Với giọng văn "tỉnh" và hài huớc, nữ blogger nổi tiếng Khải Đơn vẽ nên chân dung về nữ quyền thời hiện đại là các cô nàng luôn đề cao tinh thần tự chủ, không phụ thuộc vào bất cứ ai nhưng đồng thời chính các cô gái ấy lại cũng há mỏ chờ... soái ca rụng.
Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài viết có màu sắc trào phúng nhưng cũng rất "trúng tim đen" của blogger Khải Đơn!
"22 tuổi. Một đứa con gái miệng rít thuốc ngồi một mình trong quán cafe. Sẽ bị các anh cho là: "Con nhỏ này bá dơ, khác người!". Nhưng các anh có biết đằng sau điếu thuốc là gì không? Là áp lực từ bộn bề cuộc sống, là sự mệt mỏi, là những bế tắc. Tại sao khi các anh buồn, các anh có quyền tìm đến thuốc còn tôi thì không? Có thể với những đứa con gái khác khi buồn thì khóc nhưng tôi không vậy, khóc chỉ làm cho tôi thảm hại. Tôi không tự nhận mình mạnh mẽ, tôi cũng chỉ là con gái, tôi cũng muốn được như bao người, muốn có một bờ vai để tựa khi mệt mỏi, muốn một vòng tay che chở khi yếu đuối. Nhưng tôi không dựa dẫm!" - Đây chỉ là một đoạn trích trong muôn ngàn đoạn văn được coi như kim chỉ nam sống còn của những cô gái trẻ hiện đại với nữ quyền cao vút.
Cách đây vài năm, nữ quyền dấy lên dưới hình thức mẹ đơn thân. Trong khi những bà mẹ đơn thân thực sự chăm chút con cái và bận rộn với nhiều nỗi lo cho con mình, thì có một số bà mẹ lại phóng lớn chức phận làm mẹ thiêng liêng của mình thành... mẹ đơn thân vì chả cần đàn ông.
Đàn ông què quặt. Đàn ông ngoại tình. Đàn ông không xứng đáng làm chồng. Đàn ông ngu dốt mang cho nặng đầu. Đó là lí do được ca tụng – như một biểu hiện của kẻ mạnh – hay là một cách khác để nói về nữ quyền. Nữ quyền được hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là quyền của nữ giới đạp lên mặt giới còn lại.
Phiên bản thứ hai của nữ quyền tên là: Khi đàn ông làm osin. Lúc này, thay vì đạp lên mặt giới kia, những phụ nữ ngợi ca nữ quyền đăng ảnh người đàn ông của mình nhếch nhác ở trần, tay ôm con, tay quét nhà – và nhận được không biết bao nhiêu lời tán dương: chị dạy chồng giỏi quá, chồng chị gì cũng hầu chị chứ lão chồng em. Nói chung trong vai trò làm osin, các đức ông phái mạnh có thể ăn mặc thảm hại dọn nhà cửa, nhìn lếch thếch như mới ngủ dậy và đang... rửa chân cho vợ. Trên các cẩm nang dạy chồng, phụ nữ nói về việc làm sao huấn luyện phái kia, làm việc nhà, nuôi con...
Phiên bản thứ hai của nữ quyền tên là: Khi đàn ông làm osin.
Giờ thì tới Nữ quyền 3.0, có thể gọi là nữ quyền của thời đại soái ca. Soái ca là ai? Đó là một anh chàng đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, kiếm tiền như nước, xài tiền như nước, thể thao văn võ song toàn, lãng mạn chảy nước và quan trọng nhất là... sẵn sàng chết vì một cô gái xấu.
Nữ quyền 3.0 là một cuộc cách tân nặng tính gồng cứng của các em gái trẻ. Các em tin rằng yêu nghĩa là anh ấy sẽ lao tới ôm em từ sau lưng, nói những câu lãng mạn mướt rượt đắm say, sau đó vẫn cặm cụi lau nhà cho gót hồng em trải bước.
