Đời sống

Chuyện ở “làng thương vợ” có một không hai tại Việt Nam

Ở một làng quê thuần nông, đời sống bám chặt vào ruộng đồng nhưng mọi công việc đồng áng đều do đàn ông chăm lo. Những người phụ nữ trong làng không bao giờ phải động tay động chân đến công việc ruộng đồng. Đó là làng Công Lương (xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) và được người dân trong vùng gọi với cái tên trìu mến: “Làng thương vợ”.

Phụ nữ làng Công Lương thảnh thơi vì công việc đồng áng nặng nhọc đã có chồng gánh vác. Ảnh: Đ.H
Phụ nữ làng Công Lương thảnh thơi vì công việc đồng áng nặng nhọc đã có chồng gánh vác. Ảnh: Đ.H

“Công Lương – Thương vợ

Làng Công Lương nằm cách TP Huế khoảng 6km về phía biển Thuận An. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về nơi này chính là không gian khá yên bình, chất phác đúng theo kiểu làng quê xưa của vùng Trung Bộ. Điều đặc biệt là dù quan sát khá kỹ nhưng rất hiếm khi chúng tôi bắt gặp bóng dáng những người đàn ông lui tới trong làng. Hỏi ra mới biết giờ này hầu hết đàn ông đã ra đồng làm đất chuẩn bị cho vụ lúa mới.

Bà Hồ Thị Dỏ (66 tuổi) không giấu được vẻ tự hào khi kể về ngôi làng mình: “Đây là làng Công Lương - “làng thương vợ” đấy. Nhiều đời nay, phụ nữ không bao giờ phải làm bất cứ công việc nặng nhọc nào. Sở dĩ các chú ít thấy đàn ông trong làng vì giờ này họ ra đồng cả rồi. Ở địa phương, công việc đồng áng chỉ có đàn ông làm thôi, phụ nữ trong làng chẳng bao giờ phải ra đồng cả”.

Phụ nữ làng Công Lương chẳng bao giờ phải ra đồng làm những công việc chân lấm tay bùn. Lí do không phải vì phụ nữ ở đây lười nhác không muốn ra đồng phụ giúp chồng mà vì đàn ông trong làng rất thương yêu vợ, họ không muốn vợ mình phải làm những công việc đồng áng nặng nhọc. Tất cả mọi công việc ruộng đồng đều do cánh mày râu chăm lo. Phụ nữ trong làng ngoài chuyện sinh con thì chỉ việc ở nhà lo cơm nước, chăn nuôi lợn gà, nuôi dạy con cái và làm những công việc nhẹ. Khi được hỏi về những đấng nam nhi trong làng, hầu hết phụ nữ nơi đây đều có chung nhận xét, đó đều là những người chồng, người cha hết sức mẫu mực. Họ ít khi rượu chè, rất chăm chỉ làm ăn và đặc biệt là... rất thương vợ!

Bà Trương Thị Lạc (72 tuổi) vui vẻ cho biết: “Tôi vốn là người làng Phú Hồ (xã Thủy Vân) nhưng lấy chồng tại làng Công Lương. Trước khi lấy chồng tôi cũng phải làm công việc đồng áng như bao phụ nữ khác cùng quê, nhưng từ khi lấy chồng ở làng Công Lương tôi không còn làm đồng nữa. Ở Công Lương, đàn ông không cho phụ nữ ra đồng và làm việc nặng, bao đời nay đã vậy rồi nên chị em phụ nữ chỉ biết làm theo và coi như đây là cái phúc của mình”.

Không chỉ có những công việc đồng áng, bất kể công việc nặng nhọc nào người đàn ông cũng tranh làm thay vợ. Cứ thế theo thời gian câu nói “Công Lương –Thương vợ” đã trở thành một thương hiệu riêng của ngôi làng nhỏ này.

Phụ nữ làng Công Lương sướng lắm”

Mọi công việc nặng nhọc ngoài đồng đều do cánh đàn ông đảm nhận.
Mọi công việc nặng nhọc ngoài đồng đều do cánh đàn ông đảm nhận.

