Chữ "free" của người Hà Nội được hiểu theo nhiều nghĩa lắm. Có thể là cho bạn, để bạn lấy đi mãi mãi, không cần hoàn trả. Nhưng cũng có thể là cho bạn mượn đọc, để bạn được vui chơi, tạo cho bạn một cái "sân" nhỏ để thấy là, ngoài sự ồn ã, Hà Nội này vẫn thật thanh bình.
Nhiều người nói Hà Nội nghiêm túc, Hà Nội xô bồ và ngày càng hiếm những điều đáng yêu, đáng mến. Tôi không nghĩ thế. Hà Nội có nét riêng của nó. Ấy là một vùng đất vô ngã và không cần có một ngôn ngữ chung.
Khi đã yêu thì không cần có lý do. Tôi yêu phố nên dù đi đến đâu, cũng sẽ chạy xe thật chậm để cho từng xúc cảm gắn bó với lòng đất cứ thế tự lớn dần trong tim và còn để biết, thành phố này, đang từng ngày thay đổi ra sao.
Vì sự để ý ấy nên tôi hiểu, Hà Nội đáng yêu nhiều lắm. Nếu có một ngày bạn thành kẻ "cháy ví", phải cầm cố cả chiếc xe yêu quý và chạy bộ trên vỉa hè, tôi tin bạn vẫn có thể sống "rất khỏe" ở đây, ngay chính trái tim đất nước này.
Mọi thứ cứ tự nhiên như thế và sẽ chẳng ai đứng ở đó để bắt bẻ xem, người đến lấy bánh là những ai.
Chỉ biết trong mỗi chiếc tủ ấy có tới 50-60 ổ bánh mỳ và ngày nào cũng hết nhẵn ngay từ lúc chiều tà.
Trên nóc tủ đựng bánh mỳ là một bình nước mát lạnh có sẵn cốc để uống
Không chỉ đẹp đẽ thôi đâu mà ngay giữa lòng phố, sự chân thành, giúp đỡ lẫn nhau của người Kinh Kỳ cứ thế âm thầm bộc lộ ra.
Học theo người Sài Gòn, mới đây, ở Hà Nội xuất hiện kha khá những tủ bánh mỳ miễn phí. Người Thủ đô thì rất hào phóng nên họ còn ghi rõ "nếu đói lòng, bạn có thể lấy 2 ổ một lúc". Trên nóc tủ đựng bánh mỳ là một bình nước mát lạnh có sẵn cốc để uống. Hà Nội dễ thương vậy đó, người ta quan tâm nhau từ những điều nhỏ nhất: đã có bánh ăn là liền có nước uống.
Nước uống miễn phí trên vỉa hè Hà Nội.
Những thông điệp in cùng hình ảnh cực kỳ ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Mà nước uống miễn phí thì Hà Nội có nhiều lắm. Trên khắp các con phố dài, rộng thênh thang, vô tình một lúc xe hết xăng dừng lại đã thấy ngay một bình nước miễn phí kề bên. Gặp lúc khó chịu như thế, chợt nhìn ra cái hình in nhí nhố nhắc mọi người đừng xả rác bừa bãi mà chẳng thể nào ngừng thấy "ưng cái bụng", chẳng thể nào nổi cáu thêm nữa vì nước đây rồi, thoải mái mà "hạ hỏa"...
Chẳng ai nề hà nếu thấy một người dừng lại không chỉ để uống nước mà còn lo tích trữ một ít mang đi.
Bên cạnh thùng nước, tủ bánh mỳ là bao thông điệp vô cùng đáng yêu. Hà Nội dịu dàng như thế đấy, nhắc nhở người ta cũng nhắc thật nhẹ nhàng.
Làm điều thiện nhưng người Thủ đô không hề kiêu kì, khoe khoang. Lúc nói chuyện với chị Xuân Ly, người đầu tiên mang tủ bánh mỳ miễn phí đến Hà Nội, chị ấy cứ lắc đầu từ chối lên báo vì sợ chúng tôi nói quá lên về lòng tốt của mình. "Tôi còn muốn đặt nhiều chiếc tủ khác trên thật nhiều tuyến phố để giúp được nhiều người hơn (cười). Nhưng cứ biết thế đã vì tất cả mới chỉ đang là dự định, mình giúp người là vì thỏa mãn cái tâm của mình trước đã", chị Ly nói.
Sân chơi miễn phí ở Hà Nội.
Sân chơi là dành cho trẻ em nhưng những tối cuối tuần, người lớn vẫn có thể ra đây thư thả.
