Đời sống

10 điều thú vị bạn chưa biết về nét văn hóa cúi chào của người Nhật Bản

Một trong những điều trẻ con tại Nhật Bản phải học ngay từ khi mới 4,5 tuổi là học cách cúi chào - một nét văn hóa làm nên sự lịch thiệp của người Nhật.

Nếu từng có dịp bước chân vào một nhà hàng Nhật Bản, bạn sẽ có cảm giác mình là chính là "thượng đế" mà người ta vẫn đồn đại: tất cả nhân viên đang làm gì cũng cúi đầu chào bạn, kèm theo một câu tiếng Nhật gì đó mà chắc là "chào mừng quý khách".

Đúng, bạn là một thượng đế trong hàng trăm thượng đế khác mỗi ngày của quán. Và cúi chào là một phần không thể thiếu trong cung cách phục vụ của họ. Nói rộng ra là trong nét văn hóa đầy lịch sự của người Nhật Bản.

Vậy, còn điều gì mà bạn chưa biết về nét văn hóa đặc sắc này?

1. Cúi chào trong mọi tình huống

Nếu bạn hỏi người Nhật cúi chào khi nào thì nhiều người sẽ đùa rằng: khi nào họ cũng cúi chào. Nghe có vẻ hơi phóng đại nhưng người Nhật Bản sẽ cúi chào khi gặp mặt, khi tạm biệt, khi kết thúc lớp học, buổi họp, lễ kỷ niệm...

Chưa hết đâu, đó mới chỉ là địa điểm. Còn về mục đích, người Nhật Bản cúi chào khi cảm ơn, khi xin lỗi ai đó, chúc mừng, hỏi xin và đặc biệt là khi thực hiện các nghi lễ thờ cúng. Cúi chào với người Nhật có nhiều ý nghĩa, thể hiện những cảm xúc khác nhau: từ biết ơn, tôn trọng cho đến hối lỗi...

 - Ảnh 1.

2. Cúi đầu nhưng phải thẳng lưng!

Với người Nhật Bản, có 2 tư thế cúi đầu cơ bản là cúi đầu khi đang ngồi và khi đang đứng, chưa nói tới những kiểu cúi đầu tùy thuộc vào mục đích và thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, dù cúi đầu theo kiểu nào, bạn cũng phải nhớ thẳng lưng và chân. Đây là một điều quan trọng trong văn hóa cúi chào của Nhật Bản khi nó phần nào thể hiện tính cách của người Nhật: tôn trọng người khác nhưng vẫn phải thẳng thắn.

Ngoài ra, theo quy tắc, bạn sẽ hít vào khi gập người, thở ra khi cúi xuống rồi lại hít vào khi ngẩng đầu lên lần nữa.

 - Ảnh 2.

3. Không chắp tay trước ngực khi cúi đầu

Với nhiều người, tư thế chắp tay trước ngực khi cúi đầu có nguồn gốc từ Phật giáo Trung Quốc và được coi là một trong những dáng cúi đầu nguyên thủy nhất. Tuy nhiên giờ đây, nó không còn phù hợp tại Nhật Bản trong các giao tiếp thông thường.

Bạn vẫn có thể thực hiện những động tác như vậy trong các nghi lễ tôn giáo, thờ cúng.

 - Ảnh 3.

4. Không cúi chào khi đang nói, đang đi hay đang ngồi

Nếu bạn đang nói điều gì đó, hãy hoàn thành câu nói trước khi cúi chào. Tuy nhiên, điều này cũng có ngoại lệ khi bạn muốn cúi chào và xin lỗi. Tương tự như vậy, khi bạn đang đi, hãy dừng lại rồi hẵng cúi chào.

Việc đang ngồi và cúi chào cũng có vẻ không được lịch thiệp cho lắm nên nếu ở Nhật Bản, hãy đứng dậy chào nhau trước khi ngồi lại ghế.

 - Ảnh 4.

5. Dáng cúi đầu sai sẽ khiến bạn bị đánh giá thấp

Tới Nhật Bản lần đầu tiên, bạn cũng nên chú ý đến cách người Nhật cúi chào nếu không muốn rơi vào tình huống ngượng chín mặt. Một vài lỗi thường gặp khi cúi chào là việc các chàng trai để tay đằng sau mông khi cúi chào hay vài cô gái buông thõng tay khi cúi.

Tuy nhiên, một vài công ty cũng có quy định riêng về cách cúi chào cho nhân viên mình.

 - Ảnh 5.

6. Người Nhật cúi chào kể cả khi nghe điện thoại

Dường như việc cúi chào đã trở thành một phản xạ và thói quen của người Nhật Bản khi giao tiếp. Do đó, đừng quá ngạc nhiên khi bạn đang đi trên đường và thấy một người Nhật Bản cúi chào trong khi chẳng có ai xung quanh.

Đó là bởi vì họ đang nghe điện thoại và cúi chào người ở đầu dây bên kia, dù chắc chắn đối phương cũng không thể nhìn thấy gì. Thông thường, cúi chào qua điện thoại thường chỉ đơn giản là gật đầu nhưng nhiều người thậm chí còn dừng lại và cúi rạp xuống theo góc 15 hay 45 độ.

Nếu bạn cũng làm như vậy, có vẻ như bạn đã ở Nhật Bản đủ lâu rồi đó!

 - Ảnh 6.

7. Cúi đầu chào đoàn tàu rời đi

Nếu bạn đang loanh quanh ở sân ga và chờ một chiếc shinkansen đang tới, bạn có thể nhìn thấy những người đàn ông và phụ nữ cúi đầu chào chiếc tàu đang rời khỏi sân ga.

Đa phần họ đều làm việc cho công ty đường sắt, dù là nhân viên lau dọn, người đón tàu hay bất cứ ai. Những cái cúi chào của họ thể hiện sự trân trọng và biết ơn với hành khách trên tàu.

 - Ảnh 7.

8. Những quý cô thang máy

Họ là những người luôn đứng trực tại thang máy, hướng dẫn khách đi và không quên cúi chào mỗi khi có khách bước vào. Nhiều người tưởng chừng như họ là những chú robot khi mọi động tác chào đều rất chỉn chu, chính xác với thái độ ân cần, nhiệt tình.

 - Ảnh 8.

9. Hai người cúi chào nên đứng ngang nhau

Nếu bạn và một người khác đang bước xuống bậc cầu thang hay đứng ở những vị trí không ngang bằng, tốt nhất là hãy chờ người kia đi xuống hoặc cả 2 chạm mặt nhau ở 1 vị trí ngang nhau rồi hẵng chào.

 - Ảnh 9.

10. Người Nhật cúi đầu chào qua lại rất lâu!

Nếu một người gặp bạn và chào, bạn sẽ nghĩ rằng "à, họ chào mình rồi, chào lại thôi" và bạn sẽ cúi đầu chào họ, thậm chí còn sâu hơn cái cúi đầu trước. Cứ tiếp tục như vậy vài lần, họ chào nhau chắc phải tới khi nào thấy "đủ" mới dừng lại.

Trên thực tế, không ai muốn bị coi là thiếu sự tôn trọng người khác nên họ thường chào nhau rất nhiệt tình. Là fan của phim Nhật, chắc chắn bạn sẽ thấy điều này xuất hiện cũng nhiều trong các bộ phim.

 - Ảnh 10.

aFamily

người nhật bản


      © 2021 FAP
        4,318,199       651