"Từ ngày tôi mở hệ thống cửa hàng bánh mì, rất nhiều hãng đã mở theo và nó đã gây sức ép ngược lại cho những người bán bánh mì lề đường, họ phải tự nâng cao chất lượng vệ sinh của họ."
Cách đây vài tuần, đường link mọi người chia sẻ nhiều nhất trên Facebook chính là một câu nói mang nặng màu tuyên chiến của MasterChef Minh Nhật: So sánh bánh mì lề đường với bánh mì của tôi là quá khập khiễng. Lẽ dĩ nhiên, khi Minh Nhật mạnh dạn đặt lên bàn cân so sánh mình với một hình thức dịch vụ đã gắn liền với hàng triệu thế hệ người Việt, một đế chế đồ ăn vỉa hè đã trở thành bất khả chiến bại trên mọi mặt trận - người bị lên án sẽ là cô. Minh chứng rõ ràng nhất ở đây, chính là chuyện người ta hoàn toàn quên rằng Minh Nhật chỉ đang so sánh về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình quản lý, chứ hoàn toàn không có ý định so sánh về hương vị giữa bánh mì của mình và bánh mì vỉa hè.
Có lẽ đó cũng là một điều thiệt thòi của Minh Nhật. Bất cứ điều gì Minh Nhật nói, Minh Nhật làm, Minh Nhật nấu, nếu không cẩn thận, chắc chắn ngày hôm sau sẽ trở thành đề tài để người ta đàm tiếu trên mạng xã hội. Dường như, chỉ với Minh Nhật, người ta thích nói về những cái xấu hơn là nhìn vào những điều cô ấy đã và đang làm. Và tôi nghĩ, nếu chỉ tập trung vào chỉ trích, thì dường như rất nhiều người đã và đang bỏ qua những giá trị tốt đẹp, những câu chuyện tuyệt vời về một cô gái trẻ, dám theo đuổi ước mơ của mình, theo đuổi đến cùng và không ngại dấn thân vào những khó khăn mới.
1. "Tôi tự hào vì đã giúp người chú ý hơn đến bánh mì"
Nhìn lại con đường đã qua, Minh Nhật có cảm xúc gì?
Tôi cảm thấy thật sự bất ngờ vì những gì mình đã làm. Sau khi đăng quang, tôi tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ con đường mình sẽ chọn là gì. Tôi rất băn khoăn, không biết mình nên đi học thêm để làm một đầu bếp chuyên nghiệp, làm ở nhà hàng năm sao, hay mở một nhà hàng, một kênh Youtube để dạy về các món ăn, hay mình nên làm về du lịch để quảng bá văn hoá Việt Nam nhỉ? Con đường vất vả, suy nghĩ rất nhiều, tốn rất nhiều thời gian và sau thì quyết định mình sẽ mở một cái gì đấy.
Nhưng mở cái gì mới là khó? Một vấn đề bây giờ mà rất nhiều các nhà hàng ở Việt Nam gặp phải, đó là lúc đầu rất ngon, nhưng về sau lại không được như trước nữa. Tôi không biết làm thế nào để đảm bảo chất lượng đồng đều, đấy là cái đau đầu nhất, hôm nay thế này, 2-3 tháng sau lại không được thế nữa. Vậy nên tôi quyết định sẽ làm chuỗi, sẽ có bếp tổng để phụ hết tất cả những phần đấy và chất lượng ở đâu cũng như nhau.
Sản phẩm bánh mì đến với tôi rất tình cờ, vì nhiều lý do. Thời điểm đấy, bánh mì rất phổ biến ở Việt Nam, mọi người không để ý nhưng ở nước ngoài thì nó trở thành một hiện tượng mới. Đó chính là điều tôi tự hào nhất, đó là tôi đã tạo được một cái trend mới cho thị trường, cho mọi người thấy rằng bánh mì là một sản phẩm rất ngon và mọi người bắt đầu để ý đến bánh mì.
Nhưng chẳng phải trước khi Bánh mì Minh Nhật ra đời, cũng đã bắt đầu xuất hiện những tiệm bánh mì "kiểu mới" này?
