Những cô gái Trung Quốc bị ép buộc phải lập gia đình trước tuổi 25 do sức ép của gia đình.
Phụ nữ Á Đông nhìn chung vẫn bị gói ghém, giới hạn trong khuôn khổ giáo điều đảm đang nội trợ, chăm sóc chồng con. Đời người phụ nữ theo văn hoá Châu Á được coi là thành công khi họ lấy chồng, sinh con lúc còn thanh xuân.
Ở Trung Quốc, độ tuổi đẹp, cột mốc giới hạn cho chuyện chồng con, lập gia đình cho phụ nữ là 25. Sau cái tuổi này, tự dưng những cô gái chưa có bạn đời mặc nhiên bị coi là ế ẩm, là kén cá chọn canh, là đồ vứt đi, "có chó mới lấy". Mà đàn bà ở Trung Quốc không có chồng con lại là một cái tội rất lớn, là bất hiếu với cha mẹ, với tổ tông gia đình.
Có những cô gái có người yêu, nhưng chưa lấy chồng cũng bị đặt vào diện "ế".
Chuyện chưa lập gia đình khi đã 25 tuổi không chỉ là gánh nặng đối với cô gái, mà thậm chí còn là gánh nặng đối với phụ huynh, gia đình cô gái ấy. Miệng đời vốn lắm xương gai, họ có thể bôi đủ điều, vẽ đủ thứ ghê rợn về việc tại sao cô gái không có ai để ý, rước về gia đình.
Họ bị gọi là kén cá chọn canh...
Là quá vô tư tự do, không nghĩ đến bố mẹ.
Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy không yên tâm cho đến ngày con gái lấy chồng.
Và thế là họ bắt đầu tự mình trở thành những ông Tơ, bà Nguyệt, xe duyên cho cô con gái với đủ đối tượng kể cả con mình chưa bằng lòng. Đối với họ, thà có chồng què còn hơn ế sưng xỉa.
Nhưng không phải lúc nào các bậc phụ huynh cũng chắp vá thành công mối nhân duyên cho con mình. Đây là lúc những công ty môi giới hôn nhân bắt đầu can thiệp. Bỗng dưng, chuyện tình cảm, chuyện hương phấn đời người bị đem ra làm món hàng trao đổi, cân bên nặng bên nhẹ, cất nhắc bên rẻ bên đắt, soi xét, mặc cả.
Có còn là duyên? Có còn là con gái của gia đình khi bị đem lên sàn đấu giá để người ta chọn lựa?
Nhằm làm rõ vấn đề này và tăng cường nhận thức cho các bậc phụ huynh, hãng mỹ phẩm SK-II đã tung ra một đoạn clip ngắn nói về số phận của những cô gái chưa lấy chồng ở tuổi 25, những cô gái "đồ thừa vứt xó" như chính những gì mà cha mẹ họ gọi họ.
Tình yêu là mảnh ghép cuối cùng để cuộc đời trọn vẹn, điều ấy đúng. Nhưng đời là một chuỗi hàng nghìn mảnh ghép và tình yêu chỉ là một mảnh trong số ấy. Vậy thì cớ sao cứ phải nhặt cho bằng được nó ở cái tuổi trước 25, trong khi người phụ nữ ấy có thể ghép nốt mảnh sự nghiệp, gia đình và hiếu thuận trước?
Sao cớ gì cứ phải là hôn nhân, mà không phải là cha mẹ, là sự nghiệp và tận hưởng tuổi thanh xuân trước mắt?
lấy chồng, trung quốc, sinh con