Nhật Bản không chỉ có những điểm sáng tuyệt vời mà còn nhiều khoảng tối đáng sợ.
Nhắc đến Nhật, người ta nghĩ đến gì?
Một quốc gia hình mẫu văn hoá phương Đông, là tấm gương hồi phục kinh tế thần kỳ, từ một đống hoang tàn vươn lên làm cường quốc kinh tế, luôn ở top đầu bảng xếp hạng những nước giàu nhất thế giới. Nhật Bản trong mắt người ta như một chốn thần tiên ai cũng mong được với tới.
Bí quyết dạy con của người Nhật? Cánh bỉm sữa thế giới đảo điên học tập.
Cách người Nhật đối xử với nhau? Thế giới lại xuýt xoa.
Nhật Bản là ước mơ của cả thế giới.
Người Nhật và lễ nghi rườm rà? Bản sắc văn hoá đẹp quá, thế giới cần noi theo, vân vân và mây mây...
Nhật Bản trong con mắt đại bộ phận thế giới thần tiên và lung linh, là ước mơ mà không phải ai cũng có thể chạm đến.
Nhìn vào sự phát triển và cách mà người ta tôn trọng nhau từng thứ nhỏ nhặt nhất, cách mà cả doanh nghiệp gập đầu xin lỗi người tiêu dùng vì đã tăng giá kem sau 25 năm dù chỉ là 2.000 đồng, cách mà người Nhật dạy con trẻ trong từng bữa ăn, chẳng ai có thể chê Nhật Bản và con người xứ sở mặt trời mọc.
Công ty Akagi đã phải xin lỗi người tiêu dùng sai khi tăng giá kem lên 10 yên (khoảng 2000 VNĐ) sau 25 năm giữ giá.
Dù vậy, nhưng Nhật Bản không thiếu những góc tối u ám mà chẳng nơi nào có.
Thế hệ thanh niên "ăn cỏ"
Bạn có nghe kể về một lứa thanh niên Nhật được mệnh danh là "động vật ăn cỏ" không? Theo khảo sát năm 2015 của kênh tư vấn hôn nhân O-net, đại bộ phận thanh niên Nhật hiện giờ không hề mặn mà với đời sống tình cảm đôi lứa. Tới gần 75% nam giới chẳng hề có có một mảnh tình vắt vai, cho rằng yêu đương thật phiền toái và không thiết thực.
Vì sao lại gọi là lứa "thanh niên ăn cỏ"? Là bởi, chuyện chăn gối của lớp thanh niên này như cỏ úa chiều thu. 21,6 % số lượng người trẻ Nhật chẳng quan tâm tới vấn đề thân mật, gần gũi với người khác giới hay người đồng giới. Rồi gần một nửa số cặp đôi vợ chồng chẳng thèm đụng đến nhau trong hàng chục năm hôn nhân.
Có một thế hệ thanh niên "ăn cỏ" tại Nhật.
Nếu bạn muốn có một cuộc hôn nhân lãng mạn, một tình yêu thăng hoa thì ở Nhật không thể chắc chắn đáp ứng cho bạn điều ấy.
Người Nhật trẻ và sở thích tự biệt giam chính mình
Thanh niên Nhật Bản ở thời kỳ này gặp khá nhiều vấn đề tiêu cực. Yêu không, cưới không, ra đường cũng không. Một số lượng đáng kể thanh niên nước này hiện ngày ngày giam mình trong phòng kín, ủ rũ uể oải chẳng thèm ra đường. Cả ngày quanh quẩn chỉ ăn, ngủ, chơi game, lướt mạng, chấm hết. Không tương lai, không nghề nghiệp, chẳng định hướng. Họ là những Hikkikomori.
Đáng buồn thay, nhiều Hikkikomori chẳng phải là thanh niên bỏ đi, mà ngược lại, còn là những thanh niên ưu tú của đất nước. Nền văn hoá gia đình Nhật Bản đề cao mối quan hệ mẫu tử và sự bao bọc dành cho con cái, cũng bởi vậy, các quý tử cảm thấy không an toàn khi phải đối diện với thực tế khốc liệt, và rồi những kẻ yếu đuối chọn cách ẩn nấp trong 4 bức tường hòng tìm sự chở che.
Một Hikkikomori giam mình trong phòng riêng.
Những người tị nạn tại tiệm net
Rồi lại có một lứa thanh niên khác, nhất là ở Tokyo, không giam mình trong phòng riêng nhưng cũng có một hình thái kìm hãm bản thân khác. Họ là những kẻ "dạt ra quán net", được gọi chung là các "Internet Refugees"- dân tị nạn quán cafe Internet.
Những kẻ dạt nhà này không phải chỉ là thanh niên tuổi đôi mươi, mà thậm chí còn là người trung niên, tuổi đầu 3 đầu 4, tóc đã điểm bạc. Cũng không hẳn họ ngồi lì ở quán net để chơi game, lướt mạng, mà vì lý do khác đáng buồn hơn. Họ coi quán net là nhà trọ. Đúng nghĩa, là nhà trọ.