Có, nhưng họ chưa hẳn đưa bánh mì lên một tầm mới và chưa có một người dẫn đầu. Từ ngày tôi mở bánh mì, đã có 20 thương hiệu mới được mở ra hàng ngày, rất nhiều chuỗi bánh mì xuất hiện. Đấy là điều tôi tự hào nhất đấy. Thứ 2 đó là tôi đã tạo được giá trị cho người sử dụng, bởi tôi đã mở ra một cái level mới về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả các hãng tiếp theo họ mở, họ phải theo mình, vô hình chung nó làm gây sức ép cho cả những người bán bánh mì lề đường. Ngày xưa, họ chỉ là những cái quầy đặt trên những cống, rãnh chẳng hạn - mọi người phải chấp nhận dịch vụ như thế. Nhưng từ ngày tôi mở, rất nhiều hãng đã mở theo và nó đã gây sức ép ngược lại cho những người bán bánh mì lề đường, họ phải tự nâng cao chất lượng vệ sinh của họ.
Nhưng bản thân các hàng bánh mì lề đường, họ cũng có những khách hàng của riêng mình, những người sẵn sàng ăn những ổ bánh mì ngon lành và có thể bỏ qua những nhược điểm trong an toàn vệ sinh.
Tôi nghĩ, kể cả là họ có phân khúc khách hàng cho riêng mình, nhưng hiện tại thị trường bánh mì mở ra, kể cả chuỗi, họ cũng có rất rất nhiều mức giá khác nhau. có những chuỗi giá chỉ 20k/chiếc, thế nên nó gây sức ép ngược lại cho bán hàng lề đường. Bây giờ bạn đi ra ngoài đường, bạn sẽ thấy những xe bánh mì rất sạch sẽ, mọi người bắt đầu biết là phải đeo găng tay thì mới làm. Tôi không đi so sánh về khẩu vị, tôi so sánh về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ phải làm thế, nếu không họ không cạnh tranh được.
Thật ra là về khẩu vị là thứ rất khó để so sánh, mỗi người có một khẩu vị khác nhau. Như bây giờ tôi hiểu là, xu hướng mới, mọi người quan tâm đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm rất nhiều. Và nếu, tôi không nói về mình, không nói về các chuỗi hiện tại đang mở, tôi nói về những cửa hàng lề đường, thật ra họ đã rất ngon rồi, nhưng nếu trước sức ép của các chuỗi, họ buộc phải thay đổi, chi phí đầu tư không nhiều, họ chỉ cần bỏ 1-2 triệu ra để mua một cái xe mới, làm cho mọi thứ đẹp lên, vô hình chung người sử dụng được lợi. Thị trường là công bằng mà, mỗi người có một khẩu vị khác nhau, mỗi người có một địa điểm ăn yêu thích của chính mình, thế nên tôi thấy đây là một hệ phát triển đôi bên đều có lợi. Tôi không tạo ra một thị trường để giết chết các cửa hàng bán nhỏ lẻ, điều đấy không thể và cũng không nên.
Đi trên con đường này, dường như áp lực đến với Minh Nhật nặng nề hơn thì phải. Sức ảnh hưởng của những áp lực ấy là tiêu cực hay tích cực với Minh Nhật?
Thật ra, nó vừa tích cực, vừa tiêu cực. Tích cực là có nhận diện thương hiệu tốt hơn, mọi người biết đến tôi nhiều hơn và sẵn sàng thử các đồ ăn của tôi. Về tiêu cực mà nói thì người Việt đang không phân biệt được các loại nhà hàng, tính chất các cửa hàng khác nhau thế nào, 1 cửa hàng khác mà 2 cửa hàng khác, hay sau này là 20-30 cửa hàng nó sẽ khác nhau thế nào, quy mô quản lý, quy trình vận hành khác nhau ra sao.
