23 giờ đêm 28 tết. Khu vực bùng binh Á Đông, góc Hải Thượng Lãn Ông - Học Lạc (Q.5 TP.HCM) đông nghẹt người đi sắm tết. Trên đường - khác với ngày thường - mặc dù đã khuya xe cộ vẫn còn đông như mắc cửi. Dọc theo lề đường, sát bùng binh xích lô đậu thành hàng dài. . .
Những chuyến xích lô cuối năm
|
3 ông già bên hàng xích lô |
Bên cạnh hàng xích lô 3 ông già đang ngồi bên nhau. Chậm rãi trao nhau từng câu nói, từng ánh mắt trong khi thời khắc giao thoa giữa năm cũ và mới chỉ còn tính bằng giờ.
Chúng tôi đến gần. Câu chuyện được mở ra. Thì ra, cả 3 ông đều là tài xế xích lô. Tất cả đều già, đều ở tuổi cổ lai hi. Vậy mà đã nửa đêm họ vẫn chưa có một nơi chốn nào để ngả lưng.
"Nhiều năm nay chúng tôi không có tết. Từ quê lên thành phố mưu sinh với tuổi già sức yếu không nhà cửa, không gia đình lấy chỗ nào mà ăn tết ?". Một ông than thở với chúng tôi như thế. Ông nói tiếp : "chúng tôi tuy thế nhưng vẫn còn gắng gượng. Chỉ có ông này - ông chỉ người ngồi kế bên - đã 87 tuổi rồi nhưng hàng ngày cứ rong ruổi trên chiếc xích lô. Sức khỏe đã yếu. Chân không còn vững. Thế mà ông vẫn phải lê lết để nuôi thân. . . Thú thật với anh chúng tôi đang muốn tìm một chỗ yên tĩnh để dỗ giấc ngủ nhưng đêm nay là đêm cuối nơi nào cũng bán sáng đêm ồn ào lắm làm sao ngủ được ?
Ông Nguyễn Văn Tám, 87 tuổi vẫn kiếm sống bằng nghề xích lô |
Ông già nhất quay lưng. Dường như ông cố giấu một điều gì khó nói. Chúng tôi đến bên ông được biết ông là Nguyễn Văn Tám ông sinh năm 1929 quê ở Bạc Liêu. Không vợ con, từ quê nhà ông lên vùng đất này sinh sống bằng nghề xích lô đã hàng chục năm nay. Sinh hoạt của ông rất đơn giản. Ngủ trên xe dù mưa hay nắng. giặt giũ nhờ vào một nhà vệ sinh gần đó. Ăn uống thì cũng qua loa cho qua bữa . . . Những năm còn khỏe ông còn kiếm ra tiền. Gần đây, chân ông thường bị phù không còn đạp nổi. Khách hàng thường xuyên của ông ái ngại không dám đi xe ông. Cả một ngày 28 tết không có cuốc xe nào.
|
Mệt quá ngủ quên trên xe |
Cả 3 ông nhìn về 3 hướng. Cả 3 hướng đều như vô định. Biết làm sao giúp cho những người khốn cùng này có được cái tết ấm cúng?.
Rời khỏi chỗ 3 ông, chúng tôi thẳng đến đường Tháp Mười. Cách chợ Bình Tây không xa, trên lề đường một chiếc xích lô đang dừng. Trên xe, một người đàn ông nằm co quắp chìm vào giấc ngủ. Chị công nhân vệ sinh đứng gần đó cho biết, ông ấy đã 65 tuổi rồi. Quê ở Quảng Ngãi, ông vào đây đạp xích lô đã hơn 10 năm. Cả ngày hôm nay ông chở khách nhiều quá nên mệt mỏi đã ngủ quên trên xe. . .
Mẹ con, cha con cùng nhặt rác
Bùng binh trước chợ Kim Biên khá nhộn nhịp. Hàng chục người già có trẻ có, nam có nữ có đang căm cụi phân loại từng mảnh phế liệu. Ở phía trước, có khoảng 5 người trên tay mỗi người là tô hủ tíu. Họ ăn rất vội và cố gắng húp đến giọt nước cuối cùng trong tô.
|
Bữa ăn khuya |
|
Ngổn ngang phế liệu |
"Càng khuya càng đói anh ạ. Năm nào cũng vậy, cứ đến tết là cơ hội làm ăn nên phải ráng thôi". Anh Nguyễn Văn Út, 40 tuổi quê ở tận Bình Long (Bình Phước) vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Anh cho biết, anh có nhà ở quê nhưng không làm ăn gì được. Nghề duy nhất ở đây là cạo mủ và mót mủ cao su nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Nhất là dịp tết cao su thay lá không ai thu hoạch mủ trong lúc này nên 3 cha con phải dắt díu đùm túm về đây nhặt phế liệu kiếm sống."
Chung quanh anh Út là những bao phế liệu thật to chồng lên nhau. Anh cho biết, phải ngủ tại chỗ để giữ cho đến ngoài tết mới bán được. Như vậy, có nghĩa là ba cha con anh và những người cùng cảnh ngộ phải nằm lại đây trong suốt tết.