Các quán cafe Internet 24 giờ ở Nhật có thiết kế từng buồng máy như phòng riêng cho khách sử dụng. Bởi vậy, những người không có đủ khả năng tìm kiếm một chỗ ở đàng hoàng giữa lòng thành phố đắt đỏ phải lấy những căn phòng này làm chỗ ở tạm thời. Những người này, có công có việc, có tiền, chỉ thiếu mỗi nhà cửa mà thôi.
Quán cafe Internet 24h là nơi dừng chân của những kẻ không nhà cửa.
Mỗi buồng chỉ đủ để một người lớn nằm cuộn mình co ro. Tắm rửa thì ra nhà tắm công cộng, nấu ăn, đi vệ sinh trong khuôn viên quán. Tồn tại ở thành phố mà người dân thế giới mơ ước chưa bao giờ là dễ dàng.
"Văn hóa tự tử"
Ở Nhật có một "nền văn hóa" rất đỗi đặc biệt: văn hoá tự tử. Đối tượng tự tử có thể là bất cứ ai, từ những công nhân viên mẫn cán mất việc làm vì công ty thua lỗ, những học sinh chịu áp lực thi cử học hành, bị bắt nạt học đường cho đến những người lấy cái chết làm "món quà" dành cho người thân, bởi khi họ chết, gia đình sẽ được hưởng tiền bảo hiểm.
Theo số liệu được công bố năm 2014, ở Nhật có tới 250 nghìn người tự tìm đến cái chết. Trung bình, cứ mỗi ngày có đến 70 người tự sát. Có cả cánh rừng chết chóc mang tên Aokigahara, nằm dưới chân núi Phú Sĩ là nơi người Nhật tìm đến chấm dứt sinh mạng, có cả những câu lạc bộ tự sát được lập nên để phục vụ những kẻ nghĩ quẩn. Đấy, ở Nhật, nào đâu có phải sướng?
Khung cảnh hãi hùng trong khu rừng tự sát nổi tiếng Aokigahara.
Sự bất bình đẳng giới tính khủng khiếp
Nhật Bản không phải là một quốc gia nơi cả nam và nữ bình quyền. Số liệu năm 2013 cho thấy xứ sở mặt trời mọc đứng vị trí thứ 105 trong bảng xếp hạng báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu. Chỉ có 7% những vị trí cao cấp là do sếp nữ người Nhật đảm trách. Tại quốc gia này, đàn ông làm việc nước, đàn bà đảm việc nhà.
Sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận nam giới Nhật Bản cũng góp phần làm gia tăng tỷ lệ phụ nữ dấn thân vào ngành mại dâm ở xứ Phù Tang. Cơ hội việc làm bấp bênh, đãi ngộ không công bằng, các cô gái chọn cách kinh doanh "vốn tự có", kể cả những cô nữ sinh nhỏ tuổi, thông qua nhiều hình thức hẹn hò biến tướng, trong đó có Joshi-kosei osanpo - Hẹn hò đi dạo.
Một nữ sinh đang tự "quảng cáo" mình trên đường phố.
Với khoảng vài chục nghìn Yên, một gã đàn ông sẽ có 30 phút - 1 tiếng ngồi "tâm sự" với các cô gái nhỏ, rồi tuỳ vào thái độ của cô gái, buổi hẹn hò sẽ có điểm đến là về nhà hay các khách sạn tình yêu. Dịch vụ phát triển đến nỗi nhiều ngã tư còn có các cô gái trẻ đứng phát tờ rơi tự quảng cáo bản thân giữa thanh thiên bạch nhật.
Thông thường khi kết hôn, các cô gái Nhật, dù hừng hực khí thế sự nghiệp vẫn phải chọn cách ở nhà làm chủ gia đình, phục vụ chồng thay vì tiếp tục đi làm như trước. Nếu vẫn cố tình đi làm, người Nhật sẽ coi đó là hành động xúc phạm người chồng và chỉ trích cô gái nặng nề. Thậm chí, họ còn bị người chồng hạn chế kết giao, quan hệ xã giao đến mức tối đa.
Đời phụ nữ Nhật khi đã lập gia đình bí bách trong gian bếp.
Kết quả, phụ nữ Nhật giờ muốn lấy chồng ngoại quốc, và nhiều cô thà không lập gia đình, ở vậy nuôi thân béo mầm còn hơn lấy chồng trong nước.
Đất nước nào thì cũng có mặt tốt mặt xấu. Mặt tốt của Nhật rất nhiều, mặt nào mặt nấy cũng lung linh toả sáng, nhưng cũng chẳng thiếu góc tối âm u. Vậy đấy, Nhật cũng bình thường thôi, theo một góc độ nào đó!
nhật bản, nước nhật, phụ nữ