Đời sống

Không phải chăn ấm, đây mới là điều người vô gia cư cần được tặng trong đêm đông giá

Trong những ngày rét kỷ lục này, những đoàn từ thiện tự phát ồ ạt kêu gọi chăn ấm, quần áo rét để tặng cho người vô gia cư, nhưng đó có thực sự là những gì họ cần?

"Người vô gia cư ở Hà Nội không cần nhiều chăn và quần áo như bạn nghĩ" 
Trongnhững ngày miền Bắc đang hứng chịu những đợt rét đậm, nhiệt độ xuống thấp chưa từng thấy trong vòng 30 năm qua, nhiều cá nhân và các nhóm từ thiện đã kêu gọi hỗ trợ cho người vô gia cư ở Hà Nội những chiếc chăn ấm, quần áo dày để có thể chống chọi qua những ngày thời tiết khắc nghiệt. Đó là một hành động đẹp, thể hiện tinh thần nhân văn, san sẻ hạnh phúc với những mảnh đời khó khăn.

Tuy nhiên, mới đây, một chia sẻ thấm thía của trưởng nhóm thiện nguyện Ếch tại Hà Nội đã đề cập về những vấn đề đằng sau phong trào từ thiện ồ ạt của những bạn trẻ với người vô gia cư. Trong đó, trưởng nhóm tình nguyện này đề cập đến 2 vấn đề: thứ nhất: người vô gia cư ở Hà Nội không bị thiếu chăn như mọi người nghĩ, bởi họ và những nhóm tình nguyện chuyên nghiệp đã tặng đủ; thứ hai: việc tặng chăn, quần áo ồ ạt có thể khiến một số đối tượng xấu nổi lòng tham,"đội lốt" người vô gia cư để lợi dụng lòng thương của mọi người.
người vô gia cư
Quan điểm gây sốc của trưởng nhóm từ thiện Ếch, cho rằng người vô gia cư Hà Nội không cần chăn nữa.
Trao đổi về vấn đề gây tranh cãi này, chị Nguyễn Hoàng Thảo, đại diện nhóm Ấm – một tổ chức thiện nguyện có uy tín, chuyên tổ chức các hoạt động trợ giúp người vô gia cư và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội - tâm sự: "Bọn mình rất sợ các đợt lạnh như thế này, vì biết, kiểu gì cũng có “làn sóng” làm từ thiện, nhưng nói thật, nhiều người làm từ thiện không có trách nhiệm và thiếu hiểu biết, thành ra lợi bất cập hại. 
Không quan tâm đến những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra, đó là suy nghĩ chung của nhiều bạn tổ chức phong trào tự phát kiểu này. Mình hiểu là ai cũng có ý tốt cả, nhưng mọi người không lường trước được các nguy cơ có thể xảy đến với người vô gia cư. Nếu mọi người có muốn tổ chức từ thiện, hãy dành thời gian tìm hiểu về hoàn cảnh của họ, cái họ thực sự cần và xác minh họ có có đúng là người vô gia cư không đã".
người vô gia cư
Người vô gia cư ở Hà Nội có cần chăn, nhưng không nhiều đến mức ngày nào cũng cần được phát. (Ảnh: FB Nguyễn Quốc Phương)

Đề cập đến chuyện mà trưởng nhóm tình nguyện Ếch nói đến, chị Thảo bày tỏ, đó hoàn toàn là chuyện có thể xảy ra. Chị thông tin, nhóm Ấm có liên kết với một vài nhóm khác để chia sẻ và xác minh thông tin về người vô gia cư trong địa bàn Hà Nội, nên khi xuất hiện người mới, họ bao giờ cũng xác minh trước, rồi sau đó mới quyết định có trợ giúp họ hay không, tránh trường hợp đồ ủng hộ của mọi người rơi vào tay nhầm người.

người vô gia cư
Chăn là món quà đầu tiên chúng ta nghĩ đến để tặng cho người nghèo, nhưng họ có chỉ cần chăn không? (Ảnh: Fanpage của nhóm Ấm)

