Đời sống

8 tháng 3 và những trận đòn, khi nữ quyền chỉ như cái nhà vệ sinh

“Không tất yếu nào tự dưng người chồng lại phải đánh vợ mình như thế. Thứ hai nếu là người vợ hiền tốt yêu gia đình biết nghĩ cho chồng và cả bản thân sẽ chẳng bao giờ vạch áo cho người xem lưng".

Đó là comment của một cô gái, khi thấy những bức ảnh đăng hình một phụ nữ được coi là bị chồng đánh đập trên một Facebook nổi tiếng.

Khi phụ nữ ăn đòn

Trong cùng ngày, tôi phỏng vấn một em gái trẻ về bộ phim ngắn tên Bình Minh mà em mới làm, trong đó câu chuyện của em khá kì quặc: Một bà vợ đi làm, ông chồng làm nội trợ, đi làm về, bà vợ đánh ông chồng, xé sách con. Cô gái nghĩ ra kịch bản sinh năm 1996, tên là Kim Cương.

Khán giả xem sẽ cảm thấy ra sao? – Tôi ngờ rằng mọi người đều cảm thấy phản cảm. Người ta đã quen với hình ảnh một ông chồng đánh vợ, bạo hành vợ, đến mức khi một người trẻ dựng ngược lại một cảnh, họ bèn cảm thấy khó chịu.

8 tháng 3 và những trận đòn
Người ta quen nói "con ấy thế nào mới bị chồng đánh" chứ không nói "ông ấy phải thế nào mới bị vợ đánh".
Nữ quyền ở Việt Nam được phụ nữ nhắc đến bởi cái biểu tượng giàu có, đi du lịch, ăn mặc đẹp, làm mẹ đơn thân và giàu có, thành đạt. Nhưng ít ai như cô bé Trần Ngọc Kim Cương nhận ra rằng nữ quyền chính là thái độ bên trong chính cả đàn ông lẫn phụ nữ, khi nhìn nhận một chức phận bình thường nào đó trong xã hội.

Khi cô gái bị đánh, những người xung quanh nói: “Con ấy thế nào mới bị chồng đánh chứ!” – Tất cả đều tìm một l‎y do để bao biện cho người đàn ông đã vung tay bạo hành cơ thể phụ nữ. Cả nam giới lẫn nữ giới, dù đã dành thương cảm cho phái nữ bị ăn đòn, nhưng cũng sẵn sàng nhẹ nhàng bỏ qua cho phái nam thực hiện hành vi xâm phạm cơ thể và tấn công người phụ nữ - với một nguyên nhân thậm chí chẳng cần hiện diện “phải thế nào”.

Hãy đặt giả định chúng ta thấy một cảnh ngược lại như bộ phim Bình Minh của cô gái trẻ Trần Thị Kim Cương làm, có ai trong chúng ta nói “Ông ấy phải thế nào mới bị vợ đánh chứ!” – Đa phần phản ứng chung chỉ là chê ông ấy yếu đuối, cười nhạo ông, chứ không truy bức một nguyên nhân đổ tội cho nạn nhân của trận đòn, như cách họ hành xử với phụ nữ.

Trang sức quá lạc quan?

Có vậy mới thấy, nữ quyền của người trẻ, dù nổi lềnh phềnh như trang sức, lại không hề thấu hiểu đến thâm căn cố cùng của cái gọi là “quyền”.

Một báo cáo về lương toàn cầu 2012/2013: Lương và tăng trưởng công bằng, ILO, Geneva, nói phụ nữ Việt Nam có lương trung bình chỉ bằng 75% so với nam giới.

Một nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam của Tổng Cục Thống Kê năm 2010 cho biết, 58% phụ nữ Việt Nam từng có chồng phải chịu bạo lực đánh đập, tình dục hoặc tinh thần.

8 tháng 3 và những trận đòn

8 tháng 3 và những trận đòn
Không ít phụ nữ cam chịu những trận đòn roi vì sợ mất thế diện.