Men theo con đường mòn xuyên qua làng, chúng tôi cũng đến được với những cánh đồng đang đợi ngày xuống mạ. Nơi đây có tìm đỏ mắt cũng không thấy bóng dáng của những người phụ nữ. Trên cánh đồng rộng lớn trải dài bao la này chỉ có những người đàn ông đang cùng nhau làm việc. Tạm dừng công việc làm đất vất vả, anh Lê Văn Thái (45 tuổi) cho biết: “Phụ nữ ở làng Công Lương sướng lắm, dù là dân nhà nông nhưng không biết làm ruộng gì đâu. Ở đây công việc làm đồng cánh đàn ông chúng tôi lo tất không để phụ nữ động tay vào. Bởi đây là “làng thương vợ” mà, ai lại để cho vợ phải làm những công việc nặng nhọc bao giờ”.

Đứng kế bên, ông Hồ Công Chung (55 tuổi) nói chen vào: “Ở làng chúng tôi, phụ nữ đến mùa chỉ có việc giúp chồng chuẩn bị nông cụ hoặc đưa cơm ra đồng. Nói các anh không tin, có nhiều chị em đưa cơm ra đồng cho chồng còn bị lạc vì không biết đồng nhà mình nằm ở đâu. Cả đời họ không phải bước chân xuống ruộng nên làm sao mà biết ruộng nhà mình dài ngắn, vuông tròn thế nào”.

Chúng tôi hỏi: Công việc đồng ruộng đồng vất vả như vậy, vợ cũng muốn giúp, sao các anh không để họ làm cùng?”. Gạt giọt mồ hôi trên trán, anh Thái xua tay: “Không thể thế được, như vậy là để vợ phải khổ, không thương vợ mình. Đây đã là truyền thống của làng, chúng tôi không muốn phá bỏ, làm thế sẽ bị dân trong làng dị nghị cười chê”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Hữu Chi - Trưởng làng Công Lương chia sẻ: “Ở địa phương, công việc đồng áng đều do người đàn ông đảm nhiệm. Mọi việc nặng nhọc đàn ông đều tranh làm hết, phụ nữ chưa bao giờ phải chịu cảnh chân lấm tay bùn. Đây là nét truyền thống, là “thương hiệu” có cả trăm năm nay rồi, chẳng ai muốn thay đổi cả”.

Khi hết công việc ngoài đồng, đàn ông làng Công Lương còn giúp đỡ vợ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt giũ quần áo… Cứ rảnh tay ra thấy việc là lại làm chứ không hề so bề tính toán bởi họ nghĩ vợ cũng có công việc của mình. Hình ảnh người đàn ông ngồi giặt quần áo cho vợ ở đây không còn là điều xa lạ. Với họ, phụ nữ ngoài mang nặng đẻ đau, họ cũng có cả những lo toan trong cuộc sống.

Bước qua những ngày mùa vụ, đàn ông làng Công Lương lại đổ xô lên TP Huế đi làm thợ nề, đạp xích lô, lái xe ôm để trang trải cuộc sống. Những người phụ nữ trong làng dù không ra đồng nhưng cũng làm thêm nghề châm nón, hoặc chiều chiều lại rong ruổi trên những gánh hàng rong với bánh nậm, bánh bèo, bánh lọc... Đối với nhiều người, lấy được chồng ở làng Công Lương giống như gặp được vận may phúc đức. Họ xem đó như là một đặc ân mà mình có được nên cũng cố gắng chăm lo việc nhà, nuôi dạy con cái sao cho thật tốt để xứng đáng với tình cảm của chồng dành cho mình.

Trong câu chuyện, ông Trương Hữu Chi - Trưởng làng Công Lương không khỏi tự hào về truyền thống thương vợ của ngôi làng mình. Ông Chi nói: “Là vợ chồng, chung sống với nhau nhiều năm cũng không tránh khỏi có lúc cơm không lành, canh không ngọt. Nhưng mọi chuyện chỉ có vậy thôi rồi đâu lại vào đó cả. Ở làng Công Lương có 300 hộ nhưng tất cả đều sống rất hạnh phúc, chưa bao giờ có chuyện chồng đánh vợ và đặc biệt hơn là từ lúc làng thành lập đến nay chưa hề có cặp vợ chồng nào phải ly hôn”.

aFamily

làng thương vợ, thừa thiên huế, đàn ông


      © 2021 FAP
        4,198,215       379