Đến bây giờ tôi vẫn nói, so sánh cửa hàng của tôi với bánh mì lề đường là một sự so sánh quá khập khiễng, 2 cái không cùng hoạt động trên cùng 1 nền hệ thống. 1 cái tôi bỏ ra vô cùng nhiều chi phí để vận hành, với hơn 300 nhân viên, chỉ cần lương, thưởng, chế độ đãi ngộ, rồi chưa kể bảo hiểm nó đã là một cái khác rồi. Rồi còn phần mềm hệ thống, tất cả những cái để mình vận hành hàng ngày đều đỏi hỏi một chi phí rất lớn. Nếu so sánh với lề đường, hôm nay người ta bán, ngày mai người ta nghỉ, họ không cần trách nhiệm, không cần uy tín. Còn khi mình xác định chơi hệ thống chuỗi, là mình phải xác định làm và kiểm soát nó rất chặt.
2. "Khi tôi khó khăn, tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc mạnh mẽ và tự vượt qua"
Tự mình gây dựng cơ ngơi sau MasterChef và cũng không ít lần đương đầu với sự tiêu cực của cư dân mạng, Minh Nhật có nghĩ mình là một người mạnh mẽ không?
Chẳng có đứa con gái nào muốn mạnh mẽ cả, đứa con gái nào cũng muốn yếu đuối dựa vào vòng tay của ai đấy. Tôi không bao giờ nghĩ là mình mạnh mẽ đến thế, cho đến khi mà tôi rơi vào hoàn cảnh đấy, không còn cách nào khác ngoài cách mạnh mẽ và vượt qua thì tôi mới thấy rằng à mình làm được.
Rồi thời gian sẽ chứng minh thôi, cái ngày tôi đăng quang, mọi người cũng đã nói rất nhiều, nói rằng Minh Nhật đăng quang vì Minh Nhật ưa nhìn, Minh Nhật hợp với hình ảnh. Nhưng mà sau 1 năm, mọi người nhìn thẳng vào sự thật là tôi đã từ bỏ và chọn đúng con đường mà tôi đã nói. Từ ngày đầu tiên bước chân vào đấy, tôi nói mình sẽ bỏ là mình đã bỏ.
Minh Nhật làm thế nào để tự xoay sở mọi thứ mọi mình vậy. Điều hành một cửa hàng đã khó, đây còn là cả một chuỗi cửa hàng….
Thật ra tôi cũng không biết nữa, tôi chỉ thấy rất thích, thấy là chính mình khi làm công việc này. Công việc bắt đầu từ rất sớm và kết thúc từ rất muộn, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy sản phẩm của mình hàng ngày, nhìn thấy giá trị mình tạo ra mỗi ngày. Tôi cảm thấy đây là con đường đúng đắn mà mình đã chọn. Nghề nào mà không có vất vả, cái chính là bạn cảm thấy khi bạn thích thì những cái khó khăn bạn có là không đáng. Tôi thì tôi rất thích.
Tôi vẫn chưa hình dung được đầy đủ nhất về những khó khăn mà bạn từng phải đương đầu khi khởi nghiệp.
Khó khăn thì nhiều lắm, nó là hàng ngày. Nhưng tôi nhớ mãi cái ngày tôi thi công cửa hàng thứ 2. Con gái mà, bạn phải đi làm những việc nặng nhọc, tất cả bạn đều phải làm hết, từ công thức, từ vận hành bếp tổng, từ thiết kế, logo, website, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế cửa hàng, cái gì tôi cũng làm mà không có ai làm thay cả. Thậm chí, tôi phải trông thi công, cửa hàng đầu tiên gần 1 tháng, cửa hàng thứ 2 nhanh hơn nhưng tôi cũng phải làm một mình. Bạn phải hiểu là con gái, khi mà nói đến những cái liên quan đến kỹ thuật, gạch vữa thì rất hay bị bắt nạt. Khi đó tôi rất ức, biết mình là con gái làm việc với toàn con trai, người ta ko nghe mình. Tiến độ ko theo đúng ban đầu, họ nói mà họ không làm, mình rất chi tiết về mặt sản phẩm, ốp quầy làm sai, biển bảng làm sai, tất cả đều đổ dồn một lúc.
