Đời sống

Câu chuyện về bà cụ Việt đẹp nhất thế giới

Người phụ nữ 78 tuổi lái thuyền trên sông Thu Bồn qua góc máy của nhiếp ảnh gia người Pháp đã trở thành một hình ảnh Việt Nam ấm áp, sống động với bạn bè thế giới.

Ngày 8/3 vừa qua, nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle đã tặng tác phẩm Hidden Smile (Nụ cười ẩn giấu ) cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh bà lão lái thuyền đã được nhiều tờ báo lớn ca ngợi như "cụ bà đẹp nhất thế giới".

Đưa hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới

Nhiếp ảnh gia người Pháp có 7 năm rong ruổi suốt chiều dải mảnh đất hình chữ S để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của người dân nơi đây. Anh kể mình đã chụp tới hơn 40.000 bức ảnh về Việt Nam.

Trong đó bức ảnh chụp cụ bà Bùi Thị Xong - người phụ nữ nghèo làm nghề chèo thuyền đón khách du lịch ở Hội An từng được nhiều tờ báo và kênh truyền hình uy tín của Mỹ như National Geographic, Los Angeles Times, Daily Mail... ca ngợi là "cụ bà đẹp nhất thế giới". Bức ảnh cũng là điểm nhấn trong cuốn sách Vietnam, Mosaic of Contrasts ( Việt Nam, những mảnh ghép đối lập ) gồm gần 150 bức ảnh về con người và đất nước Việt Nam được Réhahn Croquevielle giới thiệu với công chúng đầu năm 2014.


Bức ảnh Hidden Smile - Nụ cười ẩn giấu của nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle.

Báo chí Mỹ ngợi ca còn với Réhahn Croquevielle đây là tác phẩm mà anh tâm đắc nhất, ẩn chứa một câu chuyện dài phía sau về hai con người đến từ hai vùng đất tưởng chừng xa lạ.

Anh chia sẻ: "Tôi xem mình không chỉ là một nhiếp ảnh gia, mà còn là một người kể chuyện. Khi chụp, tôi thích được tiếp xúc với mọi người và chia sẻ những giây phút, trải nghiệm cuộc sống với họ như những người bạn. Tôi chụp và hành nghề như một nhiếp ảnh gia tự do, du lịch khắp nơi, tới đâu chụp đó. Và trong hành trình của mình, tôi đã tới Việt Nam, lưu lại đây và lưu giữ lại cảnh đẹp thiên nhiên và con người của quốc gia tuyệt vời này".

Với tình yêu đất nước, con người Việt Nam cùng lòng đam mê nhiếp ảnh những bức chân dung về nụ cười nơi đây của Réhahn nhanh chóng được đón nhận. Một hình ảnh Việt Nam gần gũi, thân thương, dung dị lan tỏa cùng Hidden Smile đi khắp thế giới. Anh cũng chia sẻ ban đầu chỉ chụp vì hứng thú chứ không ngờ đứa con tinh thần được đón nhận nhiều tới vậy. Đây có lẽ cũng là cái duyên với con người Việt Nam và bà cụ Xong.

Những câu chuyện đằng sau bức ảnh

Bức ảnh được báo Mỹ ca ngợi là "cụ bà đẹp nhất thế giới" được sáng tác một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. "Tôi nhớ đó là mùa hè năm 2011, khi tôi đi dạo trên phố cổ Hội An thì bà cụ mời đi thuyền của bà. Bà có một con thuyền nhỏ, dùng để chở khách du ngoạn trên sông Thu Bồn. Có rất nhiều người phụ nữ lái đò trên con sông này nhưng tôi thấy bà Xong có một nét đẹp rất đặc biệt. Trong khi bà chèo thuyền, tôi đã xin chụp ảnh bà. Bà xem ảnh xong rồi cười và nói “Mẹ già rồi”.

