Trang Hạ tâm sự với Góc nhìn thẳng rằng, nếu phạt "quý ông tè bậy" thì nên phạt cả Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Những ngày qua, khắp trang mạng xã hội và báo chí đưa hình ảnh về một người đàn ông thản nhiên dừng xe ô tô tiểu bậy giữa đường khiến dư luận sục sôi và cơ quan chức năng phải nhọc công tìm kiếm xử lý. Điều này đặt ra rất nhiều suy nghĩ về hành vi con người trong đời sống đô thị.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo Vietnamnet mời nhà văn Trang Hạ để cùng nhìn nhận thêm về vấn đề này.
Mời xem cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa nhà văn Trang Hạ, chị có nghĩ rằng, nếu như việc người đàn ông đi vệ sinh giữa đường như vừa qua không đượcđăng tải trên mạng xã hội, sau đó là sự vào cuộc của báo chí lên án mạnh mẽ thì liệu cơ quan chức năng của Hà Nội có ra sức, nhọc công để tìm kiếm, xử lý rốt ráo như vừa xảy ra?
Nhà văn Trang Hạ: Bạn ơi, trước đây đã từng có những hình ảnh người đàn ông chạy xe ôm "tè bậy" vào Văn Miếu, hoặc một chị đồng nát dừng xe ở giữa đường, tè ngay giữa đường ở ngã tư đèn xanh, đèn đỏ. Cho nên, Trang Hạ cho rằng, cú sốc của cư dân mạng chỉ là bởi truyền thông ngày nay quá dễ dàng để chia sẻ và bình luận. Facebook và cũng như báo điện tử hỗ trợ cơn tức giận của người sử dụng mà thôi.
Còn ở đây, Trang Hạ chỉ nhìn thấy hai điểm, một là chúng ta có cầu vượt, chúng ta có nhà cao tầng trong bức ảnh, chúng ta có xe ô tô xịn và người đàn ông mặc bộ vest đẹp, chỉ có hành vi là không tương xứng. Điều đó nói lên rằng, xã hội chúng ta còn rất nhiều khoảng trống cần phải bù đắp để văn minh tinh thần hoặc lối sống phù hợp kịp với văn minh vật chất.
Nhưng điều thứ hai ngược hẳn lại, Trang Hạ rất thông cảm với nạn nhân trong bức ảnh đó. Bởi Trang Hạ đã từng đi phượt, mình chạy hơn 100km, chính xác là 103km, mình mới nhìn thấy có một nhà vệ sinh công cộng. Vì thế, nếu như không có nhà vệ sinh công cộng thì anh ấy đi vào đâu? Đó là một dấu hỏi lớn cho đô thị ngày hôm nay.
Nhà báo Phạm Huyền: Phải nói rằng, chị có một thái độ rất thông cảm, ngược với những điều mà cư dân mạng bức xúc. Tuy nhiên, hành vi này vẫn rất phản cảm. Nếu như cơ quan chức năng xử lý hành vi này thì nó sẽ tác động như thế nào đến hành vi trong đời sống xã hội hiện nay, thưa chị?
Nhà văn Trang Hạ: Trang Hạ cho rằng, đây là một case rất thú vị và nó nhắc nhở tất cả những người đang sống ở đô thị. Trang Hạ nghĩ rằng, nên phạt anh ấy một xô nước, bắt anh ấy vác xô nước đến và cọ rửa dải phân cách đã bị làm bẩn, thế thôi.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa nhà văn, như chị cũng đã biết, pháp luật luôn có những chế tài rõ ràng, xử phạt bao nhiêu tiền cho một hành vi xấu, vi phạm một luật lệ nào đó. Trong câu chuyện này CSGT Hà Nội đã tìm ra danh tính. Liệu sau khi xử phạt, thì những hành vi như tè bậy, phản cảm, xấu liệu có giảm bớt trong xã hội chúng ta hay không?