Lúc đấy nhiều khi nghĩ, con gái mà, đáng ra phải có người giúp mà lại phải làm tất cả mọi thứ. Tại sao lại chọn một con đường khó khăn thế này, chi phí lại còn bị tăng. Mà đấy chỉ là lúc thi công, về sau còn rất nhiều trải nghiệm, về khách hàng, về nhân viên nữa.
Nhưng người ta vẫn sẽ nói, Minh Nhật được thế này là nhờ may mắn.
Nhưng bản thân tôi vẫn thấy mình may mắn. Tôi tìm được đam mê khi còn rất trẻ, tôi có nhiều thời gian để cống hiến cho nó. Thứ 2 là tôi có gia đình, bố mẹ luôn ở bên cạnh và hỗ trợ tôi. Tôi có tiền thưởng từ giải và một ít tiền tiết kiệm để đủ khởi nghiệp mà không cần dựa vào gia đình. Đấy là những cái may mắn. Nhưng nếu bạn có may mắn mà bạn không tận dụng thì nó sẽ không đi đến đâu cả. Khi thành công, người ta chỉ nói: Ôi mày may mắn thế. Không ai nhìn thấy những đêm tôi đi làm đến tận 12h30. 6 tháng nay, ngày nào cũng vậy. Công việc một phần, đôi khi tôi cảm thấy cô đơn. Áp lực quá nhiều, là founder (nhà sáng lập) duy nhất, tôi không có ai để chia sẻ cả. Tài chính một tay tôi làm, chiến lược cũng một tay tôi. Những lúc như vậy là không tránh được, nhưng rồi tôi lại tự vỗ về bản thân mình thôi.
Nhưng sau tất cả thì những khó khăn đấy xứng đáng chứ? Kiểu như, một giây phút nào đó bạn nhìn lại và cảm giác: Chà, mọi lựa chọn và hy sinh của mình là đúng.
Lúc nào tôi cũng có cảm giác đó. Khi tôi đưa một món ăn mọi người đã quên và bây giờ họ nhớ lại, tôi tạo được công ăn việc làm cho sinh viên và nhiều người khác nữa, tôi góp một phần rất nhỏ đưa ẩm thực Việt Nam phát triển, nâng tầm một món ăn mà mọi người nghĩ là không thể nâng tầm được.
Công việc kinh doanh rất bế tắc, khó khăn. Con đường tôi chọn, tôi không thể lường trước được các khó khăn mà mình sẽ gặp phải. Nhưng tôi luôn nghĩ, khó khăn ở đó là để mình vượt qua, bằng cách này hay cách khác. Kiểu gì bạn cũng vượt qua được, chỉ là bạn có muốn vượt qua hay không thôi.
3. "Con gái tham vọng mọi người chỉ sợ không lấy được chồng, bố mẹ tôi bây giờ cũng vậy."
Minh Nhật có nghĩ mình là người tham vọng không? Đa phần người ta sẽ chỉ mơ về một nhà hàng nho nhỏ, một cuộc sống bình yên là đủ rồi…
Tham vọng nghe hơi xấu nhỉ, nhưng tham vọng cũng tốt mà. Nhưng tôi nghĩ mình là người có nhièu mong muốn thì chính xác hơn. Tham vọng nghe hơi tham lam. Điều tôi mong muốn nhất là tôi có thể hoạt động trong ngành F&B (Food&Beverage - ăn uống), xây dựng từ một công ty, sở hữu nhiều dòng sản phẩm khác nhau chứ không chỉ giới hạn trong bánh mì. Năm nay tôi sẽ cho ra mắt một dòng sản phẩm mới, bộ công thức tôi đã hoàn thiện hết rồi, bây giờ tôi chỉ cần chốt mỗi địa điểm nữa là xong. Đây sẽ là 1 sản phẩm mới về nhà hàng và nó sẽ hoàn toàn khác biệt.
Nhưng con gái tham vọng hình như hay bị ghét. Minh Nhật có thấy như vậy không?
