"Nghe ra có vẻ khó tin, nhưng tôi thực sự chỉ có cái Tết nhàn tênh từ khi lấy chồng, ăn Tết ở quê chồng. Còn những cái Tết ở nhà mẹ đẻ thì ôi thôi nghĩ đến vẫn còn kinh hãi."
Từ cái Tết nghĩ đến đã thấy mệt
Nhà mẹ đẻ tôi ở Miền Bắc. Tết là dịp quan trọng nhất trong năm. Vì vậy nhà tôi có truyền thống chăm chút cho cái Tết thật chu đáo. Trong kí ức tuổi thơ của tôi, từ giữa tháng chạp mẹ tôi đã cất giữ những món ngon nhất để giành cho Tết: gà trống béo dành cúng giao thừa, nếp thơm dành gói bánh, quả bưởi to ngọt để dành đơm ông bà… Rồi từ ngày 23 tháng chạp trở đi, mẹ tôi quay cuồng bất bật bao nhiêu là lượt cúng: Ông công, ông táo, cúng tất niên, cúng tân niên, cúng bên nội, bên ngoại, rồi mâm cỗ cúng họ chính, họ nhánh…
Bấy nhiêu cái cỗ khiến mẹ tôi tính toán bạc cả đầu. Nỗi bận tâm lớn nhất của mẹ tôi là mâm cỗ cúng khi mang đến nhà bác cả, cậu cả không bị ai phải xoi mói, chê món này, trách món nọ. Vì vậy, mỗi cái Tết với bà đều là một cuộc gắng sức.
Thế là mấy chị em tôi đều bị lùa vào bếp quần quật từ 30 tết đến hết mùng 3. Rồi chị dâu tôi về, cũng chịu cảnh chung của đám đàn bà, mang nỗi lo ngay ngáy cái Tết. Có năm, tôi ấn tượng mãi cái cảnh chị ngồi làm bốn con cá to, ba con gà tỉ mẩn cả buổi, khi đứng lên xây xẩm mặt mày suýt té.
Ấy vậy nhưng cái Tết phải lo vẫn chưa xong, tôi cùng chị dâu ngày hôm sau lại chiên, xào, nấu, nướng đến tận trưa mới xong. Nghỉ ngơi một chút lại lao ra dọn dẹp, rửa bát đĩa xoong nồi. Đó là chưa kể mỗi lần có khách, không cần biết có đúng bữa hay không, cứ bánh chưng, thịt lợn, nem rán, dưa hành, gà luộc… mà bày biện lên đãi khách. Rồi chưa kể có những ông khách uống rượu xỉn quậy tưng bừng, chén bát thức ăn cứ gọi là rơi vãi khắp nơi. Đám đàn bà lại nai lưng ra dọn dẹp.
Đến cái Tết vui vẻ, nhàn tênh
Rồi tôi cũng đến lúc lấy chồng. Tôi theo chồng vào làm dâu tận một tỉnh miền Nam. Ngày cưới, chị dâu ôm tôi khóc “cô lấy chồng rồi mỗi dịp Tết không biết ai làm cỗ cùng chị. Rồi cô về đó, cũng là dâu út lại quần quật khổ thân”. Hai chị em cứ vậy sụt sùi thương nhau.
Tôi về nhà chồng dịp gần Tết nhưng vẫn rất tự tin vì mình đã được “tôi luyện” khả năng chịu đựng để lo Tết bao nhiêu năm nay ở nhà mẹ đẻ. Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn làm tôi ngạc nhiên.
Nghe thì ngược đời nhưng từ ngày đi làm dâu, tôi chẳng còn áp lực "sợ Tết" như những ngày còn "son rỗi"
Cả gia đình chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán với tinh thần thoải mái, coi đó như một dịp đoàn tụ chứ không nặng "thủ tục", "lễ lạc"
Ngày 30, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa sạch tinh, bà lại ngoắc tôi đi cùng và nói: “Đấy, xong việc nhà, giờ hai má con mình đi làm đẹp”. Tôi lại được thể tròn mắt ngạc nhiên. Hai má con tới tiệm làm đầu, làm móng thì đã chật kín các chị các mẹ trong làng. Họ vừa ngồi làm đầu, vẽ móng vừa nói chuyện rôm rả.