Tinh thần khiêm nhường ấy bỗng làm tôi nhớ đến anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt và chị Chu Kim Đức, những người sáng lập ra biết bao sân chơi miễn phí ở Hà Nội. Họ làm đồ chơi cho trẻ em bằng những lốp xe, gỗ, sắt tái chế với tất cả tình yêu và sức sáng tạo của mình. Khởi động dự án đã hơn 2 năm nay mà cả hai anh, chị và những người bạn của mình đều không hề thấy mệt mỏi.
Không làm mọi thứ trở nên rình rang nên có lúc, họ chẳng thể xin đủ tiền tài trợ. Lúc ấy, tất cả rủ nhau lập một doanh nghiệp xã hội lặng lẽ kiếm tiền để rồi dù kiếm được bao nhiêu, tất cả đều dành cho việc làm từ thiện.
Họ ít khi làm sân chơi ở xa. Họ muốn làm ngay trong Hà Nội này vì nhìn ra là trẻ em TP có nhiều nỗi thiệt thòi về không gian vui chơi, vận động. Sân chơi là dành cho trẻ em nhưng những tối cuối tuần, người lớn vẫn có thể ra đây thư thả. Chính họ, những nhà sáng chế sân chơi kia đã tạo cho góc phố Hà Nội biết bao không gian thanh bình.
Chị Đức tâm sự, nhiều khi chị thấy mình sống ở một mảnh ghép khác mọi người. "Ai đó cứ hỏi tôi là đi làm như thế có tiền không, rồi tôi sẽ đổi lại được gì? Tôi chỉ lặng lẽ cười và không nói gì". Đối với những người như chị, làm ra những thứ miễn phí hữu ích cho xã hội chính là một niềm vui tự đáy lòng, không vật chất nào có thể đánh đổi.
Tủ sách không khóa ở Hà Nội.
Một sáng đầu hạ mưa bay, tôi chạy xe lang thang trên những góc phố quen rồi lạc vào con đường Phan Huy Ích. Ngước mắt lên thấy ngay một tủ sách không khóa. Tôi say sưa lôi sách ra đọc và hôm sau bất ngờ hơn khi biết rằng, ở Thủ đô này, không chỉ có một tủ sách miễn phí như thế.
Những tủ sách nhỏ tưởng như bị lãng quên, ít được nói đến hóa ra lại nằm trong một dự án "to tướng" của 19 bạn trẻ với tên gọi " Neverland Library" khởi động đã hơn 2 năm nay. Chiếc tủ không khóa, không có ai ngồi kè kè canh giữ. Người ta chỉ lặng lẽ dán đúng một dòng thông điệp với đại ý: "lấy ra một quyển thì bỏ vào một quyển".
Tủ không khóa và dòng thông điệp nhắc việc đổi sách chỉ in và dán ở một góc rất khiêm tốn.
Giữa những đầu sách đa dạng, ai đó còn "vô tình" để quên hình tượng ngộ nghĩnh nhưng cũng chẳng hề lo sợ bị lấy cắp.
Chiếc tủ rất nhỏ nhưng chưa khi nào vơi sách. Bên cạnh nó đặt sẵn ghế ngồi để bạn thư thả đọc.
Những tủ sách này lặng lẽ được đặt ở một số địa chỉ cố định. Không hề ầm ĩ, người Hà Nội mang sách đến cho nhau rất nhẹ nhàng, tình cảm.
Ấy thế mà không ai sợ mất sách. C ác tủ sách cộng đồng của Neverland nhỏ xinh, chứa khoảng 20 – 30 cuốn sách chưa lúc nào vơi đi và ngày càng phát triển mạnh hơn. Sách ở đây có đủ loại ngôn ngữ và người đến đọc cũng thuộc đủ mọi lứa tuổi.
Cũng từ đó, chữ "free" của người Hà Nội được hiểu theo nhiều nghĩa lắm. Có thể là cho bạn, để bạn lấy đi mãi mãi, không cần hoàn trả. Nhưng cũng có thể đó chỉ là cho bạn mượn đọc, để bạn được vui chơi, tạo cho bạn một cái "sân" nhỏ để thấy là, ngoài sự ồn ã, Hà Nội này vẫn thật thanh bình.
Nếu có lúc đi lạc trong những "ô phố bàn cờ", đừng vội vàng mà hãy đi thật chậm để thấu hiểu cuộc sống nơi lòng phố với cái tình ấm áp, nhẹ nhàng của người dân Thủ đô.
Và khi đã đi trọn một vòng, nhìn thấy bao thứ miễn phí ở Thủ đô, tôi tin là, một lúc nào đó dẫu có đi lạc trong " những ô phố bàn cờ", không tìm thấy lối ra, không thấy đường về, bạn vẫn có thể yên tâm đứng lại đó, tận hưởng cuộc sống nơi lòng phố và cảm nhận trọn vẹn cái tình ấm áp của người dân Hà thành.
miễn phí, hà nội, tình người