Nữ quyền 3.0 là những cô gái tin rằng thế giới không là cái đinh gì, hãy nằm im dưới chân nàng. Đổi lại, nàng – biết mình có nữ quyền – có thể thả mọi thứ xinh đẹp pha lẫn xấu xí, thông minh lẫn ngu ngốc, ảo tưởng lẫn thật tưởng, vào thế giới ấy. Nhưng ở thế giới của Nữ Quyền 3.0, các soái ca sẽ đâm đầu xin chết vì nàng, bất chấp nàng có ngu tới cỡ nào cũng được.
Ở thế giới của Nữ Quyền 3.0, các soái ca sẽ đâm đầu xin chết vì nàng, bất chấp nàng có ngu tới cỡ nào cũng được.
Nữ quyền 3.0 nói về phụ nữ 22 tuổi hút thuốc là: "Có thể với những đứa con gái khác khi buồn thì khóc nhưng tôi không vậy, khóc chỉ làm cho tôi thảm hại. Nhưng các anh có biết đằng sau điếu thuốc là gì không? Là áp lực từ bộn bề cuộc sống, là sự mệt mỏi, là những bế tắc" – vậy nên thay vì thảm hại, cô ấy hút thuốc cơ đấy. Hút thuốc có nhiều ý nghĩa cảm xúc, tình yêu, đấu tranh nội tâm dữ dội vậy sao?
Hỡi những người đã hút thuốc lâu năm, hãy cho tôi hỏi các bạn có cần đấu tranh nội tâm mỗi khi hút thuốc không?
Nữ quyền 3.0 nói rằng: "Mẹ dạy tôi phải biết tự chủ, tức là đừng phụ thuộc vào bất cứ ai, đặc biệt là đàn ông. Chính vì thế khi lớn lên tư tưởng ấy đã ghi vào óc tôi rồi. Tôi tin điều đó là đúng. Tôi không cần đàn ông cho tôi cái gì, ngay cả tiền bạc, đời không có gì là miễn phí. Người con gái biết tự đi mới là đáng trân trọng nhất!" – Vâng, nghe bao nguy hiểm, xong rồi cũng ở thế giới của những nữ quyền kinh dị ấy, các cô gái đồng thời há mỏ chờ soái ca rụng. Soái ca, anh phải biết sơn móng chân. Soái ca, anh hãy đội mưa đến mua xoài cho em. Soái ca, em mệt, hãy đưa em đi uốn tóc. Soái ca, hãy cho em tiền xài. Nhưng soái ca ạ, em vẫn tự chủ cơ đấy!
Xong rồi cũng ở thế giới của những nữ quyền kinh dị ấy, các cô gái đồng thời há mỏ chờ soái ca rụng.
Nữ quyền 3.0 thể hiện sự bức bí và khát thèm thể hiện đến tội nghiệp của phụ nữ trẻ. Khác với thời cha mẹ họ, đã bớt bị đè nặng lên vai cái số phận làm mẹ chăm chỉ và cực nhọc, giờ họ có ước vọng được ai đó thờ phụng, cung kính, được tôn vinh bất kể mà chẳng cần phải có tài nghệ gì đặc sắc.
Họ lấy tính nữ (thể xác, hình dáng, sức vóc) ra làm cái bàn đạp lí do cho những hành vi kỳ quái và đòi hỏi thái quá trước thực tại khó khăn đang vồ lấy họ.
Nữ quyền 3.0 không thích bị đàn ông đánh đập, nhưng lại sẵn sàng chỉ trích một phụ nữ bị ăn đòn là "phải thế nào nó mới đánh chứ".
Nữ quyền 3.0 không sẵn sàng làm việc chăm chỉ, nặng nhọc nhưng sẽ nằm bệt ra đất cào cấu than khóc nếu ai đó dám đụng đến cái nữ nhi của họ.
Những nữ nhi của thời có soái ca, họ ước mơ các soái ca rơi vào tay họ mà chẳng thèm nỗ lực gì, ước có osin hầu hạ mà chẳng cần phải bỏ công gì, chinh phục thế giới mà chẳng cần động tay chân chỉ cần nằm trên giường hút thuốc (dù không hề xinh đẹp).
Họ thật đáng mơ ước, các chế ạ.
soái ca, ngôn tình, phim ngôn tình