Dù đã lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm nhưng lần nào cô gái này cũng gặp thất bại bởi chưa đến cuối tháng đã hết tiền tiêu.
Trên 1 diễn đàn dành cho các ông bố, bà mẹ, cô gái này tâm sự:
'Dù đã lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm từ đầu tháng, em vẫn không có thể được 1 khoản tiền dư nào mỗi tháng từ mức lương 8 triệu.
Ai cũng bảo lương tháng 6 triệu sống phè phỡn, 7 triệu sống thả ga... em nghe mà đau cả tim. Em cũng ráng sống theo cách mấy anh chị bày, mà thấy khó quá.
Thấy mọi người đua nhau sống tiết kiệm và dư dả, em xấu hổ vô cùng và muốn bày tỏ nỗi lòng, không biết mình sai chỗ nào mà tại sao người ta có dư, mình lại không. Để em phân tích ra cho mọi người thấy.
Em biết người tỉnh như em lên Sài Gòn phải chi tiêu tiết kiệm nhất là chuyện nhà thuê, vì tiền thuê chỗ nào cũng cao. Phòng giá rẻ thì quá đỗi chật hẹp, không thì cũ kỹ dơ bẩn hoặc phải ở tít mấy quận xa ơi là xa.
Mà là con người có mỗi cái ăn ngủ và làm việc là 3 chuyện thiết yếu. Đi làm cực khổ rồi mà không được cái chỗ ở thoải mái thì làm sao có sức khỏe hay tinh thần để làm việc tiếp.
Nên em ráng kiếm nhà trung trung, không ở trung tâm, cũng không quá xa và kéo con bạn ở chung cho đỡ chi phí. Tiền phòng bên này là 2 triệu đồng cho 25m2 và chủ nhà cam kết không tăng tiền thuê trong 3 năm.
Như vậy chia ra:
Tiền nhà cứ thế mỗi tháng đều đặn là 1 triệu đồng.
Tiền điện, nước là 210.000 đồng (giá điện rất cao cứ 3.000 đồng/kwh, thường mỗi tháng tầm 150.000 đồng. Nước theo hộ gia đình, chủ nhà tính cho tụi em cố định là 60.000 đồng/tháng).
Tiền Internet: 90.000 đồng/tháng (Wifi gói 180.000/tháng, do Internet thì chủ nhà không cấp, mà cấp chung cho 7 phòng dùng chung thì em cũng không dùng.
Em phải làm việc qua mạng buổi tối, còn con bạn ở cùng phòng cũng vừa học vừa làm nên cũng rất cần thiết, nối chung rồi mạng yếu, dùng kiểu này còn phí thêm).
Mấy thứ linh tinh như bột giặt, dầu gội, dầu xả, kem đánh răng, nước xả... thì tụi em xài riêng, không dùng chung cho rẻ như mấy anh chị hay bày.
Do là đồ xài chung phải cẩn thận không khéo gây mất lòng. Bản thân em đã thấy nhiều rồi, bạn bè thân thiết lắm mà ở chung xích mích vì mấy chuyện lặt vặt như thế.
Cho nên, cỡ nào cũng vậy, tụi em đã thống nhất từ trước cái quan điểm đó. Về khoản này em tốn không dưới 400.000 đồng.
Các mức chi phí đắt đỏ hiện nay đòi hỏi phải 'thắt lưng buộc bụng'. Em biết đó chứ nhưng 'mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh'.
Làm việc văn phòng thì nhẹ có nhẹ, mát có mát nhưng cũng ít có hơi sức để nấu ăn mỗi ngày tại nhà. Em hơi ngược so với người ta, thích ăn nhà nấu nhưng nấu thì mất thời gian vả lại phòng kín nấu sẽ bay mùi khắp phòng, rất khó chịu.
Cho nên ăn ngoài là chủ yếu, thi thoảng mới nấu gì ngon ngon 2 đứa ăn chung thôi.
Vả lại mẹ em cũng bảo không nên nấu nướng nhiều, bếp gas giờ nguy hiểm, thà mất tiền mất bạc chứ nguy hiểm tính mạng thì không đáng.
Tiền sinh hoạt cá nhân em chi như sau:
Ăn sáng (khi món này khi món khác, có thể chỉ ăn bánh mì 10.000 đồng nhưng cũng có lúc tẩm bổ phở 30.000 đồng): Trung bình 20.000 đồng/bữa x 30 ngày = 600.000 đồng
Ăn trưa (ăn gần công ty): 25.000 đồng/bữa x 30 ngày = 750.000 đồng
Ăn tối: 30.000 đồng x 30 ngày = 900.000 đồng.
Tiền ga, gạo, đường, muối và các loại đồ khô… = 100.000 đồng.
