Đời sống

Những người hùng giản dị này khiến bạn tin rằng đời vẫn còn rất nhiều Thạch Sanh

Họ là những người hùng đã xả thân, bất chấp gian nan thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng để đưa người khác thoát khỏi bàn tay tử thần trong gang tấc.

Khi còn nhỏ, định nghĩa về một người anh hùng trong chúng ta sẽ là một người có thân hình lực lưỡng, có sức mạnh siêu phàm, năng lực siêu nhiên, và sẵn sàng chiến đấu với kẻ ác. Khi lớn lên, bạn sẽ gặp những người anh hùng khác, người mà đôi khi chỉ là một thợ đào giếng hàng ngày vẫn âm thầm làm việc để nuôi vợ con, một chiến sỹ PCCC trẻ tuổi, hoặc những y bác sĩ âm thầm bên giường bệnh của hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày.

Họ không chiến đấu với kẻ ác bằng sức mạnh siêu nhiên, họ chiến đấu với tử thần để giành lại sự sống cho những người khác, bằng trái tim và sự hy sinh quên mình. Vì vậy, chúng tôi gọi họ là người hùng, những người hùng thực sự giữa đời thường.

"Người hùng của tôi đây" - Chuyện về người thợ đào giếng xuyên đêm để cứu bé gái 7 tuổi

Chắc hẳn, khi nhìn lại bức ảnh dưới đây, bạn sẽ thấy thật thân thương, quen thuộc. Bức hình ghi lại khoảnh khắc một người đàn ông mình toàn bùn đất, nhễ nhại mồ hôi, dáng vẻ đầy mệt mỏi đang ngồi ngay trên một đống bùn nhớp nháp đất đỏ, trên tay cầm một chai nước suối. Đôi mắt anh nhắm nghiền nhưng miệng không ngừng uống nước, ra chiều có vẻ như rất khát.

Vâng, người đàn ông trong bức ảnh ấy chính là một trong số những "Thạch Sanh" đã cứu sống bé gái 7 tuổi mắc kẹt dưới giếng hồi tháng 8/2015. Ngay khi được chia sẻ trên mạng xã hội, câu chuyện ấy đã làm lay động không biết bao nhiêu trái tim. Họ gọi anh là... NGƯỜI HÙNG!

 - Ảnh 1.
Bức ảnh ấn tượng về hình ảnh một người thợ đào giếng xuyên đêm để cứu sống bé gái 7 tuổi.

Sự cố "lọt xuống giếng" này xảy ra tại xã T ân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong một lần đi chơi cùng bạn bè, bé gái Trần Tú Anh (7 tuổi) bất ngờ bị rơi xuống chiếc giếng khoan do người dân mới đào cách đó chừng một tháng.

Bé Tú Anh bị mắc kẹt dưới giếng và để cứu em, 66 người đã được huy động để chung tay đào bới đất đá suốt 8 tiếng đồng hồ. Chỉ có duy nhất một người đã tiếp cận đúng nơi em mắc kẹt và đưa em lên mặt đất. Đó chính là anh Trần Nguyên Phương (33 tuổi, P.Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương) - người đàn ông xuất hiện trong bức ảnh nêu trên.

 - Ảnh 2.
Khoảnh khắc giải cứu bé gái lọt xuống giếng khiến nhiều người xúc động.

Dù được nhiều người ngợi khen nhưng "chàng Thạch Sanh" Trần Nguyên Phương lại hết sức khiêm tốn. Anh nói: "Bức ảnh này chụp lúc chúng tôi còn... căng thẳng lắm, vì đã cứu được bé gái đâu. Thời điểm này anh em chỉ đào được khoảng 4 mét xuống giếng, rất mệt và nóng, khát nên tôi uống ngụm nước lấy sức đào tiếp, vô tình có người chụp lại, thế là mọi người bảo tôi là... người hùng. Kể cũng lạ, tôi chỉ là anh thợ mặc quần đùi, đi đào giếng, có phải anh hùng gì đâu".

Cảnh sát trẻ cứu hơn 50 người trong vụ cháy chung cư Xa La

Đó là câu chuyện về chàng hạ sĩ 9X Trương Duy Tùng (công tác tại đội Cảnh sát PCCC số 7, Thanh Trì, Hà Nội) - người đã cứu sống 50 nạn nhân mắc kẹt trong vụ cháy chung cư Xa La - Hà Đông (Hà Nội) hồi tháng 10 vừa qua.

Mặc dù CT4A mới là nơi bị cháy nhưng các tòa nhà bên cạnh lại trở thành nơi hứng chịu khói bụi và khí độc. Trong đó, tòa CT4B bị ảnh hưởng nặng nề, khói độc bao trùm toàn bộ các tầng. Để giải cứu nạn nhân mắc kẹt tại đây, hạ sĩ Trương Duy Tùng lúc đó đã một mình di chuyển qua các tầng, gom tất cả mọi người lên sân thượng tầng 35 tránh khói.

 - Ảnh 3.
Giây phút hạ sĩ Tùng vừa bước xuống khỏi tòa nhà CT4B, khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội).

Trong cuộc giải cứu này, Tùng không chỉ phải vận dụng toàn bộ kiến thức, kinh nghiệm mình có được mà còn phải rất can đảm. Anh thậm chí đã phải cố gắng hạn chế dùng bình oxy dù có lúc thấy mình đuối sức bởi anh lo sẽ không đủ bình oxy để cứu người.

