thần. Nói chung là những thứ giản dị, thực tế và có ích cho cuộc sống của đôi vợ chồng mới cưới. Mọi người ngồi nói chuyện, cười đùa thật rôm rả đến tận xế chiều chưa muốn về.
Nhiều người đi dự đám cưới bây giờ chỉ vội vàng kiếm cái thùng đựng phong bì, nhét vào là coi như đã xong quà mừng, quy ra tiền theo xu thế là ổn nhất.
Còn bây giờ, đám cưới đàng hoàng hơn, hoành tráng hơn nhưng lại thiếu đi cái gần gũi, vô tư ngày ấy. Khách đến ăn cưới việc đầu tiên là tìm chiếc hộp đỏ để bỏ phong bì. Vào ăn cỗ, nếu cụng ly được một lần với cô dâu, chú rể và gia đình là đã đủ lễ, còn không thì ăn xong cứ tự động đứng lên ra về. Ai ăn trước, về trước, ai ăn sau, về sau. Có người đi ăn cưới thậm chí chẳng biết mặt cô dâu, chú rể. Kể cũng buồn và có gì đó giống như... đi nghĩa vụ, chứ không phải là chia vui với gia đình người ta. Dường như, quà cưới bây giờ không còn vẹn nguyên ý nghĩa như trước.
đám cưới, đám cưới hà nội xưa và nay, vợ chồng trẻ, phong tục truyền thống