Nhà văn Trang Hạ: Trang Hạ cho rằng, rất nhiều thứ tồi tệ trong xã hội này xuất phát không phải từ người dân mà là từ nhà quản trị xã hội. Vì thế, nếu như phạt người đàn ông đó, hãy làm ơn phạt thêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, khi không hề có, hoặc chưa có một chế tài nào đó, cần phải có nhà vệ sinh cho người dân sử dụng, theo một chuẩn nào đó, cũng giống như có một tỷ lệ nào đó kiến trúc dành cho người khuyết tật sử dụng giao thông công cộng trong thành phố.
Ngoài ra, cũng có một nhóm phải chịu trách nhiệm, đó chính là Bộ Văn hoá. Trang Hạ không rõ là chúng ta đã có một cuộc vận động phong trào xã hội nào để giữ gìn đô thị lành mạnh bằng cách ủng hộ hành vi tốt, loại trừ hành vi xấu hay chỉ là những lời hô hào chung chung để đến khi có một bức ảnh tình cơ lọt ra thì chúng ta mới sửng sốt.
Nhà báo Phạm Huyền: Thật khó là chỉ trích nếu như người đàn ông này say rượu và nhu cầu của anh ta quá bức thiết. Nhưng mà, như chị vừa chia sẻ, chị đã từng phải nhịn nhu cầu đó tới 103km thì mới giải quyết được. Theo chị, làm thế nào để hạn chế thấp nhất những hành vi phản cảm, mở rộng hơn không chỉ là câu chuyện tè bậy mà có thể là hành vi ứng xử văn hoá hàng ngày? Xin chỉ nói thêm?
Nhà văn Trang Hạ: Vâng, xin cải chính một chút. Cái việc mà nhịn vệ sinh và đi tìm nhà vệ sinh rơi vào khoảng chừng 45km thôi. Sau đó, Trang Hạ buộc phải trả tiền cho một nhà hàng bên đường nhưng không phải để dùng dịch vụ của họ, mà là để đi vệ sinh nhờ. Sau đó, mình quyết tâm chú ý, để ý xem trên đường mình đi, có nhà vệ sinh công cộng hơn. Phải hơn 60km sau, mới thấy có nhà vệ sinh công cộng. Nó nằm ở bên Gia Lâm.
Điều đó làm cho Trang Hạ khẳng định rằng, nhiều lúc chúng ta chỉ chú trọng phát triển cơ sở vật chất mà hoàn toàn quên đi nhu cầu thực sự của người dân.
Trang Hạ cho rằng, để hạn chế thực sự tất cả những hành vi phản cảm nơi công cộng, mỗi người chúng ta buộc phải lựa chọn cách ứng xử phù hợp và văn minh nhất, thậm chí là tìm sự hỗ trợ của cộng đồng. Chúng ta luôn ca ngợi nước Pháp phong trào "cửa mở đó", vậy thì, ở Hà Nội, các bạn cũng sẽ được ca ngợi nếu như luôn có phong trào "cửa nhà vệ sinh mở đó". Nếu như có phong trào đó, xã hội này nhân văn hơn rất nhiều.
Đây có thể là một câu đùa nhưng có lẽ nó phản ánh một sự thật trong xã hội này, phải có cộng đồng xúm tay vào chứ không phải chỉ có lên án là đủ.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn nhà văn Trang Hạ về góc nhìn hết sức thú vị của chị.
Ngày 23/2, Facebook Xuân Phạm đăng tải 3 bức ảnh chụp một người đàn ông thản nhiên dừng ô tô (hiệu Honda Civic mang biển số 30A 30695) giữa đường rồi "trút bầu tâm sự" ngay vào dải phân cách, khiến dư luận bức xúc. Trước áp lực của dư luận, CSGT Hà Nội vào cuộc truy tìm và 3 ngày sau đã xác minh, người đàn ông này là Phan Thanh T (SN 1984, trú tại Bạch Mai, Hà Nội). Anh T đã bị phạt 200.000 đồng về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ và phải viết cam kết không tái phạm. Đây có thể là vụ truy lùng "người vi phạm" hi hữu nhất ở Việt Nam về một hành vi được cho là khá phổ biến ở nhiều "quý ông" Việt Nam. |
trang hạ, quý ông, tè bậy, nhà văn trang hạ, đàn ông