"Có những nỗi đau tự mình phải kết thúc. Có những giọt nước mắt tự mình phải lau khô. Và có những nụ cười tự mình phải tìm lại".
Lần đầu gặp gỡ, khó có thể đoán tuổi của cô gái này. Cô be bé, xinh xinh với mái tóc ngắn và nụ cười mang chiếc răng khểnh luôn thường trực trên môi...
Dương Thùy Linh - 27 tuổi
- Tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông – Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Tốt nghiệp hệ thạc sỹ chuyên ngành văn hóa giáo dục trường Đại học Saga (Nhật Bản).
- Hiện tại đang là giảng viên tiếng Nhật trường Đại học Quốc tế Nagasaki.
- Admin của Page tiếng Nhật Sugoi và Group Cộng đồng Việt Nhật.
Thành thích đạt được:
- Học bổng Rotary
- 15 cúp và bằng khen giải thưởng âm nhạc tại Nhật.
- Bằng khen của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka về các đóng góp cho các hoạt động của Hội sinh viên tại Fukuoka. |
Tôi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nhật, muốn một lần đặt chân đến Nhật để nói tiếng Nhật hàng ngày và xem cuộc sống ở đó thế nào. Tôi cố gắng có được học bổng sang Nhật để học thạc sỹ và rồi may mắn được nhận làm con nuôi ở một gia đình người bản xứ, bắt đầu sự nghiệp dạy học... cứ thế cũng đã 5 năm trôi qua.
Về việc được nhận làm con nuôi ở Nhật cũng rất có nhiều bạn hỏi, hôm đó bố mẹ nuôi tôi đến làm khán giả nghe hát, rồi chủ động bắt chuyện với tôi. Lúc đầu chỉ là thỉnh thoảng mình đến homestay, nhưng rồi duyên phận thế nào tôi xin việc được ở gần nhà bố mẹ nên mẹ ngỏ lời bảo về sống cùng. Mà chẳng nhẽ sống cùng nhà nhau lại không gọi nhau là bố mẹ, gọi con của bố mẹ là anh chị. Đơn giản vậy thôi, không có bất kỳ thủ tục hành chính, pháp lý gì cả.
Tôi đã homestay khá nhiều tại các gia đình người Nhật, và thấy một điểm chung rất đặc trưng: Với người Nhật, bố mẹ và con cái tuy là máu mủ ruột già nhưng không tình cảm hay sướt mướt đâu. Ai làm việc người đó, nghe thì hơi phũ nhưng sự thật là thế. Bởi người Nhật họ thích độc lập, không thích phiền hà. Bố mẹ đẻ của tôi sang Nhật chơi, cũng thấy ngạc nhiên bảo sao con gái gần nhà bố mẹ mà chẳng thấy sang hỏi thăm, biếu bố mẹ quà bánh hay chút tiền ăn vặt này kia.
Bố nuôi tôi đến tuổi về hưu rồi, vẫn đi làm vì người Nhật không có tư tưởng để con cái nuôi, đi làm rồi tiết kiệm tiền, tự hưởng thụ hoặc lúc già yếu thì vào viện dưỡng lão.
Bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước xa xôi hẳn sẽ có rất nhiều khó khăn, vấp váp? Linh đã vượt qua những điều đó ra sao?
Khó khăn, vấp váp thì đương nhiên là có rồi ví dụ như rào cản về ngôn ngữ, bất đồng về văn hóa,... nhưng tôi luôn quan niệm rằng nhập gia thì phải tùy tục nên cũng dễ bắt nhịp và thích ứng. Tuy nhiên, cũng cần phải biết chắt lọc và lựa chọn những điều hay để học hỏi, bởi không phải cái gì liên quan đến Nhật cũng tốt.
Sống cần có mục tiêu, và để chạm đến mục tiêu chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thất bại, và tiếc nuối. Ai cũng vậy, hơn nhau chỉ là ở chỗ có đứng dậy mà đi tiếp được hay không thôi.
Linh thấy phụ nữ ở Nhật có dịu dàng, cam chịu như trong những bộ phim?
Không hề, chí ít là với những người phụ nữ tôi đã từng tiếp xúc. Về cơ bản, họ vẫn làm tốt việc gia đình, hoàn thành trọn vẹn vai một người vợ, người mẹ nhưng họ vẫn là những người năng động, mạnh mẽ ngoài xã hội. Tôi từng chứng kiến có trường hợp chồng ở nhà bế con cho vợ đi thi hát. Cuộc sống ở đâu cũng có những điều thú vị phải không?
Cô gái xinh xắn Dương Thùy Linh. |
Lúc đi, tôi chỉ nghĩ đến việc mình sẽ cố gắng sống tốt và tốt nghiệp thành công, chứ không nghĩ nhiều về việc đi hay ở. Còn đến bây giờ, tôi coi Nhật là nhà của tôi rồi, nên có ở lại hay về thì cũng là ở nhà của mình, và về nhà của mình mà thôi. Một năm tôi vẫn dành 1 đến 2 lần về nước, bố mẹ và gia đình tôi cũng không quá quan trọng việc tôi ở lại hay về nước nữa, miễn sao tôi được thấy thoải mái và hạnh phúc.
Hiện tại dư luận ở trong nước đang tranh cãi chuyện "du học sinh, đi đi đừng về!". Nói rằng môi trường trong nước không trọng dụng nhân tài, và nước ngoài là môi trường lý tưởng hơn để sống, làm việc. Linh nghĩ gì về chuyện này?
