Một căn chòi xập xệ nằm giữa những nấm mồ ở nghĩa trang Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP HCM. Đây là nơi bốn mẹ con chị Kiều Thị Ánh Liên sinh sống suốt 6, 7 năm qua.
Đó là 4 mẹ con chị Liên (quê Bình Phước). Gia đình chị vốn nghèo khó. Khi chị về nhà chồng, hai bên chỉ làm mâm cơm cúng ông bà rồi dắt nhau về chung sống mà không có cưới xin. Hai vợ chồng chị ở với nhau tuy nghèo khổ nhưng khá êm ấm và có được 3 người con. Rồi một ngày, khi anh chị ra đồng làm thuê, giữa trưa anh về nhà sớm, sau đó đi biền biệt không thấy trở về. Lúc đó đứa con út mới vừa 6 tháng tuổi.
Hụt hẫng, chờ đợi, hy vọng rồi đến tuyệt vọng, chị nước mắt ngắn dài, quyết định dắt ba đứa con bỏ quê tìm nơi khác để sống. Chị tìm đến những ruộng rẫy ở Tây Ninh để làm thuê nhưng được một thời gian 4 mẹ con bắt đầu chuyển tới TP HCM.
Không nhà cửa, không việc làm, chị dắt ba con lang thang trong nghĩa trang Bình Hưng Hoà, xem chỗ nào ngủ được là tựa lưng. Đó là những ngày chị không còn nước mắt để khóc.
Biết được hoàn cảnh này, một người phụ nữ đã cho chị nương nhờ trong một căn chòi giữa nghĩa trang. Ngày ngày chị chăm sóc những ngôi mộ của chủ đất.
Chị và các con thay phiên nhau chăm sóc những ngôi mộ, xem họ như hàng xóm quanh nhà mình.
Sau đó, chị Liên tìm được công việc tạp vụ ở một trường mầm non, lương mỗi tháng được 3 triệu đồng. Ngoài ra, các sơ tạo điều kiện để chị phụ giúp nhà thờ để kiếm thêm thu nhập nuôi con. Sau khi làm tạp vụ ở trường, chị tranh thủ về dọn dẹp nhà, nấu nướng cho các con rồi lại xách xe ra nhà thờ phụ việc. Mỗi khi đi làm chiều chị lại dắt theo cậu con út Kiều Minh Tuấn (7 tuổi).
Con lớn của chị Liên là Kiều Minh Được (18 tuổi) mới học lớp 7. Được phải học muộn so với tuổi vì những ngày lang thang cùng mẹ cực khổ không có tiền đóng học phí. Cả hai anh em đều học trường tình thương.
Được chỉ bài cho em trên một ngôi mộ trước nhà.
Sân chơi của Tuấn chỉ quanh quẩn bên những ngôi mộ.
Ba bỏ mẹ 7-8 năm trời hai người không một lời hỏi thăm tung tích của nhau. Tuấn là đứa trẻ không biết mặt cha. Em chỉ có có chó, mèo làm bạn.
Bà Trương Mỹ Dung, Tổ trưởng tổ 61, khu phố 4, phường Sơn Kỳ, quận Bình Tân (TP HCM) một mình chạy xe vào nghĩa trang, đem rổ, thau cùng vài kg cá biển đến cho chị Liên. Bà Dung chia sẻ: “Nhờ một người quen rồi biết đến hoàn cảnh chị Liên. Cảnh nghèo khổ phải sống giữa nghĩa trang lại nuôi thêm ba đứa con nên tôi thấy có gì hợp là đem đến xem chị dùng được gì thì dùng”.
Chị Liên tranh thủ buổi tối rảnh rỗi ở nhà chăm sóc cho con trẻ.
Kiều Minh Vũ, con thứ hai của chị Liên đã phải nghỉ học. Em học nghề sửa xe máy để phụ mẹ kiếm tiền. Dù chị Liên cố gắng khuyên con đi học trở lại nhưng Vũ không thay đổi ý định.
Góc sân trước nhà là nơi sinh hoạt chung của gia đình. Chị Liên chia sẻ, nay đỡ khổ hơn những ngày lang thang rất nhiều. "Trước đây khổ 10 giờ chỉ còn 1", chị tâm sự.
Chị Liên sửa soạn sách vở cho con chuẩn bị đi học. Chị tâm niệm rằng chỉ có ăn học đàng hoàng các con mới hết khổ.
Chị Liên đang mang trong mình căn bệnh thiếu máu não, lại thêm viêm đại tràng. Chị hay bị mệt, ngất xỉu bất ngờ. Những lúc đi làm chị hay bị phát bệnh nhưng phải cố làm cho xong vì nếu ngày nào nghỉ sẽ bị trừ lương nên dù đau đến mấy chị cũng phải cố. Mỗi ngày, chị đều cầu nguyện để khoẻ mạnh, cố gắng làm và lo lắng cho các con.
Có 3 con chó, 3 con mèo hoang, tàn tật bị bỏ rơi được chị Liên đem về nuôi. Cả nhà xem chúng như bạn trong gia đình.
Niềm tin để chị vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đó là 3 đứa con.
Chị ước có được một ngôi nhà lành lặn, che nắng mưa để có thể nuôi dạy những đứa trẻ thật tốt, không còn phải sống trong cảnh tăm tối.
sài gòn, nghĩa trang, sống ở nghĩa trang, bốn mẹ con ở nghĩa trang