Ai đã từng trải qua những cái Tết ngày xưa, có lẽ cũng từng một lần thốt lên rằng “Sao Tết xưa vui quá?”, đó không chỉ là hoài niệm về những niềm vui xưa cũ, mà thực sự, cái Tết nay đã dần mất đi những giá trị thật như tiếng cười vang giữa mai đào nở rộ.
Sao Tết xưa lại vui đến vậy?
Những ngày cuối năm, ngoài chuyện sắm sửa, chuẩn bị quà cáp, người ta còn nhắc nhau về câu chuyện Tết xưa: rằng khi ấy, dù thiếu thốn đủ điều nhưng Tết luôn vui, rộn ràng muôn vẻ. Con nít thì háo hức chờ được ăn miếng bánh chưng, bánh tét, được may bộ đồ mới, xúng xa xúng xính với bạn bè. Người lớn thì trước đó cả tháng trời chăm chút trong nhà, ngoài ngõ đầy công phu. Không khí rộn ràng ấy còn được vun vén bởi những câu chuyện kể râm ran, rằng phải làm điều tốt vì ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng, phải lì xì để con cháu mau ăn chóng lớn, phải khai bút đầu xuân để học hành tấn tới...
Nghĩ về Tết nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi thấy mọi chuyện sao qua loa, đại khái đến vậy. Tết mà cứ ào ào, góp nhặt mỗi nơi một tí cho xong. Thậm chí có người còn kháo nhau gộp luôn cả Tết Tây - Tết Ta, gói gọn trong vài ngày, lẹ hơn cả cái chớp mắt. Những nét văn hóa tốt đẹp cũng dần bị biến tướng, ví như tục lì xì chẳng hạn, làm mất đi sự thiêng liêng, niềm vui đơn thuần của Tết xưa.
Để Tết này tròn đầy niềm vui
Đứng trước những đổi thay đó, người sống hoài niệm ắt hẳn không khỏi tiếc nuối về niềm vui Tết cũ. Thế nhưng tại sao ta không thử dành một vài phút giây để suy nghĩ làm cách nào Tết này thêm vui? Để trẻ con lớn lên không nghĩ Tết chỉ là để đi du lịch, để ăn đồ mua sẵn – đơn giản đến thiệt thòi.
Sự thật thì niềm vui ngày Tết không phải là điều gì quá khó, đôi khi chỉ đơn giản đến từ việc chính chúng ta nở nụ cười. Nếu không có thời gian cùng nhau nấu bánh, nếu không có không gian để chưng mai, chưng đào thì ít nhất hãy cười với những người xung quanh. Vì tiếng cười với sức mạnh lan tỏa sẽ mang lại ngày Tết vui rộn ràng.