Những con số đó có làm bạn giật mình không, khi nhận ra nữ quyền không hẳn là quyền được tặng hoa nhân ngày 8/3, quyền được đòi hỏi đàn ông phải làm việc nhà như osin, hay quyền được sỉ vả vai trò của đàn ông trong xã hội. Nó không đẹp lãng mạn và kiêu hãnh tột đỉnh như trào lưu tuyên ngôn sỗ sàng loại bỏ vai trò của nam giới. Nó chỉ đơn giản là sự thiết thân mà các cô nàng có thực sự muốn cùng nhau dành cho phái của mình hay không.

Như trong ngày 8/3, một bạn gái của tôi đã viết rằng “Chúng tôi cần toilet sạch”. Bạn đã mất rất nhiều công sức để giải thích trong bài báo về hình ảnh một phụ nữ phải đi vệ sinh trên lề đường thành phố vì cả con đường dài không có nhà vệ sinh công cộng. Bạn cũng mất công để giải thích phụ nữ dễ mắc nhiều bệnh vùng kín nếu phải đi vệ sinh trong môi trường không có nước rửa và giấy lau khô.

Cũng như cô gái viết về toilet sạch và bạn biên kịch tên Kim Cương mà tôi đã phỏng vấn ấy, họ bắt đầu nghĩ về nữ quyền một cách thực tế hơn. Cô bé 20 tuổi muốn người xung quanh suy nghĩ về một định kiến giáng thẳng vào đầu họ: Đàn ông đánh phụ nữ thì xã hội phản ứng vậy, thế còn ngược lại, phản ứng ấy cho thấy điều gì. Bộ phim chỉ thử “làm đau” những suy nghĩ áp đặt và tàn bạo mà phụ nữ phải đón nhận. Ấy vậy mà khán giả đã khó chịu lắm rồi.

8 tháng 3 và những trận đòn, khi nữ quyền chỉ như cái nhà vệ sinh
Cô gái trẻ trung, xinh đẹp "thân tàn ma dại" sau những trận đòn roi của chồng gây sốt mạng trong những ngày qua, ngay trước 8/3

Nhưng đừng nghĩ những bao biện kiểu “Con ấy thế nào mới bị chồng đánh chứ!” là đơn giản. Rất nhiều phụ nữ chấp nhận cuộc đời mình khốn khổ trong đòn roi của chồng chỉ vì sợ “vạch áo cho người xem lưng” và “mất thể diện cho gia đình”. Họ chịu đựng mạo hiểm cả tính mạng của mình trong mái ấm chỉ vì sợ dằn vặt từ xã hội, bị tấn công bởi họ hàng và người xung quanh. Họ, đã quên mất quyền là phụ nữ của mình.

Cũng như cô gái được bạn tôi mô tả phải khốn khổ đi vệ sinh ngay ngoài đường phố, họ đâu có quyền làm phụ nữ.

Vâng, nói đến nữ quyền, sẽ thật đẹp biết bao khi nói về sự xa hoa của cảm hứng bất cần đàn ông, cũng hay ho biết bao khi nói rằng chúng tôi tự chủ, kiêu hãnh, có quyền. Những món trang sức xa hoa và lộng lẫy ấy, nó là trải nghiệm, nó không phải quyền.

Quyền của một phụ nữ nhiều khi đơn giản mà khó đạt được như một gang tay tới trời, hệt như cô gái bị chồng đánh sưng tím mặt mày, nhưng xung quanh nhìn cô và dè bỉu – thay vì cô có thể nắm vào một chỗ dựa nào đó để được cứu thoát.

Con đường của nữ quyền còn dài lắm – dài và xa như cái nhà vệ sinh mà bạn tôi mơ ước cho cô bán vé số vậy – chứ chẳng lấp lánh lắm đâu!

aFamily

phụ nữ, đánh vợ, chồng đánh vợ, bạo lực, bạo lực gia đình


      © 2021 FAP
        4,298,883       174