Đời sống

Đời người ngắn lắm, hơi đâu để đi làm hài lòng miệng thế gian...

Bạn đã bao giờ lâm vào cảnh bị phán xét, chỉ trích hay bài trừ vì một vài, hoặc chẳng lý do nào cả?

Hồi cấp 2, tôi từng là nạn nhân của bắt nạt học đường.

Nguyên nhân chẳng đâu ra đâu, mà hồi đấy tôi cũng thắc mắc vì sao bạn học chúng nó ghét mình? Học không phải loại giỏi, bố mẹ cũng chẳng chiều chuộng mua nhiều đồ chơi đẹp hay cho tiền ăn vặt gì, cũng không phải dạng lầm lỳ không chịu hòa đồng.

Bọn bạn học ghét tôi chẳng vì lý do gì to tát cả.

Thực ra từ lúc này, tôi đã biết đến chân lý rằng thế giới không phải truyện cổ tích đầy ắp những hoàng tử công chúa cùng các nàng tiên cười nói với nhau cả ngày.

Rồi đến khi lớn lên, tiếp xúc dần với Internet, tham gia vào các diễn đàn, mạng xã hội, cái sự dã man vô tình đến từ câu chữ của con người lại càng thể hiện rõ ràng hơn. Người ta có thể hồn nhiên chê bai một cô gái chưa có đủ nhan sắc, chửi bới một cậu trai đồng tính bằng thứ ngôn ngữ ghê tởm nhất, khinh miệt người đàn bà đa duyên cũng bằng những mỹ từ vốn dùng chỉ để gọi phường đàng điếm.

Và mới đây nhất, họ chửi bới một cô người mẫu, chỉ vì cô này làm phim về đời mình.

Khoan, ở đây không nói về lễ điều sáo rỗng, kiểu đừng có bắt nạt phụ nữ, hội đồng một cô gái yếu đuối. Thời đại bây giờ bình đẳng, nam nữ gì thì cũng thành đối tượng ăn chửi hết.

 - Ảnh 1.

Thế giới dã man, vô tình và tàn nhẫn lắm. Một là học cách làm quen với điều ấy, hai là cố thủ trong nhà không bao giờ đối diện với ánh sáng văn minh. À mà không, ở nhà nhiều, bố mẹ cũng ghét bạn thôi. Thế nên chỉ còn một cách duy nhất là hãy quen với điều ấy!

Chẳng bao giờ người ta cần có lý do để ghét bỏ ai đó. Yêu hay ghét nó là cảm giác của mỗi người, mà con người luôn là tạo vật đầy rẫy mâu thuẫn, thế nên, có bới móc tìm ra lý do biện minh cho việc yêu quý hay hờn ghét, nói thật là chẳng để làm gì.

Tôi nói thật, đừng bao giờ hô hào khẩu hiệu: "Không ai có quyền phán xét bạn, kể cả Chúa" để cảm thấy an toàn hơn. Câu này đậm chất yếu đuối và nguỵ biện.

 - Ảnh 2.

Việc nhận định, đánh giá chủ quan, dựa trên quan điểm cảm giác cá nhân là quyền của mỗi người. Chẳng ai có thể cấm người ta chê bai, phê phán bất cứ ai, thực tế vô tình là như vậy.

Kêu ca phàn nàn, thất chí nản nghiệp khi nhận sự phán xét chỉ trích luôn là phản ứng bình thường nhất của một con người. Tuy nhiên, có cách để chúng ta thôi không phải đau khổ vô duyên, đau khổ tốn thời gian.

Vốn dĩ vấn đề nằm ở ngay giữa hai tai của chúng ta. Lời ong tiếng ve kẹt cứng trong tâm trí, hành hạ bạn, hút đi sinh khí và sự vui tươi của mỗi người. Một khi tai chúng ta vẫn còn tự động tiếp nhận thông tin xấu, tự động trữ nó trong trí học, ngày ấy chúng ta còn mệt mỏi đau khổ nhiều.

