Nếu bạn hỏi một phụ nữ Hàn Quốc bất kì trên đường về việc họ có ý định phẫu thuật thẩm mỹ không, câu trả lời chắc chắn là có.
Khi cả thế giới đang lên "cơn sốt" về phẫu thuật thẩm mỹ, những người phụ nữ, từ nông thôn cho đến thành thị đều rỉ tai nhau về một "phép màu" có thể khiến họ đẹp lên chỉ trong phút chốc. Phép màu có thể biến các con vịt thành thiên nga đó mng tên phẫu thuật thẩm mỹ.
Các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa, thượng vàng hạ cám, chỉ với mục đích phục vụ nhu cầu không chỉ của các quý bà, mà còn cả những quý ông muốn thay đổi ngoại hình để thu hút với các chị em phụ nữ.
Nhưng đằng sau sự hào nhoáng mà các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ dựng lên là những hậu quả khôn lường, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của các bệnh nhân xấu số. Với nhiều người, họ dùng từ "nạn nhân" khi mà phẫu thuật thẩm mỹ đã biến cuộc sống của họ thành cơn ác mộng, cả về thể xác và tinh thần.
Những nỗi đau còn mãi của các nạn nhân phẫu thuật thẩm mỹ
1. Nỗi đau thể xác cùng cực
Ngồi trong căn phòng nhỏ của mình tại thủ đô Seoul, Kim nhớ lại thời gian trước khi phẫu thuật thẩm mỹ của mình. Căn phòng nhỏ bé của cô dán đầy các bức ảnh trước và sau khi thẩm mỹ, như một cách để nhớ lại cuộc sống tươi đẹp của mình trước đó. Nhưng dường như, nó chỉ làm cho cô thêm đau đớn khi nhớ về quá khứ.
Nhiều năm về trước, Kim Bok đã có một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ. Cô vốn không thích chiếc mũi của mình vì cho rằng, nó có tướng xấu khiến cô không thể làm ăn phát đạt. Một lần tình cờ ngồi tại tiệm làm tóc, Kim thấy một quảng cáo trên tạp chí về một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ. Cô đã quyết định sẽ tiến hành phẫu thuật, bất chấp sự phản đối của gia đình.
Bác sĩ của Kim nói rằng cô sẽ có khuôn mặt như những siêu sao nổi tiếng. Để có được điều đó, cô đã tiến hành 15 cuộc phẫu thuật chỉ trong....một ngày!
Kim Bok đã phải trải qua nhiều đau đớn về thể xác sau 15 ca phẫu thuật không thành công
Ngay khi cuộc phẫu thuật kết thúc, cô đã nhận thấy có gì đó không ổn với gương mặt của mình. Tuy nhiên, phải mất đến 5 năm sau đó, những hậu quả nặng nề đã ập đến với cô. Khuôn mặt của Kim trở nên biến dạng. Cô không thể nhắm mặt và nước mũi liên tục chảy. Đổ vỡ gia đình, thất nghiệp, trầm cảm là những điều mà cô đã phải trải qua.
Chia sẻ trong những giọt nước mắt, Kim nói: "ông ta đã hủy hoại khuôn mặt tôi. Đây không phải khuôn mặt con người. Nó trông giống như một con quỷ hay người ngoài hành tình. Đó là một ác mộng của cuộc đời".
Cùng có một câu chuyện tương tự, một thí sinh hoa hậu Hàn Quốc những năm 1980s mang họ Park cảm thấy mặc cảm với bộ ngực của mình và cô quyết định tiến hành nâng ngực. Park đã tìm đến vị bác sỹ tiến hành phẫu thuật cho cô Kim.
Tuy nhiên, như nhiều câu chuyện đau buồn về phẫu thuật thẩm mỹ, sau khi trải qua nhiễm trùng hậu phẫu, ngực phải của cô bị teo lại và biến dáng, chỉ bằng một nửa ngực trái. Ở tuổi 50, Park nghĩ rằng cuộc đời cô đã chấm dứt tại đây.
Người phụ nữ giấu tên chia sẻ những đau đớn mà cô đã phải trải qua sau ca phẫu thuật ngực
"Tôi tiếc vì đã giết bản thân lần thứ hai. Mẹ tôi đã đưa tôi đến bệnh viện. Giờ đây, tôi đã mất hết niềm tin vào con người", Park chia sẻ.