Mẹ bên này con bên kia, hai mẹ con cùng nhặt phế liệu |
Chúng tôi hỏi anh, không ăn tết anh có buồn không ? Anh thật thà: "tết chỉ vài ngày là hết. Nếu không tranh thủ mấy ngày tết để kiếm ăn có thể cả năm bị đói. Buồn thì cũng có buồn nhưng cuộc sống vẫn là trên hết phải lo toan mới nuôi nổi bầy con".
Những người như anh Út mưu sinh trong những ngày tết - những ngày mọi người vui chơi - không phải ít. Chúng tôi đi trên đường Hậu Giang P. 11 Q. 6), hai bên đường nhiều đống rác đang chờ xe đến thu gom đang được nhiều người chiếu cố. Mặc dù trời đã khuya, gió lạnh đã thổi qua nhưng họ vẫn lầm lũi bới móc. Khi chiếc bao này đã đầy thì bao khác được lấy ra.Và cứ thế những mảnh đời, những thân phận không may vẫn phải cố tìm sự sống trong những ngày tết.
Giấc ngủ bên cạnh thùng rác |
Chúng tôi gặp chị ở đầu đường Hậu Giang khi chị đang cho những thứ vừa nhặt được vào bao. Hai chiếc bao to máng trên xe đạp chỉ mới lưng bao. Chị tên Hạnh, 52 tuổi. Chị làm nghề này từ lúc còn trẻ và cứ thể nuôi bầy con khôn lớn và người chồng bệnh tật. Đang trò chuyện, một thanh niên cũng đang nhặt phế liệu bên kia đường bước qua. "Cái thùng này kềnh càng lắm má để con chở cho". Thì ra con chị. Chị cho biết, cháu đang học năm cuối đại học đó. Nghỉ tết nó về phụ với mẹ để kiếm thêm miếng ăn cho gia đình.
Những thân phận không may không ai nghĩ đến tết. Ước mong nhỏ nhoi của họ là mong được đủ sống để vượt qua những ngày gian khó...
Đã quá khuya những đứa trẻ và người già vẫn còn thao thức |
Đôi giày mở hàng
Đúng 0g. Những phút đầu tiên của ngày 29 tết đang bước qua. Chúng tôi đảo một vòng quanh bệnh viện An Bình. Người ngoài đường vẫn đông. Anh sáng vàng vọt của những ngọn đèn đường đang soi thẳng vào công viên An Bình. Trên nền xi măng, nhiều người đang nằm ngủ. Cạnh đó là những chiếc thùng rác của XN dịch vụ công ích. Mùi rác bay ra và hơi thở của họ đều đặn . . .
Một anh dân phòng của phường 7 Q. 5 cho biết, họ là những người vô gia cư. Ban ngay họ đi khắp nơi, làm đủ nghề để sống. Đêm về họ tụ tập nơi đây thành nhóm ngủ quây quần bên nhau. Nhiều lần chính quyền tìm cách thu gom họ nhưng cứ thấy bóng dáng cơ quan chức năng là họ tìm cách tản đi. Xong rồi đâu lại vào đó. Ngày thường đã vậy thì ngày tết họ cũng thế thôi. Không một mái nhà . . .
Trên đường về, đã bắt đầu ngày mới - ngày 29 tết - thành phố vẫn nhộn nhịp. Đi trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10) nhìn vào một quán ăn sang trọng. Khách dập dìu. Bên ngoài, ở một góc tối một người đàn ông đang cặm cụi đánh bóng đôi giày. . .
Đánh giày |
Anh say sưa làm việc. Phủi bụi, thoa xi, anh dùng bàn chải vuốt nhẹ chiếc giày. Anh làm từ từ chậm rải nhưng cũng không lâu lắm. Chỉ 7 phút sau đôi giày đã bóng loàng.
Anh đem đôi giày vào tận bên trong quán ăn giao cho khách. Anh là Nguyễn Đức Dũng 40 tuổi quê ở Thanh Chương (Nghệ An). Anh có gia đình vợ con ở quê. Gia cảnh khốn khó, nhiều năm trước anh vào thành phố làm nghề đánh giày. Mỗi ngày kiếm được vài trăm trừ ăn tiêu, tiền dư anh gởi về quê nuôi vợ con.
Tết anh không về thăm nhà sao. Không anh ạ, tiền xe quá đắt, tiền chi tiêu, tiền quà cáp v.v. . . không chịu nổi anh ạ. Trong khi đó, ngày tết làm ăn được hơn ngày thường thì sao không ở lại mà làm . . .
Cũng miếng cơm manh áo. Ý nghĩ của anh đánh giày cũng như bao hoàn cảnh nghiệt ngã khác, cố gắng tim miếng cơm trong những ngày mọi người vui chơi. Biết đến bao giờ những mảnh đời vơi bớt nỗi bất hạnh để mọi người ai cũng có cái tết yên vui đầm ấm?
cuối năm, mua sắm tết, chi tiêu