Sự phán xét cũng có thể chia làm hai loại: phán xét tích cực và phán xét tiêu cực. Có những lời mắng mỏ, phê bình mang ngụ ý tốt đẹp muốn cải thiện người nghe và cũng có những lời chửi rủa miệt thị chỉ có hàm ý duy nhất là tiêu diệt ý chí con người.

Chúng ta nhiều khi để bản ngã và lòng tự tôn che lấp mọi hệ thống lọc phán xét. Hệ thống lọc lúc ấy chỉ là một tấm tường thép không hơn không kém, không tiếp nhận bất cứ lời phê bình nào. Bỗng dưng chúng ta trở thành đồ bảo thủ, chứ chẳng phải là kẻ mạnh mẽ đâu.

 - Ảnh 3.

Ở thế hệ chúng ta, con người có thói quen mong đợi, ủng hộ những câu từ tròn trịa cũ kỹ không khuyết điểm, chẳng ai mất lòng ai. Đến lúc câu nói trở nên xù xì gai góc, tự dưng họ cảm thấy mất an toàn.

Cuộc đời chúng ta đi qua rất nhiều đường hầm. Trên mỗi đường hầm ấy khắc chi chít từng lời phỉ báng, chế nhạo, chỉ trích chúng ta, kể cả việc chúng ta làm là sai hay đúng, họ vẫn sẽ tìm ra cái để chửi, để thoả mãn thói đời và góp lời hạ gục kẻ yếu.

 - Ảnh 4.

Chúng ta phải làm gì? Vừa đi vừa lần mò, đọc hết từng câu chữ vô tâm vô tình ấy rồi ôm lấy sự khổ đau? Không. Việc mình làm thì cứ tập trung mà làm thôi, đi qua hầm thì tập trung tìm đường ra, chứ không phải là tiếp thu đống thông tin thừa vo ve bên cạnh.

Hay thử ví cuộc đời như một đường chạy đua đi.

Sự chỉ trích, phán xét của người đời giống như một bức tường, chẳng nhỏ cũng chẳng to. Nếu ta cứ chú ý, để tâm vào nó, chúng ta sẽ đập vào nó mà thôi. Chúng ta bị chặn đứng bởi sự giận dữ, sự tự ti, nỗi xấu hổ không cần thiết. Thay vì chạy thẳng đến đích, chúng ta gục ngã trước bức tường thậm chí chẳng nằm trên đường đua.

 - Ảnh 5.

Tập trung vào đường chạy, đừng quan tâm đến mấy bức tường. Đến lúc ấy, kể cả có hàng rào chướng ngại vật, chúng ta cũng sẽ dễ dàng vượt qua chúng mà thôi.

Tập bỏ ngoài tai mọi lời ong tiếng ve, độc bước thong dong làm gì mình muốn.

Mặc kệ bọn bạn cấp 2, tôi cứ chơi với cô lớp trưởng và cô này giúp tôi có được thành tích học tập tạm gọi là ổn. Mất vài ba đứa bạn học đối xử tốt với mình cũng không phải vấn đề quá to tát. Cái to hơn là tôi có thể dùng thành tích của mình để cười vào mặt chúng nó.

Cuộc đời này ngắn lắm, chớp mắt trôi qua đã hết nửa quãng thanh xuân. Trong cái lúc tuổi xanh vùn vụt chạy qua như chuyến tàu tốc hành, còn bao nhiêu chuyện khác phải lo để tồn tại, cớ gì phải vơ hết chuyện thiên hạ về mình cho mệt?

Kệ họ, cứ để họ chửi, cứ để họ phán xét, cứ cho họ chỉ trích chán chê đi, nhói một tí, thương tổn một tí có chết được đâu. Thời gian để đấy sống cho bản thân đã, hơi đâu đi làm tròn nghĩa vụ với tất cả mọi người.

aFamily

truyện cổ tích, văn minh, khuyết điểm


      © 2021 FAP
        4,011,559       1,414