“Chỉ vì phải móc hầu bao để trả cho một bữa ăn với giá “cắt cổ”, 2 vợ chồng mình đã cãi nhau trên suốt chặng đường từ quán ăn về nhà. Vừa dựng chân chống xe, anh đã táng cho mình 1 bạt tai đau điếng” – chị Hà (Hoàng Mai – Hà Nội) tâm sự trong uất ức.
Cay cú nhà hàng, chồng trút giận lên đầu vợ
Vừa lên Hà Nội sau 9 ngày nghỉ đón Tết ở quê, vợ chồng chị Hà, anh Đăng cùng cô con gái nhỏ đã quyết định thay đổi không khí bằng cách đưa nhau đi lễ chùa. Sau buổi lễ chùa đầu năm, vào cuối ngày, 2 anh chị tình cờ gặp mặt vợ chồng cậu bạn cùng cơ quan. Vì thế, anh Đăng đã mời vợ chồng bạn và gia đình mình ăn uống tại một quán ăn trên đường Giải Phóng.
Vào quán ăn này, con gái anh cứ nằng nặc đòi ăn gà, vì thế, để chiều con và cũng là chiều theo ý của 2 người phụ nữ, anh Đăng gọi 1 con gà, 2 đĩa rau cải luộc, 2 đĩa ngô chiên và khoảng 1 chục lon, bao gồm cả bia và nước ngọt.
Theo chị Hà, đây là quán ăn mà đã có lần 2 vợ chồng chị ngồi. Tuy nhiên, thời điểm đó, 1 con gà chỉ có giá 300 nghìn, do đó, chị ước tính, bữa ăn anh Đăng gọi hôm nay chỉ khoảng 600, 700 nghìn là cao. Tuy nhiên, khi thanh toán, anh Đăng tái mặt khi chủ hàng thét giá 1450 nghìn.
Thắc mắc với cửa hàng, chị chỉ nhận được cái cúi mặt sau câu trả lời đầy cộc cằn: "Tết ra, có hàng để bán là may"
“Sau khi phải trả tiền với giá “cắt cổ” anh ấy không nói gì nhưng mình thì bức xúc. Mình có to tiếng với chủ nhà hàng nhưng không có kết quả gì. Thêm vào đó lại nhận được thái độ khá cộc cằn nên mình càng thêm bực bội. Trên đường về, mình liên tục cằn nhằn vì cách làm ăn chặt chém của cửa hàng, rồi lại cằn nhằn với chồng vì biết vậy chả đi ăn hàng… Thế là, 2 vợ chồng cãi nhau.
Đỉnh điểm, không biết có phải vì xót của lại thêm chuyện bị vợ đay nghiến hay không, anh ấy đã xuống tay với mình” – chị Hà tâm sự.
“Thậm chí, đến sáng hôm nay đi làm, 2 vợ chồng vẫn chưa hết giận nhau nên không ai thèm nhìn mặt ai” – chị Hà nói.
Công sở cũng méo mặt vì bị chặt chém
Cùng chung cảnh bị hàng quán “chặt chém” đầu năm, chị Thanh Thảo, nhân viên kinh doanh một công ty vật tư ngành nước ở phố Đống Đa, Hà Nội cũng cho biết, mùng 8 Tết năm nay, chị cùng một số đồng nghiệp trong công ty tổ chức gặp mặt đầu năm, loay hoay mãi cũng chọn được một quán hải sản gần Hồ Đăc Di (Nam Đồng – Đống Đa – Hà Nội). Sau khi hàn huyên với bạn bè, lúc tính tiền, chị ngã ngửa người khi thấy thực đơn ghi 250.000 đồng một nồi lẩu nhỏ, nhưng chủ quán lại tính thành 300.000 đồng.
Thắc mắc với chủ quán, chị này chỉ bảo: “Ngày tết mà, với cả mấy hôm lạnh quá giá rau tăng nên cửa hàng cũng phải tăng giá nếu không sẽ bị lỗ”.
Anh Minh Thành, kế toán công ty về thiết bị giáo dục cũng cho biết, cơ quan anh vừa tổ chức liên hoan đầu xuân cho các nhân viên, khi tính tiền, giá cả mọi mặt hàng đều tăng vọt so với trước tết.
Theo ghi nhận của PV, các nhà hàng đến các quán ăn vỉa hè của Hà Nội dịp này đều tăng giá so với ngày thường. Bình thường một đĩa cải cúc 30.000 đồng nay tăng lên 50.000 đồng, thậm chí có nới 60.000 đồng. Một đĩa tôm to giá khoảng 125.000 đồng, cá chép loại trên 1 kg khoảng 140.000-150.000 đồng,… Dù giá cả leo thang, các quán ăn vẫn rất đông khách.
Chị Lan Hương, quản lý quán ăn Hà Thành trên đường Kim Mã, Hà Nội cho biết, mùng 9 Tết nhà hàng mới mở hàng nhưng ngay trong ngày đầu tiên đã quá tải. "Bình thường quán tiếp nhận khoảng 150 người mỗi ngày, nhưng hôm nay quán phải xếp chỗ cho gần 300 lượt người, gấp đôi so với ngày thường”.
Giải thích về sự tăng giá của món ăn, chị Hương cho biết: “Thời tiết trở lạnh đột ngột khiến giá cả leo thang dẫn đến ra Tết, thịt lợn, thịt bò, thịt gà thậm chí rau xanh, hành tỏi đều tăng giá 15%-20% dẫn đến giá tăng”.
Ngoài ra, chị Hương cũng cho biết, mới ra Tết, mặt hàng tươi sống như thịt, lợn, bò gà đổ về Hà Nội chưa nhiều, nguồn hàng cung cấp bị hạn chế nên giá cả buộc phải tăng.
Theo chị, thông thường phải bước sang đầu tháng 3 hoặc thời tiết ấm, giá cả mới hạ nhiệt.
|
chặt chém, vợ chồng, đánh nhau, đi lễ, lễ chùa