Những câu chuyện của cô Kim hay Park không phải hiếm gặp, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á, khi mà nền công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ đã đi nhanh hơn cả nền y học. Họ đưa cho bạn bức hình của những cô gái như bước ra từ trong chuyện cổ tích, đi kèm với một cái giá mà có mơ mà bạn cũng không nghĩ tới và những lời chào mời hấp dẫn. Một cuộc chạy đua giá rẻ đang diễn ra, nhưng đi kèm với nó là chất lượng hoàn toàn tương xứng với đồng tiền.
Tuy nhiên, cái giá phải trả chưa dừng lại ở đó.
2. Sự đổ vỡ trong hôn nhân và gia đình
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Grazia, 40% phụ nữ chia tay với bạn trai/người yêu sau các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ.
Sau cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, khuôn mặt của Kim Bok trở nên biến dạng đến mức, chồng của cô không còn nhận ra và không chịu nổi cuộc sống mà cô dùng từ "như sống với một con quái vật". Li dị là hậu quả tất yếu mà dù vẫn rất yêu chồng, Kim Bok cũng phải chấp nhận để chồng mình ra đi.
Các ông chồng đôi khi không chịu nổi gương mặt sau phẫu thuật thẩm mỹ của vợ mình
Đa phần các trường hợp li dị liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ đều do các bà vợ tiến hành bơm môi hay nâng ngực, những thứ "đập vào mắt" chồng của họ hàng ngày. Những năm gần đây, tuy chưa có những nghiên cứu chính xác về vấn đề này nhưng tình trạng li dị sau các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đã trở nên đáng báo động tại nhiều quốc gia.
Hunter, một phụ nữ 43 tuổi hai con tại Mỹ chia sẻ rằng, cô đã li dị với chồng sau 7 năm chung sống. Hunter đã tiến hành phẫu thuật nâng mí mắt và sau ca phẫu thuật đó, chồng cô phàn nàn nhiều hơn trước đó. Cuối cùng, ca phẫu thuật thẩm mỹ đã dẫn đến sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân của hai người.
Ngày càng có nhiều phụ nữ tìm đến các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ với mong muốn thay đổi cuộc sống hôn nhân
Những ông chồng đáng kính, chiều chuộng luôn muốn vợ của mình đẹp hơn mỗi ngày, nhưng họ cũng sẽ sẵn sàng bỏ người vợ của mình chỉ vì một khiếm khuyết trên cơ thể họ.
3. Khủng hoảng tài chính sau phẫu thuật thẩm mỹ
Ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ là ngành giúp hái ra tiền cho các bác sĩ phẫu thuật và những người liên quan. Ước tính doanh thu của các ca phẫu thuật thẩm mỹ riêng tại Seoul rơi vào khoảng 12 tỉ USD. Các quốc gia láng giếng như Trung Quốc, Thái Lan cũng đang "chạy đua" trong công cuộc hút tiền từ những du khách muốn trùng tu nhan sắc của mình.
Tuy nhiên, các công ty phẫu thuật đã bao giờ hình dung xem, số tiền đó đến từ đầu?
Đại đa số phụ nữ Trung Quốc tiến hành các cuộc đại tu nhan sắc tại Hàn Quốc. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các biển hiệu của các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ với các lời rao như "chỉ với 1,500 USD, bạn sẽ có ngay một ca phẫu thuật mắt trong 30 phút", hay "11,000 USD sẽ giúp bạn thay đổi toàn bộ khuôn mặt".
Bạn có thể tìm thấy các biển quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ tại các khu vực công cộng tại Hàn Quốc
Nhưng khu Gangnam không phải điểm đến cho giới bình dân, đặc biệt là nhiều phụ nữ tới từ Trung Quốc.
