Sau khi cấm việc đăng tải bức hình "Em bé Napalm" trên website của mình, Facebook đã phải thừa nhận việc tác phẩm đoạt giải Pulitzer đó không phải sản phẩm khiêu dâm.
Với nhiều người, bức ảnh "Em bé Napalm" của tác giả Nick Ut chụp vào năm 1972 - giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Trảng Bàng, Việt Nam đã trở thành một biểu tượng của nỗi đau chiến tranh. Tuy nhiên tuần qua, Facebook đã cấm việc đăng tải bức hình lên trên website của mình. Ngay sau những động thái phản ứng dữ dội của cộng đồng, mạng xã hội của ông chủ Mark Zuckerberg đã phải thừa nhận lỗi sai.
Theo báo cáo của tờ Guardian, Facebook đã xóa một bài đăng của nhà báo người Na Uy Tom Egeland với tiêu đề "7 bức ảnh làm thay đổi bộ mặt của chiến tranh". Sau những động thái đó, tổng biên tập Espen Egil Hansen của tờ báo lớn nhất Na Uy - Aftenposten đã đăng tải lên trang nhất của báo này một bức thư gửi tới CEO Facebook Mark Zuckerberg trong khi Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng đăng tải bức hình "Em bé Napalm" không bị kiểm duyệt lên trang Facebook.
Theo The Guardian, phát ngôn viên của Facebook ban đầu nói rằng: "Trong khi chúng tôi nhận ra bức ảnh này mang tính biểu tượng, rất khó để vạch rõ ranh giới giữa ảnh khỏa thân trẻ em hay không. Chúng tôi cố gắng tìm ra sự cân bằng giữa việc cho phép mọi người vừa có thể thể hiện bản thân mình, vừa có thể chấp hành đúng các giá trị cộng đồng mà chúng tôi đã đề ra. Các giải pháp của chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để cải thiện các chính sách của mình và cách thức chúng tôi áp dụng chúng."
Julia Carrie Wong của tờ Guardian cho biết: "bức hình đã bị một người dùng trên Facebook báo vi phạm nội dung và sau đó một đội ngũ kiểm duyệt Facebook đã xóa nó đi. Đây là hành vi cố tình của nhân viên Facebook vì nó không được xóa tự động bởi các thuật toán".
Đây không phải lần đầu tiên Facebook xóa những nội dung tương tự như vậy trên website của mình. Năm ngoái, Facebook cũng đã xóa những hình ảnh của nhà tiên tri hồi giáo Mohammed sau vụ Charlie Hebdo. Lúc đầu, họ đổ lỗi hành động này là do được yêu cầu từ một luật sư người Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên sau đó, Facebook đã thừa nhận hành động này là do sự ủng hộ của Mark với những người Pháp và tòa soạn Charlie Hebdo.
Bức hình "Em bé Napalm" bị Facebook xóa vì cho rằng là sản phẩm mang nội dung phản cảm.
Với trường hợp bức ảnh của tác giả Nick Ut, vào chiều hôm qua, Facebook đã quyết định khôi phục lại những hình ảnh đã xóa, cùng với những đăng tải liên quan đến bài viết. Người phát ngôn của Facebook cho biết:
"Hình ảnh một đứa trẻ khỏa thân thường được cho rằng vi phạm những quy chuẩn của cộng đồng và tại nhiều nước, nó sẽ được coi là sản phẩm khiêu dâm trẻ em. Trong trường hợp này, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng và giá trị lịch sử của bức hình khi đã ghi lại một khoảnh khắc của thời đại. Bởi vì vị trí của bức ảnh và giá trị lịch sử, chúng tôi quyết định sẽ khôi phục lại bức ảnh trên Facebook".
Việc Facebook thừa nhận lỗi sai của mình là một chiến thắng rõ ràng cho Aftenposten và Solberg, cùng với những người đã phản đối chính sách kiểm duyệt của Facebook. Tuy nhiên, lời giải thích của Facebook vẫn được cho là khá mơ hồ. Trong khi Facebook chỉ nhắc về tầm quan trọng về giá trị lịch sử của nó tại "một khoảnh khắc thời đại" mà không đề cập đến giai đoạn hay sự kiện lịch sử cụ thể: chiến tranh Việt Nam.
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nick Ut đoạt giải thưởng Pulitzer vào năm 1972 vì đã khắc họa được hình ảnh thảm khốc mà chiến tranh gây ra cho người dân. Trong bức hình là cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc, người bị bỏng do bom napalm, vừa chạy trên đường vừa khóc với cơ thể không một mảnh vải che thân. Với nhiều người, đây là một trong những khoảnh khắc chân thật mà rúng động nhất trong thế kỷ 20 về nỗi đau của một cuộc chiến tranh.
em bé napalm, khỏa thân, facebook