Tiền xăng xe đi lại = 300.000 đồng (mặc dù giá xăng hiện nay rẻ hơn rất nhiều so với thời gian trước, tuy nhiên, em ở gần Gò Vấp mà qua Quận 1 cũng khá xa, đường đông hay kẹt xe nên cũng khá hao tốn khoản này).
Tiền đám cưới, sinh nhật… = 800.000 đồng (không phải tháng nào em cũng phải chi tiền vào các khoản trên nhưng cũng có những tháng cộng dồn tốn kém 1 lúc 3 - 4 tiệc.
Mà tiệc toàn đãi nhà hàng thôi nên thiệp mừng cũng không dưới 300 - 400.000 đồng/tiệc. Em dự phòng 2 tiệc/tháng như vậy là đã khá ít rồi).
Tiền mua sắm quần áo, giày dép = 600.000 đồng (em thấy mấy anh chị không ghi chi phí này, sao vậy, em thắc mắc.
Cái gì cũng có hao mòn, mình ăn mặc người ta đánh giá con người lắm. Nhất là nhân viên văn phòng, đồng phục không có, lại càng phải hao tốn cho nó, mình không phung phí nhưng cũng phải tôn trọng người đối diện chứ).
Tiền điện thoại = 150.000 đồng (Ba mẹ hay gọi nhưng em tắt máy gọi lại, mỗi lần nói chuyện cũng hơi dài, không dưới 20 phút).
Các khoản chi tiêu khác nếu có phát sinh = 200.000 đồng (xe hư, điện thoại hỏng, ổ khóa hư, vòi nước, bồn cầu, quạt điện).
Như vậy: Tổng chi phí: 6.100.000 đồng, số dư còn lại: 1.900.000 đồng.
Đó là những khoản chi tiêu cần thiết, em vẫn chưa tính tới chuyện trong cuộc sống hằng ngày, ngoài chuyện làm việc, ta còn phải biết giải trí cho bản thân.
Chẳng lẽ đồng nghiệp rủ đi ăn uống lại không đi, chẳng lẽ bạn bè lâu lâu hẹn đi nhậu mà lại từ chối, chẳng lẽ người yêu rủ đi xem phim, xem ca nhạc mà để mỗi người đó trả tiền... rồi còn phải có những khoản chi cho việc giao tiếp mở rộng mối quan hệ.
Tuy là nhân viên văn phòng không cần thiết chạy chỉ tiêu khách hàng nhưng cũng phải tự tạo cho mình 1 ít quan hệ, để khi hoạn nạn, khi cần, người ta còn trợ giúp.
Những khoản này, chắc nhiều người sẽ cho là em phung phí. Nhưng em biết cũng sẽ có nhiều người có suy nghĩ và rơi vào trường hợp như em, mất ít nhất cũng khoảng 600.000 - 700.000 đồng/tháng.
Do lúc học phải vay ngân hàng nên hàng tháng em còn hứa với ba mẹ là gửi tiền về trả nợ khoản ấy. Thế là dành hẳn 1 triệu ra đi trước mắt.
Cuối cùng, kết thúc mỗi tháng, em có còn lại bao nhiêu đâu, chỉ khoảng 300.000 - 400.000 dằn túi thôi. Nếu không xài gì thêm mà có lương mới, em sẽ dùng nó để mua mua ít sách, hoặc bỏ ống để dành đi du lịch.
Cũng may là ba mẹ cũng có việc có thu nhập nên luôn thông cảm cho hoàn cảnh những năm đầu mới đi làm của em, bấp bênh chuyện việc là các thứ.
Em đang hết sức phấn đấu để làm ổn định hơn, chi tiêu hợp lý hơn nữa để sắp tới có chút ít tiền mua bảo hiểm hoặc gửi khoản ngân hàng cho ba mẹ và dành dụm cho bản thân có thể mua sắm nhà cửa…
Thời gian qua em cũng trằn trọc lắm, mới ra trường và đi làm hơn 1 năm, lương cũng không ít nhưng cũng không nhiều, so với chi phí đắt đỏ leo thang ở Sài Gòn thì chẳng thấm vào đâu. Phải nói là có bao nhiêu cũng có thể dùng hết bấy nhiêu.
Em cố gắng lập kế hoạch dữ lắm rồi nhưng khoản chi tiêu này là cố định và tối thiểu nên không làm gì khác hơn được. Ráng phấn đấu mà làm ra tiền nhiều hơn thôi.
Mọi người cũng vậy, sống thoải mái và hợp lý thôi, khắt khe quá chỉ làm tội cho bản thân. Thay vì tằn tiện, sao không tìm cách kiếm thêm được nhiều tiền'.
chi tiêu, tiền tiết kiệm, tiết kiệm chi tiêu