Tôi tận dụng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình và trả lời “Đẹp lắm”. Đó là câu chuyện tôi gặp bà Xong, người được truyền thông ca ngợi là người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Tôi không thể đồng ý hơn, vẻ đẹp không có tuổi. Bà có đôi mắt tuyệt đẹp, nhìn vào mắt bà người xem có thể nhận ra tâm hồn vô cùng đôn hậu của người phụ nữ này", nhiếp ảnh gia người Pháp bồi hồi nhớ lại.

Khi được hỏi tại sao lại đặt tên tác phẩm của mình là Hidden Smile - Nụ cười ẩn giấu và những giá trị lớn nhất trong tác phẩm, Croquevielle bộc bạch: "Bức ảnh này đại diện cho cả thế hệ phụ nữ Việt Nam. Bà ấy có thể là một người mẹ hay người phụ nữ Việt điển hình. Bà Xong 78 tuổi và vẫn hàng ngày hết mình làm việc kiếm sống, nhưng bà vẫn luôn giữ nụ cười trên môi. Tôi coi bà Xong như người bà ruột của mình, và việc trao tặng tấm hình này cho viện bảo tàng là một hành động để tôn vinh những người phụ nữ trên toàn thế giới này, cũng như để kỷ niệm tình bạn đặc biệt của hai chúng tôi".


Nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle và cụ Xong trong lần đón bà ra Hà Nội nhân dịp trao tặng bức ảnh Hidden Smile cho Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam. Ảnh:
Lê Huy

Réhahn Croquevielle dành thời gian cho những chuyến khám phá vùng sâu vùng xa của Việt Nam thay vì hướng ống kính vào đề tài đô thị. Lý do rất đơn giản, ở những thành phố đang phát triển tốc hành, hiếm có người sẽ dừng lại cho bạn chụp ảnh, và cảnh quan những đô thị như Hà Nội thì đã quá quen thuộc với du khách quốc tế". Réhahn muốn chọn cho mình một cách tiếp cận mới để khác biệt.

Chân dung cũng là một lối đi riêng của nhiếp ảnh gia này bởi theo anh: "Ảnh phong cảnh thì khó có thể thay đổi, bạn đi đến những nơi giống nhau và chụp lại những góc máy đã cũ. Nhưng ảnh chân dung thì khác, nơi cảm xúc nhân vật được thể hiện và sẽ không bức nào giống bức nào. Không có hai bức ảnh nào chụp cùng một người lại giống nhau cả. Tôi muốn tạo ra sự khác biệt!".

Hiện tại, Réhahn Croquevielle đã chuyển về sống tại Hội An. Anh cũng chia sẻ kế hoạch ra mắt cuốn sách ảnh tiếp theo: "Tôi muốn thực hiện đề tài về văn hóa uống cà phê tại Việt Nam, nơi tác nghiệp sẽ là những quán cà phê nhỏ hay những người bán dạo trên phố".

Sáu tháng sau khi cuốn sách được xuất bản Réhahn Croquevielle mua tặng cụ một chiếc thuyền mới và họ vẫn giữ mối quan hệ như người thân trong nhà. Cụ bà Bùi Thị Xong được báo chí chú ý nhiều hơn nhưng với bản tính chân chất của người con sông nước cụ không màng danh vọng. “Mình nghèo thì có nghèo, mà có hạnh phúc. Lúc đói cũng vui, con thấy không?", lời chia sẻ làm tất cả chúng ta phải ghen tị.

"Bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” đã có một hành trình trải dài hơn 40 quốc gia, từng được giới thiệu trên nhiều chương trình truyền hình, nhiều báo chí quốc tế. Bức ảnh sẽ còn tiếp tục những hành trình mới trong tương lai, nhưng tôi cho rằng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chính là địa chỉ phù hợp nhất để bảo tồn, trưng bày, truyền thông tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh này tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế." bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

aFamily

hội an, nhiếp ảnh gia, bức ảnh, bức ảnh xúc động


      © 2021 FAP
        4,251,638       305