"Nhưng nếu tình trạng từ thiện ồ ạt, không tìm hiểu như bây giờ tiếp diễn, sẽ có nhiều thành phần bất hảo ngày đêm cũng sẽ ra đường nằm, chờ mọi người mang đồ và quà đến rồi xin tiền họ, bịa ra những lý do để mọi người thương cảm.
 Người vô gia cư thật, họ phải đi làm khổ cực hằng ngày và sẽ bị ảnh hưởng từ chính những kẻ cơ hội như vậy, mà chính những người đi làm từ thiện lại vô tình tiếp tay cho những kẻ ác. Đã có những trường hợp chính chúng tôi gặp phải, đó là những người nghiện đứng rình chỗ người vô gia cư nằm, sau đó cướp hết những đồ mà mọi người cho họ đêm hôm trước, có cả những người bị thương vì bị hành hung. Những chuyện như vậy, ai chịu trách nhiệm?" - chị bày tỏ lo ngại.

người vô gia cư
Người làm từ thiện có lẽ nên hỏi người vô gia cư xem họ thực sự cần gì, trước khi tặng quà họ. (Ảnh: Fangpage của nhóm Ấm)

Mặt khác, chị cũng tiết lộ, người vô gia cư ở Hà Nội thực sự không cần chăn hay quần áo cũ như mọi người tưởng, vì: "Thực tế là sau một quá trình hỗ trợ lâu dài cho người vô gia cư, bên mình có nhận thấy thực tế nhu cầu về áo quần của họ không nhiều vì tính chất cuộc sống nay đây mai đó, lại không có nhà cửa, quần áo họ chỉ cần 2 - 3 bộ để mặc, chăn 1 - 2 cái ấm là đủ, không cần nhiều đến mức ngày nào các bạn cũng phải đem phát đâu!".

Người vô gia cư thật sự cần gì?
Chị Nguyễn Hoàng Thảo, bằng kinh nghiệm nhiều năm gắn bó và hỗ trợ người vô gia cư ở Hà Nội, cho rằng người vô gia cư thực sự cần những thứ khác, chứ không chỉ quần áo và chăn ấm như chúng ta tưởng.
"Mỗi người đều có mức độ quan tâm và thấu hiểu khác nhau với những hiện tượng trong cuộc sống. Trời lạnh, với người bán quần áo là cơ hội kiếm tiền, với trẻ con là cơ hội được nghỉ học đi chơi, với người già là nguy cơ đau ốm, còn với người vô gia cư, đó là thời điểm khó khăn của họ. 
Nhưng rất mong các bạn trước khi rủ nhau đi phát quà hãy dành thời gian tìm hiểu, suy nghĩ kỹ, nếu được thì hỏi người ta trước rồi mới tặng quà, chứ chỉ nghĩ đơn giản, mình cho rằng cái gì họ cần thì đem cho, còn người ta có dùng hay không thì không cần biết thì ích kỉ quá.

người vô gia cư
Người vô gia cư cần quần áo, nhưng chỉ cần vài bộ thôi. (Ảnh: Fanpage nhóm Ấm)

Có rất nhiều người vô gia cư phàn nàn với Ấm là họ nhận những đồ mà họ không thể dùng được, ví dụ như một bà cụ trên 80 tuổi nhận được mấy gói mỳ tôm sống hay quần áo lót đã dùng rồi... Sáng hôm sau họ lại phải mang những thứ đó đi vứt, rất phiền hà. Riêng đêm 25/1, tôi được biết, chỉ riêng khi vực Tràng Thi có 15 nhóm đi đưa quà. Người ta vừa đặt mình xuống ngủ một chút lại bị dựng dậy, và quà vẫn chỉ là quần áo và thức ăn, khổ lắm!".