Để tới được đây và tiến hành phẫu thuật, họ đã phải bỏ ra những chi phí rất lớn khi số tiền bỏ ra cho phẫu thuật chỉ là một phần nhỏ trong con số "khủng" của các khoản khác: chi phí máy bay, chi phí ăn ở trong thời gian điều trị. Để cắt giảm chi phí, nhiều người chọn các phòng khám ít danh tiếng với chi phí chỉ bằng một nửa, thậm chí rẻ hơn rất nhiều để cắt tối đa chi phí họ phải bỏ ra. Hậu quả kéo theo không chỉ là những món nợ với gia đình, bạn bè mà còn là những thương tật vĩnh viễn từ thẩm mỹ giá rẻ.
Nhiều người phụ nữ Trung Quốc tới thiên đường phẫu thuật thẩm mỹ đã phải ôm những món nợ sau khi trở về nước
Cheryl Faunch, một phụ nữ 61 tuổi từ Anh chia sẻ, cô đã phải bán một chiếc vòng vàng trị giá khoảng 1,300$ để trang trải cho chuyến đi tới Ba Lan làm phẫu thuật thẩm mỹ do chi phí rẻ hơn nhiều. Số tiền còn lại, cô đã phải vay từ bạn bè và người thân. Tuy nhiên, cái giá cao phải trả và những nợ nần cũng không mang lại một câu chuyện có hậu cho bà.
Cách đây không lâu, một vụ nhảy lầu tự tử tại Berverly Hill đã khiến cả dư luận bàng hoàng. Cô diễn viên trẻ trung xinh đẹp Sandra D'Auriol nhảy từ tầng thượng của một tòa nhà sau ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng mặt. Nhiều nguồn tin cho hay rằng, cái giá cho ca phẫu thuật đã khiến cô quá shock nên đã chọn cách kết liễu đời mình để không phải chịu món nợ này.
4. Tổn thương tinh thần lâu dài
Đằng sau mỗi khuôn mặt ác quỷ là một câu chuyện đầy con người.
Sau 15 ca phẫu thuật với hậu quả không mong muốn, Kim Bok đã rơi vào trạng thái trầm cảm khi cô liên tiếp phải chứng kiến những biến cố trong cuộc sống; người chồng yêu quý rời bỏ, thất nghiệp và bị gia đình xa lánh. Kim chia sẻ rằng, đôi khi cô còn không chấp nhận được bản thân và cảm thấy ghê tởm khi nhìn mình trong gương.
Những người phụ nữ với các ca phẫu thuật thẩm mỹ phải chịu đựng dư chấn tinh thần nặng nề
Cơn ác mộng của cuộc đời cô bắt đầu từ đó. Kim Bok rơi vào cảm xúc trầm cảm một thời gian khi cô không dám ra ngoài và tiếp xúc với ai. Cô né tránh mọi mối quan hệ, kể cả với gia đình. Cuộc sống của cô dần trở nên bó hẹp trong bốn bức tường. Đã có nhiều lúc cô muốn tự tử.
Tuy nhiên, cái chết có thể là cách giải thoát tốt với cô, khi mà những dằn vặt tâm lí và sức khỏe đang khiến cô dần đánh mất bản thân.
Câu chuyện của Kim Bok không hiếm; nhưng không phải ai cũng dám đứng lên nói về cuộc đời mình. Họ trốn tránh xã hội do sợ những ánh mắt kì thị, ghê tởm từ xung quanh. Đa phần các nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ vẫn bị xã hội đánh giá vì sự thiếu hiểu biết, thậm chí là mù quáng của mình.
Họ thường chọn cách im lặng và tránh né xã hội
Cuộc sống của họ bị đẩy tới đường cùng
Nhưng rõ ràng, mong muốn làm đẹp bản thân là hoàn toàn chính đáng. Họ không xứng đáng bị cả xã hội ruồng bỏ như vậy. Khi cả xã hội vẫn "đóng kín" cánh cổng cho họ hòa nhập thì những phụ nữ này còn tiếp tục sống trong những tổn thương tâm lý, tinh thần và cả sức khỏe lâu dài.
Và nếu chúng ta không cho họ cơ hội để nói lên câu chuyện của mình, đó không chỉ là cách gián tiếp đẩy họ vào những vụ việc thương tâm mà còn tiếp tay cho nền công nghiệp mỹ thuật thẩm mỹ bùng nổ một cách không có kiểm soát.
phẫu thuật thẩm mỹ, phụ nữ, sắc đẹp