Tôi cũng có đọc một số bài báo phỏng vấn các cựu quán quân của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” nói về vấn đề này. Thật ra, nếu bảo “Du học, đi đi đừng về” thì hơi cực đoan bởi nếu thật sự có tài thì vứt ở đâu cũng sống được, kể cả trong một môi trường chưa hoàn hảo, thì họ-những người có tài vẫn sẽ biết cách tạo ra cơ hội cho mình.
Tôi quen một vài người sẵn sàng bỏ một công việc tốt, một cuộc sống tốt tại Nhật để về nước lập nghiệp từ con số 0. Về hay ở là quan điểm của từng người, và cũng đừng nên nghe ai khuyên bảo, hãy nghe chính bản thân mình. Còn với riêng cá nhân tôi, tôi quan niệm rằng tuổi trẻ chỉ có một lần nên khi còn trẻ hãy đi ra ngoài trải nghiệm thật nhiều. Ở đâu không quan trọng bằng việc chúng ta làm được những gì.
"Bí quyết" thành công ở xứ khác, theo Linh, một người phụ nữ cần làm gì?
Mạnh mẽ, lạc quan và biết tận dụng mọi thế mạnh mà mình có. Ở bản thân mình, tôi có giọng hát.
Tôi từng đọc được một câu nói: "成功したいなら、成功者を演じればいい" (Nếu muốn thành công, hãy đóng vai một người thành công là được).
Mỗi khoảnh khắc trôi qua dù vui hay buồn nó cũng dạy tôi phải biết trân trọng và tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình.
Kho giải thưởng của Dương Linh. |
Gọi là nhiều nhưng có đếm cũng chưa hết một bàn tay đâu ( Cười). Tính tôi khá nghệ sĩ, khi yêu tôi luôn nhiệt thành và say đắm nhưng có lẽ để tiến đến hôn nhân lâu dài thì tình yêu thôi chưa đủ. Tôi tìm kiếm một người đàn ông mà khi tôi lấy người ấy, tôi vẫn được là chính tôi. Tôi không thích dùng từ “Phải” hay “Hi sinh” cho một cuộc hôn nhân, vì tính tôi không chịu được tù túng và gò bó. Và trên hết, tôi nghĩ nếu hai tâm hồn thật sự đồng điệu, bản thân ắt sẽ tự biết suy nghĩ cho đối phương.
Đàn ông ở Nhật Bản và Việt Nam, theo bạn khác và giống nhau như thế nào?
Giống ở chỗ họ đều là đàn ông châu Á, nên quan niệm về gia đình khá giống nhau. Hồi đầu mới sang thì tôi thấy đàn ông Nhật khá lạnh, không lãng mạn và tâm lý bằng đàn ông Việt, nhưng giờ thì chẳng thiết so sánh nữa, vì ở đâu cũng có người này người kia, và quan trọng là bản thân mình như thế nào nữa.
Nụ cười và nước mắt của một người phụ nữ không chỉ đơn thuần do người đàn ông mang đến đâu, chúng còn phụ thuộc vào chính người phụ nữ đó. Bởi vậy, tôi luôn muốn mình trở thành một người con gái độc lập và chủ động trong mọi việc. Tôi làm những việc mang đến cho tôi niềm vui và nụ cười, và cũng có thể mang đến cho chính tôi những giọt nước mắt, miễn tất cả do tôi quyết định là đủ. Tôi sợ sự dày vò, níu kéo, dằn vặt, bởi mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, nên hãy sống cho thoả, cho đã...
Linh được yêu thích bởi giọng hát vàng anh, bạn có bao giờ nghĩ mình sẽ tham gia một cuộc thi, và trở thành Idol ở nước Nhật?
Thực tế thì tôi đi thi rất nhiều cuộc thi ở Nhật rồi nhưng việc trở thành Idol ở Nhật thì tôi chưa nghĩ đến, vì để thành Idol không phải việc một sớm, một chiều, chưa kể nó còn dựa vào yếu tố may mắn. Tôi chỉ muốn được đi hát nhiều, nhiều người biết đến giọng hát của mình, và ấp ủ cho riêng mình một CD nào đó.
Nếu như đổi giọng hát lấy 1 số tiền khổng lồ, 10 tỉ chẳng hạn, bạn có đổi không?
Cuộc đời tôi có hai sân khấu vô cùng ý nghĩa. Một là sân khấu âm nhạc và hai là sân khấu giảng đường.
Tôi chả dại đổi. Giọng hát là của bố mẹ cho nên đổi giọng hát để lấy 10 tỉ thì có khác nào đổi bố, đổi mẹ. Tôi có thể kiếm tiền từ chính giọng hát của mình, đến 10 tỉ thì tôi không dám mơ tới, nhưng thật may tôi cũng không phải là người ham giàu có.
Với Thùy Linh, Nhật Bản là đất nước thực sự lý tưởng.
Một lời khuyên cho bạn dành cho những ai đang ấp ủ giấc mơ về cuộc sống ở Nhật?
Nhật không phải là một quốc gia thiên đường như nhiều lời đồn đại mật ngọt. Đừng nôn nóng hay mang tư tưởng muốn làm kinh tế khi sang Nhật. Nhật chỉ thực sự là điểm đến lý tưởng cho những người biết tin vào bản thân mình, quyết đi đến cùng với ước mơ mình lựa chọn và biết cho tuổi trẻ của mình có cơ hội được mở mang.
phụ nữ, đàn ông, nhật bản, cô gái