người vô gia cư
Họ cần được trợ giúp việc làm, tinh thần và y tế, nhưng chúng ta ít nghĩ đến điều đó. (Ảnh: FB Nguyễn Quốc Phương)

Chị Thảo nhấn mạnh, những người không nhà cửa, ngủ vỉa hè ở Hà Nội có những nhu cầu thiết thực khác như được chia sẻ nói chuyện hay trợ giúp về mặt y tế, nhưng lại ít được mọi người nghĩ tới. 
Chị cho rằng, mục tiêu cuối cùng của các hoạt động thiện nguyện có lẽ không phải là cho người ta quần áo, chăn màn hay thức ăn một đêm, mà là tìm cách để giúp những người vô gia cư còn khả năng lao động tìm được công ăn việc làm ổn định, những cụ cao tuổi có mái nhà để nghỉ ngơi lúc tuổi già và các em nhỏ có điều kiện để trưởng thành và học tập. Để làm được điều này là cả một quá trình dài và cần sự quan tâm của cả xã hội, chứ không chỉ là việc cho quà theo phong trào.

"Để có phương án an toàn và cũng là nhân văn nhất, mình nghĩ các bạn trước khi đi đưa quà nên dành thời gian tìm hiểu xem họ cần gì đã, họ có đúng là người vô gia cư không, nếu đúng thì họ có nhu cầu đặc biệt gì không và tặng họ thì hay hơn nhiều. Ví dụ như chúng tôi, khi đi tặng quà luôn mang theo một túi thuốc để hỗ trợ những người vô gia cư nếu họ bị thương hay đau ốm đột xuất.

người vô gia cư
Khi tặng quà cho người kém may mắn hơn chúng ta, nên ngồi xuống và thực sự trò chuyện với họ. (Ảnh: Fanpage nhóm Ấm)

Khi trò chuyện với họ, các bạn cũng không nên đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như hỏi họ: “Tại sao cô chú lại phải nằm ở đây?”. Họ cũng nhạy cảm, dễ bị tổn thương lắm. Khi gặp họ, chúng ta cũng nên ngồi xuống nói chuyện với họ chứ không nên đứng rồi cúi xuống nói chuyện. 
Họ cũng như chúng ta, cũng cần được tôn trọng. Cái họ cần nhiều hơn vật chất, thực ra là sự chia sẻ, quan tâm thật lòng. Nếu muốn chụp ảnh, đừng để chế độ flash hay không xin phép họ trước, dễ làm họ chạnh lòng. Nếu các bạn đi xe máy đến, hãy để xe ở phía ngoài rồi 1 – 2 người vào đưa quà cho họ, không chĩa đèn pha vào họ hay gây tiếng động ầm ĩ, vì họ đã quá vất vả với một ngày dài mưu sinh, chỉ còn ban đêm để nghỉ ngơi.

Có một mẹo nhỏ mình cũng muốn chia sẻ cho các bạn đi làm từ thiện, đó là không nên hỗ trợ tiền. Cùng với món quà (mà bạn biết chắc họ cần), hãy nấu theo ít súp hoặc cháo nóng, chia thành các hộp để tặng cho họ. Hơi mất công chuẩn bị một chút, nhưng sẽ phân biệt được thật giả ngay. 
Trong khi tặng đồ, các bạn có thể ngồi nói chuyện với họ trong khi họ ăn súp hoặc cháo, nếu họ chưa ngủ. Các thành phần bất hảo chỉ nhắm đến tiền hoặc đồ đạc thôi, chứ cháo súp họ không khoái đâu" - trưởng nhóm Ấm bật mí.

người vô gia cư
Các tình nguyện viên của nhóm Ấm tự tay gói và nấu bánh chưng...

người vô gia cư
... số bánh này được tặng cho những người vô gia cư ở Hà Nội trong những ngày cận Tết.
aFamily

từ thiện, người vô gia cư, quyên góp, rét kỉ lục, mùa đông hà nội, rét đậm, rét mướt


      © 2021 FAP
        3,904,141       147