Con gái tham vọng nghe hơi tiêu cực chắc vì mọi người chỉ sợ không lấy đc chồng. Bố mẹ tôi bây giờ cũng sợ như thế đấy (cười). Nhưng với tôi thì, không ai được gì trọn vẹn hết, bạn được công việc thì bạn mất những cái khác. Với tôi, bây giờ tôi vẫn tập trung vào công việc nhiều hơn. Công việc mình xây dựng thì chỉ cần bạn cố gắng giữ gìn, lúc nào nó cũng ở với mình. Còn những cái khác thì dù bạn có cố thế nào thì chắc gì nó đã là của bạn.
Minh Nhật trong cửa hàng của mình.
Chắc cũng vì những suy nghĩ đấy mà nhiều cô gái đã tự hạ ước mơ của mình xuống, và chỉ mong mỏi một cuộc sống an nhàn với một người đàn ông làm chỗ dựa….
Trước đây tôi cũng nghĩ như vậy đấy. Đến bây giờ, nhiều khi tôi vẫn nghĩ, tại sao mình lại phải chọn con đường khó khăn thế. Sao tôi không làm một công việc bình thường thôi, lấy một ông chồng yêu thương mình, cuộc sống mình đâu cần nhiều đâu. Nhưng ôti nghĩ là, mỗi người có một sứ mạng khác nhau. Và quan trọng là, bạn có bằng lòng với cuộc sống hiện tại không? Bạn mong muốn bạn là ai? Lúc nào tôi cũng muốn mình phải trở thành một người tốt và tôi có thể sử dụng thế mạnh của mình để tạo ra nhiều giá trị hơn. Tôi không muốn một cuộc sống bình thường nên tôi phải làm.
Hơi rập khuôn nhưng tôi hy vọng, Minh Nhật có thể dành tặng một lời khuyên cho tất cả các cô gái trẻ đang theo đuổi ước mơ của mình ngoài kia.
Bạn phải tin tưởng vào bản thân và con đường bạn đã chọn. Sẽ có rất nhiều con người xung quanh nói bạn phải thế này, bạn phải thế kia, nhưng người biết rõ nhất vẫn chính là bạn. Bạn phải chắc chắn bạn muốn gì, bạn phải lắng nghe mọi người nhưng bạn vẫn phải luôn tin tưởng vào quyết định mà bạn đã chọn. May mắn chỉ là may mắn, trong cuộc sống ai cũng vậy, cơ hội lớn đến 1-2 lần thôi và bạn phải nắm lấy cơ hội đấy ngay khi có thể.
4. Kết
Chúng tôi tạm biệt nhau sau khi đã nói chuyện rất lâu về hàng tá thứ trên trời dưới biển, "off the records". Tôi chợt nhận ra, nếu tôi không gặp Minh Nhật vào ngày hôm nay, có lẽ tôi đã không biết rằng thật ra Minh Nhật cũng… dễ thương và vui vẻ đến vậy. Có lẽ tôi sẽ không tin vào hình ảnh trên TV và ngày mai, sẽ mua thử một chiếc bánh mì của cô về ăn xem sao.
Có lẽ sau bài phỏng vấn này, vẫn sẽ có những người tìm ra những câu nói của Minh Nhật để bàn tán về cô trên mạng xã hội, hợp lý hoá hình ảnh một Minh Nhật kiêu kỳ, tự tin và không ngại phát ngôn gây… mất lòng người khác. Nhưng tôi hy vọng, những người khác sẽ nhìn thấy nhiều hơn ở Minh Nhật, nhìn thấy nhiều hơn hình ảnh một nhà vô địch đang đi tìm chỗ đứng của mình trong làng ẩm thực, là một cô gái trẻ, không ngại dấn thân vào những thử thách, thả mình vào giữa tâm bão, sống hết mình với giấc mơ và sẵn sàng bước chân về con đường tối mịt phía trước, chỉ vì trái tim mách bảo đó là con đường đúng đắn.
Và tôi nghĩ, đó chính là những giá trị rất đẹp mà Minh Nhật đang tạo ra trong cuộc sống này.
minh nhật masterchef, bánh mỳ, thương hiệu