Trong câu chuyện của họ không có bóng dáng của mâm cỗ, của lo toan cúng kính, của sự lo lắng quà cáp…, họ chỉ bàn về làm sao để tóc khỏi khô, móng khỏi gãy… Má tôi quấn lại mái tóc xoăn, tôi vẽ bộ móng cho mới mẻ. Hai má con làm đẹp đến nửa buổi chiều mới về. Tâm trạng phơi phới nên chúng tôi vui vẻ nói chuyện cùng nhau suốt cả ngày.
Đêm giao thừa, má tôi bày biện mâm ngũ quả, thắp nhang cúng ông bà, rồi cả nhà quây quần bên nhau uống chai vang cùng với mấy món đồ ăn nhẹ được lấy từ tủ lạnh ra cho vào lò vi sóng nướng mấy phút là có. Chẳng ai ăn nhiều, không khí vui vẻ, đầm ấm mới quan trọng. Dù không mâm cao cỗ đầy, món nọ, món kia nhưng cả nhà ai cũng hân hoan chờ màn bắn pháo bông trực tiếp qua ti vi.
Sáng mồng một, tôi cùng má làm mâm cơm chay thanh tịnh gồm canh đậu hũ nấu cải, nấm kho, rau xào, khoai tây chiên, mấy cái bánh tráng nướng. Chưa mất đến tiếng đồng hồ mâm cỗ cúng ông bà đã xong. Chiều mồng một, má tôi gom tiền với hàng xóm thuê nguyên ban nhạc sống về ca hát với nhau. Chỉ cần ít bánh kẹo, mọi người ngồi ca cho nhau nghe đến tận đêm. Ngày mồng hai, cả nhà tôi kéo nhau ra biển đi chơi, xào nấu thêm mấy món ăn là cả đại gia đình có bữa pic nic vui vẻ bên bãi biển. Qua mồng ba, kéo nhau đi thăm nhà anh em họ hàng, chúc Tết nhau. Vậy là xong Tết.
Khách khứa đến đúng bữa gia chủ mới mời cơm. Bữa cơm cũng giản dị, thân tình như ngày thường, làm mấy món nóng, cắt đĩa bánh tét, đĩa thịt muối với ít rau sống ăn kèm bánh tráng là xong. Ai cũng ăn ngon miệng, thiệt tình, chẳng có đồ ăn thừa thãi, ngán ngẩm. Không khí vì vậy cũng vui vẻ, nhẹ nhàng.
Tục lì xì ở vùng quê này vẫn giữ được nét trong sáng và đúng nghĩa là "mừng tuổi"
Tôi sướng nhất là khoản lì xì, ở quê chồng tôi vẫn còn giữ được cái lệ rất trong sáng là không bao giờ có sự so đo tiền lì xì ít hay nhiều. Trẻ con nhận chỉ năm ngàn mới tinh trong cái bao đỏ au cũng đã rất hớn hở. Người lớn, tôi chưa bao giờ nghe họ có sự so sánh gì về giá trị của những bao lì xì. Vì vậy, mọi người chẳng bao giờ phải thở dài “Tết tốn kém quá” hay tính tính toán toán chuẩn bị bao nhiêu cho đủ mừng tuổi đàn con cháu ở quê.
Cái Tết vì vậy đối với dâu mới như tôi nhàn tênh, vui vẻ. Tôi gọi điện khoe chị dâu, chị tôi thở dài “Biết bao giờ nhà mình được như thế?”. Tôi thương chị và thương mẹ mình. Năm nay tôi đưa chồng con về quê ngoại ăn Tết và quyết sẽ làm một cuộc cách tân cho cái Tết ở nhà mẹ đẻ tôi sao cho nhẹ nhàng, vui vẻ như nhà mẹ chồng. Nhưng không biết có được không nữa. Lệ mỗi nơi mỗi khác mà.
mẹ chồng, ăn tết, chị dâu, lấy chồng, ông công ông táo