Giữa lúc nguy nan, chàng trai 9X này lại trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhiều người. Anh liên tục trấn an và động viên họ vượt qua khó khăn. Thời khắc 50 người được giải cứu, chàng trai trẻ vui mừng và cố gắng đảm bảo an toàn cho mọi người rồi mới bước xuống.

 - Ảnh 4.
Hạ sĩ Trương Duy Tùng (SN 1993) - người đã khiến dư luận phải chú ý khi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chàng lính trẻ này đã giúp đỡ giải cứu được hơn 50 người.

Trong vụ cháy lớn này, hình ảnh một chàng trai trẻ lấm lem vì khói bụi, gương mặt đen nhẻm, thất thểu vì hít phải nhiều khói độc đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Công việc PCCC dù rất hiểm nguy nhưng đó là điều anh thực sự yêu thích và sẵn sàng xả thân để cống hiến, hy sinh một cách thật sự thầm lặng.

18 y bác sỹ nguy cơ phơi nhiễm HIV vì một ca đỡ đẻ

Câu chuyện này xảy ra vào hồi tháng 7. Một thai phụ tên N.T. H (Quảng Ninh) đã nhập viện trong tình trạng bị xuất huyết âm đạo nghiêm trọng, tính mạng hai mẹ con nguy kịch. Khi vừa được đưa vào bệnh viện Phụ sản Hà Nội cấp cứu, 18 y bác sĩ và 1 thực tập sinh đang túc trực ở bệnh viện lúc đó đã lập tức lao vào cứu giúp, phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật diễn ra bất ngờ. Các bác sĩ hoàn toàn không biết chị N.T.H mang H nên đã không thực hiện đầy đủ quy trình phòng hộ lao động mà chỉ tiến hành mổ đẻ như đối với các bệnh nhân bình thường.

 - Ảnh 5.
Bác sĩ Lưu Quốc Khải, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân

Kết quả là 19 người trực tiếp tham gia phẫu thuật đều có nguy cơ phơi nhiễm HIV. Tuy nhiên, rất may là bệnh nhân đang được điều trị ARV tại địa phương, vì thế khả năng lây nhiễm thấp hơn vì nồng độ virus trong máu ít hơn. Các cán bộ y tế đã được uống thuốc kịp thời, xét nghiệm HIV đều âm tính.

Tập thể các y bác sĩ tham gia cứu bệnh nhân hôm đó đều được tuyên dương, khen thưởng. Trả lời trước báo chí, tất cả các y, bác sĩ đều nói rằng, nếu vì cứu bệnh nhân mà họ phơi nhiễm với HIV, họ sẽ sẵn sàng chấp nhận.

Đây thực sự là một ví dụ tiêu biểu cho câu nói "lương y như từ mẫu". Chưa cần nói đến việc các bác sĩ đã đánh đổi sự an toàn của mình như thế nào, chỉ tính riêng việc khi thấy có người bệnh nguy cấp, họ sẵn sàng làm hết sức để cứu giúp bệnh nhân vượt qua được lưỡi hái tử thần đã là một hành động đáng trân quý.

30 tiếng tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sập mỏ than ở Hòa Bình

Vụ sập mỏ than xảy ra vào ngày 18/11 tại thôn xóm Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Sự cố này đã khiến 3 công nhân làm tại mỏ than bị mắc kẹt bên trong. Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, đến chiều cùng ngày lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của một nạn nhân, hai người khác vẫn mất tích.

 - Ảnh 6.
Các chiến sĩ cứu hộ phải ăn vội suất cơm hộp trong tình trạng toàn thân lấm đầy bùn đất
.

Để tìm kiếm thi thể 2 nạn nhân xấu số, 300 chiến sĩ đã được huy động thay phiên nhau vào hầm. Tuy nhiên, công tác cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn bởi đường hầm bên trong nhỏ không thể đưa được các máy chuyên dụng vào. Lực lượng chức năng phải đưa máy nổ cỡ nhỏ vào trong và xe rùa để đưa cát ra ngoài tiếp cận nơi các nạn nhân đang mắc kẹt.

 - Ảnh 7.
Để giải cứu các nạn nhân, họ thường xuyên phải ngâm mình trong nước từ lò than chảy ra đen xì, bẩn thỉu như thế này.

Nhiều chiến sĩ lực lượng cứu nạn bước ra khỏi cửa hầm với nét mặt phờ phạc, kiệt sức. Sau khoảng 30h liên tục đào bới và tìm kiếm, các chiến sĩ đã đưa được thi thể hai nạn nhân ra ngoài, giúp gia đình nạn nhân tổ chức mai táng.

Những anh hùng cứu hộ là một trong 20 đề cử của hạng mục Top 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2015.

Cổng bình chọn của WeChoice Awards 2015 chính thức được mở vào ngày 8/1 để độc giả tham gia vote cho những đề cử của mình tại tất cả các hạng mục trong khuôn khổ giải thưởng năm nay.

Ở giải thưởng WeChoice mùa 2, độc giả chỉ có thể bình chọn cho các đề cử qua app WeChoice Awards được tích hợp trong ứng dụng đọc tin Kenh14.vn. Download tại đây: trên IOS và trên Android.

Vào ngày 26/1, cổng bình chọn sẽ được đóng. Sau đó, BTC sẽ công bố những cái tên được vinh danh nằm trong các hạng mục giải thưởng của WeChoice Awards 2015 thông qua lễ trao giải được tổ chức tại TP. HCM.

aFamily

người hùng, thạch sanh, wechoice awards 2015, cháy chung cư, anh hùng


      © 2021 FAP
        4,020,497       815