Đời sống

Nghiệp Booker: Vui nhiều mà buồn... cũng lắm

“Vốn đã làm nghề dịch vụ thì làm gì có chuyện chỉ làm 8 tiếng/ngày. 1,2 giờ sáng giật mình dậy, loay hoay đặt lại vé cho khách là chuyện như cơm bữa với bất kỳ Booker nào.”

Reservation and Ticketing Agent, còn gọi tắt là RTA, là những nhân viên chuyên đặt và bán vé máy bay. Riêng ở Việt Nam, người ta vẫn quen tai hơn với cái tên “Booker”. Dẫu cho ngày nay công nghệ mới đã cho phép khách hàng tự đặt và thanh toán vé máy bay. Nhưng đứng sau những hệ thống đặt vé tự động kia vẫn là những Booker dày dặn kinh nghiệm, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng khi cần thiết.

Nghề chọn người

Nghề Booker có thể xem là công việc bàn giấy thuần túy. Một ngày làm việc của Booker bao gồm nhận điện thoại, trả lời email hoặc tư vấn trực tiếp với khách hàng tại phòng vé; xử lý vé mới hoặc làm việc với hãng để điều chỉnh hành trình theo yêu cầu của khách hàng. Những công việc này lặp đi lặp lại và xem chừng có vẻ đơn giản và nhưng nó đòi hỏi ở người làm sự tỉ mỉ khi tiếp nhận thông tin và cẩn trọng khi thực hiện các thao tác liên quan đến vé. Bởi nếu có bất kỳ sai sót nào xảy ra dù là nhỏ nhất khi làm vé, Booker sẽ phải tự bỏ tiền túi để khắc phục thiệt hại. Vậy nên chuyện tháng này bị phạt vài trăm, tháng kia bị trừ vài triệu vào tiền lương không phải là điều gì mới mẻ.

Phía sau các hệ thống đặt vé tự động này là những Booker dày dặn kinh nghiệm, luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng khi cần thiết.

Không chỉ vững tay về nghiệp vụ vé, một Booker giỏi còn phải biết cách giao tiếp với khách hàng sao cho thật khéo. Khách mua vé không phải ai cũng hiểu rõ các quy tắc của ngành hàng không, họ chỉ cần biết mình mua vé ở đâu thì chỗ đó phải có trách nhiệm với mình. Vậy nên máy bay bị trễ, Booker là người bị nghe mắng. Hãng đổi giờ bay, Booker là người bị càm ràm. Đó là lý do mà Booker vừa phải biết cách trình bày vấn đề sao cho dễ hiểu nhất, vừa phải biết các thuyết phục để khách thông cảm với những thay đổi của hãng.

Người chọn nghề

Nghề nào cũng có cái vui, nghiệp nào mà chẳng có cái buồn. Vậy nên dù biết nghề khó nhưng vẫn có những người chấp nhận chọn nghề, yêu nghề và sống với nghề. Khi được hỏi vì sao vẫn có thể gắn bó suốt 8 năm trời với nghề dù gặp không ít khó khăn, chị Hằng - một trong những Booker tại VeMayBay.vn chỉ trả lời đơn giản: “Lúc mới vô nghề đâu có biết khó khăn nhiều vậy, làm riết rồi quen nên theo luôn. Mà ai cũng sợ cực thì chắc hông ai dám làm Booker.”

Cùng câu hỏi như trên nhưng anh Trung lại có những suy nghĩ rất khác. Theo anh thì chính những lúc được tiếp xúc với khách hàng, hỗ trợ khách đặt vé cũng như giúp họ giải quyết những khó khăn gặp phải trên chuyến đi (như thất lạc hành lý chẳng hạn) là những điều anh thích nhất khi theo nghề Booker. “Nhiều khách hàng sau đó xem mình như bạn, có chuyện gì cũng gọi điện kể làm mình cũng thấy vui bởi có tin tưởng thì họ mới nói cho nghe chứ”.

 

Sống với nghề

Cuộc sống vốn có nhiều ngã rẽ bất ngờ, những người đang làm Booker chưa hẳn đã đoán trước những vui buồn mà nghề này sẽ mang lại. Nhưng bản thân mỗi Booker có lẽ luôn có những lý do rất riêng để giúp họ có thể tiếp tục tận tụy với nghề. Để rồi ngày ngày họ vẫn cần mẫn với nghề vé, giúp giải đáp từng thắc mắc dù nhỏ nhất của khách hàng sao cho mỗi hành trình của khách thực sự là một chuyến đi vô lo.

aFamily

      © 2021 FAP
        3,920,048       218