“…cuối cùng mẹ Việt nhà mình vẫn thích nuôi con bằng tai bằng mắt thay vì bằng não thì phải?...cứ hễ mắt thấy nó đẹp, bóng bẩy, tươi tắn, nghe người nọ rỉ tai cái gì tốt là rước cái đó về bằng được cho con mình.”
Cây bút sắc sảo Trang Hạ lại vừa khiến “cư dân mạng” sôi sục bởi bài viết lên án các mẹ Việt trên trang cá nhân và nhận về không ít những tranh cãi nảy lửa, kèm “gạch đá”. Nhân sự việc này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cô về góc nhìn này.
"Mắng" để các mẹ "tỉnh ngộ"
Theo nhà văn Trang Hạ, việc cô “quá lời” trên trang cá nhân bởi cảm thấy đã đến lúc cần phải thẳng thắn cho các mẹ nhìn thấy cốt lõi của vấn đề về việc mua bán sản phẩm, nhất là mặt hàng thực phẩm tại Việt Nam. Tâm lý của các mẹ luôn muốn mua món đồ tốt nhất cho con mình, vô hình chung đã khiến nhãn hàng lợi dụng điểm này để quảng cáo “vống” về chất lượng của sản phẩm. Thay vì kiểm tra, kiểm chứng, truy xuất nguồn gốc, các mẹ lại tin một cách mù quáng, đua nhau mua dùng cho con hằng ngày chỉ vì “tốt cho trẻ”.
Trang Hạ đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng cho thấy, nếu chỉ tin vào lời người bán thì các mẹ sẽ phải chịu thiệt. “Có một đợt mẹ nào cũng đua nhau mua váng sữa cho con ăn chỉ vì tin lời quảng cáo váng sữa cung cấp nhiều vi chất hơn, hàm lượng canxi cao hơn sữa thông thường nên giúp tăng chiều cao nhanh hơn, khiến cho giá thành của sản phẩm được đẩy lên cao so với giá trị thực. Nhưng thực tế váng sữa chỉ là một món tráng miệng tại Pháp, được sử dụng một cách đại trà. Khi chuyện này được một mẹ khui ra, đâu phải ai cũng lập tức tin vào “sự thật phũ phàng”!” – Cô chia sẻ.
“Hay như việc các mẹ đua nhau mua yến sào để về nấu cho con ăn chỉ vì thông tin giúp con tăng sức đề kháng. Nhưng có ai đảm bảo được yến của mình mua là đồ thật 100%? Hay hiện tại báo chí vẫn đưa tin về yến nhái, yến trộn? Thực tế là có một mẹ nổi tiếng bán yến trên facebook cũng từng bị người mua “lật tẩy” bán yến huyết dởm, lừa người dùng bằng cách trộn phẩm màu. Vậy liệu các nhãn hàng trong công đoạn chế biến có dùng chất tẩy trắng hay không? Các mẹ nghĩ sao khi tổ yến thường có màu trắng ngà nhưng đến tay chúng ta lại có màu “trắng sáng”?” – Trang Hạ bức xúc.
Trang Hạ cũng cho rằng, sản phẩm nhập nhèm nguồn gốc nhất hiện nay chính là sữa bột dành cho trẻ. Cô dẫn chứng: “Sữa Alpha Lipid một thời làm mưa làm gió, các mẹ săn lùng. Rồi đùng một cái sóng thần xảy ra tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima, các mẹ đồng loạt tẩy chay vì truy xuất nguồn gốc từ Nhật. Nhãn hàng xấc bấc xang bang đi chứng minh nguồn gốc là từ New Zealand. Cuối cùng một mẹ trên WTT khui ra ngay tại New Zealand thì sữa này vẫn chứa một vi chất bị cấm. Vụ này gây ồn ào suốt một thời gian. Bạn thấy đấy, các mẹ tin nhãn hàng bỏ tiền ra mua sản phẩm, rồi tự bản thân phải lặn lội đi truy xuất nguồn gốc, cuối cùng nhận lại kết quả là chịu thiệt về bản thân bởi không biết kêu ai. Như vậy không phải là rất không công bằng sao?”.
"Nên hay không tùy thuộc vào sự thông thái của các mẹ”
Theo Trang Hạ, cô chỉ muốn các mẹ tỉnh táo hơn, nên biết truy xuất nguồn gốc của sản phẩm thay vì chỉ nghe lời người này người kia rỉ tai cho bởi kinh doanh trên sự minh bạch ở Việt Nam là điều hiếm. Cô cho rằng: “Thay vì mua lấy “thiệt hại”, chi bằng các mẹ đòi hỏi sự minh bạch có phải hơn không? Thực lòng khi mua hàng cho con các mẹ có muốn biết nguồn gốc công khai không? Hay cứ kệ cho nhãn hàng quảng cáo thế nào thì tin thế đó? Điều này là tùy vào sự lựa chọn của các mẹ”.
Trang Hạ cũng khẳng định bản thân cô ủng hộ việc truy xuất nguồn gốc để bảo vệ người tiêu dùng. Các em bé không có lựa chọn nên các bà các mẹ hãy là người làm việc đó để bảo vệ sức khỏe cho chính con em mình. “Nếu như các mẹ “đá trái banh” trách nhiệm cho nhà sản xuất vì không chịu minh bạch thông tin thì tôi không tán thành. Trên thực tế, hiện nay một số sản phẩm với công nghệ truy xuất nguồn gốc đã có mặt trên thị trường Việt Nam. Ví như một nhãn sữa đến từ Ireland với công nghệ truy xuất nguồn gốc cho phép người tiêu dùng “truy” ra tất tần tận thông tin của sản sẩm từ nguồn gốc nguồn sữa tươi nguyên liệu, mô hình trang trại và chế độ chăm sóc bò sữa, ngày thu hoạch sữa tươi, điều kiện bảo quản nguồn sữa trước khi đưa vào sản xuất, quy trình sản xuất, chi tiết về công thức dinh dưỡng cho tới việc kiểm nghiệm và các tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ bằng một bước đơn giản là nhập mã sản phẩm in dưới đáy lon vào website của sản phẩm, các mẹ có thể hiểu trọn vẹn về nguồn sữa dành cho con mình. Nếu chúng ta ủng hộ những nhà sản xuất minh bạch thông tin, thì tôi tin rằng sức mạnh của các mẹ sẽ mở lối cho các nhà sản xuất khác minh bạch trong kinh doanh và mang lại quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng là chúng ta.”- Cô kết luận.